Từ xa xưa con người luôn muốn vươn tới Chân - Thiện - Mỹ để tự hoàn thiện mình, qua bao thăng trầm biến thiên của đời sống xã hội, qua dòng chảy dằng dặc của thời gian, những chân giá trị đã được hình thành, khẳng định. Đặc biệt cái đẹp đã được tôn vinh, đóng dấu son trong tiềm thức của mỗi người. Một triết gia phương Tây cho rằng: "Cái đẹp quyến rũ các giác quan, cho chúng ta thưởng thức ngay lập tức, phải gây ấn tượng với chúng ta hay luồn lách vào trong chúng ta mà không cần phải làm gì cả" (Claude Debussy). Đọc tác phẩm truyện thơ Thúy Lan của tác giả Lê Hữu Bình tôi chợt nhớ tới câu danh ngôn: "Những người đàn bà đẹp như ánh nắng mặt trời, như nam châm thu hút những người đàn ông và nguyên nhân của những trận bão khổ đau trong trái tim họ" (Khuyết danh).
Có thể nói rằng: Sắc đẹp là vẻ đẹp cao quý nhất, nó là vẻ đẹp đứng trên mọi cái đẹp, là sản phẩm kỳ diệu nhất của tạo hóa. Bởi trong sắc đẹp ấy hàm chứa cả những giá trị về trí tuệ, tâm hồn ngôn ngữ. Sắc đẹp ấy khiến mỗi chúng ta săn tìm và chiêm ngưỡng suốt cả đời. Mở đầu tác phẩm, ngòi bút của Lê Hữu Bình dường như cũng rung động trước vẻ đẹp của nhân vật Thúy Lan:
Thúy Lan cô gái Hà thành
Đẹp xinh đến mức "chiến tranh" vì nàng
Bút nào tả nổi dọc ngang
Văn nào lách được những đường nét hoa?(*)
Hai từ "chiến tranh" là lời cảnh báo chân thật nhưng cũng mang đầy hàm ý bởi cái đẹp đến và quá mức sẽ tạo ra nhiều sóng gió, vượt qua lên trên những sự cạnh tranh để chiếm hữu. Cách nói trên cũng giống như trong suy nghĩ của nhân vật Đạo, cậu em nói về chị gái ruột:
Vô cùng quyến rũ đài sang
Rồi trăm anh chết ong vàng rướn theo
Rồi trăm cột đổ tường xiêu
Phía sau chị đã thủng diều đứt dây
Huống chi chính diện cả ngày
Em van các vị chớ say làm liều...
Sắc đẹp phụ nữ có sức lôi cuốn và công phá vô cùng mạnh mẽ, bởi vậy có người đã phải thốt lên: "Hỡi phụ nữ, người có khả năng ghê gớm, chỉ bằng nụ cười, người ném chúng tôi vào nỗi ngất ngây hay niềm tuyệt vọng" (Musset - Pháp).
Là thầy lang giỏi lại biết tướng số, khi bắt mạch cho Thúy Lan ông thầy đã thấy được những nét đẹp hội tụ bên trong:
Ông thầy bắt mạch nhìn dai
Vùng khôn phát tiết ánh trai ẩn chìm
Trái xoan mũi thẳng mày nghiêng
Toát ra cả một uy riêng rõ rừ
Đoan trang nhãn thiện vô tư
Dịu dàng hở lộ nhân từ ẩn trong...
Những tính cách, phẩm chất như: "đoan trang", "dịu dàng", "nhân từ" được thể hiện từ mặt, mũi, mày; điều này cũng nói lên: Tinh hoa phát tiết ra ngoài, là điểm nhấn vô cùng quan trọng trong vẻ đẹp của Thúy Lan. Đúng như lời Platon - Hy Lạp nói: "Khi tâm hồn của cái đẹp và bề ngoài của cái đẹp hòa làm một, mọi người sẽ nhìn thấy, đây là vẻ đẹp nhất thế giới". Khác với phương Tây, cách đánh giá sắc đẹp của mỹ nữ phương Đông từ xa xưa đến nay, thường dựa vào bốn yếu tố: Hình - Sắc - Thần - Khí. Hai yếu tố trước biểu hiện bên ngoài, hai yếu tố sau tiềm ẩn bên trong nhưng với con mắt của những nhà tướng số thì dễ dàng nhìn thấy điều đó.
Tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ |
Sắc đẹp của mỹ nhân từ bao đời nay là nguồn đề tài, cảm hứng để văn nghệ sĩ khám phá và khai thác, cái đẹp đi vào thơ ca nhạc họa, điêu khắc để cuộc sống lấp lánh ánh sáng và trở nên phong phú đáng yêu hơn. Trong thời đại ngày nay, sự giao thoa về văn hóa thông tin, tạo nên tầm ảnh hưởng không hề nhỏ, nó khêu gợi, thậm chí được đánh giá bằng cả những điều không tưởng. Hải - chồng của Thúy Lan nhìn vợ tắm mà bàng hoàng, thảng thốt: Ngọc vàng tắm bể trăng trong/ Đẹp, Lan đến mức Hải không dám nhìn. Câu lục được thể hiện bằng biện pháp tượng trưng, ước lệ lấy hai vật đẹp quý, trăng, ngọc để tôn tạo cho nhau. Câu bát là bút pháp hiện thực khẳng định tâm trạng "không dám nhìn", điều đó biểu hiện cái đẹp tuyệt vời của nhân vật mà tác giả Lê Hữu Bình đã để tâm huyết của mình chảy tràn trên ngòi bút. Hai câu thơ còn cho ta liên tưởng tới nhân vật Hạnh Nguyên trong tác phẩm Nhị Độ Mai (Thơ Nôm khuyết danh):
Người đâu trong ngọc, trắng ngà
Mặt vành vạnh nguyệt, tóc ngà ngà mây.
Gương mặt thiếu nữ được coi là đẹp sáng sủa, thanh tú, quang thái như vầng trăng. Da phải trắng pha chút sắc hồng phơn phớt, làn da đẹp còn bộc lộ hoa sắc của khí huyết tốt, bởi vậy cách chọn hoàng hậu, phi tần của vua chúa xưa tập trung ở hai chữ: Tứ hồng (Bốn hồng): má hồng, ngực hồng, rốn hồng, gót hồng. Trong con mắt Gâm Lang, Thúy Lan giống như nàng tiên xuống trần gian để thử lòng người, vì nàng đã bộc lộ được tất cả các yếu tố làm nên sắc đẹp:
Thoắt trông mừng ngỡ chiêm bao
Người hay phép hóa tiên đào thử ta?
Dáng thanh da phấn mặt hoa
Lời màu nhựa thẫm lẫn pha vĩ cầm...
Hay:
Nữ hoàng chúa của loài công
Lưng ong thắt đáy nét cong tuyệt vời
Dịu như hương bưởi hương nhài
Thơm như xoài cát dứa gai chín già...
Ở đây, từ dáng, da đến âm thanh, mùi vị đều toát lên vẻ kiều diễm, cao quý qua cách so sánh như chim công, như hoa phấn, như tiếng đàn vĩ cầm như hương các loài quả ngọt: bưởi, xoài, dứa gai... Cách nói trên rất hiệu quả vì tác động trực tiếp tới thị, thính, vị giác tạo được mối liên tưởng cụ thể sâu sắc. Theo kinh nghiệm của người xưa cho rằng: Khí huyết vượng làn da đàn bà có thể tỏa hương thơm. Cái mùi hương nồng nàn ấm áp thoang thoảng như mùi hoa hoàng lan, mùi trầm, nam nhi cảm nhận mê mẫn trong lòng, vậy nên nhà văn Pháp Renard nói: "Ái tình là vấn đề của làn da", quả là chí lý. Sắc đẹp nhân vật Thúy Lan của Lê Hữu Bình có nét tương đồng với nhân vật Cúc Hoa trong truyện Phạm Công - Cúc Hoa:
Tuổi xuân vừa mới lên mười
Hây hây ngọc đúc tựa người thần tiên
Mặt nhìn trăm thức hoa sen
Nhác trông cứ tưởng là tiên non Bồng.
Pytago - nhà toán học vĩ đại (sinh khoảng 580-572, mất năm 500-490 TCN) đã nêu vẻ đẹp con người gắn liền với toán học. Đặc biệt, Platon đã có triết lý về cái đẹp vốn chứa trong thiên nhiên (Tự nó có), chính vì thế nói đến cái đẹp là ý nói: "Cái đẹp lý tưởng", "Cái đẹp vĩnh cửu" tất cả đều từ hình thể: (điểm, đường kẻ, các hình, cân đối, hài hòa), được gọi là lý thuyết Hình thể Platon. Trong truyện Thúy Lan, tác giả Lê Hữu Bình cũng có đoạn thơ miêu tả sắc đẹp Thúy Lan bằng toán học qua con mắt quan sát của Phi Hổ với cái nhìn thẳng tưng từ ánh mắt sóng lòng:
Thẳng tưng theo bước Lan đi
Gợn cung nền váy gân quây mông tròn
Đều hai phía Pa-ra-bôn
Lùm lùm gợi cảm vi phân phương trình
Tươi son họa tiết thiên thanh
Chà, vầng nguyệt ánh long lanh bốn bề...
