Muốn nói gì thì nói, bất luận thế nào thì với gần 200 vở kịch, chèo phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, nhận hàng chục Huy chương Vàng hội diễn toàn quốc, hàng ngàn bài thơ được công bố... cây bút tài hoa Trịnh Hoài Đức đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo đa dạng, sinh động cho Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú - Phú Thọ những năm 1976-2005. Sống giản dị, xuề xòa đến mức luộm thuộm, nhưng đọc ông, tiếp xúc với ông mọi người đều thấy gần gũi, thán phục bởi sự thông minh tinh tế, sắc sảo, uyên thâm trong từng câu chữ, cả sự biến báo tài tình đầy thuyết phục nếu như tranh luận về vấn đề gì đó. Nhà văn Văn Chinh từng nói: "Trịnh Hoài Đức xứng đáng xếp vào hàng những người thông minh nhất nước Nam". |
Năm 1982, tốt nghiệp Trường Văn học nghệ thuật tỉnh, tôi được Ty Văn hóa Thông tin nhận về công tác tại Nhà Triển lãm tỉnh. Ngày ấy mọi thứ còn rất bỡ ngỡ với một nhân viên mới như tôi. Tuy nhiên, học trong lĩnh vực nghệ thuật, nên lớp chúng tôi thỉnh thoảng lại có một số văn nghệ sĩ, đặc biệt là các họa sĩ ở tỉnh là bạn của thầy tôi - họa sĩ Vương Chùy ghé thăm trường và trò chuyện nghề nghiệp. Cũng từ đó tôi nghe và được biết những tên tuổi như: các họa sĩ Ngô Quang Nam, Nguyễn Việt Thọ, Hoàng Hữu, Nguyễn Đài, Trần Đình Ninh... rồi nhạc sĩ Cao Khắc Thùy, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức, các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Hữu Nhàn, Sao Mai, Nguyễn Đình Ảnh, Kim Dũng, Khánh Hoài... Công tác ở Ty Văn hóa Thông tin tôi thường xuyên gặp nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức, bởi nhà ông ở gần Bệnh viện tỉnh, mà Bệnh viện lại ngay sau Ty Văn hóa, vợ ông lại làm trong viện. Ông cũng thường xuyên đến Ty Văn hóa để trao đổi công việc, họp hành, cũng có lúc gặp nhà viết kịch Nguyễn Kính Mời khi đó là Phó Ty. Tôi nhớ ngày ấy nhà ông còn có cái quán ngay cổng viện, gần đó là quán của gia đình tác giả thơ Ngô Kim Quỳnh, ngoài những lúc đi thực tế xuống cơ sở viết kịch bản, hay dựng vở ông thường xuyên có mặt tại quán, đàm đạo văn chương, chuyện tào lao với mọi người và ngồi uống rượu, ông có nhiều bạn ở khắp mọi nơi, mọi lứa tuổi bởi tính ông dễ gần, dễ mến. Thế nên một họa sĩ trẻ như tôi nhanh chóng được ông yêu quý coi như người trong nhà. Tôi cũng thường xuyên lui tới gia đình ông và trở nên gần gũi, thân mật với gia đình, cánh trẻ chúng tôi lúc bấy giờ như: Nguyễn Lưu, Tuấn Râu, Quang Thái, Nguyễn Thiện Kế, Ngô Kim Đỉnh, Bá Đạo, Hoàng Tự Dung, Đỗ Ngọc Dũng... đều được ông quý mến. Nhưng có lẽ tôi và Ngô Kim Đỉnh gần gũi ông hơn, vì với tôi sau những thành công ban đầu, tôi được gia đình ông mời luyện thi cho con ông theo nghề vẽ, còn Ngô Kim Đỉnh lúc này mới rời quân ngũ thường cưỡi con xe máy hình con vịt màu tím ghé quán gia đình ông anh trai Ngô Kim Quỳnh, lại sáng tác thơ, thế nên cũng rất thân tình với ông. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn thời ấy cốc bia hơi, chén trà, thanh kẹo lạc, quả trứng vịt lộn đều là những món xa xỉ. Thế nhưng, thi thoảng ông và chúng tôi vẫn cứ hẹn hò, tụ tập, trò chuyện và cùng nâng cốc. Có lúc ông cũng rủ tôi cùng đi xuống cơ sở, hôm lại sang Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nơi ông công tác.
Nhìn những văn nghệ sĩ tên tuổi của tỉnh đi đi lại lại qua các phòng nói những chuyện văn chương nghệ thuật cao siêu tôi rất nể sợ. Được tiếp xúc với những tên tuổi văn nghệ sĩ, điều đó đã khiến tôi nuôi dưỡng hoài bão trở thành một họa sĩ đích thực. Miệt mài sáng tác, giữa năm 1984 tôi nhận giải thưởng Quốc tế về tranh áp phích chính trị tổ chức tại Liên Xô và Tiệp Khắc. Nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức đến chúc mừng và khuyên tôi nên chuyển về Hội để có điều kiện giao lưu, học hỏi và sáng tác tốt hơn, ông bảo tôi: "Hội Văn học nghệ thuật là một địa chỉ cao đạo". Nghe lời ông tôi đã quyết tâm xin chuyển về hội, bấy giờ ở Hội, họa sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu tác giả của bài thơ nổi tiếng Hai nửa vầng trăng mới mất được hơn năm, họa sĩ Nguyễn Đài cũng đến tuổi nghỉ hưu. Tôi đề đạt và được nhạc sĩ Cao Khắc Thùy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội chấp thuận. Nhưng trớ trêu bên Ty Văn hóa lại không cho tôi chuyển với lý do là tôi được ngành văn hóa tỉnh đào tạo nên phải phục vụ ngành.
Sau nhiều lần từ chối, tôi đánh liều đến gặp ông Bí thư Tỉnh ủy lúc đó là ông Lê Huy Ngọ nhờ ông can thiệp. Cuối cùng Ty Văn hóa cũng đồng ý cho tôi chuyển về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Thế rồi những năm tháng công tác ở Hội, chứng kiến biết bao thăng trầm và vui buồn. Được các thế hệ văn nghệ sĩ đi trước ưu ái, quý mến. Đặc biệt càng trở nên thân thiết với nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức. Cũng phải nói ngay rằng cơ quan Hội Văn học nghệ thuật ngày ấy không quản lý hành chính cán bộ, mà chỉ quản lý bằng sáng tạo tác phẩm. Nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức hầu như hằng tháng chỉ đến cơ quan vài ba ngày, có khi chỉ về để nhận lương. Hầu hết thời gian ông xuống các địa phương, cơ quan, đơn vị tìm hiểu thực tế để sáng tác kịch bản, có lần đi cơ sở lâu lâu mới về, gặp tôi ông hỏi vui: "Cơ quan Hội còn ở đấy hay chuyển đi đâu rồi Dũng ơi?"
