Có tiếng trẻ con khóc thét lên hình như có ai đó véo một cái rõ đau, tiếp theo là một giọng chát chúa: - Anh bảo ai là điêu phụ? Anh thử nhìn lại bản mặt của anh mà xem. Viết lách gì thứ anh, chẳng qua chỉ là một thằng hề nhạt thếch... Đó là những câu đối thoại thường xuyên của đôi vợ chồng diễn viên chèo cùng đoàn với tôi, ở sát vách nhà tôi.
Trước khi viết truyện này, tôi xin kể sơ qua về tôi và cái đoàn chèo tỉnh lẻ của tôi. Tôi vốn là một người kéo phông màn, bưng bê đạo cụ của đoàn; "một đoàn chèo lèo tèo mươi đứa" chúng tôi thường đùa nhau vậy. Xuân thu nhị kì mới diễn được mươi buổi bởi ông trưởng đoàn và ông giám đốc sở văn hoá đói quá bèn chạy đôn chạy đáo xin kinh phí để dựng vở và cũng vì thế mà chúng tôi và các ông mới có chút chấm mút gọi là từ vài tấm cót ép, gỗ dán đến dăm mét vải rẻ tiền... Để rồi khi ra diễn chỉ thấy mấy thằng nhóc con nghịch như quỷ cùng mấy ông bà già ngủ gật.
Về đôi vợ chồng sát vách, đến lúc này khi đặt bút viết về họ lòng tôi vẫn giữ nguyên cảm giác ban đầu đó là sự cảm thông và trìu mến bởi tôi chỉ là một anh kéo phông màn, không thành đạt. Trở lại chuyện đôi vợ chồng nọ, tôi biết họ đến với nhau là một điều hiển nhiên bởi họ cùng học một lớp, cùng tốt nghiệp khoa diễn viên trường sân khấu rồi cùng dắt nhau về đoàn chèo tỉnh tôi. Thoạt đầu mới về thì cả cái đoàn chèo đang ngủ gật bỗng bừng tỉnh bởi họ còn rất trẻ, đầy ước mơ đẹp đẽ, những tưởng như họ đánh thức chúng tôi dậy với những vở diễn hay, lạ mà họ mang từ trường đại học ngoài Trung ương xa lắc xa lơ về. Khi họ được phân về sát vách phòng tôi, tôi cũng thấy vui lây bởi suốt ngày tôi được nghe họ bàn về các vai diễn, các vở diễn nổi tiếng và qua đó, tôi cũng học hỏi được ít nhiều... Một đêm đã khuya tôi bỗng nghe thấy tiếng thì thầm. Đêm không ngủ được, vách ngăn lại chỉ là tấm cót ép nên nghe rõ lắm.
- Em cho nó một cái tát!
- Mạnh không em?
- Mũi nó vẹo ra tận tai (có tiếng cười khúc khích kèm theo tiếng thở dài).
- Em tát nó là phải nhưng vợ chồng mình nguy rồi... Nó mà trù thì...
- Chẳng lẽ anh lại đồng ý để em phải ăn nằm với cái thằng cha gáy đen sì mặc quần bà ba đeo caravát ấy hả? Buồn cười lắm anh ạ, nó nhún nhẩy như một con chìa vôi tay vuốt má em mồm thì hát tình... là tình... tình... tình...
Về chuyện đó thì tôi biết rõ, số là ông trưởng đoàn hàng chục năm quản lí một "dàn" diễn viên đã lão hoá. Họ không còn tơ nữa, không còn "lãng mạn" như thuở xưa khi ông là đạo diễn nữa. Nên, với một vườn rau, dăm con gà nhép, một bà vợ ở tận miền núi. Tối tối với cái dáng lòng khòng tay cầm đèn pin ông lọ mọ đi tìm nơi đánh bài như đánh "chắn" đánh "tá lả" cho qua ngày... Rồi... Bỗng dưng gặp một cô gái trẻ, có học... làm sao ông chịu nổi. Cơn lãng mạn xưa đã điểm và cái tát cũng là tiếng chuông bất hạnh của đôi vợ chồng nọ cũng đã đến giờ điểm. Mãi cho đến sau này tôi vẫn thấy nao buồn...
