Sáng tác

Giếng hình nhân. Truyện ngắn dự thi của Hiếu Trung Long

Hiếu Trung Long
Truyện
06:00 | 15/10/2024
Baovannghe.vn- Tôi nhớ hôm ấy trời cũng mưa, mưa nhỏ thôi, sông hiền hòa chảy, tôi và Dung bơi sang bên kia sông chơi. Đến giữa dòng thì em tụt lại phía sau và biến mất. Tôi hốt hoảng bơi, tìm và gọi.
aa

Trên trời, dưới đất và giữa không trung đều mênh mang nước. Nước của cả nhân gian như đang tụ lại rồi đổ ầm ào xuống cái mảnh đất Phù Cương này vậy. Mấy ngày rồi, cứ mưa mãi thôi, trời đất nhuộm màu xám trắng mờ, ảm đạm. Rồi đảo cũng từ từ hiện ra. Đảo là quả đồi nhỏ giữa hồ, nó cô đơn thu mình dưới cơn mưa tầm tã.

Giếng hình nhân. Truyện ngắn dự thi của Hiếu Trung Long
Minh họa của Lê Thiết Cương

Tôi đứng như bức tượng trên con thuyền chênh vênh. Bức tượng ướt sũng, đảo cũng ướt sũng. Từ mũi thuyền, tôi đổ người xuống hồ, giống bị ai đó vô hình đẩy từ sau lưng, cũng giống cái cây bị chặt mất gốc. Tôi chìm dần, chìm dần, tay với muốn chạm xuống đáy hồ, chạm vào miền Phù Cương xưa cũ. Mà nào đâu đã cũ, mới chỉ cách đây vài năm thôi. Không thấy đáy, chỉ nước và nước. Tôi chìm mãi, chìm mãi…

Tôi nhớ hôm ấy trời cũng mưa, mưa nhỏ thôi, sông hiền hòa chảy, tôi và Dung bơi sang bên kia sông chơi. Đến giữa dòng thì em tụt lại phía sau và biến mất. Tôi hốt hoảng bơi, tìm và gọi. Lúc sau, thấy em đứng trên bờ. Em bảo: “Bị nàng tiên xanh kéo xuống đáy, cô ấy không hại chỉ muốn bơi cùng thôi, em bơi cùng cô ấy một đoạn.” Tôi cười: “Bịa vậy ai tin.” Em thản nhiên: “Cô ấy đẹp, hình như cô ấy sống ở đoạn sông này.”

Tự nhiên tôi lại tin lời em, lao thẳng xuống sông, bơi xuống đáy. Tôi bơi tìm nàng tiên xanh, nàng tiên trong câu chuyện dòng sông xưa cũ. Người già vẫn kể cho bọn trẻ con nghe với giọng buồn, bâng khuâng. Em ngồi trên bờ chỉ chỗ này rồi chỗ kia. Tôi tìm tới chiều muộn thì bơi vào, đứng thở. Em cười khúc khích, bảo tôi là chàng ngốc không may mắn. Tôi cũng thấy mình ngốc, cười theo, bớt mệt, bớt tức.

Kí ức tan, tôi ngoi lên, thở. Sóng hồ và hơi thở của tôi, cùng nhịp. Tôi sải tay bơi vào đảo. Trên đảo, cạnh bến thuyền có cái nong tựa vào bờ đá, trên nong ghi dòng chữ Giếng Ngọc. Chữ được viết theo kiểu thư pháp. Tôi bước tới gần giếng, đứng nhìn. Giếng đầy nước, trong veo. Bóng của tôi hiện trong giếng. Tôi ném cái xô vào cái bóng, cái bóng vỡ tan, cái xô lượn vòng. Tôi múc nước đổ lên người. Một xô, một xô rồi một xô. Tôi múc liên tục, đổ lên người liên tục. Mát lạnh. Hình ảnh Dung hiện về. Em cúi đầu, xoa xoa mái tóc dài ướt. Tôi đổ từng xô lên tóc em: “Làm gì có nàng tiên xanh, làm anh tìm mãi.” Em nghiêng đầu bảo: “Em có duyên mới gặp, anh vô duyên.” Tôi đổ thêm vài xô nữa, nước chảy lên người em, chiếc áo trắng mỏng in trên làn da trắng. Đúng là con gái của miền Phù Cương, da trắng như mây núi. Tôi ngây người ngắm, em nghiêm nghị bảo: “Cấm nhìn.” Tôi nhắm mắt, đổ xô nước lên ngực em, cười hiền tỏ vẻ vô tội. Em không giận bảo: “Đến lượt anh.” Tôi đứng xuống, em đứng lên bờ đá đổ từng xô lên người tôi. Tôi đứng sát em, thành ra giống hai đứa đang cùng tắm. Trời tạnh mưa từ lâu, trăng trong trẻo trên bầu trời đêm thăm thẳm. Em kiễng chân đưa xô nước lên cao và đổ. Cơ thể trắng toát ấy che khuất ánh trăng, che khuất bầu trời.

