Khèn bè là linh hồn trong đời sống văn hóa của người Thái đen, đặc biệt là người thái đen Yên Châu, Sơn La. Ngoài việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hóa cộng đồng, chiếc khèn còn là sợi tơ hồng gắn kết lứa đôi.
Ngôi nhà của cụ ông Lường Văn Chựa - năm nay đã gần 80 tuổi - nằm bên quốc lộ 6, địa phận xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Từ hiên ngôi nhà sàn này, có thể thấy những chùm hoa tím ngát của những cây cổ thụ trong khu rừng thiêng của bản, nơi hằng năm diễn ra lễ Đông Sửa (lễ cúng áo) nổi tiếng của cộng đồng người Thái đen. Trong nhà, trên bức vách sát cửa ra vào là một bức ảnh đen trắng được phóng to và treo trang trọng. Đó là bức ảnh Bác Hồ đang thổi khèn bè khi Người đến Yên Châu mấy chục năm về trước. Còn hôm nay, chúng tôi đã từ xa xôi đến gặp cụ ông Lường Văn Chựa vì được giới thiệu cụ thổi khèn bè hay nức tiếng xứ Yên Châu.
Cụ ông Lường Văn Chựa và cây khèn bè, nhạc cụ quan trọng của người Thái đen |
Người Thái là một dân tộc có tiếng nói riêng, chữ viết riêng, có nhiều nét đặc sắc về văn hóa. Nhạc cụ của người Thái chủ yếu là khèn bè, pí pặp (một loại nhạc cụ được phối với khèn bè khi biểu diễn song tấu khèn pí), trống, chiêng, thế nhưng khèn bè là nổi trội nhất, bởi lẽ: Thứ nhất, trong các hội xòe, làn điệu của khèn bè tương ứng với nhịp tay nắm tay xòe của người Thái. Thứ hai, khèn bè được đệm cho người con gái hát đơn ca, cũng cái khèn đó, đệm cho người con trai với giọng và làn điệu khác nhau. Nhưng đặc biệt, cái riêng, riêng đối với chàng trai chưa vợ, khèn và pí với các làn điệu riêng, là “tiếng lòng” để tha thiết gọi người yêu.
Cổ xưa, người Thái gặp gỡ, tìm hiểu, nên duyên vợ chồng là nhờ cây khèn bè. Mùa trăng là mùa tình tự của trai gái Thái. Hãy thử hình dung, trong một bản làng người Thái, có biết bao cô gái trẻ, và mỗi đêm trăng, bên bậc thang nhà sàn, có biết bao chàng trai thổi khèn gọi người yêu. Đừng vội nghĩ, với nhiều chàng trai thổi khèn như thế, thì không gian của đêm bị xáo trộn. Không, tiếng khèn gọi người yêu rất nhẹ nhàng, tình tứ, da diết và sâu lắng, hoàn toàn không ồn ào khoe mẽ, nhỏ, nhẹ tới nỗi không làm mất giấc ngủ của cha mẹ, người nhà, mà tài tình làm sao, chỉ “đánh thức” được đúng người con gái mà chàng mong đợi.
Theo cụ ông Lường Văn Chựa, khèn bè có 4 làn điệu chính, mà trong đó có tới 3 làn điệu dành riêng cho “tiếng gọi lứa đôi”. Ta hình dung hành trình của một chàng trai với cây khèn bè trên đường đến nhà người yêu, và từ nhà người yêu trở về: Trong ngôi nhà sàn, giường của những cô gái chưa chồng ở gian ngoài cùng của cánh cửa giáp với sàn trái, nên khi các chàng trai đến nhà người yêu để tìm hiểu, thì bắt đầu ở chân cầu thang, chàng sẽ thổi một bài “nhẹ nhàng gọi người yêu dưới ánh trăng khuya bên nếp nhà sàn”. Chàng bước lên sàn, ngồi ngoài vách, nơi cô gái nằm (thường là rất khuya, bố mẹ đi ngủ rồi thì chàng trai mới đến) giai điệu khèn bè lúc này rất nhẹ nhàng (vì sợ mọi người trong nhà mất ngủ), thế nhưng con gái bao giờ cũng “thính” hơn. Những cô gái Thái thường đeo vòng tay, khi cô gái thức dậy tiếng vòng tay kêu lách cách. Với chàng trai, đó là tín hiệu cô gái có cảm tình và bằng lòng tiếp chuyện. Nhận thấy tín hiệu, và với tâm trạng vui mừng, chàng ôm khèn bè thổi một bài, thể hiện niềm vui dâng trào. Đó là làn điệu thứ 2.
Cô gái lúc này đã thức dậy bởi tiếng khèn, sẽ ra sàn ngồi cạnh chàng trai để trò chuyện. Ra sàn phải thắp đèn lên, nếu không có đèn dầu hỏa thì người Thái dùng dầu được chiết xuất bằng một loại quả trên rừng, nếu đôi trai gái tâm đầu ý hợp, thì có thể trở thành vợ chồng. Trong buổi trò chuyện, khi gà đã gáy sang canh là lúc đôi tình nhân chia tay nhau, chàng trai lại dùng tiếng khèn để nói lời tạm biệt. Làn điệu thứ 3 này trầm hơn, đây là làn điệu mà “người già rất ưng nghe, không sợ mất ngủ”, rất dịu dàng tha thiết, vừa bịn rịn không muốn dời xa, vừa tràn đầy hứa hẹn về một tương lai hạnh phúc.
