Trong dòng văn học hiện thực thời kỳ 1939-1945 - Tô Hoài là một cây bút tiêu biểu đa năng. Ông có tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, truyện thiếu nhi... Thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám khối lượng tác phẩm lại được nhân lên với nhiều thể loại, nhiều màu vẻ.
Trọng điểm của một đời văn là quê hương. Bộ ba tác phẩm Quê hương, Quê người, Quê nhà là dòng chảy qua nhiều thập kỷ nhiều tư liệu về quê hương Việt Nam. Hơn thế nữa sau Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp ông lại có một quê hương mới. Truyện Tây Bắc rồi Miền Tây là quê hương của nhiều dân tộc vùng cao. Ông tiếp tục truyền thống của những trang viết về làng quê của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng trong hoàn cảnh của thời kỳ mới khắc nghiệt và nặng nề của chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
1.
Tô Hoài có một cách nhìn làng quê vừa chân thực, xác thực vừa cởi mở. Điều này phụ thuộc một phần vào đặc điểm của các vùng quê. Theo Tô Hoài những làng quê xa thành phố xa phủ huyện thường hương lý, cường hào ra sức áp bức bóc lột dân quê như các trường hợp trong Tắt Đèn, Bước đường cùng. Tô Hoài sống và viết ở vùng quê ngoại thời không khí làng quê có phần cởi mở hơn. Vẫn là cảnh dân quê bị bần như tơ nhện giăng mắc con mồi cho đến khi chết, dân quê nhiều khi có nhiều người phải bỏ làng ra đi (Quê người). Tuy nhiên vẫn có cảnh người dân quê đi cùng xe với ông lý ra bưu điện tỉnh lĩnh tiền. Nhiều làng quê ngạt thở với sự tàn ác của hào lý nhưng cũng dễ thở trong những ngày lễ hội trong cảnh làng xóm được mùa và niềm vui của các gia đình trong ngày cưới xin cho con cái.
Vùng quê ngoại thành cũng vắng bóng những nhân vật hách dịch tàn ác kiểu Nghị Quế, Nghị Lại, Bá Kiến.
2.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm Nhà văn hiện đại đã xem Tô Hoài là nhà phong tục. Chính xác trong phân loại. Nói tới phong tục là nói tới những điều tốt đẹp cần giữ gìn bảo vệ trong cuộc sống. Làng quê Việt Nam có nhiều phong tục tốt đẹp trong sinh hoạt làm ăn cư xử. Chỉ riêng tết Nguyên đán đã có nhiều điều cần biết trong ứng xử: xông nhà, mừng tuổi, lễ tết cha mẹ... Về giao tiếp xã hội mỗi dân tộc, miền đất, vùng quê cũng có những phong tục cần bảo vệ. Phong tục là việc tốt, điều hay hàng ngày được lắng đọng và bền vững theo thời gian. Nước Nga có tục dâng quà quí là bánh mỳ và muối cho việc đón tiếp các vị khách lãnh đạo nước ngoài tại sân bay. Nhỏ bé bình dị nhưng là một phong tục cần bảo vệ những phong tục cho từng miền đất làng quê. Trên xu hướng hiện đại hóa các phong tục biến dần không được bảo vệ. Chỉ còn những ngày kỷ niệm sự kiện lớn, sự việc nhỏ. Điều này thể hiện rõ nhất ở các dân tộc vùng cao.
Trở lại với phong tục trong tác phẩm của Tô Hoài. Đọc Quê người và những truyện ngắn của Tô Hoài thời kỳ trước Cách mạng viết về làng quê dễ thấy khung cảnh hội hè của cả làng trong dịp tết nhất, hội làng, hội thi văn nghệ, thi đánh vật. Các hoạt động trên được tổ chức theo phong tục thường niên nhất là vào dịp đầu xuân. Điều này dường như trái ngược với việc khai thác miêu tả lệ làng trong tác phẩm Việc làng của Ngô Tất Tố. Hai nhà văn với hai mục đích khác nhau. Ngô Tất Tố viết Việc làng để phê phán những lệ làng lạc hậu mà chế độ thực dân phong kiến vẫn duy trì, ảnh hưởng đến cuộc sống của người nông dân và văn hóa làng xã. Đó là một đóng góp của những trang viết. Tô Hoài tả phong tục góp phần miêu tả những tập quán lành mạnh cần lưu giữ, trang văn cũng vui vẻ phong phú hơn.