Tôi dừng lại, nhìn giếng. Giếng vẫn đầy nước, có múc nữa giếng vẫn mãi đầy thôi. Bóng của tôi méo mó, xô lệch. Gió mưa ào ạt. Tôi hét lên, tiếng hét to và dài lẫn vào mưa, vang khắp đảo. Hét xong tôi đứng cười sảng khoái.

Phía xa có căn nhà nhỏ, bằng gỗ. Căn nhà duy nhất trên đảo, trơ trọi trên cao. Tôi tiến về phía ngôi nhà. Con đường thẳng tắp được trải bằng những viên đá cuội. Tấm biển ở cửa bị gió mưa quật. Tấm biển cũng là cái nong nhưng to hơn ở giếng, dòng chữ kiểu thư pháp ghi: Đảo Mồ côi.

Gió phần phật trên mái, căn nhà gỗ kêu cót két. Trong nhà không có ai. Trên tường treo nhiều ảnh có kích cỡ bằng nhau, đặt theo hàng ngang, thẳng tắp. Có những lọ hoa đặt dưới những bức ảnh, sát tường. Giữa nhà là bộ bàn ghế gỗ, đã cũ. Tôi ngắm những bức ảnh, lần lượt theo chiều bước. Bức ảnh dòng sông đầu tiên, cạnh cửa vào, được chụp từ trên cao, con sông Phù Cương uốn lượn, ẩn hiện giữa núi rừng xanh biếc. Kế tiếp là bức ảnh chụp em. Trong ảnh, em mặc chiếc áo dài xanh nổi bật giữa vườn hoa trắng. Hoa trong bức ảnh và hoa trong lọ, giống nhau. Hoa phù dung.

- Đẹp đúng không? Giờ tất cả đã nằm dưới đáy hồ rồi.

Giọng nói vang từ phía cửa sau. Là chủ nhà, ông vừa nói vừa bước về phía chiếc bàn. Trên bàn đặt bộ ấm chén, chúng cùng màu với chiếc bàn gỗ. Ông ngồi vào chỗ quen thuộc. Chỗ ngồi có thể bao quát được cả gian phòng và bên ngoài hồ. Gió ập vào phòng qua cánh cửa mở. Ngoài kia mưa vẫn miệt mài, con thuyền không người lái lênh đênh, dập dềnh.

- Mưa gió thế này anh lên đây làm gì?

- Cháu tới thăm chú, cũng đã lâu rồi.

- Thăm tôi, để làm gì nhỉ? Đám các anh làm gì cũng luôn có mục đích.

- Cháu cũng không biết nữa, chỉ biết là mình cần lên, cần ở đây và ngắm nhìn những bức ảnh này.

- Thương nhớ một miền Phù Cương đã mất ư? Anh không xứng. Anh không bảo vệ nó.

- Cháu có là gì đâu?

- Vấn đề không phải là việc anh có là gì đâu mà là anh có bảo vệ đâu, lên tiếng đâu. Anh còn viết bài khen cái đám làm con đập kia nữa cơ mà. Vừa rồi anh có bài viết Câu sóng Phù Cương, bơi cùng nàng tiên xanh, nó giúp anh nổi tiếng đùng đùng. Anh còn được giải thưởng, được ca ngợi. Anh khen cái đám thiến dòng sông này hay quá, ghê quá, làm tôi phát sợ.

- Thì chú lên tiếng, chú bảo vệ, chú không muốn người ta làm con đập, họ vẫn làm đó thôi. Làm việc vô ích, mệt thân.

