Trong tiến trình cách mạng 100 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành, gắn bó mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau với văn học yêu nước và cách mạng, cùng nhau đấu tranh, phấn đấu vì thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh nền báo chí cách mạng. Trong tiến trình 100 năm qua, báo chí và văn học đã đồng hành, gắn bó mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau đấu tranh, phấn đấu vì thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. |
1. Báo chí ở Việt Nam chỉ xuất hiện vào nửa sau thế kỷ XIX cùng với sự du nhập văn minh phương Tây vào nước ta. Song ngay sau khi ra đời, hầu như báo chí đã gắn bó chặt chẽ với văn học, nghệ thuật. Nhiều nhà văn mà cuộc đời hoạt động sáng tạo gắn liền với báo chí như Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Phạm Duy Tốn, Phan Khôi, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, v.v.. Có những trường hợp đặc biệt như Vũ Trọng Phụng viết phóng sự, tiểu thuyết theo sự thúc bách của từng số báo, cũng là sự thúc bách để kiếm tiền nuôi sống cho gia đình. Hay trường hợp Ngô Tất Tố, một nhà văn luôn bắt đầu từ chất liệu báo chí để viết truyện, tiểu thuyết và chỉ trừ cuốn sách dịch Cẩm hương đình, còn lại tất cả các tác phẩm văn học của ông đều “xuất bản” lần đầu trên báo chí.
Song dưới sự cai trị của chính quyền thực dân Pháp và nhà nước phong kiến do thực dân Pháp bảo hộ, cả văn học và báo chí đều mất tự do, đều bị o ép, bị tước đoạt khả năng nói tiếng nói yêu nước, thương nòi, thể hiện tinh thần tự hào, tự cường dân tộc. Mặc dù vậy, ngay trong vòng kìm kẹp của bộ máy cảnh sát, mật thám, nhà tù và cả án tử hình, nhiều nhà văn, nhà báo vẫn dũng cảm đứng lên đấu tranh, bảo vệ quyền sống của người dân, đòi quyền độc lập của dân tộc, thông qua các tác phẩm và nhiều hình thức phản kháng khác. Trong văn học, không chỉ dừng lại ở những than vãn cho vận nước, trách cứ cho số phận, mà nhiều nhà văn, nhà thơ đã trực tiếp tham gia các hoạt động yêu nước, chống lại chế độ cai trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, phản kháng đối với hai tầng áp bức, bóc lột của thực dân và phong kiến, bất chấp tù đày, hy sinh như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, v.v.. Trong báo chí, nhiều nhà báo và cơ quan báo chí đã thông qua các trang báo, hoặc trực tiếp hoặc bằng những phương cách kín đáo, gián tiếp để thức tỉnh lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh phản đối sự áp bức, bóc lột, đòi cải thiện dân chủ, dân sinh. Có tờ báo như Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng, trước sau nhất mực trung thành với tôn chỉ mục đích “khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh”. Có tờ báo công khai tuyên truyền tư tưởng cách mạng vô sản như báo La Cloche Fêleé (Chuông rè) của Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường, xuất bản bằng tiếng Pháp, đã từng đăng tải nguyên văn tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C. Mác và Ph.D. Ăngghen.
Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản phát động và lãnh đạo đã trở thành điểm gặp gỡ theo logic tự nhiên giữa báo chí cách mạng và văn học yêu nước, mở ra con đường rộng lớn, xán lạn cho báo chí cách mạng và văn học, nghệ thuật kề vai, sát cánh bên nhau, cùng đấu tranh, phấn đấu vì mục tiêu cao cả: Độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, mang lại no ấm, hạnh phúc cho mỗi người dân.
