Tiếng gọi đêm cuối năm - truyện ngắn của Bùi Thị Như Lan |
Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Hai bên đường, từng cột đèn cao áp tỏa sáng trong làn mưa bụi, khẽ khàng buông lơi trên những cây hoa đào hồng rực, đan xen giữa vô vàn cây quất khoe tán trĩu trịt quả. Muôn ánh đèn hối hả của các loại ô tô, xe máy như dòng sông rực rỡ sắc màu không ngừng chảy. Người xe nườm nượp đi chơi chợ hoa. Họ khảo giá, xem, chọn lựa, ngắm nghía mua về nhà cành đào ưng ý nhất, cây quất quả tròn đầy xum xuê, mong ước năm mới gia đình an vượng.
Đấy, ông bà chủ nhà chị ở đã trưng giữa phòng khách cây quất to, quả nào cũng bằng cái chén hạt mít mọng vàng. Đối diện với cây quất là gốc đào phai cổ thụ, thân nó gần bằng gốc đào ngoài ngõ nhà chị. Ngoài sân, bên những gốc hồng cổ, hoa to bằng cái bát tỏa sắc, khoe hương, có thêm sự hiện diện của cây bưởi đeo quả sai lúc lỉu. Ôi chao! Chị chưa nhìn thấy loại bưởi này bao giờ. Những quả bưởi này da căng mịn, óng vàng nổi bật những chữ “phúc”, “lộc” màu đỏ tươi tắn. Rồi thì đèn lồng hình trái tim to, nhỏ, làm bằng lụa đủ sắc màu rực rỡ, nối nhau giăng giăng từ cổng vào đến trong nhà. Chập tối tụi đèn lồng này được bật sáng lung linh nom như cung điện. Thật thích mắt.
Sự xa hoa nơi phố lạ làm chị lạc lõng và tủi thân. Chị nhớ nhà, nhớ mẹ chồng, nhớ chồng con day dứt cồn quặn tâm can. Chị muốn khóc mà không thể khóc nổi. Nhiều lần chị muốn chạy khỏi ngôi biệt thự xa hoa, nhưng miếng cơm, manh áo, gạo, tiền chu cấp cho mẹ chồng và con ở nơi heo hút trên núi, ngăn chân chị lại.
Đã bao lần chị tự dằn vặt, cấu xé lương tâm mình bằng những câu hỏi vụn vỡ. Cũng không nhớ nổi biết mấy mươi lần chị vò đầu, bứt tai, tự đấm thùm thụp vào bộ ngực tràn căng hai bầu sữa, ngửa mặt lên vòm trời ngàn sao đêm, thầm thì với thằng con hãy tha lỗi cho chị.
Ở đây, ngoài đứa trẻ kém con chị hai tháng tuổi, ngày ngày được chị ãm bồng, ru rím cho bú, thì chị có cảm giác, bất cứ ai trong căn nhà này, dù họ không phải ông bà chủ, chỉ là người quét dọn, cắt hoa, dãy cỏ, tỉa cây cảnh, nấu cơm, lau nhà… cũng nhìn chị với ánh mắt không cảm thông. Dẫu vẫn biết, tất thảy người làm trong nhà vẫn nói chuyện, hỏi han chị mỗi khi có dịp gần gũi, song chính chị không dám mở lòng tâm sự vì mặc cảm. Chị luôn canh cánh nỗi niềm của người mẹ bỏ con khát sữa nơi quê nhà, xuống núi kiếm tiền.
Chị lụi cụi một mình giữa chốn lạ. Lúc nào chị cũng đăm đắm nhìn về nơi xa xăm, vô định, mông lung, không phân biệt đâu là hướng nhà mình. Mắt chị bị ngăn lại bởi những ngôi nhà tầng san sát, ken dày, chật chội. Có lẽ nơi chị có thể nhìn xa nhất là bầu trời cao tít. Mà trời ở phố thì chỉ là một khoảng không gian chật hẹp, ngăn giới hạn của ánh mắt, bởi được vây kín những nhà cao tầng ngạo nghễ. Phố xá khác xa với không gian rộng lớn, bao la trời quê núi nhà chị.