Trịnh Hoài Đức, sinh ngày 14 tháng 7 năm Ất Dậu 1943 tại Thụy Vân - Việt Trì. Ông là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ, nguyên Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phú - Phú Thọ khóa 1995-2000, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hùng Vương, 8 Huy chương vàng dành cho kịch bản tại hội diễn toàn quốc, cùng nhiều giải thưởng cao về thơ; Huy chương Vì Sự nghiệp Văn hóa Tư tưởng, Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Vì Sự nghiệp Văn hóa Thông tin, Vì Sự nghiệp Sân khấu Việt Nam, từng tham gia quân đội từ 1996-1975.
Nhà thơ, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức cùng các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Vũ Thanh Thủy, Nguyễn Đình Ảnh và nhà văn Sao Mai |
Quãng thời gian 1985-1995, cuộc sống khó khăn khiến cho mọi công chức viên chức, "chân trong, chân ngoài" lo toan cho cuộc sống gia đình. Trịnh Hoài Đức là một người tiêu biểu, vừa làm việc cơ quan, lo biên tập thẩm định tác phẩm của hội viên. Chính tôi cũng không biết ông đọc tác phẩm của hội viên khi nào, mà trao đổi với bất kỳ tác giả nào về tác phẩm của họ, ông đều nói vanh vách, chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, hay, dở của tác phẩm đầy sức thuyết phục khiến các tác giả đều kính nể, bái phục sự thông minh nhạy bén của ông trong thẩm định. Đôi khi ông còn phát hiện ra dụng ý của tác phẩm, tìm ra cái hay cái đẹp trong mỗi câu thơ, ý văn khiến tác giả hoàn toàn bất ngờ, vượt ra ngoài mong muốn của tác giả.
Thời điểm này, hoạt động sân khấu truyền thanh phát triển rất mạnh, hầu như các cấp, các ngành, địa phương đều muốn có các hoạt cảnh, hay vở diễn về ngành mình, địa phương mình trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam hay Đài Truyền hình Việt Nam, nhất là phát vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, hay đón xuân mới hằng năm. Đó chính là mảnh đất màu mỡ để nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức thỏa sức sáng tạo, ông đi nhiều, viết nhiều, có khi chỉ một đêm đã viết xong vở kịch. Vở diễn nào của ông cũng hấp dẫn, được công chúng đón nhận. Một thời mà người dân cả nước thường được nghe, được xem những vở diễn của ông viết về miền đất, con người trung du. Hầu như những kịch bản của ông không nhạt nhòa, hiền lành vô vị như một số kịch bản thường gặp thời ấy. Trái lại, nó là những tác phẩm có vấn đề, khiến người đọc, người nghe, xem phải suy ngẫm, trăn trở trước những điều mà ông đã gửi gắm. Tính nhân văn trong mỗi kịch bản của ông luôn sâu đậm tình người, tình đồng nghiệp. Có thể nói ngay từ vở chèo đầu tay viết từ năm 1962 - vở Hoãn cưới đoạt giải của Ty Văn hóa Thông tin lúc ấy. Ông đã tỏ ra là một cây bút chững chạc, đến vở Mất súng tại hội diễn nghệ thuật sân khấu toàn tỉnh, khán giả đã biết đến ông như một nhà viết kịch thực sự tài hoa.
Ông có những vở kịch dài được Đoàn Kịch nói Trung ương, Đoàn Chèo Hà Nội thể hiện như: Lũ xoáy chân đồi, Chân dung chiến sĩ, Mùa xuân Trung du, Sống như cuộc đời của mẹ từng đoạt Huy chương Vàng tại hội diễn sân khấu toàn quốc, thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam từng xúc động sâu sắc trước những kịch bản này của ông. Chính những kịch bản này đã minh chứng tài năng viết kịch của ông. Trịnh Hoài Đức không chỉ có các kịch bản thời sự, mà còn thành công trong các vở chính kịch. Kịch của Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan như trong Lời ru thuở ấy, Sống như cuộc đời của mẹ. Bên cạnh hàng loạt các kịch bản ngắn như: Gạch ra lò, Tứ quý, Con tôi à, Tưởng già hóa trẻ... đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ tuyên truyền, nó cũng là thông điệp để con người phải luôn hoàn thiện mình, phải dần từ bỏ cái thằng người trong chính mình để có được nhân cách con người đúng nghĩa. Xuyên suốt trong kịch bản của Trịnh Hoài Đức chính là sự đề cao con người, tôn trọng con người. Phải chăng vậy mà trong phòng ông có hai câu thơ đề từ cho chính cuộc đời mình:
Căn phòng và cái đầu thôi
Mà thu được cả đất trời vào trong.
Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... |
Nghệ sĩ ưu tú Vũ Hà, Phó Ban văn nghệ, Trưởng phòng sân khấu Đài Tiếng nói Việt Nam từng nhận xét: "Trịnh Hoài Đức là nhà viết kịch tài hoa vào bậc nhất. Một đêm ông có thể viết xong một vở kịch dài. Có lần do yêu cầu của Đài, chúng tôi cử biên tập về gặp ông đặt viết vở. Ông viết liền một mạch xong ngay không phải sửa một chữ nào, kịch bản của ông có tính văn học rất cao, hình tượng nhân vật sâu sắc. Trong lĩnh vực thơ Trịnh Hoài Đức là người xuất khẩu thành thơ, thơ ông ngôn ngữ dung dị tới mức bác học mà thấm đượm tình người, có sức ám ảnh người đọc đến khôn cùng. Ông là một tài năng lớn".