Thế đấy, chỉ một giây phút không tự kiềm chế cố gắng giữ mình trong sạch mà đôi vợ chồng nọ phải trả giá cho mười năm của cuộc đời. Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới lời cha tôi dặn "Linh hồn là cái khó có ai có thể chiếm được, có chăng nó chỉ chiếm của ta cái thể xác. Nếu nó cần, ta cho nó chiếm."
Và tôi kể tiếp chuyện mười năm của đôi vợ chồng đó. Mười năm bi phẫn và tẻ nhạt. Mười năm gặm nhấm dần cái tốt đẹp nhất của đời người, cái mà người đời gọi một cách trìu mến. Tình yêu. Rồi họ sinh con. Rồi cuộc sống vất vả vì đồng lương còm của một diễn viên chèo tỉnh lẻ. Rồi tiếng khóc ngằn ngặt của đứa trẻ. Rồi, suốt ngày trên sàn diễn họ chẳng thấy gì khác, mới ở nơi nhau, vẫn cứ thế. Nàng suốt đời đóng vai phụ, vai thị nữ, người hầu với trang phục cũ tồn kho, dăm miếng gián nhấm, chuột gặm hát í a í ới vài câu rồi lượn tót vào cánh gà. Còn chàng vẫn bộ mặt của anh hề chạy cờ cứ nhảy tâng tâng trên sân khấu, thi thoảng lại bị các bạn diễn ở các vai vua, quan thét mắng, đánh đập... ôi! Thật buồn! Chuyện đến đây càng buồn.
Và, từ đó nhan sắc, sức khoẻ, ước vọng đẹp đẽ của tuổi trẻ đã trôi theo tiếng trống chầu, tiếng khóc ngằn ngặt, tiếng nhị, tiếng đàn tranh tẻ nhạt. Họ đã ngã lòng. Trước hết trong nhau họ không còn gì nữa bởi mười năm đằng đẵng chẳng thấy gì hơn một anh hề, nhâng nháo và một ả thị nữ cứ í a í ới... sau nữa họ chán nản về cuộc sống quá nghèo túng, vất vả. Họ đã đi tới quyết định gửi con cho bố mẹ để xin đi lao động nước ngoài hòng tự cứu mình.
Đã nhiều năm tôi mới nghe được họ nói với nhau những câu đằm thắm: "Em đi anh sẽ rất vất vả." "Em đi đi anh ngã lòng rồi." "Đừng. Anh cố mà đợi em về." "Ôi! Thật chua chát, xưa đợi anh về, nay đợi em về."
Đêm đó nghe lỏm câu chuyện tôi lại buồn... Tôi cứ nghĩ cô vợ trẻ ấy, gầy thân cò mò mẫm gì ở nơi tuyết trắng xa xôi. Rồi cô sẽ phải ngoại tình, có thể quên anh hề nơi tỉnh lẻ đang ôm con chờ vợ. Hay cô sẽ trở về với rất nhiều thùng hàng, nhiều đô la rồi cô sẽ mở một cửa hàng mĩ phẩm, tạp hoá, nhà mặt phố cả hai vợ chồng sẽ đẫy ra và tối tối cùng xem video và cùng ngáp rồi đi ngủ... Chuyện đến đây chưa thể kết được bởi không phải vì tôi (người viết truyện này) mà bởi số phận đâu có dễ dàng cho họ lìa nhau dễ đến thế. Cho tôi xin viết tiếp đoạn kết. Theo tôi đoạn kết này là đoạn vàng son nhất, bi thiết nhất trong đời họ.
Và, tôi lại cảm thấy buồn.
Buổi sáng hôm đó đoàn tôi bỗng rộ lên như một nong tằm ăn rỗi. Cuộc họp bất thường của trưởng đoàn thông báo một đoàn làm phim truyền hình sẽ về quay một vở do kinh phí của đài truyền hình mà nòng cốt là đoàn chèo tỉnh tôi thực hiện.
Sau một buổi làm việc thật tôi không hiểu nổi khi đạo diễn quyết định đôi bạn sát vách nhà tôi vào vai chính của vở vai Hoàng tử và công chúa.
Tôi buồn vui lẫn lộn.