Trên quê chị, vào thời khắc đêm gần Tết như thế này trời tràn căng gió thổi. Gió vô tư mang hương hoa đào, hoa lê, hoa mận… cùng vị ngọt thơm của rượu men lá, bánh chưng, bánh khảo... bay khắp bản làng. Gió khe khẽ lay tụi cây rừng hé mắt, nảy mầm. Gió thầm thì gọi cỏ vươn lá non tơ, mềm mại đón xuân về. Gió nhảy nhót trên mặt nước sông Nậm Ruổi, tạo muôn vàn con sóng, rồi bất thình lình tung hứng, ùa ập, ầm ầm vỗ bờ đá, làm nên dòng thanh âm hoang dã, nhưng bay bổng, của thời khắc trước thềm xuân.
Bằng giờ này năm ngoái, thằng con chị vẫn nằm trong bụng chị mà ngủ. Lúc ấy, nó chờ đến ngày chào đời. Chị mặc kệ bụng to, hăng hái ngồi gói bánh chưng, bánh “coóc mò” cùng mé chồng.
Nhớ sao cái Tết đầu tiên vắng anh. Gian nhà rộng rênh, không tiếng thở, tiếng nói của anh. Mé chồng chị ngồi gói bánh mà mắt thư thoảng lại nhìn ra ngoài ngõ, nơi cây đào đang e ấp những chùm hoa hồng rực giữa làn sương mờ, rồi mé chồng thở dài. Tiếng thở nặng nề, lặng lẽ nén trong lồng ngực, giống tiếng gió réo qua vách núi của mé lây sang chị. Dường như không chịu nổi sự chờ đợi con trai trong vô vọng, mé chồng chép miệng:
- Con dâu à, thằng Phiến dù đi làm ăn xa mấy thì ngày Tết cũng phải nhớ mà về. Không biết gặp chuyện gì mà sao giờ này vẫn chưa thấy bóng dáng. Nó không nóng bụng hay sao? Nó phải để mé cùng vợ con nó mong mới được a?
Đang rối tinh trong đầu, nghe mé chồng nói thế chị tủi thân, nước mắt ngấn ứ mí mắt, giàn giụa vệt ngắn, vệt dài trên khuôn mặt trắng hồng. Mé chồng khẽ lắc đầu an ủi:
- Hôm nay mới ngày hai mươi sáu Tết thôi mà. Chưa đến ba mươi chưa phải Tết, chắc nó đang trên đường về. Con dâu đừng khóc. Nước mắt làm đứa cháu sinh ra có khuôn mặt buồn thì tội lắm.
Nghe mé chồng nói thế, chị khe khẽ nói:
- Mé à, con nông nổi làm mé buồn thêm. Mé nói đúng, có lẽ anh Phiến đang trên đường về.
Chị nói thế vừa như giúp mé an lòng, lại vừa để chị níu kéo hy vọng, anh sẽ về thắp hương ông bà gia tiên như mọi năm. Tết đến nơi rồi, trong nhà không có bóng đàn ông mới thấy hiu quạnh. Vắng anh, cây trong vườn nhà không được quét vôi dưới gốc. Thường thì công việc mặc áo cho gốc cây là đàn ông làm. Anh không có nhà thì chịu vậy thôi.
Chờ đợi, mong ngóng mãi, thế nhưng cái Tết qua đi lâu rồi, những chiếc bánh chưng phần anh, luộc đi, luộc lại mấy lần, lá dong gói bên ngoài bạc phếch, lên mốc lấm tấm chồng chị vẫn không về.
Tết năm ấy, hai mé con gượng vui khi họ hàng người bản đến chúc phúc đầu năm. Mé chồng nói với chị, năm mới phải vui, không được để cái buồn len lỏi vào trong lòng, có thế thì cả năm mới may mắn. Vậy mà, mới qua Tết được hai tháng thì bản nhỏ êm ấm xảy ra chuyện.