Quả thực, không chỉ là nhà viết kịch tài hoa, ông còn là một nhà thơ - một nhà thơ đích thực, không kém tài sử dụng ngôn từ, tính trữ tình và sắc sảo như bất kỳ nhà thơ chuyên nghiệp nào. Nếu như ai đó tiếp xúc với ông thì đều có chung một nhận xét: Trịnh Hoài Đức là người thông minh, có biệt tài đọc một biết mười, ông là người đa tài ở nhiều lĩnh vực, ông sinh ra để viết kịch, làm thơ, đạo diễn sân khấu... Trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào ông diễn thuyết hay ứng khẩu thơ, cũng có sức thu hút người nghe đến kỳ lạ. Hầu như từ ngoại hình, tính cách đến ngôn ngữ, hay hành động của ông đầy chất sân khấu, tiếp xúc với ông dù chỉ mấy câu thoại ngắn cũng mang tính kịch. Trịnh Hoài Đức được đồng nghiệp thừa nhận là người phản xạ nhanh nhạy, ứng biến linh hoạt, sắc sảo, xứng đáng xếp vào hàng những người thông minh. Những câu thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học, nhiều câu thơ của ông như thần bút mách bảo. Ông có nhiều bài về cha, mẹ, vợ, con, những người thân trong gia đình rất thành công.
Dù là người ngoại đạo văn học nhưng tôi rất nhớ bài thơ ông viết về cha mình - người cha nghiện rượu với nhan đề: Với cha.
Ngày nào cha cũng đẫm trong say
Lúc men cháy luôn mồm cha chửi mẹ
Ấm chén lọ chai tìm về sứt mẻ
Quả sấu chua không thoa nổi cơn phiền
Bỗng một chiếu lời cáu gắt lặng thinh
Cha ra đi cùng nơi men ấy
Lệ mẹ và con chảy về đâu nhỉ
Chỉ mong người trở lại với cơn say.
Những câu thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học, nhiều câu thơ của ông như thần bút mách bảo. |
Bài thơ rất xúc động khắc họa tình cảnh gia đình ông, với người cha nghiện ngập luôn trong những cơn say chửi mắng vợ con, các anh em ông sợ hãi lăn lê dưới nền nhà, khóc thương mẹ, thương cha trong cơn say đến thôi mình. Đặc biệt hơn, khi bỗng một chiều cha ra đi cùng hơi men ấy. Thì cái tình của ông, anh em ông lại được dồn nén đẩy lên, rồi lại lắng xuống để chỉ mong người cha được sống lại để trở lại với cơn say... Mong ông cụ cứ say nhưng còn đấy không phải chia lìa anh em ông.
Ở một bài thơ khác Trịnh Hoài Đức viết về mẹ bài Cái lẫn với những câu đầy gan ruột xúc động như:
Ăn rồi mẹ bảo là chưa
Trời đang nắng mẹ bảo mưa thế này
Nếp thơm đặt giữa lòng tay
Mẹ cười ứa lệ đất này đồng xa
Chiều nay mẹ đã yên nằm
Tiếng kèn rước mẹ về thăm xóm đồi
Mẹ mang cái lẫn đi rồi
Để cho cái tỉnh mồ côi sững sờ.
Hay thơ viết về vợ con ông như có phần như tự trách mình, để sau đó ông có hẳn một trường ca viết về vợ: Làm thơ viết kịch cả đời/ Chưa có một lời về vợ, về con/ Thủy chung tình nghĩa chẳng mòn/ Còn thơ tâm sự hãy còn, vợ ơi? hay trong bài thơ Tương tư: Ai tương tư mấy vợ người/ Tôi tương tư đến mười mươi vợ mình/ Càng nhìn em lại càng xinh/ Bước đi dè dặt tính tình hiền hơn...
Ở chủ đề nhân tình thế thái ông có nhiều bài thơ tâm sự đầy triết lý sâu sắc như: Với một vương chiều, Thủ trưởng nghỉ hưu, Có nghe nhân thế...
Đã từng Nam, Bắc, Đông, Tây
Một thời chém gió vung tay một thời
Vời xa tiếng mẹ ru hời
Quanh mình xúm xít những lời tụng ca
Một thời là mẹ là cha
Bàn dân thiên hạ đều là chúng sinh
Mũi đao khi gục mái đình
Mình về đẽo vọt bóng mình vườn sau...
(Có nghe nhân thế)
Đặc biệt với bài thơ viết về trăng, khi bài thơ được công bố, đã gây một âm hưởng đến bất ngờ. Nhất là sau khi bài bình đến với bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải đăng trên Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ: Bài thơ Trăng: Vầng trăng như một chiếc muôi/ Đêm đêm hớt váng mây trời chảy qua/ Hớt từ phận Cuội, thân đa/ Hớt cho tới cõi trăng già chưa thôi. Nguyễn Hưng Hải cho rằng: Câu thơ mở đầu bài thơ như một sự ví von đầy khơi gợi, nhiều liên tưởng... "Chiếc muôi" ở giữa trời "Đêm đêm hớt váng"... Giật mình thấy Trịnh Hoài Đức đang nhìn thấu cả trốn "cao siêu", phải chăng là lời cảnh báo, giải thiêng về huyền thoại "Trăng". Với cái nhìn này, Trịnh Hoài Đức khiến chúng ta phải thay đổi cách nhìn truyền thống cứ "Trăng" là phải đẹp, cứ trên cao là phải tỏa sáng... Hớt ở đây là hớt cái phần nổi, cái phần màu mỡ. Vậy thì ai hớt, dù không rõ là ai nhưng mọi người hình dung được kẻ dùng muôi trăng, đêm đêm hớt váng thuộc tầng lớp nào?
Nhà thơ, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức (ở giữa), họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng và nhà thơ Ngô Kim Đỉnh tại tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ |
Tạp chí ra gây xôn xao dư luận, mấy hôm sau, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Xuất sang làm việc với Chủ tịch Hội và Ban biên tập rồi thống nhất: Không bàn tán về bài thơ, lơ đi mọi dư luận, không phát hành tiếp đến các địa chỉ chưa gửi tạp chí... Quả thật cách xử lý này của Trưởng ban Tuyên giáo lúc bấy giờ thật hiệu quả, rồi mọi việc cũng lắng xuống. Nguyễn Hưng Hải cho rằng: "Đây tuyệt nhiên không phải sự hạ bệ thần tượng mà là cảnh báo về nhân cách của thần tượng. Bài thơ như một tiếng chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Hai câu tiếp: Hớt từ phận cuội, thân đa/ Hớt cho tới cõi trăng già chưa thôi... Tuyệt chiêu? Thấy gai người, thấy day dứt, câu thơ thứ ba như thể trời cho nhuyễn và "kín" đến độ tinh xảo.