Rõ ràng hình thể của Thúy Lan đã khơi gợi được nguồn cảm hứng cho thi nhân từ đó cái đẹp được đánh giá ở mọi góc độ tạo nên cá thể hóa nhân vật. Có điều từ xưa đến nay rất ít hoặc có thể nói: Chưa có người tả sắc đẹp mỹ nhân bằng toán học như tác giả truyện thơ Thúy Lan. Tục ngữ có câu: "Sắc đẹp tự nó đủ sức thuyết phục đàn ông mà chẳng cần nhà hùng biện. Người phụ nữ đẹp là thiên đường của đôi mắt". Vì vậy sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp thần thánh, từ xa đến gần và trần trần ra từng lớp, Phi Hổ phải thốt lên:
Ôi cha kiệt tác có tim
Một tòa nõn ngọc lịm lìm ngất ngây
Thớ xuân lượng giữa bồng lai
Tinh hồng chuốt dọc hương nhài thoa ngang
Đường cong uyển dẻo mịn màng
Gờ thu mỏn mẻn ngậm trăng cận vành
Lạch đào non nõn mướt xanh
Song trâm tuyết khảm ngà trành thẳng thuôn...
Từ con người "kiệt tác" lòng Phi Hổ chộn rộn, khát khao cháy bỏng: Vì sao cơ, bấy hỡi nàng? Cung đàn muốn nhịp vầng trăng chưa hồng/ Ngắm hoa chỉ muốn phải lòng/ Lại e hương mách theo dòng gió bay/ Đành cho tim nổi máu say... Đây cũng là điều không tránh khỏi của một bậc nam nhi có tài kinh doanh với nhiều mưu lược. Cũng từ đó Phi Hổ luôn luôn tạo mọi điều kiện được gần gũi người đẹp để giải tỏa "máu say" đang rần rật chảy trong huyết quản. Phải chăng là mong muốn có sự trùng phùng của một cặp tài tử giai nhân... Khác với Phi Hổ, Bộ trưởng Trường khi gặp được Thúy Lan đã cảm nhận được nét đẹp thanh cao, dịu hiền:
Đài hoa tác tạo những đường nét tiên
Dáng thon mày biếc âu hiền
Thiên nga lỡ gió rẽ miền tà dương?
Có thể nói cách biểu hiện từ dáng, đường nét đến cách so sánh với loài "thiên nga" cao quý tạo được vẻ đẹp lý tưởng cửa nhân vật Lan. Còn đối với nhân vật lái xe Cường, thì nhìn tổng thể Thúy Lan như "ngọn tháp dung nhan":
Được vầy Cường vút lao lên
Bế ngang ngọn tháp dung nhan... để liền...
Trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc mà ta bắt gặp ở sử sách gồm: Tây Thi thế kỷ 6 TCN, Vương Chiêu Quân thế kỷ 1, Điêu Thuyền thế kỷ 3, Dương Quý Phi thế kỷ 8, mặc dù được đánh giá: chim sa, cá lặn, hoa thẹn, nguyệt mờ, nhưng họ luôn luôn trau chuốt bản thân để che đi khiếm khuyết như: Chiêu Quân vai lệch, Điêu Thuyền tai nhỏ, Tây Thi chân to, Dương Quý Phi thân không có mùi thơm. Tất cả các đại mỹ nhân này đều đặt dưới Thúy Kiều, bởi những vần thơ bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du khi ông tả về nàng. Ở tác phẩm Thúy Lan, dù rất bực tức khi nghe Hiền xúi giục nhưng Hải - chồng của Lan, cũng phải cay đắng thừa nhận:
Chỉ luôn bóng bẩy pha lê
Tưới tăm nguyệt quế tỉa che cành hồng
Giữ cho nét thắm thu đông
Xuân vui đổ nhụy hè bông mây vờn...