*
… Tiếng sấm inh oang, gầm gào dội từ trên trời xuống bản Nà Miền đinh tai, nhức óc. Lửa trời, đánh vào đỉnh núi sáng lóa. Mé chồng chị đứng ở đầu hồi nhà, đôi mắt hốt hoảng nhìn lên đỉnh núi Pụ Nàn, lo lắng nói:
- Con dâu à, trời đen kịt màu tro mà sấm chớp thế này là mưa to lắm đấy. Năm nay, mới đầu tháng Ba, ông trời đổ nước sớm thì cái đói chạy vào nhà người bản thôi.
Chị ôm chặt thằng con bé bỏng trong lòng, nhìn gương mặt đỏ hồng bụ bẫm của nó, chị quay ra cửa, thở dài trĩu nặng, nói với mé chồng:
- Mé à, hôm trước họp dân, cán bộ xã bảo, năm nay mùa mưa đến sớm, đề phòng lũ quét, sạt đất, các nhà ven suối khi thấy trời mưa phải tự giác di rời đến nơi an toàn.
- Ừ. Nhà có vài bao ngô, bao thóc thôi mà! - Mé chồng sau một phút ngưng lại thì giục: Con dâu cho quần áo của mẹ con vào túi bộc sẵn đi. Nước dưới suối đỏ đục giống mắt trâu điên thế kia chắc có chuyện đấy. Nhà mình sang bên trường học trú nhờ cho an yên. Bên ấy cao, chắc chắn, lại xa suối.
Vừa nói, mé chồng vừa nhanh tay quýnh quáng, nhét vội vài bộ quần áo, một số giấy tờ vào tay nải.
Chị thở dài, ngậm ngùi nhìn sang chuồng lợn, chỗ mẹ con đàn lợn nái và mấy con lợn bột, ngập ngừng: Mé, còn tụi lợn tính sao?
- Ầy! Kệ nó thôi. Không nhanh thì người còn không giữ nổi, nói gì đến lợn với gà.
Gió ào ạt kéo đến. Gió túm chặt mấy mẹ con, bà cháu như muốn cuốn trôi đi. Cây rừng nghiêng ngả. Tiếng rít của gió như thể tiếng tru của bầy chó hoang hung dữ. Bụi lốc xoáy lá cây bay tít lên cao, rồi quăng quật ném xuống mặt suối ầm ầm…
Mé cùng chị đến khu trường học của trẻ con thì các gia đình người bản gần như tề tựu ở đấy tránh mưa to, gió lớn từ bao giờ. Mọi người ai nấy đều lo lắng vì giông lốc.
Nhìn quanh thấy toàn người già, phụ nữ và trẻ con. Tết qua rồi thì người khỏe mạnh, thanh niên trai tráng tản mát đi làm ăn nơi xa. Và, có một điều nhức nhối trong bụng không ai nói ra. Vùng này, khắp xã trên, xã dưới quanh núi Pụ Nàn, tụi thanh niên nam nữ và đàn ông thì thầm rủ nhau kéo đi xuống phố làm ăn thì ít, mà trốn sang bên kia biên giới làm cho dân nước láng giềng thì nhiều.
Chị nghe nói, dân mình sang làm ăn bên ấy phải sống chui lủi, không ló mặt ra ngoài đường vì nhập cư bất hợp pháp. Khổ nhất khi ốm đau, nằm một chỗ. Thì người chứ có phải cỗ máy đâu mà làm không mỏi mệt. Máy móc như cái đài pin nhà chị, chạy mãi cũng ọ ẹ, lúc nói thành tiếng, lúc kêu o o loẹt xoẹt đấy thôi.
Năm nay đang dịch Covid hoành hành trên khắp thế giới. Người người, nhà nhà lo lắng. Chị nghe đài, ti vi nói đại dịch này khởi nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc), nhiều người nhiễm bệnh không chữa trị kịp thời nên tử vong. Số người nhiễm bệnh tăng theo từng giờ, từng ngày. Thật lo quá đi. Vậy mà, bố thằng con chị chưa thấy về. Không hiểu ở nơi xa xôi ấy, anh Phiến cùng nhiều lao động trong vùng có biết thông tin về dịch bệnh không? Nghĩ đến chuyện này mà bụng chị như có chảo mỡ sôi réo.