Cả đời ông sống, vần vũ trên sông, không ai yêu thương nó bằng ông cả. Tôi thở dài nhìn những bức ảnh, không nhìn ông. Ông có truyện ngắn Những kẻ thiến dòng sông từng được chú ý, nhưng giờ thì bị quên lãng. Truyện viết về những người đã “thiến” dòng sông, khiến nó không còn là nó nữa. Ông viết về việc con đập đã nhấn chìm những cánh rừng Phù Cương thế nào, sạt lở hai bên bờ và lũ ở hạ nguồn ra sao.

- Tôi đã cố gắng.

Ông thở dài.

- Sao họ có thể tạo ra cái ác và biến nó thành điều đương nhiên được nhỉ?

Người ta chỉ bảo vệ lợi ích của mình, sự an toàn của bản thân và không ai bảo vệ dòng sông này cùng ông. Ông thành kẻ cô độc, kẻ khùng, người bị ghét. Bao nhiêu những uất ức trong lòng dồn nén thành quả bộc phá, gặp người cần đổ là ông sẽ đổ hết lên đầu họ.

- Chú không giỏi hành hạ người khác, chú chỉ giỏi hành hạ chú thôi. Chú ẩn cư trên đảo này rồi còn phiền não chuyện quá khứ, chuyện ngoài kia làm gì, cứ bình yên mà sống.

- Muốn tôi im lặng để các anh muốn làm gì thì làm à?

- Chẳng ai bận tâm đâu, cháu chỉ thấy thương Dung thôi.

Tôi đứng lùi lại, mắt nhìn em trong ảnh. Ngày xưa, mỗi lần ông đi chụp là kéo Dung đi cùng làm mẫu. Em không thích vì cứ phải cười gượng. Thỉnh thoảng tôi đi cùng và nhiệm vụ của tôi là chọc để em cười.

- Vợ chồng nó đang sống tốt, đừng làm phiền. Anh cũng đừng thương tiếc gì nữa cả, mất rồi thì thôi hãy để nó qua đi.

Sống tốt sao? Tôi bật cười thành tiếng rồi giật mình với chính cái cười của mình. Sao tôi lại cười cơ chứ? Cách đây vài hôm, tôi ngồi ở quán cà phê ven đường nhìn những bông hoa phù dung ẩn hiện trong dòng nước lũ đục ngàu. Sông hỗn độn, cuốn vào mình đủ thứ, cuồn cuộn chảy. Nước tràn lên đường, vào nhà dân. Chuột rẽ nước chạy trên đường như tàu điện bay. Chủ quán mang nước ra, bên trong cốc cũng hỗn độn, đủ thứ. Có giọt mưa từ kẽ lá rơi vào cốc nước, tôi đưa ngón tay vào muốn hớt giọt nước ra một cách ngốc nghếch, vụng về. Bên kia đường, nhà ngôi nghỉ bốn tầng vẫn im lìm. Lúc em bước vào cùng người đàn ông có cái bụng cóc, tôi đã thốt lên thành tiếng bởi cái sự khập khiễng. Thông thường em vào nhà nghỉ với người đàn ông lạ thì chỉ vài phút sau là chồng em tới. Anh ta đạp cửa xông vào, hô hoán, mắng chửi rồi quay phim, chụp ảnh. Mọi chuyện chỉ kết thúc khi người đàn ông kia chuyển cho chồng em một khoản tiền đủ làm anh ta ưng ý. Với vợ chồng em thì đó như một cái nghề, cũng đôi lần có tai nạn nghề nghiệp như lần này chẳng hạn. Chồng em đến muộn hơn so với mọi lần, có điều anh ta không vội vàng như mọi khi mà ung dung bước. Anh ta vào rồi cũng không có những tiếng ồn ào trong nhà nghỉ. Lúc sau, em bước ra. Em ngửa mặt đón mưa, mưa gột rửa thứ gì đó trên mặt. Em cười với mưa. Chồng em chửi phía sau rồi dúi đầu em xuống mặt đường đầy nước. Nước từ dòng Phù Cương đùng đục, bập bềnh những cánh phù dung thượng nguồn. Tôi đứng dậy muốn chạy sang bên kia đường. Nhưng rồi đứng sững, mình có là gì đâu, cũng có để làm gì đâu. Đó là nghề của em, con đường mà em chọn.