Xưa nay bao gian dối ở đời đều được "gán" cho Cuội cả. Cuội là biểu tượng lừa đảo, lưu manh. Nhưng đến như Cuội còn bị "hớt" thì chúng ta chỉ còn chắp tay cúi lạy, bất lực... Trăng như là "chiếc muôi", đấy là trăng non, là biểu hiện của sự trẻ trung, chưa viên mãn. Nhưng ở đây trẻ đã hớt, về già vẫn chưa thôi thì lòng tham thực sự vô đáy, mà đã là bản chất của những kẻ tha hóa ngồi trên cao "hớt váng" của người dân... Đây được xem như một "thi phẩm tuyệt vời" về trăng của thi sĩ Trịnh Hoài Đức trong tiến trình đổi mới thơ ca đương đại.
Như đã nói ở trên, vốn rất thân tình với ông và gia đình ông thế nên ngoài công việc ở cơ quan ông thường xuyên rủ tôi đi cơ sở, nhận các công việc về mỹ thuật và giao cho tôi thực hiện, có lợi nhuận cùng hưởng. Phải nói ngay, ông quen biết khắp cả tỉnh, mọi người cũng thường nể tài ông, tạo điều kiện cho ông có thêm thu nhập ở cái thời buổi khó khăn chung của cả nước lúc bấy giờ. Nào là làm biển quảng cáo, bản đồ mica, biển hiệu, tranh an toàn lao động cho các nhà máy, Quốc huy, logo, mô hình, sa bàn, trang trí hội trường, nhà truyền thống... rồi đến cả việc bán tượng Bác Hồ khắp các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh. Càng gần ông tôi càng thấy tài biến báo, tài thơ của ông thật đáng kính nể. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào kể cả cơ quan, đơn vị nào dù lúc đầu không muốn tiếp ông, rồi thì đến muốn tiếp ông, càng nghe ông nói chuyện càng thích ông, nhất là có những giám đốc đơn vị có máu thơ ca thì lại càng thần tượng ông. Bởi ông sẵn sàng có ngay mấy câu thơ hay viết về chính họ, đặc biệt phản ánh đúng tâm trạng của giám đốc hay tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị...
Sao lại bắt Cụ Hồ mua vé?
Thập niên 85-90 của thế kỷ trước, hoạt động "phân phối" tượng Bác Hồ đem lại hiệu quả thu nhập cho chúng tôi ngày ấy vì mua một bán mười. Một lần, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức và tôi xuống Công ty Mỹ thuật Trung ương mua một lúc mười pho tượng Bác cỡ đại, thuê chở ra Bến xe Kim Mã, rồi cùng lái phụ xe tuyến Hà Nội - Việt Trì đặt tượng lên mấy hàng ghế đầu và cả nắp cápbo (phải nói ngay rằng ngày ấy xe khách ít, nhiều người không có chỗ ngồi phải đứng chen chúc suốt chặng đường dài). Khi xe ra khỏi bến chạy được vài km, lúc này phụ xe mới bán vé và thu tiền từng người. Đến phía trên phụ xe hỏi: "Những pho tượng của ai cho mua vé?" Trịnh Hoài Đức lúc này nhớ lại bài của Nguyễn Thiện Kế trước đó. Ông bảo: "Sao anh lại bắt Cụ Hồ mua vé? Khi còn đi học chúng ta đều biết bài hát: Người cho ta tất cả là Bác Hồ Chí Minh. Vậy thử hỏi bà con hành khách trên xe tôi nói có đúng không? Nếu không có Bác Hồ thì làm gì đã có dân tộc Việt Nam như ngày nay, làm sao chúng ta được sống trong hòa bình độc lập, làm sao anh có công việc như bây giờ? Vậy mà anh còn đòi thu tiền vé của Cụ Hồ". Đến đây tôi thấy có vài hành khách lên tiếng đồng tình rồi ông tiếp luôn: "Chúng tôi cũng vì nhiệm vụ chính trị mà chuyển số tượng Bác về chuẩn bị phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp, xe mà chở tượng Bác là sẽ gặp nhiều may mắn..." Rồi một tràng pháo tay của hành khách trên xe vang lên. Thế là cả lái, phụ xe im re không hỏi tiền vé nữa. Về đến Việt Trì, xe còn chở hẳn số tượng Bác đến tận nơi tập kết cho chúng tôi.
Tặng hai chữ "Đồng ý"
Một lần ra Cục Thuế tỉnh xin miễn thuế làm quảng cáo, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh biết ông có tài xuất khẩu thành thơ, được mọi người ca ngợi và đặt cho biệt danh là nhà thơ 113. Cục trưởng đề nghị ông bước mười bước mà làm được mấy câu thơ về chủ đề thuế, lại đúng tâm trạng của ông Cục trưởng lúc này thì ông hứa sẽ tặng ngay hai chữ "Đồng ý" vào đơn và được miễn thuế ngay. Lùi lại và tiến lên chưa hết sáu bước, Trịnh Hoài Đức đã đọc vanh vách bốn câu thơ đúng chủ đề. Ông Cục trưởng kính nể, tâm phục, khẩu phục và ông ký ngay hai chữ "Đồng ý" thật to vào đơn xin miễn thuế của nhà thơ Trịnh Hoài Đức.
Thăm Trạm y tế xã Chân Mộng
Một lần, tôi đưa ông từ Đoan Hùng về Việt Trì khi qua xã Chân Mộng quê tôi, thấy Trạm y tế xã khang trang, sạch đẹp, ông nói tôi đưa vào thăm. Trưởng trạm lúc bấy giờ là bác sĩ Vũ Huyến, ngồi tiếp nhà thơ, nhà viết kịch và tôi. Sau ba phút, Trịnh Hoài Đức có ngay bốn câu thơ đọc tặng ông Vũ Huyến: Chân là chân thật chân thành/ Mộng là mộng ước mộng dành tương lai/ Ai qua Chân Mộng Cầu Hai/ Ghé thăm Trạm xá khen ai nhiệt tình. Ông Vũ Huyến vỗ đùi khen hay, nể quá rồi ông đặt hàng chúng tôi vẽ cho hai mươi tranh, mỗi tranh có bốn câu thơ ở bên dưới nói lên thành tích và những việc làm của Trạm y tế xã. Khi ra về ông trưởng trạm còn cho quân bắt cho chúng tôi hẳn một con lợn gần 30kg được xuất từ trại chăn nuôi của hợp tác xã về để liên hoan.
