Thành phố Hồ Chí Minh được vinh danh là thành phố Điện Ảnh, do đó, Điện ảnh được coi là mũi đột phá chính trong thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tiết mục biểu diễn tại chương trình " Dòng sông kể chuyện" |
Cụ thể, TPHCM lựa chọn 8 lĩnh vực để phát triển: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Dự kiến 8 ngành nói trên sẽ đóng góp148.000 tỉ đồng cho TPHCM
Như vậy, chỉ tiêu thành phố đặt ra, đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, doanh thu đóng góp khoảng 5,7% GRDP của TPHCM, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 12%/năm, doanh thu đóng góp khoảng 7-8% GRDP của TPHCM.
Dự kiến tổng doanh thu của 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế xã hội của TP dự kiến khoảng 148.000 tỉ đồng (đến năm 2025 là 53.200 tỉ đồng; đến năm 2030 là 94.800 tỉ đồng). |
Tại họp báo, đại diện lãnh đạo thành phố cũng cho biết, chiến lược phát triển văn hóa của thành phố sẽ được chia ra nhiều giai đoạn.
Giai đoạn 1: từ nay đến năm 2025 trọng tâm là phát triển TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực; đầu tư nguồn lực phù hợp; khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế: quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa; định hướng và từng bước phát triển các ngành: nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật trở thành ngành dịch vụ quan trọng của TPHCM; xây dựng sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng của 8 ngành công nghiệp văn hóa...
Giai đoạn2: từ 2026 - 2030 gắn với các mục tiêu: phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn TPHCM một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của TPHCM có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á; phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.
Để thực hiện thành công từng giai đoạn, thành phố cũng đưa ra một số giải pháp để phát huy cơ chế đặc thù phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở TPHCM. Cụ thể, tiếp tục tham mưu các giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật; nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch chung của TP các khu đất có quy mô lớn để phát triển các thiết chế văn hóa, phim trường, trung tâm thời trang, trung tâm biểu biễn, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa; gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; có chính sách cụ thể về ưu đãi thuế, vốn vay, sử dụng đất…; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; thực hiện tốt các quy định về quyền sở hữu trí tuệ…
Đây là những điều kiện cần và đủ để thành phố Hồ Chí Minh có thể phát huy tối đa nguồn nội lực, kết hợp với những cơ chế đặc thù trong phát triển đời sống văn hóa, đưa văn hóa phát triển ngang hàng với kinh tế.