Ngày chúng tôi chia tay, hôm ấy trời cũng mưa, em bảo em mong muốn một cuộc sống khác. Tôi thì chưa đủ trưởng thành để giữ người mình yêu, chưa đủ hiểu là mình đang mất đi mọi thứ. Vẫn là chỗ hẹn hò quen thuộc nhưng sông hôm ấy chỉ là một dòng nhỏ bởi con đập ngăn nước. Tôi hóng mắt tìm nàng tiên xanh trên đoạn sông cạn rồi cười bảo, làm gì có nàng tiên xanh. Lúc ấy tôi chỉ cố cười thôi, cười để giữ chút thể diện cho mình.

Người đàn ông với cái bụng cóc bước phía sau, tay giơ chào chồng em. Họ bắt tay nhau cười rồi cùng lên ô tô. Còn mình em đứng bên đường, dưới mưa. Bất giác em nhìn sang tôi, nhận ra tôi. Em cười, đúng hơn là cố cười. Tôi cười với em, cũng cố cười. Tôi định sang đường, nhưng em ra hiệu dừng lại. Chúng tôi đứng nhìn nhau một lúc, cố chịu đựng nhau một lúc, rồi đi.

Trong bức ảnh trên tường em cười hồn nhiên, hôm ông chụp bức ảnh đó tôi có đi theo. Lúc ấy đã quá trưa, trời nắng còn em thì phàn nàn, kêu đói. Tôi làm trò, rồi bỗng nghĩ ra, nhảy như chú ếch trên bờ ruộng, em cười và ông chụp.

- Cháu không quên được. Như chú thôi, vẫn cố chấp.

Chủ nhà nhìn ra ngoài trời, ngoài đó có mưa và mặt hồ mênh mông nước. Thật lạ khi ông có thể quen với cuộc sống như thế này. Chuyện gì xảy ra với con gái mình dưới thành phố ông cũng không biết. Ông chỉ biết ngồi đó và thương tiếc cho một dòng sông đã mất mà thôi.

- Con đập mà vỡ thì nguy.

- Thời tiết thay đổi, mưa mấy ngày trời rồi.

- Đừng đổi vạ tại thời tiết. Ngày trước, có mưa cả tuần thì nước sông chỉ dâng cao chứ không lụt thế này.

- Chẳng có ai sai, chịu nhận mình sai đâu. Chỉ thiệt cho chú thôi. Cũng có lẽ cái đời sống này là vậy, thế gian này là vậy.

- Vậy sao, nhưng đừng đổ thừa.

- Giờ chú muốn thế nào? Chứng minh rằng mình đúng sao? Rồi, chú đúng. Giờ thì sao, chú nghĩ họ sẽ phá con đập đi à, không đâu, mọi thứ được coi như việc đã rồi, như điều đương nhiên.

- Tao thấy mày cứ hèn hèn thế nào ấy?

- Hèn ư?

Tôi thầm hỏi lại mình. Tôi cũng không biết nữa. Hôm ấy, tôi có tham gia một bữa tiệc nhỏ, nói là nhỏ nhưng cũng đông người, nhiều mâm và nhiều cả những tiếng hô vang, chúc tụng. Tôi cũng không biết mình có thuộc về nơi đó không, có lẽ là có bởi tôi đã ngồi ở đó rồi. Ngoài trời mưa to, to lắm mà trong phòng không nghe thấy tiếng mưa. Tôi ngó ra ngoài, những căn nhà nhỏ bé dưới mưa, đâu đâu cũng là nước. Tôi đang ngồi trong một ngôi nhà cao, đủ cao để không bị ướt dù con đập đầu nguồn có vỡ. Người đàn ông thầm thì bảo: “Cái nghề chữ nghĩa của chú ở cái thời đại này khó sống lắm, phải khéo vào. Anh giúp được gì chú mày anh sẽ giúp. Yên tâm, chơi với anh không bao giờ thiệt. Cái từ “chơi” ấy nó đặc biệt lắm, mấy người hiểu được đâu.” Hắn cười. Tôi cũng cười bảo: “Được anh quan tâm thì còn gì bằng.” Hắn dang rộng vòng tay bảo: “Bạn bè thân hữu của anh cả đấy, phải biết bảo vệ nhau, nương tựa vào nhau mà sống chứ.”