Cụ ao và Cụ Hồ
Một lần, tôi chở ông, phía sau xe còn chở thêm một tượng Cụ Hồ cỡ đại (ngày ấy có phong trào bán tượng Bác, nên xe máy của mỗi chúng tôi thường được thiết kế thêm một giá đèo hàng lôi ra phía sau, có thể chở được bốn pho tượng Bác cỡ đại). Ông bảo tôi rẽ vào Công ty Cầu đường Phú Thọ để bán tượng. Vào phòng giám đốc, liếc nhìn sang phòng họp bên cạnh thấy đã có tượng Bác, tuy hơi nhỏ chắc là tượng cỡ trung. Ông đặt vấn đề, đề nghị công ty mua tượng Bác với những lý do như: Ông đang thực hiện chủ trương của cấp trên, hướng tới Đại hội Đảng các cấp, nào là ông có nhiệm vụ trang bị tượng Bác cho các cơ quan đơn vị trong tỉnh... Thú thực tôi không biết là bao giờ Đại hội Đảng các cấp mới diễn ra. Vậy mà ông cứ nói thao thao một cách rất nghiêm nghị. Ông giám đốc đưa chúng tôi sang phòng họp và nói đã có tượng Bác rồi. Trịnh Hoài Đức nói ngay: "Tượng của công ty đã cũ, là chủng loại có vấn đề, bị khiếm khuyết khi tạo mẫu khuôn rất cần phải thay thế. Đặc biệt đây là tượng cụ ao, tượng của chúng tôi mới là Cụ Hồ. Vì vậy công ty cần thay bằng tượng Cụ Hồ cho đúng với tinh thần chỉ đạo cấp trên". Cuối cùng, ông giám đốc công ty gọi kế toán mang sang phong bì 500 nghìn đưa cho chúng tôi. Khi hai chú cháu ra xe bê tượng vào tôi nhắc lại với ông về cụ ao và Cụ Hồ ông bảo "Ao chẳng bé hơn hồ là gì", nghĩ mà cứ phì cười. Hôm ấy, ông giám đốc công ty còn đề nghị chúng tôi giúp chuyển pho tượng cũ về tái chế. Ông và tôi lại chở pho tượng lên thị xã Phú Thọ, đến cây số 5 chúng tôi tạt ra một góc cánh đồng, lấy đồ nghề phủ lên một lớp titan, pho tượng trở nên trắng phau, khi đến Đoạn Quản lý Đường bộ 2 ở gần thị xã Phú Thọ, chúng tôi lại bán được pho tượng này cho công ty với giá 400 ngàn đồng.
Gãy cổ cò, gãy cổ cò rồi...
Trong một lần chở tượng Bác đi bán ở huyện Cẩm Khê và Yên Lập, sau khi bán tượng cho huyện Cẩm Khê một cách nhanh chóng và lại được huyện mời bữa cơm trưa. Chúng tôi vào huyện Yên Lập, với tài thuyết khách của ông, huyện Yên Lập không ngần ngại mua ngay tượng Bác thay cho pho tượng cũ ở hội trường bị thủng một miếng và có nhiều vết rạn ở phần sau gáy. Thanh toán xong ông yêu cầu huyện giao lại pho tượng để về tái chế với những lý do đầy thuyết phục: "Nếu để tượng Bác bị vỡ thì sẽ không hay, về mặt tâm linh bị mang tiếng, về mặt chính trị nếu kẻ xấu xuyên tạc thì rất nguy hiểm... mà càng không được để Cụ vào kho, không được tự đập hóa tượng..." Thế rồi chúng tôi lại cho pho tượng cũ này lên xe máy, sau khi được huyện thiết bữa cơm thịnh soạn. Về qua Dốc Đá Thờ không hiểu lý do đường sóc hay ông Trịnh Hoài Đức tựa vào mà pho tượng bị gãy rời phần cổ và phần thân, ông vỗ vai tôi bảo dừng lại gãy cổ cò rồi, tôi giảm ga đi chậm lại hỏi có chuyện gì. Ông bảo, gãy cổ cụ rồi, tôi hiểu ý dừng xe tranh thủ lúc trời còn sáng, ra ven suối lấy nước trộn sợi đay và thạch cao mang theo, chỉ mười lăm phút sau pho tượng lại đâu vào đấy, có điều phần thạch cao mới còn ướt, sẫm màu. Tối hôm ấy, về đến thị xã Phú Thọ, chúng tôi ghé vào Nhà văn hóa thị xã, nơi có họa sĩ Bá Đạo nghỉ đêm và nhờ Bá Đạo cho mượn máy sấy, quạt điện chạy cả đêm cho khô phần thạch cao còn ướt. Sáng ra tượng lại như mới, ông nói: "Ăn sáng xong ta vào công an thị xã bàn giao tượng cho họ". Tôi nghe ông nói cứ như ông là cấp trên xuống phân phối tượng cho cơ sở. Quả nhiên đầu giờ sáng theo ông vào công an thị xã, sau màn chào hỏi và kèm theo mấy câu thơ ca ngợi thành tích của công an thị xã mà ông vừa ứng tác đọc tặng. Trưởng công an thị xã nhiệt tình đón tiếp, đồng ý mua tượng và cho thanh toán tiền ngay. Hôm ấy, chúng tôi từ chối không ở lại ăn trưa nên mỗi người còn được tặng một phong bì gọi là lộ phí.
Thanh toán bằng cá trắm
Chỉ vì nghe ông nói quá hay mà trước đó ít ngày, chủ tịch xã Hà Lộc đồng ý mua tượng Bác lúc nào không hay. Vì mới tạm ứng được 100/500 ngàn. Đã đôi lần ông và tôi qua xã mà chưa thanh toán được. Trưa ấy khi qua địa bàn xã chúng tôi hỏi thăm và đến thẳng nhà chủ tịch xã. Hôm ấy, đúng buổi gia đình anh đánh cá ở ao nhà, thấy mọi người vẫn đang cất vó, trong khi ở trên sân nhiều thùng, chậu đã đầy cá, những con trắm béo ngậy tầm 5-7kg đang nằm phơi mình. Biết chúng tôi qua là nhắc việc gì rồi, anh có vẻ hơi lúng túng, biết ý Trịnh Hoài Đức nói nhỏ: "Nếu chưa có tiền mặt thì có thể chúng tôi nhận cá". Chủ tịch xã tươi tỉnh hẳn, anh cho người bắt sáu con trắm tầm 4-6kg/con vào xô nhựa rồi nói: "Trước đã tạm ứng được 100, nay còn 400 em xin chuyển bằng bốn con tương đương với 2 yến, còn hai con biếu mỗi bác một con". Thế là tôi phải vất vả chở ông và 3 yến cá trắm tươi sống xuôi Việt Trì. Về đến ngã ba Đền Hùng ông bảo tôi dừng lại ở một nhà hàng người quen, ông trình bày sự thể và yêu cầu nhà hàng mua lại số cá với giá 30 ngàn/kg làm tròn lấy 600 ngàn. Công việc thuận lợi, trên đường về ông nói: "Thế là đã lời được 200 ngàn và mỗi người lại có thêm một con trắm to đem về nịnh vợ".
