Sự kiện & Bình luận

Định kiến: thuốc độc của giáo dục

Chu Thùy Anh
Lăng kính văn nghệ
09:04 | 15/11/2024
Baovannghe.vn - Hạnh kiểm đang là thanh đao treo trên đầu mỗi học sinh, kết quả học tập tốt mà hạnh kiểm không tốt thì toàn bộ quá trình cũng sẽ bị đánh giá không tốt.
aa

Tôi nhiều lần thuyết phục phụ huynh khác rằng con họ không hư.

Lần đầu tiên cách đây đã khá lâu rồi. Phụ huynh tìm đến nhờ tôi dậy cho cậu con út, “con cầu tự”, đang học trường quốc tế. Mẹ cháu trình bày rằng cháu không biết gì và rất nghịch. Con cầu tự nên chưa mở lời bố đã hầu tận răng, chỉ có mẹ là nghiêm. Có hôm con vô tư kể: mẹ bảo con không nghe nên mẹ cầm điều khiển đập cho con một phát. Tôi đương nhiên chưa bao giờ phải chạm vào điều khiển với con. Con tự bảo với cô là con rất nghịch, rất bẩn và rất hư. Khi đó trong lòng tôi trào lên một niềm thương vô cùng tận. Tôi ngồi thấp xuống, nhìn thẳng vào mắt con, và nói: con không hư. Con có thể nghịch, con có thể thích những trò nghịch bẩn, nếu con thấy vui, nhưng làm xong hãy dọn. Cô biết rằng con ngoan và con chỉ muốn vui thôi. Vậy vui xong thì hãy ngoan. Và tôi đã phải rất nỗ lực thuyết phục phụ huynh rằng: con họ không hư.

Con có thể nghịch, nếu việc đó không phá hỏng chuyện của người khác thì hãy coi nghịch là một nhu cầu, như uống nước, như mỉm cười. Có những trẻ cần được vận động liên hồi. Nhiều trẻ vận động chân tay, nhiều trẻ vận động đầu óc. Trẻ vận động đầu óc sẽ đặt rất nhiều câu hỏi, không chấp nhận một câu trả lời duy nhất áp đặt. Vậy thì hãy nỗ lực trả lời câu hỏi của trẻ, có thể nghiêm túc, có thể trêu đùa. Trẻ có nhu cầu vận động nhiều thì cần được hoạt động chân tay, đi lại, chạy nhảy. Thậm chí tôi cho phép hoc sinh của mình được chạy, được múa may trong khi trả lời câu hỏi. Nhưng nhẩy nhót không phải là hư. Hỏi không phải là hư.

Lần gần đây nhất là vừa mới hôm trước. Tôi hẹn tới nhà một người bạn thân của con tôi, để nói chuyện với me cháu, củng cố niềm tin rằng con chị ấy không hư. Cháu là một bé gái rất xinh, rất thông minh, và hay đặt câu hỏi. Chính việc hỏi đó lại không phù hợp với quan điểm của giáo viên chủ nhiệm. Con hỏi và cô khẳng định luôn là con hỏi cho thấy tâm con không tốt, tư duy con có vấn đề… Dưới mái trường cấp hai con từng là học sinh cá biệt. Khi đó tôi chưa gặp con. Nhưng từ ngày biết và sát sao, thường xuyên rủ con về nhà, đi cùng con nhiều chuyến dài ngày, tôi hiểu rằng con là một cô bé thông minh. Con hỏi đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, kính ngữ. Nhưng chỉ riêng việc hỏi thôi giáo viên của con đã không bằng lòng rồi. Mẹ con rất bận, mà mỗi ngày đều nhận được tin nhắn kêu ca tình hình ở lớp của con, mệt đến độ chỉ biết vâng, thưa cô em nhận lỗi, em sẽ đôn đốc lại con. Con học tốt, con không trốn tiết, con không cãi thầy cô, con không hỗn láo, … vậy con hư ở đâu, hư chỗ nào?

