Quyết định 1421/QĐ-BVHTTDL chính thức cho phép Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Văn phòng đại diện Cơ quan bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) tổ chức Cuộc thi Bảo vệ Bản quyền quốc tế 2024 tại Hàn Quốc.
Cụ thể, nội dung phối hợp bao gồm: Hỗ trợ quảng bá cuộc thi thông qua đăng tải tin bài về nội dung, hình ảnh, poster quảng bá cuộc thi trên trang thông tin chính thức của Cục. Cử nhân sự tham gia Ban Giám khảo chấm thi tại vòng đánh giá cuối cùng và tham dự Lễ trao giải cuộc thi.
Theo đó, cuộc thi có tên gọi: "Cuộc thi Bảo vệ Bản quyền quốc tế 2024 với khẩu hiệu "Bản quyền, Ngay bây giờ" với chủ đề: Xây dựng ý tưởng cho video quảng bá bảo hộ bản quyền để phát triển các ngành công nghiệp nội dung (tiếng Việt, Hàn, Anh; bằng bất kỳ định dạng nào). Tất cả mọi người (có khả năng dự thi bằng tiếng Việt, tiếng Hàn hoặc tiếng Anh) đều có thể tham gia cuộc thi.
Cuộc thi dành cho mọi đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về bản quyền tại Việt Nam và sản xuất các video quảng bá phù hợp với Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội tốt để thắt chặt hơn nữamối quan hệ hợp tác giữ hai bên trong lĩnh vực bản quyền.
Trước đó, liên quan đến vấn đề hợp tác trong bảo vệ bản quyền, sáng ngày 26/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Cơ quan bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) cũng đã tổ chức Diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2024.
Tại diễn đàn, đại biểu tham dự đều ghi nhận, đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền, Cục trưởng Trần Hoàng cho biết, theo số liệu khảo sát của WIPO thì tại các nước phát triển như Hoa Kỳ đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP, Hàn Quốc là 9,89% GDP; các nước đang phát triển như Trung Quốc đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, Malaysia là 5,7% và Thái Lan là 4.48% GDP. Tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Trong đó, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong giai đoạn 2018-2022 có sự tăng trưởng, giá trị sản xuất bình quân tăng 5,59%/năm, giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bình quân tăng 5,67%/năm.
Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Việc tổ chức cuộc thi về bản quyền tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và tính cấp thiết của lĩnh vực này.
VK