Bí thư Tỉnh ủy đề thơ tặng nhà viết kịch
Ngày ấy phong trào mua, bán tượng Bác rầm rộ cả tỉnh, trong đó Trịnh Hoài Đức là một gương tiêu biểu. Một hôm, nhân dịp chuẩn bị đón xuân mới, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức gặp mặt các trí thức văn nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh. Trước giờ khai mạc buổi lễ hôm ấy, tôi còn nhớ Bí thư Tỉnh ủy lúc đó là ông Hoàng Xuân Cừ, ông vừa cười vừa nói vui và đọc tặng nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức bài thơ như sau: Mặt mũi đen nhẻm/ Bỏm bẻm nhai trầu/ Nuôi trí làm giàu/ Bằng buôn tượng Bác. Cả khán phòng cười rộ lên bởi bốn câu thơ ngắn tả rất ra chân dung nhà thơ, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức bấy giờ.
Bị dị ứng với tiền bồm
Một lần giữa buổi sáng, Trịnh Hoài Đức bảo tôi đưa ông đi loanh quanh tý, tôi hỏi có gần ở đây không, ông nói: "Công ty D ngay đây". Tôi biết ông có biệt tài xin tiền ở bất cứ nơi nào ông đến, mở đầu khi thì ông ca ngợi đơn vị, lúc thì bóng gió, dọa nạt, nếu đơn vị đang có vấn đề gì đó buộc giám đốc phải nể sợ... bụng thầm nghĩ, đưa ông đi rồi thế nào tí về cũng có lộc. Đến Công ty Dược (vị trí Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ hiện nay). Ngồi mấy phút ông đã có ngay bài thơ hay tặng giám đốc và ngành dược tỉnh nhà, tôi nghe rất vần điệu và quá hay. Rồi Trịnh Hoài Đức đưa ra một công văn đề nghị hỗ trợ kinh phí (phải nói ngay là khi ấy ông là Ủy viên Thường trực Hội, trong cặp ông luôn có các công văn xin kinh phí do chính ông ký, thậm chí nhiều tờ giấy được đóng dấu lưu không). Một lúc sau, ông giám đốc gọi kế toán tới mang một cục tiền, nói là 500 ngàn đồng để trên mặt bàn. Tôi thấy ông cứ tỉnh bơ, cứ nói chuyện rồi bảo ông giám đốc: "Anh cho thủ quỹ đi đổi giúp tiền chẵn, tôi bị dị ứng với tiền bồm, tôi ngồi chơi với anh, người thì anh cho bia, xe chúng thì anh cho xăng, khi nào đủ tôi mới về được". Tôi nghĩ mà thấy ngại với ông giám đốc quá, trong khi nhà thơ, nhà viết kịch cứ liên tiếp bật nắp chai. Như có ý để chúng tôi về sớm, ít phút sau tôi thấy cô văn phòng mang bia thêm vào bàn, người mang can xăng 5 lít bảo tôi mở bình đổ vào xe, rồi cục tiền cũng được thu nhỏ để trong phong bì trên mặt bàn. Trịnh Hoài Đức còn uống thêm mấy chai nữa rồi mới bảo tôi đưa về. Ra khỏi cổng cơ quan tôi thầm nghĩ: "Không hiểu sao ông giám đốc này lại chiều nhà thơ, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức đến như vậy". Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được.
Từ trái qua phải: nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh; nhà thơ, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức; họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng thăm chúc Tết gia đình nhà thơ Ngô Kim Đỉnh |
Nhờ anh Trịnh Hoài Đức chuyển giúp....
Như đã nói ở trên, cả gia đình Trịnh Hoài Đức đều sống thoải mái đến mức luộm thuộm và rất hài hước đầy tính sân khấu. Hoàn cảnh khó khăn nhưng vốn thông tinh sắc sảo, ông thường xuyên kiếm được tiền bằng nhiều cách, khi thì viết kịch, đạo diễn dựng vở, nhận làm quảng cáo, thù lao nhuận bút, cả xin từ các cơ quan doanh nghiệp... Thế nên sau mỗi ngày về nhà, vợ ông thường kiểm tra cặp, trong các tập sách, bản thảo cứ có phong bì là bà thu luôn. Nhiều lần Phong bì không cánh mà bay. Ông giấu tiền xuống dưới đế giày, nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn là bà đã phát hiện ra và tiền ông lại biến mất. Ông nghĩ cách: Vỏ quýt dày phải có móng tay nhọn, lần này mỗi khi có một khoản tiền ngoài phần đưa cho vợ, ông thường cho vào phong bì, ngoài phong bì ông không trực tiếp viết vì sợ vợ biết nét chữ nên nhờ mọi người ghi hộ: Nhờ anh Trịnh Hoài Đức chuyển giúp... lúc thì tên người này, lúc lại tên người khác, vợ ông mở cặp thấy vậy không dám lấy nữa. Nhưng ít lâu sau, thấy ông thi thoảng lại có những phong bì kiểu này, bà vợ sinh nghi, một lần tranh thủ lúc ông ra ngoài bà mở cặp tút hết lõi, có cái bà lấy cả phong bì rồi ghi thêm chữ chuyển đến chị nhà, cái thì chuyển đến chị Thơ (tên vợ ông). Một sáng đến cơ quan thấy ông bần thần mang khuôn mặt của kẻ hết tiền, tôi hỏi có chuyện gì. Ông nói: "Thua tất mưu đàn bà". Sau này không còn cách nào khác, thỉnh thoảng tôi thấy ông lại nhờ tôi hoặc ai đó trong cơ quan giữ hộ và thỉnh thoảng lại rút ra để tiêu xài.
