Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật Đặng Vũ Khiêu sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông là học giả nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nguyên Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Giám đốc Thông tin tuyên truyền Liên khu Viêt Bắc, sau đó là Tây Bắc, chỉ đạo công tác tuyên huấn chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
GS Vũ Khiêu từng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu với 5 lĩnh vực công tác ông từng hoạt động, đó là công tác Đảng, dân vận, chính quyền, quân đội và đối ngoại. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và viết sách của mình, Giáo sư đã xuất bản hàng trăm tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực như triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hoá, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn… Ông là tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu văn hóa có giá trị như: Đẹp (1963), Cao Bá Quát (1970), Ngô Thì Nhậm (1976), Anh hùng và Nghệ sỹ (1972), Cách mạng và Nghệ thuật (1979), Nguyễn Trãi (1980), Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam, Bàn về Văn hiến Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng biên soạn tổng tập Ngàn năm văn hiến Thăng Long, tham gia biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội…
Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996; được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000); Huân chương Độc lập Hạng Nhất (2006); Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; Công dân ưu tú Thủ đô dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Do tuổi cao sức yếu, Giáo sư Vũ Khiêu đã qua đời vào lúc 12h37 ngày 30/9 tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), hưởng thọ 106 tuổi.
Giáo sư, Anh hùng lao động, nhà văn Vũ Khiêu (1938-2021) |
Giáo sư Vũ Khiêu sinh năm 1916, tôi sinh năm 1938. Khoảng cách 22 năm ấy, đòi một cách xưng hô riêng, theo luật danh chính ngôn thuận của tiếng ta và theo quan hệ ứng xử ở ta. Thế nhưng ngay từ đầu, tiếp xúc với giáo sư, tôi cứ tự nhiên liều gọi giáo sư là Anh; và là Anh - Em, chứ không là Anh - Tôi. Cách xưng hô ấy để mạnh dạn được là Anh - Em, trong quan hệ với một số người khác ít tuổi hơn Giáo sư, đối với tôi, còn phải trải một quá trình lúng túng, ngượng nghịu, nhưng với Giáo sư thì không!
Hẳn có nhiều lẽ. Nhưng tôi muốn tập trung vào một lẽ chính: Giáo sư rất gần gũi với thế hệ chúng tôi.
Gần về phong cách và thái độ ứng xử.
Gần về sự suy nghĩ.
Gần về sự tôn trọng và tin cậy.
Nhiều công việc lớn của Viện Văn học, chúng tôi đều mời Giáo sư tham dự như một cố vấn tin cậy, một điểm tựa về học thuật. Các Hội thảo lớn, các cuốn sách quan trọng về các Danh nhân văn hóa - lịch sử của dân tộc, các Hội đồng nghiệm thu công trình, các luận án Nghiên cứu sinh… chúng tôi đều mời Giáo sư tham gia hoặc chủ trì. Riêng tôi, tôi còn vinh dự tham gia cùng Giáo sư trong việc tổ chức một số Hội thảo và Công trình của Viện khoa học xã hội, như về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa năm 1990 và 50 năm Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1993.
Chẳng phải riêng tôi, mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp của Viện tôi cũng đều có chung sự ngạc nhiên và quý trọng về sức trẻ của Giáo sư - cả sức khỏe cơ thể và sức khỏe tinh thần; và trẻ trong phong thái, trong suy nghĩ, trong công việc. Có không ít người ở lứa tuổi ít hơn Giáo sư mà lại già khá sớm, già trước tuổi - điều đó, khiến cho lứa tuổi chúng tôi cứ luôn luôn tự nhắc nhủ: phải học gương Giáo sư để biết chống sớm căn bệnh già.
Nói năng quá nhiều và nói những điều xem ra là cũ, cũng là biểu hiện của bệnh già. Giáo sư Vũ Khiêu không nói quá nhiều như một số bạn vong niên của thế hệ chúng tôi, thậm chí chỉ hơn lứa tuổi chúng tôi. Càng không nói những điều cũ. Dường như trong Giáo sư luôn luôn thường trực một xu thế chống cũ, một cách soi xét, nhận diện và đặt lại các vấn đề học thuật trước những biến động mới của thời cuộc, với điểm tựa vững chắc là triết học duy vật biện chứng của học thuyết Mác - Lênin, là tư tưởng - đạo đức Hồ Chí Minh, là truyền thống văn hóa dân tộc và văn hóa phương Đông mà Giáo sư là người luôn luôn có ý thức bồi đắp, trau dồi.
Hoạt động của Giáo sư Vũ Khiêu tỏa ra trên một diện khá rộng gồm nhiều lĩnh vực: Triết học, Mỹ học, Sử học, Văn học, Xã hội học… Tầm kiến văn rộng ấy tôi thấy chưa có nhiều trong giới lãnh đạo khoa học xã hội ở ta nói chung và Viện Khoa học xã hội, cùng các Viện nhỏ của nó, nói riêng - ngoài một số tên tuổi quen thuộc: Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Phạm Huy Thông… Ông có đủ tư cách là một nhà văn hóa, một nhà khoa học xã hội nói chung; nhưng tôi vẫn cứ muốn thiên vị mà nhấn mạnh tư chất một nhà nghiên cứu văn học ở ông, trong tư thế, trong phong thái nghiêm nghị mà khoáng đạt, đĩnh đạc mà tài hoa, khoa học mà nghệ sĩ… Ở tư thế đó, ông nhận được sự vị nể, kính trọng, mà thân tình, gần gũi của nhiều thế hệ, chứ ít khi là sự ngại sợ và xa cách.
Tuy quan hệ thân quý và quá trình công tác chưa phải là dài với Giáo sư Vũ Khiêu, nhưng những kỷ niệm về Giáo sư Vũ Khiêu đối với tôi luôn luôn là những kỷ niệm khó quên, vừa như một người Thầy, người Anh, vừa như là đồng nghiệp và bè bạn.
Chú, đó là đại từ Giáo sư Vũ Khiêu, gọi tôi cùng một số đồng nghiệp khác. Chú - trong thân tình và tin cậy. Tôi rất cảm động và cảm thấy khó dùng đại từ nào khác hơn.
Con người tuân thủ luật thiên nhiên, sinh ra ở đời ai cũng ở trong vòng Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Tôi vừa không nghĩ Giáo sư là ngoại lệ, lại vẫn muốn nghĩ đây là ngoại lệ. Thế nhưng dẫu không phải là ngoại lệ, tôi vẫn cứ nuôi một ý tưởng lạc quan là người ta vẫn có thể điều khiển nó, chế ngự nó bằng một phép luyện chí hoặc tu thân nào đó. Cái phép ấy (vừa dễ vừa khó, để cho con người có thể thung dung chủ động và an nhiên tự tại), từ lâu tôi đã từng được thấy ở Giáo sư Cao Xuân Huy (1890-1983) rất mực đáng kính của Viện Văn chúng tôi; và về sau này, dường như tôi cũng phảng phất được thấy trong những nét vừa như bổ sung, vừa như đối lập, ở Giáo sư Vũ Khiêu, và đó chính là điều khiến tôi càng tăng thêm tình yêu quý và ngưỡng mộ ông.