3.
Các nhà văn hiện thực như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao... ít miêu tả thiên nhiên. Các tác giả dường như tập trung miêu tả những xung đột xã hội, những mâu thuẫn của làng quê nên thiếu đi một phần cần có khi viết về làng quê là thiên nhiên.
Tô Hoài chú ý đến vẻ đẹp của thiên nhiên. Từ một câu chuyện gặp gỡ giữa đôi trai gái ở đầu làng cũng có bờ tre che chở, có ánh trăng soi rọi. Với đề tài miền núi thiên nhiên càng có vị trí quan trọng. Mùa xuân trong Vợ chồng A Phủ có rừng núi cao cây cối nở hoa dập dìu với tiếng sáo, tiếng nước suối chảy tạo không khí tươi vui. Tô Hoài có viết một chi tiết vui là trong sáng tác Nam Cao miêu tả giỏi về tâm lý và ít viết về thiên nhiên nên thỉnh thoảng nhờ Tô Hoài tả giúp cho một đôi cảnh thiên nhiên trong câu chuyện.
Nói tới thiên nhiên là nói tới bầu trời xanh, rừng núi, con suối, bờ tre giếng nước nhưng cũng phải chú ý đến thế giới những bạn nhỏ của con người: con chim, con cá, rồi các loài vật con mèo, con gà xung quanh ta. Tô Hoài là nhà văn viết giỏi, viết hay về các loài vật.
Chỉ riêng một chuyện Dế mèn phiêu lưu ký cũng đã ghi một điểm son cho trang viết. Loài vật trong truyện của Tô Hoài thường gần gũi và ám chỉ vào cảnh ngộ của con người nhất là người nông dân ở làng quê. Truyện ngắn Gà Trống ri gợi thương cảm cho những hoàn cảnh không may, con gà trống ri bé nhỏ không được các bạn mái để ý phải lạc loài đi tìm con mái bé nhỏ ở cuối làng để có chút hạnh phúc lứa đôi. Nồi nào vung ấy không phải chỉ ở thế giới người mà cả ở sự kén chọn của loài vật. Có bạn đọc hỏi ông, sao ông không viết về các loài vật to như La Phông-ten nhà văn Pháp nổi tiếng. Ông cười và cho biết cái gì gần mình thì dễ viết dễ thân thiết hơn còn với hổ báo, sư tử xa lạ và phải lên vườn bách thú.
4.
Khuynh hướng sử thi hóa đề tài quê hương đất nước.
Miêu tả một đối tượng Tô Hoài quan tâm đến quá trình và diễn biến phù hợp với quy luật vận động và phát triển xã hội. Tô Hoài muốn ghi nhận những chuyển biến những thành quả của miền đất quê hương của mình qua thời gian nhất là qua mốc lớn của xã hội.
Sau Cách mạng tháng Tám đi kháng chiến theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc Tô Hoài có tác phẩm Truyện Tây Bắc được tặng giải nhất cùng với Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc. Hai tác phẩm đã miêu tả thành công những con người mới trong văn học. Đinh Núp chân dung một người thực việc thực, và vợ chồng A Phủ hai nhân vật chính của câu chyện gợi cảm và gây ấn tượng.
Vợ chồng A Phủ và miền đất quê hương của đồng bào Mông đã neo giữ ở tác giả những tình cảm và kỷ niệm tốt đẹp. Tác giả vẫn quan tâm theo dõi sự đổi thay của miền quê hương này trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền núi qua tác phẩm Miền Tây tiếp nối nhưng không trùng lặp. Qua nhiều năm trưởng thành miền Tây trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội có một bộ mặt mới tươi đẹp. Những nhân vật như A Phủ, Mỵ ngày xưa đã nhường lại cho hình ảnh những con người mới. Hai phiên chợ cũ và phiên chợ mới hai miền hay là hai hình ảnh của thời kỳ. Vốn sống của Tô Hoài phong phú, phát triển nhiều sáng tạo mới. Nói như nhà văn Hữu Mai trong một cuộc hội thảo ở Viện Văn học năm 2001 “Tô Hoài viết bằng vốn sống cũ nhưng luôn mới và hấp dẫn”.
