Víctor Hara là nhà sáng tác nhạc kiêm ca sĩ tài hoa, nhà giáo, đạo diễn sân khấu, nhà hoạt động chính trị (một Đảng viên Cộng sản hoạt động trong Liên minh Đoàn kết nhân dân do Tổng thống Sanvađo Aigenđê đứng đầu). Nội dung, ý tưởng của nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Liên minh tiến bộ này đã được Víctor Hara chuyển vào các ca khúc, vận động quần chúng rất hiệu quả. Chất văn hóa dân gian Mỹ Latinh cuồng nhiệt, sôi động thấm đẫm vào các nhạc phẩm, đồng thời do chính tác giả biểu diễn cùng với nhạc cụ dân tộc, đã tạo nên sức truyền cảm ghê gớm, lôi cuốn hàng vạn người làm theo ý tưởng của ca từ.
Nhạc sĩ Víctor Lidio Jara Martínez (1932-1973) |
Víctor Hara đặc biệt ngưỡng mộ Cách mạng Cuba, Lãnh tụ Fidel Castro, Người du kích anh hùng Chê Gêvara. Tuy chưa được tới Việt Nam, song không ít lần ông bày tỏ cảm tình với cuộc chiến đấu chính nghĩa, rất đỗi anh hùng của nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhạc phẩm Quyền được sống trong hòa bình (El drecho de vivir en paz) trong album cùng tên của Víchto Hara đã ca ngợi Bác Hồ (lời tác giả) có đoạn: Nhà thơ Hồ Chí Minh – đưa quyền sống hòa bình – từ Việt Nam ra toàn nhân loại… Nhạc phẩm này một thời khá phổ biến ở nhiều nước Mỹ Latinh.
Năm 1972, Víchto Hara sang thăm Cuba và có buổi biểu diễn ở nhà hát Rondan (giữa trung tâm Thủ đô La Habana). Hôm ấy, lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy một nghệ sĩ đeo trên 2 vai có tới chừng gần trục cây đàn hình thù khác nhau rất lạ mắt. Khi chuyển bài hát, Víchto Hara lại lấy ra cây đàn mới. Từ cảm tình đến thán phục trước tài nghệ của ông, khi đêm biểu diễn kết thúc, tôi đã cùng các bạn Cuba lên sân khấu tặng hoa và bắt tay người nhạc sĩ tài hoa có tấm lòng mến mộ Tổ quốc của mình.
Tổng thống Sanvađo Aigenđê của Chilê đã nhiều lần biểu lộ tình cảm ủng hộ Cách mạng Việt Nam trên các diễn đàn trong nước và quốc tế. Ông đặc biệt kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những nhà ngoại giao Việt Nam có dịp tới thăm Dinh Tổng thống ở Thủ đô Santiago de Chile khi ấy kể rằng: Trong phòng làm việc của Tổng thống Sanvađo Aigenđê, chỉ thấy đặt một bức ảnh duy nhất là ảnh Bác Hồ.
Tháng 9/1973, có sự đồng tình, giật dây của CIA, thế lực phản động chống nhân dân ở Chilê do tên độc tài Pinôchê cầm đầu đã làm đảo chính lật đổ chính phủ Liên minh đoàn kết nhân dân hợp hiến. Đáp lại tối hậu thư của quân đảo chính yêu cầu đầu hàng bằng lời tuyên bố đanh thép Đây là vị trí mà nhân dân Chilê đã giao cho tôi, Tổng thống Sanvađo Aigenđê đã anh dũng hy sinh tại Dinh Tổng thống. Nhạc sĩ tài năng Víctor Hara bị bắt rồi bị xử bắn dã man cùng nhiều nhà yêu nước tại sân vận động trung tâm của Thủ đô Santiago de Chile.