Làn điệu thứ 4 của khèn bè chính là dùng trong những hội xòe hay các dịp vui, hội hè, tết nhất, cưới xin. Cụ ông Đào Quang Tố - nhà nghiên cứu văn hóa Thái cũng biểu diễn cho chúng tôi nghe một bài khèn bè, nhưng ông khẳng định: đối với khèn bè, người dân tộc khác nắm vững kỹ thuật thôi chưa đủ, bởi họ không thể nào đắm hồn mình vào từng làn điệu như chính người Thái.
Về hình thức, chiếc khèn bè của người Thái trông rất nhẹ nhàng, thanh thoát, tính thẩm mỹ cao. Nguyên liệu để chế tác khèn bè là cây nứa tép, gỗ, sáp ong, đồng vàng. Nứa tép sống ở rừng, có thể dưới thung sâu, bên các sườn núi, nhưng nứa tép sống trên núi cao mới là nguyên liệu lý tưởng nhất để chế tác khèn bè. Loại sáp ong gắn kết các ống nứa với nhau không phải là sáp ong mật. Nguyên liệu là kim loại duy nhất của khèn là lưỡi đồng, hoặc bạc, hay hợp kim bạc – đồng. Chỉ đồng vàng mới có thể dùng làm lưỡi khèn, đồng đỏ thì không. Nếu không dùng đồng vàng làm lưỡi khèn, thì người ta dùng bạc. Theo cụ ông Lường Văn Chựa, bạc có độ bền cao hơn, nhưng tiếng lại không vang bằng đồng vàng. Ở Thái Lan, có loại lưỡi pha đồng và bạc, theo ông Chựa, đây là bí quyết mà chúng ta chưa tìm ra được. Bạc và đồng là hợp kim rất đặc biệt, nên những chiếc khèn của họ, lưỡi nảy rất đều, không bị hỏng, bị lên hay xuống, khèn của người Thái Việt Nam thì chỉ dùng lưỡi đồng vàng hoặc bạc, nên nếu thổi mạnh quá là lưỡi xuống, lại phải tháo ra chỉnh lên. Mà tháo ra lắp vào rất vất vả. Do đó, yêu cầu người nghệ sĩ phải điều tiết hài hòa âm lượng, hơi thổi, nếu thổi giật, mạnh là hỏng lưỡi khèn ngay.
Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái đen Yên Châu, cụ ông Lường Văn Chựa biểu diễn cho chúng tôi nghe lần lượt 4 làn điệu chính của khèn bè. Những làn điệu mà ngay từ ngày còn thơ ấu ông đã say đắm, luôn đi theo các anh lớn trong bản để nghe họ thổi khèn. Cùng với những làn điệu say đắm ấy, chúng tôi như thể cùng ông trôi về với quá khứ xa xôi, trong không gian lộng lẫy và hoang sơ của núi rừng, những tiếng khèn gọi người yêu bên nếp nhà sàn dưới ánh trăng khuya là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc mà không phải dân tộc nào cũng có được.
Thế nhưng, hiện nay, ngay cả với những người Thái, chiếc khèn bè chỉ còn là nhạc cụ biểu diễn trong những đêm hội xòe, trên sân khấu, nó đã tách rời không gian tình yêu đôi lứa, không gian văn hóa đặc sắc đã làm nên hồn cốt của người Thái. Không còn tục chọc sàn, không còn tiếng khèn gọi tình yêu, người Thái ngày nay đã hòa nhập cuộc sống với công nghệ hiện đại.
Cụ ông Lường Văn Chựa, cũng như nhiều người cao tuổi trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều vô cùng tiếc nuối những nét văn hóa đặc sắc đang dần biến mất của dân tộc mình, nên từ cuối năm 2018 ông làm công tác tư tưởng với các cụ già ở bản, có ai đam mê văn hóa dân tộc thì cùng nhau lập thành một nhóm bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Thái. Trước đây khèn bè thường độc tấu trong hội xòe, trong đêm gọi tình yêu, thi thoảng có song tấu với pí, thì hiện nay, các ông đã thành lập các tốp khèn bè. Các làn điệu được mở rộng, linh động hơn, ví như trình diễn liên khúc phục vụ cho múa xòe, đưa thêm các làn điệu âm nhạc mới vào. Đồng thời, các ông mở lớp dạy khèn bè cho những ai muốn học. Khi có lớp, dù xa xôi đến đâu, ông cũng đến tận nơi để dạy.
Mối lo lớn của khèn bè hiện nay không chỉ là người dùng ít đi, mà người chế tác cũng ngày càng hiếm. Chính vì thế, những nỗ lực của nhóm bảo tồn di sản văn hóa dân tộc của cụ ông Lường Văn Chựa cần được ghi nhận và mở rộng hơn nữa, để nếu có một may mắn nào đó, người ta có thể nghe một cách tự nhiên nhất những làn điệu tha thiết của khèn bè giữa mênh mang đất trời Tây Bắc.
Thành Duy
Nguồn Văn nghệ số 45/2023