Định kiến: thuốc độc của giáo dục
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com

Khi giáo viên nói với học sinh rằng: “con hư” là đã áp đặt vào đầu óc học sinh và tập thể lớp một định kiến. Khi cha mẹ áp đặt vào con mình: “con hư” cũng chính là nhốt con trong một chiếc lồng định kiến. Và làm sao để những đầu óc non nớt đang trong quá trình phát triển, cần được củng cố, xây dựng, bồi đắp, có thể chống lại những định kiến áp đặt từ “bề trên”?

Tới một ngày tự con cũng nhận: con hư.

Chẳng phải người lớn đang quá dễ dãi sử dụng khái niệm “hư” để đóng đinh, để nhốt, để khiến nhiều đứa trẻ tự kỷ ám thị về cái sự “hư” của mình sao? Mà phần lớn những trường hợp được kết luận là “hư” đó, thường chỉ do con mong muốn được người lớn thuyết phục thay vì áp đặt thôi. Thay vì “hư”, tại sao không thay đổi cách tiếp cận, hãy tự kỷ ám thị rằng “con ngoan”, con “sẽ ngoan”, để cái “ngoan” rồi sẽ thành sự thật?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một bước đột phá, kỳ vọng đem lại sự đổi mới, cởi mở, khơi gợi những tiềm năng và cá tính trong mỗi học sinh, đồng thời cũng giúp thầy cô phát huy được tối đa sức sáng tạo của mình. Chương trình học giảm áp đặt, tăng lựa chọn cho cả giáo viên lẫn học sinh. Từ lựa chọn bộ sách, cởi mở trong cách tiếp cận, tới sử dụng ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa để đánh giá, những cải tiến này cho phép giáo viên được chủ động, phát huy được sức sáng tạo và dấu ấn cá nhân trong giảng dậy.

Tuy nhiên, đi cùng chương trình mới đó, cách đánh giá kết quả học tập mới đó, nên chăng cần cả cách tiếp cận và đánh giá cởi mở hơn, khách quan hơn khi xét tới “hạnh kiểm” của học trò?

Hạnh kiểm đang là thanh đao treo trên đầu mỗi học sinh, kết quả học tập tốt mà hạnh kiểm không tốt thì toàn bộ quá trình cũng sẽ bị đánh giá không tốt. Điều này là hoàn toàn chính xác, tài phải đi đôi với đức. Học phải đi cùng với tâm.

Vấn đề cần bàn ở đây là: thế nào là không tốt? Thế nào là hư? Khi khái niệm “hư” được đánh đồng với “không nhất trí với thầy cô mà mong cầu được giải thích” liệu đó có chính là cách nhanh nhất để giết chết tư duy phản biện, sáng tạo mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 kỳ vọng đem lại không?

Tôi cứ nghĩ mãi về học sinh của mình, học trường quốc tế, nhưng vẫn bị áp đặt từ đâu đó rằng không nhất nhất nghe lời, ngoan ngoãn cúi đầu như một con cừu, thì là “hư”. Tôi cũng không sao quên được cảm giác đau lòng mỗi khi nghe một trẻ vị thành niên nói: tại con hư. Những đứa trẻ còn biết cam chịu nhận lấy định kiến người lớn áp lên mình: “con hư”, là con hẵng còn rất ngoan, còn biết nghe, còn bị thuyết phục. Và căn nguyên gốc rễ của việc “con hư”, nếu có thật, là từ đâu, từ người lớn, gia đình, nhà trường, bố mẹ, thầy cô, là từ đầy đủ những sự giáo dục đặt lên con chưa đúng cách, chưa phù hợp để dẫn dắt con tới cái đích “con ngoan”.