Họ đã bước vào vai diễn của mình. Chàng với bộ giáp trụ sáng ngời, những ngù lông tua tủa rung rinh. Cao đầu kiêu hãnh. Bàn tay đeo nhẫn đầy ngọc quý nắm chặt đốc thanh trường kiếm bên hông. Còn nàng trong bộ váy áo thướt tha lấp lánh ánh châu ngọc. Họ đứng sững giữa cung đình vàng son mà ngỡ ngàng nhìn nhau. Mặc dầu đã quá quen với những thứ cung điện bằng gỗ dán, giấy bồi và những bộ quần áo may bằng loại tơ tằm rẻ tiền nhưng sao họ bỗng thấy mình đẹp thế, hiên ngang và lộng lẫy thế. Máu nóng chảy rần rật khắp người. Nàng run rẩy tay che mặt tay nâng cao ly rượu. Và nàng hát:
- Hoàng tử chàng ơi... Hãy vì em mà cạn chén quan hà này... Kẻo lỡ mai đây. ..
Trời ơi! Sao vợ mình lại thế này? Đẹp đẽ đoan hạnh thế này? Còn đâu cái con quạ già suốt ngày lèm bèm, quạt phành phạch cánh gà nữa? Đúng là em rồi. Em của mười năm trước. Là khi em run rẩy đón bó hoa nghèo của anh - Chàng tự nhủ và bước lại gần nàng. Gần thêm nữa. Gương mặt đầy biểu cảm và thốt lên những lời yêu bị thiết:
- Em... Công chúa của lòng ta... Người mà suốt đời ta tìm kiếm... Ly rượu này phải chăng là ly rượu giã từ... Nàng... Em ơi... Dầu mai đây trước núi lửa rừng gươm. Dầu lấy da ngựa bọc thây nhưng trong tim ta chỉ có đọng lại hình bóng nàng. Chàng uống cạn ly rượu rồi nhìn rất sâu vào mắt nàng. Cả hai đôi mắt đã đẫm thẫm nước mắt của nhau.
Nhà đạo diễn truyền hình bước ra, tia nước bọt qua kẽ răng rồi nhấm nhẳn: "Diễn tốt nhưng hát sai lời. Thôi quay lần hai." Còn lại hai người sau hậu trường nàng bẽn lẽn nói nhỏ nhẹ:
- Hôm nay anh diễn hay quá làm em run hết cả người.
Chàng cười nhẹ, khẽ vuốt tóc vợ:
- Lúc em đưa chén rượu cho anh, anh lại nhớ cái ngày anh đi công tác xa em đã khóc và đưa cho anh chiếc khăn tay trong đó có gói một ít tiền... Sao anh quên được ngày ấy...
Nàng bỗng ứa nước mắt:
- Anh ạ, chính lúc đó em mới thấy lại anh ngày nào... Ngày lúc anh đưa chiếc áo ấm duy nhất của anh để em mặc lúc đi diễn xa. Lúc này đây bất giác cả hai ôm siết lấy nhau, siết rất chặt, cái siết đầy chua xót tưởng như mười năm đằng đẵng họ đã xa nhau.
Tôi kẻ đứng sau cánh gà lại buồn vui một lần nữa - vì tôi hiểu. Tình yêu trở lại với họ đâu phải bằng những cung điện nguy nga tráng lệ với rượu ngọc chén vàng. Nó - cái thứ vừa gần gũi vừa xa vời ấy giờ đã trở về với cặp vợ chồng trẻ chỉ nhờ vào cung điện được dựng lên bởi những tấm gỗ dán, giấy bồi còn đượm mùi keo da trâu và bởi những bộ quần áo bằng tơ tằm rẻ tiền.
Thêm một lần nữa tôi nghĩ: Gió vẫn cứ thổi, bão vẫn sẽ đến, sông vẫn cứ trôi, đồng ruộng quê tôi vẫn có người cày cấy. Đất nước vẫn đang cựa mình đứng dậy. Và tình yêu cũng thế, nó phải tự mình va đập, va đập đến nảy thành lửa. Va đập đến vỡ oà thành sông. Va đập đến thành chiếc lá ngô đồng vào thu rơi tận đáy tim tôi. Đáy tim của một kẻ cô độc ngoài bốn mươi rồi. Và tôi lại buồn!
![]() |
Hình ảnh minh họa. Nguồn Internet |