5.
Đề tài Hà Nội.
Vốn là một thư ký bán giầy cho hãng giày Bata ở Hà Nội Tô Hoài hiểu biết và có một vốn sống phong phú về đề tài Hà Nội cũ. Là một nhà văn sớm có sáng tác viết về Hà Nội càng khích lệ và thúc đẩy ông đi sâu tìm hiểu về Hà Nội. Có một Hà Nội trong văn chương Tự Lực văn đoàn. Cuộc sống phồn hoa ăn chơi của những người giàu có. Hà Nội ba mươi sáu phố phường của Thạch Lam là một Hà Nội đẹp, nên thơ trong nhiều cảnh đời bình dị. Có một Hà Nội trong văn chương Vũ Trọng Phụng tập trung với nhiều cảnh đời đua chen, cạnh tranh xô bồ ở khu phố cổ, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng... Phía trên là cảnh ăn chơi của một số gia đình bắt chước theo kiểu tân tiến, “văn minh” vẫn còn một khoảng trống dành cho Tô Hoài. Đó là cảnh Hà Nội đời thường của các tầng lớp trung lưu và người nghèo khổ sinh hoạt nơi phố phường. Có không khí vui tươi của những ngày lễ hội hội Tây, Tết Trung thu, lễ hội chùa, có không khí tấp nập mua bán quần áo, tơ lụa, vải vóc và nhộn nhịp nhất là các hàng ăn đường phố. Các thức ăn bánh cuốn, chả cá, phở, cơm đầu ghế, rồi các hàng quà rong của người Tàu như bánh rán, bánh chín tầng mây, bát bảo lường xà. Tô Hoài miêu tả chân thực, không tô điểm nhưng luôn trong lòng vẫn là ý thức và tình cảm tôn trọng cảnh và người của Hà Nội cũ. Với sở trường của một ngòi bút giỏi quan sát Hà Nội cũ hiện ra như những bức tranh sinh động.
Ngoài những tác phẩm chính Tô Hoài còn quan tâm đến những giai thoại truyền thuyết và tạo dựng nhiều tác phẩm sinh động như Đảo hoang, rồi chuyện thiếu nhi, chuyện loài vật... Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng Tô Hoài là tác giả có nhiều đầu sách nhất. Chính xác nhưng điều quan trọng là một phong cách văn xuôi chân thực hấp dẫn, nhiều màu sắc.
Nguyễn Đình Thi về Nguyễn Sen Tô Hoài có thể lập được một bộ tự điển Tô Hoài. Trong con người Nguyễn Sen khó mà tách bạch ra được chỗ nào là nhà văn, chỗ nào là nhà báo, nhà quản lý, chỗ nào là người công dân, người đảng viên.
... Một số bài thơ của tôi Sen đọc và bảo thẳng với tôi “Thi không biết làm thơ. Tên anh là Thi nhưng anh không làm nổi một câu thơ xoàng. Tôi định đùa lại Sen: Vâng tôi không viết nổi một câu thơ xoàng bởi vì tôi chỉ làm được những câu thơ hay, nhưng nghĩ thế nào tôi lại không nói như vậy”.
Nhà văn Đặng Tiến: Tô Hoài là nhà văn không bao giờ già. Vì con người anh chưa bao giờ trẻ. Tô Hoài miên viễn là buổi trưa mùa thu, mùa thu có những ngày không sáng cũng không chiều. Nhưng vẫn có những chiều chiều. Những chiều chiều mãi mãi trong chúng ta.