Những động từ: "Tưới tăm", "tỉa che" là thao tác của người trồng cây kết hợp với loài hoa quý "nguyệt quế", "cành hồng" đó chính là sự chăm chút khéo léo khiến cho cả bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông nhụy, bông tươi thắm.
Tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ |
Nếu như các bậc nam nhi đất Việt chiêm ngưỡng Thúy Lan ở nhiều góc độ khác nhau, đều thốt lên lời ca ngợi tự sâu thẳm lòng mình thì các chàng trai nước bạn Trung Quốc cũng không khỏi đắm say, lay động khi bắt gặp người con gái đó:
Nét như mây nếp đầu cơn
Êm đềm mặt nước hoàng hôn rỗi chờ.
Mỏng làn da mịn mê mơ
Đào hồng lên má mày gờ liễu xiêu.
Diệu kỳ thay tụ đủ điều
Ánh lồng trong nguyệt dáng chiêu dụ trời...
Vẫn là những nét: da, má, lông mày... với thủ pháp so sánh: nước mây, mặt hoa, ánh nguyệt... thì người con gái này đã mê hoặc cả trời "chiêu dụ trời", sắc đẹp này quả là ghê gớm bởi nó đã vượt xa muôn loài trên mặt đất và đã nâng lên tầm cao vời vợi.
Tất cả những vẻ đẹp nêu trên của Thúy Lan đều thông qua nhận xét của người khác giới, vậy là cũng đủ lắm rồi, nhưng dường như tác giả truyện thơ Thúy Lan vẫn còn băn khoăn bởi câu: "Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình". Có thể là khách quan và toàn diện hơn, anh còn để nhân vật Hiền (Thư ký và muốn chiếm trái tim Gâm Lang - Tình địch của Thúy Lan) phải vượt lên những hằn học đố kỵ, nhiều lần thốt lời công nhận sắc đẹp của Lan:
Lần 1:
Mạch rành nàng cũng thẳng tưng
Thúy Lan đẹp đến mây ngưng biển dời.
Lần 2:
Sắc cho trăng lặn sao rơi
Vàng tan nát đá, sành chơi thạo hàng.
Lần 3:
Lan cười mi biếc liêu diêu
Đẹp trong vuông vức cả chiều nghiêng êm.
Đẹp đến mức trăng lặn, sao rơi, mây ngưng, biển dời thì quả là sắc đẹp tuyệt trần, đặc biệt Đẹp trong vuông vức cả chiều nghiêng êm là cái đẹp xiêu đình, đổ quán đã nghiêng còn êm ái nhẹ nhàng. Lời công nhận của người cùng giới này đã nâng chân giá trị của nhân vật chính trong tác phẩm lên rất cao. Điều này trái ngược với bài thơ Bần gia nữ của Bạch Cư Dị viết tặng mỹ nhân Dương Quý Phi, mở đầu bằng 4 câu:
Trong thiên hạ không có chính thanh
Hễ êm tai cho là vui
Trong thiên hạ không có chính sắc
Hễ vừa mắt cho là đẹp.
Với con mắt mọi người, Thúy Lan không những chính sắc mà còn vượt lên trên những vẻ đẹp trong quan niệm và trong đời sống. Trong thính giác nàng thật sự là chính thanh. Cảm ơn thời đại, cảm ơn đất Hà thành, cảm ơn người mẹ Việt Nam đã sinh ra Thúy Lan. Dưới chế độ tươi đẹp của Đảng và nhà nước ta, phụ nữ được giải phóng, được lao động học tập, được tự làm đẹp cho mình. Vì vậy phụ nữ Việt Nam chúng ta có rất nhiều người đẹp. Và với ngòi bút thần kỳ của tác giả, thì Thúy Lan sẽ là một đại mỹ nhân, mà từ xưa đến nay không một đại mỹ nhân nào sánh nổi, thật đáng tự hào. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhất định Thúy Lan sẽ là một biểu tượng đẹp mãi mãi trong các loại hình nghệ thuật đương đại và mai sau. Đây còn là hiện tượng văn học độc nhất vô nhị trong thời đại ngày nay. Vẻ đẹp hội tụ đầy đủ mọi chuẩn mực thẩm mỹ, bất cứ độc giả nào khi đọc xong tác phẩm truyện thơ Thúy Lan đều cảm thấy lòng bồi hồi, xúc động, bởi cái đẹp đã đánh thức tất cả các giác quan giống như thi nhân ngồi nhâm nhi chung rượu với hồng nhan tri kỷ.