Giáo dục là quá trình dài lâu và tổng hợp. Cây giáo dục không phải giống lúa ngắn ngày mà là cây đa cây si, vươn cao vươn xa, lâu rất lâu mới thả xuống những bộ rễ vững chắc. Và để nuôi dưỡng tán cây xum xuê, giữ cho cây được trường tồn qua bao mùa giông bão, thì giáo viên và phụ huynh chính là những người góp phần chăm sóc, giữ gìn cho cây được lớn khỏe. Thầy cô và cha mẹ cần là những người đầu tiên hạn chế ý nghĩ, từ ý nghĩ tiết chế tới lời nói, tác động tới con trẻ, gieo vào đầu con trẻ rằng chưa nghe lời và phục tùng vô điều kiện là hư.

Quay trở lại chuyện người bạn của con tôi, cháu gái xinh đẹp và thông minh. Ở trường cấp hai con từng bị phạt vì “gây rối”, vì “không nghe lời”. Những chuyện đó tôi đều nghe kể lại chứ không tận mắt chứng kiến. Khi con vào lớp mười, con chưa hoàn toàn gương mẫu như một “con nhà người ta” nhưng mỗi lúc đều có bước tiến đáng kể: tập trung học hơn, cố gắng theo đúng kỷ luật hơn. Ban đầu một số thầy cô vẫn khá khắt khe với con vì nhìn con “điệu”. Nhiều thầy cô thường đánh đồng “điệu” với không tập trung học và “hư”. Tuy nhiên kết quả đã chứng minh ngược lại. Càng ngày con càng tiến bộ, chăm chỉ, tâp trung học, tuân theo nội quy của trường lớp, kỷ luật hơn. Có những thầy cô đứng tuổi khá khắt khe nhưng cũng ghi nhận sự nỗ lực của con, thậm chí cho con điểm khuyến khích về ý thức học tập cao nhất trong lớp. Bạn bè ghi nhận, thầy cô giáo bộ môn ghi nhận thông qua nhận xét và điểm khuyến khích. Vậy nhưng chỉ vì con “đặt câu hỏi” mà giáo viên chủ nhiệm nhận xét không tốt về con. Phụ huynh tiếp nhận thông tin từ giáo viên chủ nhiệm thì đương nhiên phải tin cậy. Vậy là những nỗ lực “ngoan” của con đã bị định kiến của giáo viên chủ nhiệm phủi sạch, dẫn tới hệ quả là bố mẹ cũng không ghi nhận. Liệu như vậy con có còn có động lực để phấn đấu, có niềm tin vào sự công minh?

Học sinh của tôi được nhảy múa khi trả bài, nhưng cô chỉ cần nghiêm giọng là ngồi ngay ngắn viết. Tự do và tôn trọng đúng mực, đúng cách sẽ đem lại nể trọng từ phía còn lại. Tự do đúng đắn không đem đến sự bất kính. Ngoài tự do, con trẻ còn cần được động viên. Khi tôi giao thêm bài đọc hiểu và yêu cầu con luyện để củng cố kỹ năng đó, con hỏi tôi: vì con đọc hiểu dốt quá nên phải luyện thêm đúng không cô? Tôi ngồi thật gần con, nói chậm để con chắc chắn nghe được từng từ: con không dốt, con đọc hiểu chưa tốt bằng các kỹ năng khác của con, vậy thì mình sẽ luyện thêm để con đọc cũng tốt như con chia động từ vậy, con kiên trì rồi con sẽ tốt tất cả các kỹ năng.

Nói với con trẻ rằng con kém, rằng con hư chính là thuốc độc giết chết thôi thúc muốn giỏi, muốn ngoan của con. Ngược lại, ghi nhận từng tiến bộ nhỏ, đồng hành cùng con tới tiến bộ tiếp theo, chính là liều thuốc tốt nhất để chữa lành những vết thương hở trong giáo dục. Đồng hành, đồng cảm với con trẻ, rồi ta sẽ nhận được sự sẻ chia, hợp tác từ các con.

Viết cho Tuệ Nhi của mẹ.

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2024

Baovannghe.vn - Sáng 12/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, thông qua phương hướng hoạt động của năm 2025. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.