Cần học cụ Nguyễn Sinh Sắc
Trong một hội nghị ở tỉnh về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, tôi nhớ khoảng năm 1996 ông Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em tỉnh lúc bấy giờ là ông KVM, phát biểu về tình trạng một số trẻ em khi tự ái gia đình, nhà trường thường hay bỏ đi một hai ngày gây lo lắng hoang mang cho gia đình và nhà trường. Đây là những hành động xấu cần phải được nhà trường và các bậc phụ huynh quan tâm giáo dục kịp thời, nếu không các cháu sẽ hư hỏng... Nhà thơ, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức khi ấy là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, sau khi nghe ông xin phép có ý kiến: "Tôi không nhất trí với nhận xét, đánh giá của ông Chủ nhiệm KVM, vì như thế sẽ thiếu niềm tin vào giới trẻ và biết đâu chính chúng ta đang suy diễn quá mức. Có thể các bậc thầy cô, cha mẹ chưa hiểu hết chúng, chúng có thể ở đâu đó, nhà bạn bè một vài ngày để tĩnh tâm, để học nhóm, hay cùng suy ngẫm, nghiên cứu một vấn đề gì đó có ích thì sao? Đó là chuyện bình thường, không đáng lo lắng..." Tôi chứng kiến thấy mọi người lúc đầu có vẻ hơi ngạc nhiên lo lắng, không khí hội nghị lúc này có phần nặng nề, càng về sau tôi thấy có nhiều đại biểu gật đầu tỏ vẻ tán thành. Đến khi ông nói thêm: "Nếu cứ suy nghĩ nâng cao quan điểm như đồng chí chủ nhiệm thì xưa kia bố Cụ Hồ biết cụ rời quê hương lên tàu Pháp mà bắt cụ về thì làm gì còn có Cụ Hồ và dân tộc Việt Nam như ngày hôm nay. Thế nên, cần tin vào lớp trẻ và cần học cụ Nguyễn Sinh Sắc". Đến đây tôi thấy thở phào nhẹ nhõm, tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng cười âm vang cả hội trường.
Gặp phải Hồ lô bố!
Khoảng năm 1996 khi là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, một lần nhà thơ, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức rủ tôi lên Xí nghiệp Phèn chua Thị xã Phú Thọ. Ông nói nhỏ: "Đơn vị này mới được báo đài ca ngợi làm ăn khá lắm..." Tôi hiểu ý ông sẽ có tí lộc nếu đưa ông đi, chúng tôi khởi hành ngay. Đến thị trấn Phù Ninh, xe máy bị công an chặn do phóng nhanh, ông xuống giơ cái thẻ Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và giải thích lý do có việc gấp phải nhờ tôi đưa đi kịp đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc ở thị xã Phú Thọ. Công an đồng ý cho chúng tôi đi ngay mà không phạt. Lên đến xí nghiệp, ông giám đốc trẻ tiếp chúng tôi một cách chừng mực, có phần lạnh nhạt. Tuy vậy, chỉ sau mấy phút không khí đã ấm dần lên bởi tài trí thông minh của Trịnh Hoài Đức và mấy câu thơ tặng xí nghiệp, tiếp đó nhà viết kịch nói ông là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đi kiểm tra, giám sát địa bàn, vừa nói, ông vừa đặt tấm thẻ lên mặt bàn như có vẻ để thị uy. Giám đốc trẻ lúc này mới bộc bạch với nhà thơ: "Thú thật, khi nhìn thấy bác từ dưới cổng cơ quan, em đã xác định là không nhất trí một đề xuất gì từ bác. Thế nhưng, khi tiếp xúc với bác càng lâu, càng thấy thú vị, bác nói quá hay, thơ bác lại rất sống động, quá nể bác. Càng không phải vì bác là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh mà em ngại". Vừa nói vị giám đốc trẻ vừa rút trong túi áo ra tấm thẻ Đại biểu Quốc hội đỏ chót đặt trên mặt bàn. Tôi để ý một cạnh tấm thẻ đè lên tấm thẻ Hội đồng nhân dân tỉnh của nhà thơ Trịnh Hoài Đức như có ý nói "Bảo bối của ông chỉ là bảo bối con, còn của tôi mới là bảo bối bố", rồi ông vào phòng trong lúc sau ra cầm một phong bì trao cho chúng tôi, ông còn đồng ý để chúng tôi làm một tấm biển mica tên đơn vị thay cho tấm biển cũ bằng tôn sắt bắc qua hai trụ cổng đã cũ. Ra về ông và tôi thấy hả hê vì thành công ngoài mong muốn, tôi nói vui: "May cho ông quá, nếu không có chút tài làm thơ thì hôm nay Hồ lô con của ông đã bị Hồ lô bố nuốt chửng còn gì". Cả hai chúng tôi cùng cười vui hả hê (Sau này tôi được biết ông Giám đốc Xí ngiệp Phèn chua Thị xã Phú Thọ lúc đó tên là Sử Mạnh Phi, ông là Đại biểu Quốc Hội khóa VII).
Hóc ở mâm hay ở thớt
Một lần nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức lên Khoa Tai Mũi Họng trực thay cho phiên của vợ ông, để bà tranh thủ chạy về nhà tắm rửa và ăn cơm. Bỗng có ca cấp cứu được giới thiệu đến khoa. Bệnh nhân đau đớn và khó nói cầu xin bác sĩ khám nhanh và xử lý giúp. Trịnh Hoài Đức cứ bình tĩnh như không, ông đeo ống nghe dù chưa cài vào tai và hỏi bệnh nhân "Anh hóc ở mâm hay ở thớt", bệnh nhân trong lúc đang đau và khó nói, thấy ông hỏi nhiều câu có vẻ không ăn nhập gì bệnh tình, tỏ ý cáu gắt. Trịnh Hoài Đức đập tay xuống bàn và nói như quát: "Tôi là bác sĩ, là người có chuyên môn, tôi hỏi anh là hóc ở mâm hay ở thớt là có lý do để có biện pháp xử lý cho phù hợp và hiệu quả, mà anh có thái độ không hợp tác, tôi không chữa cho anh nữa, anh đi đâu thì đi". Bệnh nhân lúc này sợ hãi và nghĩ ông nói có lý đành ấp úng: "Em óc ở ớt". Nhà viết kịch nói thêm: "Vì hóc ở mâm là anh ăn uống đàng hoàng, vết hóc nó ở cấp độ nhẹ hơn, còn hóc ở thớt tức là ăn vội vàng, ăn vụng nên vết hóc nó sâu hơn. Vậy để tôi có cách chữa phù hợp cho anh". Người nhà bệnh nhân lúc này nể sợ đành thú thật, trong lúc chặt thịt gà giúp nhà hàng xóm có công việc, anh đã tranh thủ bỏ một vài miếng vào mồm nhai ngấu nghiến và nuốt... Thế rồi may quá đúng lúc ấy vợ ông xuất hiện, ông nói sự thể cho bà biết và bàn giao bệnh nhân cho bà, có điều tôi thấy ông nói với vợ mà cứ như là giọng của trưởng khoa nói với nhân viên của mình.
