![]() |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương và cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Ảnh: Quochoi.vn. |
Sáng mai (10.2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 42 với một số nội dung quan trọng như:
- Sẽ cho ý kiến về chủ trương và cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhận tại Ninh Thuận; về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)..
- Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh sẽ trình bày báo cáo tóm tắt tờ trình. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra.
Cũng trong phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Đồng thời, cho ý kiến đối với các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến năm 2035.
Cho ý kiến cơ chế, giải pháp cấp bách để triển khai Dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước; chủ trương và cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Trước đó, về nội dung xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, ngày 15/1, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân - đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và các nhiệm vụ được giao.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần khẩn trương triển khai công việc, vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, bởi chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành khoa học công nghệ hạt nhân đã rất rõ, trong đó có chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân, góp phần đáp ứng nhu cầu điện sạch, nhất là với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 2 con số thì tăng trưởng điện phải từ 15-18%.
Đồng thời, trong kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng thì phải có các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ đột phá, trong đó có lĩnh vực công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, gồm điện hạt nhân, y học hạt nhân.
Cũng tại kết luận, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm, từ đó xác định lộ trình, công việc của từng năm để tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, chúng ta có nhà máy điện hạt nhân.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, có mục tiêu, lộ trình rồi thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm. Phải xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm, các công việc của mỗi năm; các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan phải hình dung, đề xuất công việc, nhiệm vụ cụ thể của mình gửi Bộ Công Thương để tổng hợp.
Chỉ đạo một số việc cần làm ngay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cần thiết, hoàn thành trước ngày 28/2.