Chị khẽ rùng mình ớn lạnh. Tay ôm thằng con mà bụng lo lắng quặn thắt khi nghĩ đến anh. Cố xua đi những điều ám ảnh trong đầu mà không thể. Gió không ngừng rít. Sấm chớp vẫn rạch nát bầu trời thành trăm ngàn vụn vỡ. Mưa như thác đổ.
Bỗng nhiên có tiếng nổ đinh tai nhức óc. Đất dưới chân rùng rùng chấn động. Từ đỉnh núi Pụ Nàn cao tít, đất đá thi nhau lăn xuống. Nước lũ cuồn cuộn trôi kéo theo cây rừng to bằng con trâu, con bò chạy băng băng, ùa ập vào bản. Ai nấy sững sờ nhìn những nếp nhà bị đất đá san vùi. Mắt đỏ lên sau những tiếng nấc nghẹn.
Công sức từ thời tổ tiên ông bà khai đất, lập bản đã bị trời xóa rồi. Có cái nếp nhà trú mưa, tránh nắng cũng không giữ nổi. Cái nghèo bao năm nay đeo bám, giờ lại càng khổ hơn…
*
Tối nay, thằng bé con chủ nhà ngủ sớm sau khi bú căng bụng bầu sữa ngọt ngào của chị. Hai má của nó đỏ căng hồng hào, miệng he hé như muốn cười. Nó trong trắng quá thôi. Nó đâu biết dòng sữa ngày ngày nuôi nó lớn lên bụ bẫm từ người không phải là mẹ đẻ nó. Nhìn thằng bé chị xót xa, cồn quặn ruột gan, nhớ con mình.
Ừ, con chị bây giờ lớn bằng nào rồi, liệu những đồng tiền ít ỏi của chị hàng tháng đều đặn gửi về, có giúp hai bà cháu đủ sống không? Chị đúng hay sai khi dứt tình trao con vào tay mẹ chồng, rời bỏ tình thân đi kiếm miếng cơm, manh áo lo cho cuộc sống nghèo khó?
Chị không trách chồng. Dù sao anh cũng vì gia đình mà phải tha hương, theo bạn bè lũ lượt bỏ bản làng, chui lủi vượt qua biên giới, làm thuê kiếm tiền nơi xứ người. Vẫn biết đi lao động như thế là bất hợp pháp, nhưng sao chị có thể can ngăn được anh? Chị muốn giữ chân anh ở nhà mà không được. Làm sao chị mở miệng nói anh hãy ở nhà với chị. Anh là người đàn ông, là trụ cột trong nhà. Anh nghĩ khác chị. Nếp nghĩ của anh không quẩn quanh giữa bốn bề núi non trùng ngợp. Anh nói với chị, anh muốn thoát khỏi cảnh cầm roi đi sau lưng đàn bò, đàn dê. Không muốn mãi cúi mặt trên những thửa ruộng bậc thang, chỉ cấy được một vụ. Hồi trước, anh cũng muốn học nhiều chữ để thoát cơ hàn, thế nhưng cảnh túng bấn của gia đình ngăn bước chân anh. Mé anh cũng muốn anh học chữ lắm, nhưng bà không làm gì ra tiền để nuôi anh ăn học đại học. Vậy là giấy báo đi học dưới phố để làm kỷ niệm thôi.
Chị nhớ, ngày anh theo người ta đi làm ăn xa.
… Thanh âm của trời cuối xuân trôi về sáng đầy ắp tiếng côn trùng rỉ rả. Đây đó có tiếng gà gáy báo hiệu canh ba. Trong hương hoa bưởi nồng nàn, anh quàng chéo túi bộc lên vai, xoa tay vào cái bụng lùm lùm của chị, giọng anh nghèn nghẹn:
- Bé con à, cha đi làm đến Tết về với hai mé con! - Ngừng một lát như muốn giấu sự trăn trở, anh ôm bờ vai nhỏ nhắn của chị, hít thật sâu mùi thơm hoa cỏ từ mái tóc đen mượt của vợ, nói khẽ: Em à, ở nhà gắng giữ gìn sức khỏe, làm việc nhẹ nhàng thôi, có gì khó cứ hỏi mé. Anh đi kiếm tiền, chờ ngày con chào đời.
Chị rưng rưng: - Anh à, anh không làm dưới phố nữa, đi xa như thế này em thấy lo nhiều.
