Sự kiện & Bình luận

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo động lực cho nhà giáo yên tâm công tác

Minh Nguyệt
Chính trị xã hội
14:25 | 18/11/2024
Baovannghe.vn - Sáng 18/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
aa

Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi lời chúc mừng và lời thăm hỏi ân cần tới tất cả thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc nhân dịp Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Tại buổi gặp gỡ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, một trong 4 việc cần làm ngay với ngành Giáo dục và Đào tạo là bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng nghị quyết mà Đảng đã đề ra.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo động lực cho nhà giáo yên tâm công tác
Tổng Bí thư Tô Lâm đón nhận bó hoa do đại diện sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội tặng

Trước đó, ghi nhận những thành tựu mà ngành Giáo dục và Đào tạo đạt được trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, song Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cuản ngành Giáo dục như, đổi mới giáo dục, đào tạo tuy đã triển khai hàng chục năm nhưng cơ bản chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, chưa thật sự chuyển biến về chất, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Giáo dục phổ thông của nước ta đứng thứ 53 trên thế giới. Việt Nam nhiều năm liền có mặt trong Top 10 các quốc gia có thành tích các kỳ thi Olympic quốc tế cho học sinh phổ thông cao nhất, có những môn thi vào nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất trên toàn thế giới. Học sinh sau phổ thông của Việt Nam học tiếp tại đại học ở nước ngoài thuận lợi và được sự đánh giá tốt của các trường đại học trên thế giới.

Cả nước hiện có gần 7 triệu người đã tốt nghiệp đại học, 24 triệu người đang đi học ở các bậc học, trình độ, loại hình khác nhau tại trên 52.000 cơ sở giáo dục trong cả nước. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ được triển khai, đào tạo gắn kết hơn với nhu cầu thị trường lao động; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.

Công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, xuất hiện ngày càng nhiều hơn cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới.

- Giáo dục đại học vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới "nặng" về lý thuyết, "nhẹ" về thực hành; chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất kinh doanh và nhu cầu thị trường. Hàng chục nghìn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, hoặc làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo, không chỉ gây ra lãng phí lớn, mà còn phản ánh rõ nét hạn chế của giáo dục đào tạo.

- Phương pháp giáo dục chưa phát huy được sự tích cực, sáng tạo của người học, chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng và phẩm chất cho người học; hiệu quả đầu tư giáo dục chưa tương xứng với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu.

- Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi, mù chữ, tái mù chữ ở vùng sâu, vùng xa.

- Đội ngũ nhà giáo vẫn còn thiếu về số lượng, một bộ phận yếu về năng lực chuyên môn, chưa tích cực đổi mới, một bộ phận nhỏ vẫn còn có biểu hiện vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, trong khi xã hội hóa các nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết bài toán "chất lượng nguồn nhân lực", Tổng Bí thư gợi mở 3 vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là tập trung thực hiện cho bằng được mục tiêu cao nhất hiện nay, đó là "hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng"

Vấn đề thứ hai là một số công việc cần làm ngay. Trong đó Tổng Bí thư nêu ra 4 việc. Việc đầu tiên là có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thứ hai là phát động thực hiện phong trào "bình dân học vụ số" (để phục vụ công cuộc chuyển đổi số theo yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu - PV).

Việc thứ ba là tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi; kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc thứ tư, Tổng Bí thư nói: "Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng nghị quyết mà Đảng đã đề ra. Có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo. Dựa vào dân, huy động sức dân, tổ chức nhân dân cùng làm giáo dục với chi phí thấp nhất và hiệu quả tối đa."

Đối với vấn đề lớn thứ ba, theo Tổng Bí thư, là việc tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, ngành Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo công tác tại vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hải đảo.

Đây đều là những việc làm cấp bách của ngành giáo dục và đào tạo trên con đường khai phóng tri thức, từng bước đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đèn lồng đỏ trong mưa rơi. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Đèn lồng đỏ trong mưa rơi. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Con đường dốc dài thật dài. Những ngôi nhà bé như hộp diêm bò trên sườn núi. Khí núi buốt khiến khách bộ hành rùng mình. Dòng suối bạc như một dải lụa trắng lạnh toát
Thơ phổ nhạc: Thơ trước, nhạc sau

Thơ phổ nhạc: Thơ trước, nhạc sau

Baovannghe.vn - Là người viết nhạc hay người viết lời, ai cũng đều mong muốn được công nhận đích thực cho sáng tạo của mình. Thế nhưng, hiện nay tình trạng “mập mờ đánh lận con đen” giữa hai khía cạnh ấy không hiếm thấy trong nền âm nhạc hiện đại.
Thủ tướng dự lễ gắn Biển kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Brazil

Thủ tướng dự lễ gắn Biển kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Brazil

Baovannghe.vn - Dự Hội nghị G20 và hoạt động song phương tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành đặt Biển kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc

Baovannghe.vn - Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) tổ chức lễ mắt ấn bản tiếng Trung" Vắt qua những ngàn mây" và "Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời".
Cỏ - Thơ Lê Nguyệt Minh

Cỏ - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Cứ cuống quýt xanh lên/ Vạm vỡ đất cằn