Bố bị đứt cổ rồi
Một thời, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức rất hay uống rượu, trong cặp ông luôn có chai rượu nhỏ và mấy của sấu, quả khế... Ông luôn trong tình trạng say. Tự cho rằng khi say mình sẽ làm thơ hay hơn, thăng hoa hơn. Tôi nhớ tầm năm 1996, một hôm tôi đưa ông từ Vĩnh Yên về Việt Trì, ông ghé chợ Thanh Miếu mua con vịt và cân sách bò - món khoái khẩu của ông, từ chợ Thanh Miếu về nhà đến đoạn đường Công ty Hải Hà bây giờ tự nhiên ông rơi bụp xuống đường. Tôi dừng vội xe quay lại thấy ông nằm sấp trên đường, xách guốc bò, mảnh chai rượu vỡ bắn tứ tung, trong cái túi ni lông đen con vịt thò cổ ra ngoài kêu quàng quặc. Thấy vậy, mấy công nhân xây dựng tòa nhà phía Công ty Hải Hà lao xuống người giữ xe tôi người nói bắt tôi phải đền, phạt nặng... Tôi vội vàng thanh minh là chúng tôi cùng đi, rằng ông là chú tôi và ông tự rơi xuống, Trịnh Hoài Đức một tay ông giữ cổ phần yết hầu đang chảy máu, một tay trống xuống đường để ngồi dậy và cũng nói nhanh là ông tự ngã để cho đám thanh niên khỏi gây gổ với tôi. Ngay sau đó, có chiếc xe con màu đen dừng lại, tôi nhận ra là xe của ông T - Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, ông T giúp tôi đưa nhà viết kịch lên xe về nhà. Về đến sân nhà ông đã hô mấy đứa con đang cởi trần nằm dưới sàn nhà: "Gọi mẹ về mau, bố bị đứt cổ rồi". Vợ ông hới hải từ viện chạy về nhà, thấy ông không đến mức đứt cổ, bà chửi ông một trận, tiện tay cầm cây chổi rơm góc nhà giơ lên đập cho ông một cái, một tay ông vẫn giữ bông vào phần cổ chảy máu, tay kia giơ lên và kịp né người túm lấy cây chổi, bà tức và giật vội chẳng may tụt nõ chổi ngã bổ ngửa ra sau, thấy vậy ông lao lại định đỡ bà, đang trong cơn bực tức bà đạp luôn cho ông một cái ông lại ngã ngửa. Tất cả mọi việc đều diễn ra quá nhanh y như đang trên sân khấu. Hôm ấy, ra về tôi cứ nghĩ mãi, có lẽ trên đời này chỉ có hai vợ chồng ông là vậy, cứ luộm thuộm, bẩn bẩn một chút, chửi nhau là thế, phường chèo là thế mà sống rất hạnh phúc. Hình như ông bà sinh ra là để cho nhau?
Chỉ tại cái vòi nước
Một thời gian dài nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức liên tục trong tình trạng say khướt, ông uống rượu như uống thay nước, lúc nào trong cặp ông cũng có chai rượu, từ nhà đến cơ quan ít nhất ông cũng phải dừng lại uống hai lần. Một hôm đến cơ quan chuẩn bị có hội nghị, ông say quá đi loạng choạng đến một góc sân, đứng tè ngay một bãi, vì quá say nên không làm chủ được "cậu nhỏ", cứ kệ nó nghẹo sang một bên và chảy tự nhiên. Chị T nhân viên văn phòng cơ quan thấy ông tè ướt hết một bên quần, nhắc ông, mà giờ họp thì sắp đến. Ông liền ra bể nước cơ quan vặn vòi, bịt luôn vòi làm nước bắn tóe tung lên quần áo, rồi bảo cho mọi người biết vòi nước cơ quan hỏng, nước làm ông ướt hết quần áo, nói mọi người chờ ông về thay quần áo rồi mới ra họp.
Bá zít ba ngày
Vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức quê ở Thụy Vân, bà làm bệnh viện, nhà riêng vợ chồng ông lại ở gần Bệnh viện tỉnh, thế nên bà con, anh em, làng trên xóm dưới mỗi khi đến Bệnh viện tỉnh khám bệnh hoặc nằm viện đều ghé nhà ông, cho ít quà quê rồi tá túc một vài ngày. Tình cảnh này kéo dài liên tục, chưa hết người này lại đến người kia, nhiều lúc gia đình cũng thấy phiền toái. Một lần, có bà bá trong quê ra viện điều trị ít ngày, bà lại đến nghỉ tại nhà ông và mang cho quả mít, tưởng bà ra chơi khám bệnh xong về luôn, nào ngờ bá lại nằm viện và ở đến ngày thứ ba, cứ ngày lên viện đến giờ ăn thì lại về. Thấy vậy thằng cu út tỏ ý khó chịu, bàn với bố: "Phải chấm dứt tình trạng này sớm". Không biết nhà thơ có kế sách gì với thằng bé mà hôm sau gần đến giờ ăn trưa, thấy bà bá về đến sân, vờ như không biết nó đọc ngay hai câu thơ: Bá cho quả mít/ Bá zít ba ngày. Sau bữa trưa ấy, thấy bá chào gia đình lên viện ở hẳn, cũng từ đây, tình trạng như này ở gia đình ông giảm hẳn. Có lẽ bá đã lan tỏa hai câu thơ trên ra cả xóm, xã.
Có lạ
Thời gian tôi làm Chủ tịch Hội, nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Biên tập tạp chí. Một hôm đồng hồ mới chỉ 9 giờ 40 phút, là người phóng túng thỏa mái trong mọi sinh hoạt. Ông lên nói với tôi: "Anh cho tôi về sớm, tôi đi vui vẻ tìm cảm hứng sáng tác một chút... Sáng nay, qua cổng nhà thằng Đ, thấy có tàu cọ đặt ở cổng rồi". Tôi hơi ngạc nhiên hỏi ông: "Tàu cọ thì có nghĩa là gì?" Ông bảo với tôi: "Bọn mình là khách quen có quy định riêng, khi nào thấy có tàu lá cọ để ở cổng, tức là đã có hàng mới về. Lá cọ có nghĩa là có lạ để báo cho khách quen biết mà đến". À ra thế! Tôi đến chịu bó tay vái các ông thật!
Nhà Sáng tác Vũng Tàu, tháng 11/2024