Năm 1957 sau khi tốt nghiệp ngành văn Đại học Sư phạm Hà Nội tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường. Ngoài việc chuẩn bị cho việc giảng dạy tôi quan tâm đến việc nghiên cứu. Năm cuối của khóa học tôi viết hai chuyên luận về Nguyên Hồng và Nguyễn Công Hoan. Tôi không có ý viết tiếp hoàn thiện hai chuyên luận vì các nhà văn đang sung sức đang cho xuất bản. Tôi nghĩ đến Nam Cao và quyết định tìm hiểu và nghiên cứu về nhà văn hiện thực nổi tiếng này. Nam Cao ngoài tiểu thuyết Sống mòn thường viết nhiều truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ 7 tờ báo này không còn số nào lưu trữ ở Thư viện Trung ương.
Hội Nhà văn cho biết nhà văn thân tín gần gũi nhất của Nam Cao là Tô Hoài. Tôi tìm đến ông để xin ý kiến về Nam Cao. Cuối phố Trần Quốc Toản có một phố nhỏ, đường lát đá và nằm sâu trong ngõ là nhà của nhà văn Tô Hoài. Tôi xin gặp và được ông đón tiếp niềm nở. Chuyện kể về Nam Cao thời kỳ trước Cách mạng, những năm kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc. Về các tác phẩm của Nam Cao. Càng nghe càng thấy thú vị sáng ra nhiều ý tưởng và kiến thức bổ ích. Lúc này ông khoảng trên dưới bốn mươi tuổi, lãnh đạo Hội Nhà văn. Nhà văn Tô Hoài có trí nhớ tốt nhận xét về người về việc công bằng và nhân ái của một người giàu trải nghiệm am hiểu việc đời.
Về tư liệu bài báo Nam Cao tôi tìm ở các hiệu sách cũ đặc biệt ở cửa hàng sách cũ phố Lãn Ông khi các bà đồng nát vào buổi trưa đổ sách báo cũ về bán cho cửa hàng. Nhiều truyện ngắn như Trạch Văn Đoành, Một đám cưới đều được tìm thấy ở đấy. Cuốn Đôi lứa xứng đôi (1941) do nhà Cộng lực xuất bản, vẫn chưa tìm được. Tôi đã đến Nxb Cộng lực nhưng không thu thập được gì. Sau mấy năm viết xong tác phẩm Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc tôi nhờ nhà văn Tô Hoài đọc hộ và cho tôi nhận xét. Ông đã viết cho tôi bài giới thiệu in ở đầu tập sách. Nhà xuất bản văn hóa ấn hành. Tác phẩm đầu tay được báo Văn học khen ngợi. Tôi vui mừng và biết ơn Tô Hoài ân nhân đầu tiên với người mới vào nghề. Trong lời giới thiệu ông viết “Đọc tập nghiên cứu này dù chỉ vài dòng nhận xét tôi cũng không thể viết. Nhưng trang sau đây Hà Minh Đức đã làm tất cả vì chúng ta. Tôi chỉ biết có đồng tình và nhiệt liệt hoan nghênh”**. Sau này tôi tìm được cuốn Đôi lứa xứng đôi lại có thêm đầy đủ các truyện ngắn của Nam Cao, tôi đã bổ sung và đặt tên là Nam Cao - Đời văn và tác phẩm (Nxb Văn học. 1998). Cuốn sách được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000 về Khoa học công nghệ trong cụm ba tác phẩm (Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nam Cao - Đời văn và tác phảm, C. Mac Ph. Anghen V.I Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ) sau này trong nhiều năm tôi vẫn đến thăm anh trong dịp ngày lễ, ngày Tết. Ông đã giúp cho tôi hiểu biết thêm nhiều về miền Tây, về các dân tộc ít người, về Hà Nội xưa và về chuyện của các nhà văn. Trên cả ba vấn đề ông kể vui sâu sắc, mới lạ và vui vẻ. Tôi nghĩ thầm nghe chuyện nhà văn Tô Hoài như nghe chuyện