Anh bẹo má chị: - Dà! Đi cùng mấy người trong bản, trong xã, lo gì.
Nói thế rồi anh khoác chéo túi bộc trong đựng vài bộ quần áo, đi nhanh như chạy xuống cầu thang. Chị nhìn theo bóng anh chìm vào bóng tối mà thở dài.
Bây giờ năm hết, Tết đến nơi rồi, liệu rằng anh có nhớ nhà, nghĩ đến mẹ già và vợ con mà về không? Mới đấy mà đã hai cái Tết rồi. Biết bao biến cố xảy ra trong bản. Nhà cửa trôi, gia súc trôi theo dòng nước hung bạo. Khi anh đi xa thì chị chưa sinh thằng con. Sinh con xong rồi, chị phải để con non nớt cho mẹ già, đi làm vú nuôi kiếm miếng ăn, nuôi gia đình qua cơn hoạn nạn.
Dẫu rằng, nếp nhà chắc chắn, tinh tươm được các cấp, các ngành cùng bộ đội dựng lại ở bản mới Phiêng Luông, thế nhưng chị không thể ở nhà để mỗi tháng trông mong cứu trợ. Chồng đi vắng lâu ngày, giờ chị là lao động chính nuôi mẹ già, con thơ…
Chị đến với ngôi nhà dưới phố xa lạ do sự giới thiệu của bà thím bên nhà chồng. Bà thím làm người giúp việc cho gia đình ở cách đây mấy cái nhà hình hộp.
Sáng. Trời mịt mùng hơi sương. Bà thím về quê, sang nhà nói với mé chồng và chị, dưới phố có gia đình cần tìm vú nuôi cho đứa trẻ mới sinh. Chị bảo, mé đứa trẻ ấy đâu mà không cho con bú? Bà thím lắc đầu: Chuyện nhà người ta, không biết! Người ta cần tìm người thì về rủ cháu đi. Ở nhà khó khổ. Cái đói chạy vào nồi cơm rỗng. Cái rét ngấm vào bụng thôi. Đi còn cứu được cả mé chồng và con.
Là bà thím nói thế, nhưng chị sao nỡ bỏ con? Nó đâu có tội tình gì mà không được bú mẹ? Còn mé chồng nữa, bà cũng có tuổi rồi, chị không đành lòng…
Biết chị dùng dằng, lưỡng lự không muốn bỏ thằng con mấy tháng tuổi khát sữa, mé chồng chép miệng, động viên: Con dâu à, tao không còn sức nữa để đi làm cho người ta nữa. Thôi thì, con dâu cố đi xuống phố. Thằng cu để tao đun nước cháo nghiền và xin sữa người bản cho bú thêm. Con dâu đi kiếm chút tiền qua cơn bĩ cực này. Đi một thời gian rồi về.
Mắt chị ầng ậng nước nhìn thằng con vừa bú no, ngủ ngoan trong vòng tay ấm êm. Chị gạt nước mắt đi cùng thím chồng xuống phố.
*
Thời gian cuốn theo gió. Chị xuống phố đã hơn chín tháng rồi. Bao nỗi nhớ chất chồng. Bao tủi hờn gạt bỏ. Chị nín lặng đánh đổi khát sữa của con mình, cho con người no nê. Chị âm thầm chăm bẵm con người ta hồng hào, béo tốt mà không hiểu con mình ở nhà, liệu bụng có đủ no không? Có khỏe không? Bây giờ nó cao bằng ngần nào rồi? Đã biết đi nhanh chưa?
Nhiều, nhiều câu hỏi cuộn xoáy trong cái đầu u uẩn của chị. Chị không chần chừ, nấn ná nữa, chị phải về nhà thôi. Mé chồng và thằng con đang chờ chị trở về.
Chị chợt thấy miệng mình khát đắng. Chị nhớ nhà, nhớ mé, nhớ con lắm rồi. Chị mong về để cái Tết này hai bà cháu không quạnh hiu. Người trên núi nhà chị, dù đi làm ăn xa ở đâu, thì đến cái Tết cũng phải biết lối về thắp hương tiên tổ, quây quần với gia đình. Chị mong mỏi, ngày chị về cũng là ngày gặp được anh Phiến. Chị sẽ nói rõ, anh làm gì cũng được, nhưng chỉ làm trong nước mình thôi, đừng có chui lủi qua biên giới để kiếm tiền nữa.