Ngày hắn lên Phù Cương làm con đập cái bụng hắn không bự thế này. Hắn diễn thuyết sôi nổi, hào hứng trước người dân. Hắn bảo: “Phải có con đập thì Phù Cương mới phát triển, phải có con đập thì chúng ta mới làm chủ được nguồn nước.” Thế rồi làm đường, thế rồi những đoàn xe dài khai thác những cánh rừng đầu nguồn và cái hồ hình thành như quả bom nước trên đầu dân Phù Cương.

Người đàn ông bàn bên sang chúc rượu hắn, là chồng của Dung. Chúng tôi nhìn nhau cười, mỗi người cười một kiểu. Người đàn ông quay sang thủ thỉ với chồng Dung: “Chú mày yên tâm, đã chơi với anh thì chẳng bao giờ thiệt.” Chồng Dung cười tươi, gật đầu bảo: “Em biết, em biết.” Hắn lại tiếp: “Chú mày đến muộn chút anh em mình mới trò chuyện vui vẻ với nhau thế này được, đúng không nào.” Chồng Dung cười: “Dạ dạ, anh em mình hiểu nhau mà, hà hà.”

Tôi nhìn xuống dưới nền nhà, thật lạ khi những cái bóng đang nhảy múa. Ồ, chủ nhân của chúng đang ngồi im cơ mà. Những cái bóng nhìn tôi cười, tôi hoảng hốt đứng dậy, bước ra ngoài phòng. Không lẽ mình đã say. Những cái bóng vẫn đang nhảy nhót trong căn phòng, điệu nhảy không nhạc, không nhịp nhưng cùng động tác. Giống một con ếch đang bơi, đang bay giữa không trung. Tôi nhìn cái bóng của mình dưới đất, nó đang ngọ nguậy. Người tôi run lên vì sợ, mồ hôi toát ra. Tôi sợ cái bóng của mình sẽ chui vào trong phòng, nhập bọn, nhảy múa.

Có tiếng bước chân từ phía cầu thang, là Dung đang đi lên. Em mặc chiếc váy trắng, nhìn tôi cười. Tôi cười với em.

“Ồ, anh vào trong với mọi người đi chứ.”

“Trong đó ồn ào, anh không hợp.”

“Anh cũng giống họ thôi mà, có gì đâu mà không hợp.”

Giọng của Dung nhỏ dần và hơi buồn. Tôi hiểu những lời em nói, lặng lẽ bước xuống cầu thang. Em đi qua tôi cùng nụ cười mỉm, quen và lạ. Rồi em đứng trên, tôi bên dưới.

“Anh gọi điện cho em nhá!”

“Có việc gì để gọi đâu?”

“Bất kì lúc nào.”

Em nhìn tôi cười mỉm, tôi hiểu ý của nụ cười ấy. Miệng tôi khô khốc, cố nói.

“Anh không có gì để mất như họ đâu.”

“Thì em lấy rẻ thôi, có khi miễn phí lần đầu. Bao nhiêu năm yêu nhau mình cũng chưa từng là của nhau, em cũng nên đền đáp.”

Tôi nhìn thẳng Dung, mắt em long lanh nước.

“Có chuyện gì với em vậy?”

“Đó chẳng phải là điều anh khao khát sao. Anh vẫn thường dõi theo em, đi theo em, em biết.”

“Chỉ là tình cờ thôi.”

“Trước anh từng hứa sẽ đưa em đi xa, thật xa, phương trời nào cũng được. Chắc anh quên rồi.”

Dung dùng ngón tay chấm chấm nhẹ quanh mắt, chỉnh lại chiếc váy, mở cúc áo trên. Em mở cửa, nở nụ cười tươi và bước vào phòng.

Lúc đó, tay tôi đưa ra định kéo em lại, kéo em khỏi căn phòng đó, kéo em tránh xa khỏi những cái bóng hình nhân đang nhảy múa nhưng tôi không làm gì cả, chỉ đứng đó thôi. Tôi đưa tay lên muốn sờ vào má em trong bức ảnh, rồi rụt về.

Quay nhìn chủ nhà ở bàn uống nước và một ý nghĩ độc ác hiện lên trong đầu, tôi sẽ kể cho ông mọi chuyện về Dung. Tôi muốn ông tuyệt vọng còn tôi thì đứng nhìn, quan sát ông bằng niềm thích thú. Chính ông đã không cho tôi cơ hội để có được Dung, chính ông bảo tôi không xứng đáng chỉ vì tôi không lên tiếng cùng ông. Làm xong, tôi chỉ cần trầm mình xuống cái giếng đó, giếng hình nhân.

Ông ngước lên nhìn tôi. Tôi đứng sững. Nhìn vào mắt ông, tôi biết mình không thể ác với ông. Tôi đi về phía cửa, bước ra ngoài, hướng về phía hồ.

Con thuyền lênh đênh, cô độc. Tôi đứng ở mép hồ, mắt mơ màng nhìn xa xôi. Nước và nước. Văng vẳng giọng ngâm thơ từ căn nhà nhỏ. Giọng ngâm nghe buồn, cô đơn hơn cả cái đảo Mồ Côi này.

Phù Cương hoa nở trắng trời

Sông cuồn cuộn nắng, hoa bời bời bay

Em trèo thuyền ngược thác Say

Anh bơi vạn dặm đêm ngày tìm em!

Tôi lao xuống hồ, để mình chìm, chìm mãi. Rồi tôi không chìm nữa, tôi đứng im và thấy cơ thể mình phát sáng.

Tôi có người bạn từ thời chăn trâu cắt cỏ tên Huy, lên cấp ba thì Huy cùng gia đình chuyển xuống thành phố sống. Nhà Huy làm hàng mã, vào đêm mưa gió, một tiếng ầm vang lên và cả gian nhà kho chứa hàng mã cho dịp rằm tháng bảy mất hút. Chiếc giếng hiện ra, những hình nhân thế mạng bằng giấy nổi lềnh bềnh. Mọi người gọi nó là giếng hình nhân.

Tôi và Huy thường xuyên gặp nhau, ôn lại kỉ niệm tuổi thơ, kể những câu chuyện về rừng núi, sông nước của miền thượng nguồn Phù Cương. Tối đó, hai chúng tôi ngồi uống rượu dưới trời mưa, bên bờ giếng. Nước từ ngoài đường tràn vào ngập tới miệng, mưa thêm chút nữa là nước tràn vào giếng. Huy vỗ tay lên mặt nước trong veo của giếng bảo.

“Không hối hận, không ám ảnh, không có cảm giác tội lỗi. Mày có giết một người, trăm người hay ngàn người, sống vô trách nhiệm hay gây tội ác gì với đời cứ nhảy xuống cái giếng này, coi như xong. Hề hề. Cứ thản nhiên mà sống.”

“Thần kì tới vậy sao, tao chả tin. Mày muốn thì tao quảng cáo giúp, đơn giản.”

“Nó thần kì thật. Mày cứ ngồi đây tí nữa có mấy đám tới bơi cho mày xem. Mà mày nhìn cái mặt tao đây này, nó đen xì xì đúng không. Từ khi tao mang cái giếng này ra kiếm tiền, càng nhiều người nhảy xuống tắm, mặt tao càng đen. Thế mới đểu. Nhưng mặt đen thôi, có chết đâu mà sợ. Tao gọi nó là giếng ngọc, cho oai. Nhiều người gọi nó là giếng hình nhân. Đứng lên bậc mà xem, có giống hình người đang bơi không.”

“Không, con ếch ương thì có.”

“Ha ha, hình nhân là hình nhân.”

“Mày làm vậy ổn không?”

“Ở đời không có đúng hay sai chỉ có được hay mất thôi. Cuộc đời này là vậy, tao chỉ cố sống thôi và tao không muốn mất người tao yêu. Mày biết không, tao yêu Dung hơn cả bản thân tao mày ạ. Khi nhận ra điều này, tao nói thẳng với cô ấy luôn, trước mặt thằng chồng. Tất nhiên tao bị ăn đấm, còn cô ấy đứng cười, cười ngặt nghẽo luôn. Tao bảo với cô ấy, tao muốn kéo cô ấy ra khỏi mảnh đất này, lang bạt nơi góc biển chân trời nào cũng được, ra xa khỏi thằng chồng đểu cáng, giả tạo. Cô ấy cười bảo tao kiếm nhiều tiền vào, thật nhiều vào, rồi đi.”

“Ước gì tao được như mày.”

“Ước cái con khỉ!”

“Cái giếng của mày có thể khiến con người ta quên được tội ác, vậy nó có giúp tao quên được những kí ức cần quên không?”

“Đừng quên, tao muốn nhìn thấy mày đau khổ?”

“Vì sao?”

“Con đập. Cả Dung nữa. Mày đáng chết!”

“Ác với tao làm gì, tao có là gì đâu.”

“Mày muốn nhảy xuống giếng, xì tiền mua vé. Nhanh, tao cho mày tắm tẹt.”

“Tao nhìn thấy những cái bóng nhảy múa, không phải bóng người mà là bóng của những hình nhân thế mạng.”

Huy nhìn tôi chằm chằm, không nói gì. Im lặng kéo dài. Lúc sau Huy bảo: “Bố mẹ tao có lần từng bảo mày có con mắt âm dương, chắc những cái bóng kia chỉ mình mày nhìn thấy.” Thấy có tiếng gọi, hai đứa tôi cùng nhìn ra đường, Dung đang đội mưa, lội nước bước tới. Chúng tôi xuống khỏi bờ giếng bước lại phía em. Bỗng em chạy vụt qua hai chúng tôi, lao thẳng xuống giếng. Theo phản xạ chúng tôi cùng lao xuống theo. Dung nhoài người bơi xuống, bơi mãi, chúng tôi bơi theo. Dưới giếng có ánh sáng và những hình nhân đang bơi. Những hình nhân bám vào chúng tôi, cùng phát sáng. Cả ba lơ lửng dưới giếng, nhìn nhau mỉm cười. Hình ảnh ấy làm tôi nhớ tới những ngày nhỏ tắm sông cùng hai bạn. Rồi Huy cầm tay Dung kéo lên. Cả ba ngoi lên mặt giếng, cùng thở. Chiếc váy mỏng của Dung ướt sũng và cả cơ thể trắng ngần hiện lên. Dung bảo em muốn tắm và em lại lặn xuống. Huy lặn xuống theo. Tôi lên bờ giếng đứng nhìn hai bạn.

Tôi bước ra đường, trời vẫn mưa, chưa có dấu hiệu gì là mưa sẽ ngớt. Phía xa có một đám người đang đi về phía tôi, họ đi bơi giếng. Tôi muốn tránh mặt họ. Tôi lùi lại, cái bóng của tôi vẫn đứng im và nhìn về phía họ. Phía trước, những cái bóng đang nhảy nhót trên đường. Cái bóng của tôi muốn nhập bọn với những cái bóng đó. Tôi sợ hãi, lùi lại. Cái bóng nhìn tôi, tôi sợ hãi nhìn cái bóng của mình.

Có tiếng bì bạch và tiếng rên lẫn trong tiếng mưa. Trên miệng giếng, một người đàn ông đang hùng hục trên một người đàn bà. Cơ thể trắng ngần của người đàn bà rung lên theo tiếng thở. Người đàn bà quay mặt nhìn tôi, cứ nhìn thôi, ánh nhìn treo ở đó. Khuôn mặt đen của người đàn ông ngửa lên trời, răng anh ta nghiến chặt nhưng vẫn phát ra những tiếng rên. Họ cuộn vào nhau và cùng tạo ra những đợt sóng tình lan trên mặt nước. Từng đợt sóng tình lan xa. Ở phía thượng nguồn, con đập khẽ rùng mình bởi con sóng vô hình ào tới. Mặt hồ sùng sục nước.

Tôi ngoi lên và thở. Có tiếng hát dịu dàng đâu đó trong mưa. Trên hồ có một cô gái mặc chiếc áo xanh đang múa và hát.

-----------

Bài viết cũng chuyên mục

Vua thẹo. Truyện ngắn dự thi của Lương Khả Tú Cơn bão. Truyện ngắn dự thi của Việt Phi Đọc truyện: Trăm ngàn. Truyện ngắn dự thi của Ngô Tú Ngân Vương tiên sinh hành nghề kim hoàn. Truyện ngắn dự thi của Vũ Văn Song Toàn Đọc truyện: Con ve sầu ngân mãi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Quốc Toản
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.