kể Một nghìn một đêm lẻ không bao giờ vơi cạn. Điều tôi ngạc nhiên là ông chủ động và không hề ngạc nhiên với bất cứ chuyện gì phức tạp, nan giải. Tất cả đều được ông chỉ ra cái gốc sự thật như thế nào và được lý giải nhẹ nhàng thanh thoát. Điều quan trọng và đáng quý là sự thành thực đến tự nhiên vui vẻ khi kể về chuyện mình. Khi ông được tặng giải nhất Truyện Tây Bắc của Hội Nhà văn. Về chuyện này một vài tờ báo trong Nam thêu dệt, bịa đặt về chuyện Tô Hoài đi thực tế ở vùng dân tộc được chính quyền địa phương buổi tối cho các cô đến mắc màn, quạt cho ông ngủ. Tô Hoài kể cho tôi nghe và ông nói “Được như thế thì tốt quá”. Ông cũng là người đa tình nhưng kín đáo và biết hạn chế. Có lần ông tâm sự “Mình yêu nhiều hơn Thi nhưng không có sự cố. Một lần tôi hỏi ông: Người ta nói anh và chị T.N yêu nhau. Ông cười và bảo “Mình cũng nghe nói thế.” Đời của nhà văn Tô Hoài có nhiều kỷ niệm đẹp. Ông nhắc nhở tôi sống phải có kỷ niệm”. Và chắc chắn muốn có kỷ niệm phải biết yêu thương, gắn bó với những gì tốt đẹp của cuộc sống, không thể vô cảm, cưỡi ngựa xem hoa. Ông sống giản dị dễ chan hòa với cuộc sống đời thường. Tôi chưa bao giờ trông thấy ông đi xe đạp, xe máy. Ông thích tản bộ. Khi công tác ở Hội Nhà văn Hà Nội ở phố Hàng Buồm ông thường đi bộ từ nhà phố Đoàn Nhữ Hài lên và đi bộ về. Thỉnh thoảng ông tạt qua chỗ tôi ở phố Hàng Ngang chơi. Có lần ông dẫn cả cụ Nguyễn Tuân lên nhà tôi. Căn nhà cũ dễ lạc lối để cụ phải kêu lên “Tôi lạc vào Hồng Kông cũ rồi”. Trong một vài lần vào hiệu ăn với ông, ông ăn rất ít và chỉ thích nhấm nháp rượu vang. Một tinh thần minh mẫn, nhạy cảm và một cơ thể khỏe mạnh, nhẹ nhàng, bền bỉ. Phải chăng nhà văn đã được rèn luyện từ ngày ở Tây Bắc đi ngựa qua vùng đất núi ăn ngô bung, hòa mình với cuộc sống của đồng bào vùng cao. Ông tôn trọng thời gian và ví mình như người thợ khâu lúc nào cũng phải giữ mũi kim đường chỉ cho tươi tắn, đều đặn, trong công việc.
Trong những năm cuối đời tôi được tháp tùng và mời ông đi thăm lại cảnh Hà Nội. Từ câu chuyện ở nội đô, khách sạn Mêtropole mà ông quen thuộc khi mới tiếp quản thủ đô đến các làng quê ngoại thành. Mùa xuân và những ngày giáp Tết tôi mời ông bà đi dạo cảnh ngoại thành. Ông chăm chú quan sát dừng xe ở nhiều chỗ. Ông xuống xe trầm ngâm ngắm cảnh Hồ Tây, phần cảnh đẹp xưa còn lại và phần đã đổi thay. Một lần tôi kể cho ông nghe chuyện một cháu bé gặp nạn và tay có quyển Dế mèn phiêu lưu ký, ảnh chú dế mèn bị ướt và nhầu nát. Ông rưng rưng không cầm được nước mắt thương cháu bé và con dế mèn. Dế mèn từ tuổi thơ đã bay xa đến nhiều xứ sở làm bạn với các em nhỏ và hôm nay vẫn còn gây xúc động với chính tác giả.
Một đời văn với nhiều tác phẩm có giá trị, một cây bút sáng tạo với nhiều thể loại văn chương, một cây đại thụ của làng văn mãi mãi được ghi nhớ: nhà văn Tô Hoài.
_______
* Xem chuyên luận Hà Minh Đức: Tô Hoài – sức sáng tạo của một đời văn, Nxb Giáo dục. 2010. 311tr.
** In trong cuốn Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc.
Nguồn Văn nghệ số 31/2020