Thằng bé cháu chủ nhà đã lẫm chẫm đi được vài bước chân. Nhà chủ muốn cháu họ được nuôi bằng nguồn sữa người tự nhiên cho cứng cáp, khỏe mạnh.
Ừ, sao chủ nhà chị làm vú nuôi giàu thế nhỉ? Giàu đến mức nào thì chị chịu. Thế nhưng, chỉ nhìn con chó ngao to bằng con bê ngoài cổng, cùng con chó phốc suốt ngày được bà chủ bế ãm, chăm chút ăn uống, tắm rửa cũng nhiều tiền lắm. Tiền nuôi chó một tuần có lẽ bằng mấy gia đình nghèo như chị chi tiêu cả tháng. Thật chua chát và xa xót.
Mà lạ lắm. Bà chủ suốt ngày bế chó, không bế thằng cháu. Dường như bà chủ không thích thằng cháu này. Hiếm khi bà mỉm cười với nó. Bà âu yếm, nựng con chó phốc, không cưng nựng cháu. Chị nghe bà thím nói, ông chủ trước đây làm quan chức to. Nhiều người phải cậy nhờ ông chủ. Không ai có thể đếm xuể và biết được những người mang ơn ông chủ. Bà chủ khi lấy ông chủ thì chỉ bán hàng tạp hóa nhỏ. Thế nhưng, bà là ‘‘sân sau’’ của nhiều công ty. Bây giờ, ông chủ về hưu, là Chủ tịch hội đồng quản trị. Bà chủ là Tổng Giám đốc. Công ty hoạt động nhiều lĩnh vực. Cuộc sống của gia đình này xa hoa ngồi trên núi tiền.
Thế nhưng, nhiều tiền cũng có nỗi khổ riêng. Thằng con trai thứ hai ăn chơi, tiêu tiền không ghê tay. Người làm trong nhà xì xầm, thằng cháu là mối tình ngoài luồng của con trai ông bà chủ với cô gái sinh viên nhẹ dạ, cả tin. Cô gái quê xa lắm, mãi tít đâu đó ở miền biển xa xôi. Biết cô gái có em bé, thằng con ông bà chủ chối bỏ trách nhiệm, cao chạy xa bay, đi nước ngoài du học. Cô gái đến nhà cầu cứu, khóc lóc vì cái thai đã quá to. Ông, bà chủ đưa đến bệnh viện lấy sinh tiết, xét nghiệm ADN. Khi biết chắc chắn đó là máu mủ, ruột thịt nhà mình, ông bà chủ chăm bẵm cô gái lúc bụng mang, dạ chửa. Khi sinh bé trai xong, bà chủ dúi cho cô gái một xếp tiền với yêu cầu phải đoạn tuyệt với con.
Chị lẩn thẩn nghĩ, giá cô gái ấy là chị thì chị sẽ không thể bỏ con. Mang nặng đẻ đau giờ mất đứa con. Đau xót lắm. Tiền không thể mua được tình cảm. Vậy nhưng, có lẽ mẹ của thằng cháu nhà chủ chắc là quá trẻ, không thể nuôi nổi thằng bé… Nghĩ đến đây, bất giác chị thở dài xa xót. Chị tiếc cho cô gái hay là thương thân mình và con cũng không biết nữa. Tiếng thở của chị day dứt trong tối gần Tết, giống như một lời than.
*
Gần một năm làm vú em, nuôi con cho người ta mà chị vẫn thấy lạc lõng giữa những gian phòng sang trọng, đi mỏi chân chưa hết các phòng ở trong biệt phủ này. Chị bồn chồn thắc thỏm nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ con bé bỏng. Mới lọt lòng chưa đầy ba tháng tuổi mà nó đã phải xa hơi ấm của chị. Nước mắt chị lặng lẽ chảy.
Chị tựa lưng vào lan can ban công nhà chủ. Dường như có ai đang gọi chị. Chị ngó nghiêng xuống phía dưới đường phố nhộn nhịp mà không thể nhận ra ai gọi vào giờ này? Bà thím về nhà từ hôm qua rồi. Tiếng gọi mơ hồ như thanh âm nhẹ nhàng của mẹ chồng từ đâu đó xa lắc, trong tối gần cuối năm. Tiếng gọi bỏng rãy bên tai tựa lời nói ấm áp của anh Phiến, thôi thúc chị trở về núi cao với gia đình…
Không nấn ná. Chẳng băn khoăn. Không thể nghe lời chủ nhà ở lại trông thằng bé được nữa. Chị đã xa ngôi nhà, xa tình cảm của mé già với thằng con lâu rồi. Chị phải về nhà thôi…
Chị xuống gặp ông bà chủ dưới phòng khách xin phép về nhà. Ông bà chủ cố níu giữ, nhưng chị lắc đầu. Mắt chị ngân ngấn đỏ. Ông chủ khoát tay giục bà chủ: Em nên để cô ấy về. Giữ người ở, không giữ người đi.
Sau một lúc vuốt ve con chó phốc, bà chủ chép miệng:
- Cô về dịp Tết cũng phải thôi. Về đỡ nhớ nhà! - Sau một phút ngưng lời, bà chủ nói vóng vót: ‘‘Tiền nong tháng trước tôi đưa cô rồi nhỉ. Còn mấy hôm nữa hết tháng, tôi trả cô nửa tháng tiền công thôi. Giữ tiền lại để Tết xong, cô xuống giúp tôi trông cháu’’.
Chị nuốt nước mắt vào trong nửa cười, nửa mếu. Từ sâu thẳm trong đầu chị nghĩ, dù ăn rau, ăn cháo, chị cũng ở lại quê núi, chị không quay trở lại ngôi nhà lạnh lẽo này.
Sáng tinh sương. Trời lạnh. Thằng bé cựa mình, khóc ré lên.
Chị ôm ấp, ru rím, khẽ khàng âu yếm nựng cậu bé: Cậu chủ nhỏ à, là vú không tốt, vú lơ đễnh để cậu chủ cả đêm tè đẫy bỉm phải không? Cậu lạnh mông rồi nhỉ. Nào để vú thay bỉm cho cậu nhé.
Được thay bỉm ấm áp, cậu bé rúc đầu vào ngực chị, cái miệng đỏ hồng tìm bầu vú đầy sữa mút chùn chụt. Chị nói với cậu bé mà như nói với mình:
- Cậu chủ nhỏ à, cậu bú no đi. Sau này cậu với vú có duyên sẽ gặp lại. Lát nữa vú phải về nhà rồi, anh bé ở trên núi cũng khát sữa gần năm nay. Cậu đừng khóc nhiều mà tội. Cậu ngoan ngoãn thì bà chủ sẽ yêu cậu. Dù sao cũng là cháu nội…
Thằng bé dường như hiểu lời chị nói. Nó bú no nê và chìm ngợp vào giấc ngủ. Miệng nó he hé cười. Chị đắp lại chăn, chèn nhẹ hai bên cho nó ngủ say. Mắt chị đỏ lên như bị xát ớt. Chị thương thằng bé. Không biết sau này nó có được chăm sóc tốt không? Tương lai của nó ở trong ngôi nhà giàu có như thế này chắc sẽ ổn thôi. Nghĩ thế, chị an tâm, khẽ khàng xách chiếc túi đựng vài bộ quần áo xuống dưới tầng, ra ngõ. Con chó ngao tru lên một tiếng rồi khựng lại.
Chị chào bác bảo vệ, cắm cúi đi nhanh qua cánh cổng mạ vàng nặng trịch, hòa vào dòng người đi chợ sớm, len lỏi qua chợ đào, chợ quất tỏa hương thơm thanh khiết, trong thanh âm inh ỏi tiếng còi, cùng đèn xe loang loáng phá màn sương mờ ảo. Chị ra bến xe, ngược gió núi, mây ngàn trở về núi cao ăm ắp sương bay, rạt rào gió thổi.
Nguồn Văn nghệ số 1/2023