Theo đó, Hội Sân khấu TPHCM cho biết, Hiệp hội Sân khấu Busan (Hàn Quốc) chính thức mời vở kịch Đồng chí (kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu - Quốc Thịnh) của Hội Sân khấu TPHCM tham dự Liên hoan Sân khấu Busan 2025 - lần thứ 43. Liên hoan sẽ diễn ra tại nhiều địa điểm biểu diễn nghệ thuật của TP Busan từ ngày 3 đến 20/4.
BTC cho biết, Đồng chí cũng là vở diễn nước ngoài đầu tiên được biểu diễn trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu Busan - lễ hội sân khấu lớn bậc nhất Hàn Quốc tại nhà hát thuộc Trung tâm Điện ảnh Busan với 2 suất diễn vào ngày 5 và 6/4.
![]() |
Kịch bản Đồng chí của tác giả Lê Thu Hạnh từng đạt giải A từ trại sáng tác của Hội Sân khấu TP.HCM năm 2024. Ảnh một phân cảnh của vở diễn. Nguồn Internet |
Đồng chí là câu chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Đó là hành trình của những người lính như ông Trung, Tâm, Chín…Trong một trận càn của địch, bom đạn trút xuống như mưa. 2/3 quân số của ta hy sinh, những người còn lại đều bị thương. Trong khoảnh khắc sinh tử đó, có lệnh từ trên xuống yêu cầu mọi người phải rút quân.Chín bị thương nát chân không thể chạy được. Trong giờ phút đó, đội trưởng Trung bất chấp hiểm nguy cố cứu Chín dù biết rằng khả năng mất mạng rất cao. Hòa bình lập lại, những người lính năm xưa giờ đã già. Và họ phải đối diện với cuộc chiến thời bình đôi lúc còn gai góc hơn chiến tranh.
Đôi lúc họ dường như bị xô đẩy và quên đi lòng tự trọng của người lính, như ông Trung chạy ngược chạy xuôi nhờ vả bạn bè cứu sai phạm của con mình.
Câu chuyện của ông Trung không phải là câu chuyện cá nhân mà nó khiến người ta đau đáu khi có những Cựu chiến binh cũng bị mài mòn bởi thời gian. Thậm chí tha hóa mà quên mất một thời cùng đồng đội đối diện sinh tử, cùng khát khao những lý tưởng cao đẹp.
Có những đồng chí đã ngã xuống khi tuổi vừa đôi mươi. Trong giây phút đó, những người còn lại đau đớn và trân quý vì có cơ may được sống tiếp. Họ thầm hứa sẽ sống thật đẹp, thật ý nghĩa, mà nay sao lại quên?
Với chủ đề “Busan - thành phố tuyệt vời để người trẻ sáng tạo sân khấu và người dân thưởng thức sân khấu” (tạm dịch), Liên hoan Sân khấu Busan 2025 có 24 buổi biểu diễn và 14 sự kiện bên lề. Đặc biệt, năm nay, hoạt động tại liên hoan cũng đa dạng hơn với mục tiêu tăng cường tính phổ biến và tập trung vào 3 từ khóa là “thanh niên”, “công dân” và “giao lưu quốc tế”. |
Nghệ sĩ Chánh Trực bày tỏ sự xúc động và vinh dự khi thấy tên vở Đồng chí xuất hiện trong lịch trình liên hoan. Theo anh, ngoài việc “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” thì việc được khóc cười trong 1 khán phòng thật đẹp đã là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ.
Ngoài vở kịch Đồng chí từ TPHCM, ban tổ chức cho biết điểm nhấn của Liên hoan Sân khấu Busan lần này còn là Play-back, 100, Back-stage – vở diễn chung của các đoàn kịch thanh thiếu niên Busan. Vở kịch được sáng tác bởi 4 đạo diễn được lựa chọn thông qua cuộc thi công khai và 100 diễn viên trẻ địa phương với mục đích mang đến cơ hội trải nghiệm sân khấu cho nhiều người trẻ hơn.
Bên cạnh đó, cuộc thi sân khấu công dân Busan dành cho các đội nhóm sân khấu nghiệp dư với phần biểu diễn của 10 nhóm, câu lạc bộ sân khấu học đường, người khuyết tật và những người yêu thích sân khấu cũng được quan tâm.