Tại tọa đàm, các nhà khoa học, diễn giả đã có chung nhận định, việc đọc sách mang lại những lợi ích mà không gì có thể thay thế được. Sách giúp người đọc rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, hiểu rõ hơn về một chủ đề thông qua việc phân tích các khái niệm và lý thuyết, điều mà AI đôi khi không thể thay thế hoàn toàn. Đồng thời, sách khuyến khích sự tập trung lâu dài, điều này ngày càng trở nên khó khăn trong môi trường học trực tuyến, nơi sự phân tâm dễ dàng xảy ra.
![]() |
Diễn giả PGS.TS Lê Phước Cường, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ tại tọa đàm |
Chi sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Lê Phước Cường, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), khẳng định, thời đại AI thì càng phải đọc sách nhiều hơn nữa. Trong quá khứ, tri thức nhân loại phát triển với tốc độ tương đối ổn định, cứ khoảng 5 năm thì gấp đôi lên một lần. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của AI tốc độ này đã tăng lên, có thể gấp đôi từ 2 đến 3 lần trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Nếu chúng ta không đọc sách và học hỏi, chúng ta bị lạc hậu.
Trên thực tế, sự xuất hiện của công nghệ như ChatGPT, các nền tảng học trực tuyến và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, nhiều người cho rằng sách dần bị thay thế. Ví dụ, các ứng dụng học trực tuyến có thể cung cấp lượng kiến thức khổng lồ và kịp thời cập nhật, từ đó giúp người học tiếp cận tri thức nhanh chóng và dễ dàng. AI có thể hỗ trợ trong việc phân tích dữ liệu trong quá trình học tập và cung cấp thông tin nhanh hơn so với sách truyền thống. Vô hình chung, tác động đến thói quen đọc sách của giới trẻ hiện nay, thậm chí có sự thay đổi rõ rệt so với trước đây. Thay vì dành hàng giờ đọc một cuốn sách dài, nhiều người trẻ hiện nay thích tiếp nhận thông tin thông qua những bài viết ngắn, video tóm tắt hoặc nội dung do AI tạo ra. Điều này đặt ra một thách thức không nhỏ đối với việc duy trì và phát triển văn hóa đọc trong thời đại số.
Cũng đề cập đến những tác động của AI, TS Phạm Việt Long - Chủ tịch Hội đồng quản lý Nhà xuất bản Dân trí cho biết, AI có thể cá nhân hóa nội dung đọc, đề xuất sách phù hợp với sở thích của từng cá nhân. Từ đó giúp người đọc dễ dàng tìm thấy những cuốn sách mà họ quan tâm.
![]() |
AI có thể cung cấp thông tin nhanh chóng, nhưng sách giúp con người suy ngẫm, kết nối ý tưởng và phát triển tư duy một cách sâu sắc hơn. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Hiện, các nền tảng AI đang tạo ra những trải nghiệm đọc sách tương tác mạnh mẽ, chẳng hạn như sách có hình ảnh động, âm thanh minh họa hoặc trò chơi liên quan đến nội dung sách, giúp thu hút giới trẻ. Đối với những người khiếm thị hoặc bận rộn, AI có thể cải tiến các phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói, giúp họ tiếp cận sách dễ dàng hơn. Ngoài ra, AI còn có thể hỗ trợ tác giả trong quá trình sáng tác, giúp tóm tắt nội dung sách nhanh chóng hoặc tạo ra những công cụ giúp người đọc ghi nhớ nội dung hiệu quả hơn. Đây cũng là mặt tích tực của AI, tuy nhiên nó cũng khiến cho văn hóa đọc bị giảm sút- người đọc không thấy hứng thú, thậm chí mất kiên nhẫn trước Sách.
Nhận ra những tác động của AI, các nhà khoa học, diễn giả cho rằng, để văn hóa đọc được phát triển mạnh mẽ, người đọc nên và chỉ nên sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc đọc. Trong thời kỳ đẩy mạnh chuyển đổi số, AI sẽ tạo ra cho bạn đọc nhiều cơ hội nhưng hơn ai hết, người đọc cũng phải tự trang bị cho mình những hiểu biết để có thể làm chủ được AI để tiếp cận, chọn lựa và sử dụng thông tin một cách hiệu quả.
Đồng thời, đẩy mạnh xuất bản sách in và đa dạng hóa các hình thức xuất bản, bởi nói gì thì nói sách in vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và trí tuệ. Hệ thống xuất bản và những người viết sách, làm sách cần phân định rõ ràng sự khác biệt giữa AI và sách chính là ở cách con người tiếp nhận và xử lý thông tin. AI có thể cung cấp thông tin nhanh chóng, nhưng sách giúp con người suy ngẫm, kết nối ý tưởng và phát triển tư duy một cách sâu sắc hơn. Đây cũng chính là đích đến của Văn hóa đọc mà bạn đọc cần nhận ra trong kỷ nguyên số.