Những ngày diễn ra đảo chính ở Chilê, nhân dân ở nhiều nước Mỹ Latinh ào ạt xuống đường phản đối độc tài và các thế lực đứng sau chúng. Cả Cuba sục sôi khí thế chống đế quốc. Nhiều người ghi tên tình nguyện sang chiến đấu bên cạnh nhân dân Chilê để bảo vệ thành quả cách mạng. Sinh viên Việt Nam chúng tôi cùng sinh viên Cuba và Mỹ Latinh đi mít tinh, tuần hành không kể ngày đêm. Hầu hết các báo Cuba đều dồn dập đưa tin, ảnh về tình hình Chilê.
Nhân đây lại nhớ về bài hát Cây đàn ghi ta của Víctor Hara - ca khúc một thời khá quen thuộc với giới trẻ yêu ca hát: Sau giờ học buổi sáng, tôi ra thư viện trường Đại học Tổng hợp La Habana. Báo Cá Sấu - ấn phẩm có đông bạn đọc (tên tờ báo lấy hình ảnh tượng trưng đất nước Cuba tựa con cá sấu) thấy đăng ở vị trí trang trọng bài thơ Cây đàn ghi ta của Víctor Hara – một sáng tác mới của Feliz Pita Rodrigez. Người Việt Nam ở Cuba đều kính trọng nhà thơ này bởi ông là nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều sáng tác giá trị về Việt Nam - trong đó có bài thơ Hồ Chí Minh – tên Người là cả một niềm thơ (nguyên bản tiếng Tây Ban Nha: Ho Chi Minh - su nombre puede escrbir en puema).
Càng đọc càng cảm động, nỗi thương tiếc nhạc sĩ Víctor Hara quyện với lòng căm thù bè lũ sát nhân tay sai đế quốc đang ngày đêm tàn phá đất nước Chilê anh em cứ dâng trào! Tôi quyết định dịch bài thơ ra tiếng Việt. Thi phẩm có dùng các hình ảnh mà với tôi khi ấy còn khó hiểu như: Một vật lúc lắc trong hộp đàn… Tôi phải gọi điện thoại hỏi tác giả, thì được giải thích rất tỷ mỷ, chu đáo: Đấy là trái tim của Chilê… Từ đó, tôi dịch cả đoạn: Cây đàn ghi-ta của Víctor Hara/ Từng phím từng dây thuộc về Tổ quốc/ Có trái tim Chilê trong hộp cây đàn…
Rất may, ngày hôm sau có người về Hà Nội. Tôi gửi bản dịch bài thơ về cho nhà thơ Chế Lan Viên. Nhờ có ông mà bài thơ được đăng ngay trên báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. Sau đó ít lâu, nhạc sĩ Phan Nhân đã phổ nhạc bài thơ thành bài hát cùng tên.
Ở đây, xin nhắc để khỏi lầm với bài hát Cây đàn ghi-ta của Lorka. Federico García Lorca (1898-1936) là nhạc sĩ nổi tiềng, nhạc công, họa sĩ người Tây Ban Nha. Nhiều tác phẩm của ông chứa đựng tinh thần chiến đấu chống chủ nghĩa Phát xít.
Hồi đó, bản nhạc Cây đàn ghi ta của Víctor Hara cũng đã được báo Văn nghệ đăng tải với đầy đủ tên tác giả bài thơ, người dịch bài thơ, người phổ nhạc. Nhưng về sau, mỗi khi bài hát được sử dụng thì tên của người dịch bài thơ không còn được nhắc tới nữa. Phải chăng công việc của người dịch bị coi là dễ dàng?
Đến nay, mấy chục năm đã qua, tôi vẫn còn nhớ và thầm cám ơn nhà thơ Feliz Pita Rodrigez đã thịnh tình, giải thích rất cặn kẽ những từ ngữ, hình ảnh mà tôi chưa hiểu - trong khi ông không được khỏe. Qua điện thoại, khi nghe rõ tiếng ho và hơi thở gấp gấp của nhà thơ cao niên, dù ông vẫn rất nhiệt tình giảng giải, tôi đã nói lời cám ơn và xin tạm biệt.
------------
Bài viết cùng chuyên mục: