Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (diễn ra từ ngày 9-24/11/2021 tại Paris) đã thông qua danh sách tổng thể các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Đây là sự ghi nhận của UNESCO và cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, đạo đức, truyền thống học tập, tư tưởng về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ của Việt Nam. Điều này hoàn toàn rất phù hợp với những giá trị mà UNESCO đang thúc đẩy; đưa đến thế giới một hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc.
Đón nhận sự kiện hết sức vinh dự này, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, sẽ phối hợp với tỉnh Bến Tre và tỉnh Nghệ An tổ chức một số hoạt động kỷ niệm theo như cam kết với UNESCO. Cụ thể là Trưng bày triển lãm con người và sự nghiệp các danh nhân, gửi Trưng bày trên môi trường kỹ thuật số đến UNESCO, tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế và Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Trước đó, UNESCO đã từng thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các Danh nhân Việt Nam như kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015), 650 năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (2019). Việc các nước thành viên thông qua nghị quyết cùng tôn vinh các danh nhân Việt Nam mang lại sự ghi nhận toàn cầu đối với những lý tưởng về hòa bình, bình đẳng xã hội, học tập suốt đời mà Việt Nam cùng chia sẻ với thế giới, và về những nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ của con người Việt Nam.
Hà An