Chưa dừng lại, gần cuối tác phẩm, tác giả Lê Hữu Bình để nhân vật Thúy Lan xuất hiện trước mắt mọi người như những loài hoa đẹp ngời ngời hương sắc:
Trắng miền Tây bắc hoa ban
Ngạt ngào Đồng Tháp sen ngan ngát mùi
Nhật Tân đào nhuộm hồng trời
Thúy Lan vậy đó ngời ngời kiêu sa
Lan yêu là của muôn hoa
Nhân từ làm nhụy tỏa ra cho đời...
Tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân |
Hoa ban, hoa sen, hoa đào từ lâu đã trở thành biểu tượng trong lòng người Việt và khi nhắc đến: Lan yêu là của muôn hoa/ Nhân từ làm nhụy tỏa ra cho đời, đây mới là vẻ đẹp thần thánh trước sự hóa thân cao cả. Quả thật, ngoài sắc đẹp phô diễn, người đọc ấn tượng với vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Lan: bao dung, độ lượng, đặc biệt lòng nhân ái luôn tỏa sáng như ánh hào quang qua việc giúp người nghèo, anh em, bè bạn bằng tiền và cả tấm lòng. Ông thầy lang chữa bệnh cho cô khi còn là sinh viên, sau này là bố chồng có nhận xét: Dịu dàng hở lộ, nhân từ ẩn trong,vì vậy khi suy ngẫm câu nói của Musset (Pháp): "Phụ nữ là linh hồn của nhân loại. Đàn ông là thể xác của nhân loại", ta càng thấy đúng.
Đọc rất kỹ truyện thơ Thúy Lan của tác giả Lê Hữu Bình, tôi bắt gặp 18 lần anh tả về vẻ đẹp của nàng ở nhiều góc độ khác nhau như đã dẫn chứng phần trên. Có lúc là ngoại hình, có khi là thần khí bên trong. Cách tả có bề rộng, chiều sâu. Tác giả tuân thủ một nguyên tắc, mô tả rải ra nhiều chỗ, nhiều nơi với những cung bậc cảm xúc siêu phàm: từ cao đến rất cao, từ xa lại gần tả bóc trần ra từng lớp, kể cả dùng phương trình toán học. Tả trong trạng thái không gian ba chiều và thời gian liên tục. Càng về sau càng đẹp, cao sang thánh thiện. Nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau từ truyền thống: tượng trưng, ước lệ, nói quá, so sánh... Đến thủ pháp mới đầy sáng tạo được thể hiện. Yếu tố khách quan được tác giả đặt lên hàng đầu bởi vậy ta không thấy có sự áp đặt của bản thân, anh để cho các nhân vật khác cảm nhận và phát biểu về vẻ đẹp của nàng. Mặt khác trong sự hội nhập, cái đẹp có sức lan tỏa lớn rộng, vì thế ngoài những nhân vật trong nước đánh giá còn có cả bạn nước ngoài, điều này càng khẳng định sức hút mạnh mẽ của sắc đẹp. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm văn học nhưng chưa từng thấy tác giả nào dày công như vậy, âu cũng là sự ấp ủ, thai nghén trong anh đã nhiều năm (Từ thời còn học trung học phổ thông). Gần đây truyện thơ Thúy Lan của Lê Hữu Bình được tái bản lần thứ 6 và đã đến tay nhiều bạn đọc xa gần cả biên giới hải đảo, anh nhận được nhiều bài phản hồi ca ngợi hết lời, điều đó chứng tỏ: Cái hay, cái đẹp có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Có người còn cho rằng: Ngọn bút thần của vị Đại tá. Riêng tôi cho rằng: Tác giả Lê Hữu Bình làm được điều kỳ diệu mà rất ít người có được, trong sáng tác văn học. Dù ở dạng thức tiếp cận nào đối với tác giả, thì đây vẫn là một con người "đặc biệt". Thời gian và độc giả là người thầy nghiêm khắc, là trọng tài công bằng tối thượng, để minh chứng cho sự trường tồn của tác phẩm. Mong rằng truyện thơ Thúy Lan sẽ hợp lưu vào con sông lớn của văn học nước nhà và đến được nhiều với bạn đọc cả nước.
Xin được chúc mừng tác giả Lê Hữu Bình.
(*) Các câu thơ lục bát dẫn chứng cho bài viết, đều trích trong truyện thơ Thúy Lan, trừ vài câu khác để minh họa thêm, đều có ghi tên tác giả, tác phẩm cụ thể