2. Cùng với cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản phát động và lãnh đạo, báo chí cách mạng ra đời và phát triển, trở thành một nguồn thông tin, một diễn đàn ngày càng rộng lớn đối với toàn xã hội, truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự cường dân tộc, dự báo về một xã hội tốt đẹp sẽ ra đời sau khi cách mạng thành công. Đặc biệt trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), nhiều tờ báo cách mạng hoạt động công khai và bán công khai, càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, trong đó có các nhà văn, nghệ sĩ. Như nắng hạn gặp mưa rào, như mặt trời chiếu sáng trong đêm đen, tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội đáp ứng đúng đắn và kịp thời khát vọng giải phóng dân tộc, cải thiện dân sinh, có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với các nhà văn, và văn nghệ sĩ. Vì thế, ngay trong điều kiện Đảng còn hoạt động trong bí mật, khó khăn, nguy hiểm rình rập mỗi ngày, nhiều nhà văn, nhà thơ đã có cảm tình với Đảng, với cách mạng, thể hiện qua tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự tôn dân tộc gửi gắm trong các trang văn, trang thơ. Trước Cách mạng Tháng Tám, một số nhà văn, nghệ sĩ đã trở thành những hội viên đầu tiên của Hội Văn hóa cứu quốc (tháng 4-1943), tự nguyện đứng vào hàng ngũ cách mạng, chiến đấu và cống hiến dưới lá cờ của Đảng như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Học Phi, Như Phong, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, v.v.. Chính là tư tưởng cách mạng của Đảng đã thức tỉnh các nhà văn, nghệ sĩ, thức dậy trong họ tình yêu đồng bào, lòng tự hào dân tộc, mở ra trước họ con đường đấu tranh vì tương lai tươi sáng của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, và cũng là con đường giúp họ tự giải phóng. Chính hệ thống báo chí cách mạng, chứ không phải cái gì khác, đã là phương tiện truyền tin đầu tiên, truyền bá tư tưởng cách mạng, mang ánh sáng và niềm tin vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng đến với các nhà văn, nghệ sĩ.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đi theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản, hầu hết các nhà văn, nghệ sĩ đều hồ hởi đón nhận và đứng về phía nhân dân, tự nguyện tham gia vào các hoạt động cách mạng. Kháng chiến chống xâm lược Pháp bùng nổ, tuyệt đại bộ phận các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, trong đó nhiều người nổi tiếng trong giới văn học, nghệ thuật đương thời như các nhà văn, nhà thơ: Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Phan Khôi, Hoàng Trung Thông, Yến Lan, Thanh Tịnh, Thâm Tâm, Huỳnh Văn Nghệ, Nam Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Hữu Loan, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Quang Dũng, Chính Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Thép Mới, Học Phi, Đặng Thai Mai, Trần Mai Ninh, Phùng Quán, Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Vũ Cao, Thiếu Sơn, Hoàng Xuân Nhị, Lưu Quý Kỳ, Hoàng Tấn, Đoàn Giỏi, Dương Tử Giang, v.v.; các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, Phan Kế An, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tư Nghiêm, v.v., các nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, v.v., đã rời thành phố, lên chiến khu, ra bưng biền, tham gia kháng chiến. Không ít người trong số họ đã ngã xuống trên trận tuyến chống xâm lược Pháp như: Nam Cao, Hoàng Lộc, Thôi Hữu, Trần Mai Ninh, Trần Đăng, Tô Ngọc Vân, Dương Tử Giang…
3. Trong suốt quá trình 100 năm, văn học, nghệ thuật luôn là nguồn lực to lớn không thể thay thế, góp phần tạo nên sức mạnh, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của báo chí cách mạng theo cả hai phương diện: các nhà văn, nghệ sĩ trực tiếp tham gia làm báo, trở thành lực lượng quan trọng trong các tòa soạn báo; các tác phẩm văn học, nghệ thuật được đăng tải trên các phương tiện báo chí, trở thành nội dung không thể thiếu, góp phần tăng cường sức mạnh và hiệu quả thông tin của các cơ quan báo chí.
Trước hết, phần lớn những tác giả có tên tuổi trong các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ tham gia cách mạng đều hoạt động trong các cơ quan báo chí, trở thành nhà báo. Họ là lực lượng sáng tạo không thể thiếu trong các tòa soạn báo chí cách mạng trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong điều kiện hòa bình xây dựng. Cùng với việc tiếp tục thực hiện thiên chức sáng tạo văn học, họ tham gia đưa tin, viết bài, thực hiện một số tác nghiệp và sáng tạo các sản phẩm theo yêu cầu nghiệp vụ báo chí. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ trở thành người làm báo ở các tòa soạn báo chí kháng chiến: Ở báo Sự thật tiếp nối đến báo Nhân dân trong thời kỳ này có các nhà văn, họa sĩ: Tố Hữu, Như Phong, Thép Mới, Bùi Hiển, Nguyễn Văn Bổng, Hà Xuân Trường, Phạm Lê Văn, Phan Kế An; tham gia làm báo Cứu quốc có các nhà văn: Như Phong, Tô Hoài…; làm việc ở báo và tạp chí báo Độc lập, cơ quan của Đảng Dân chủ có Văn Cao, Cù Huy Cận, Đặng Thai Mai, Nguyễn Xuân Sanh, Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Đỗ Cung, Mạnh Phú Tư…; ở tạp chí Tiền phong - cơ quan của Hội Văn nghệ có: Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Học Phi, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi và các họa sĩ Nguyễn Thị Kim, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Văn Đôn, Bùi Xuân Phái, Trần Đình Thọ…; các nhà văn Trần Cư, Thâm Tâm, Vũ Tú Nam, Trần Đăng…, là phóng viên báo Quân đội nhân dân, v.v.. Sau khi Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập vào cuối năm 1947, báo Văn nghệ cơ quan của Hội xuất bản số 1 tháng 3-1948. Tham gia Ban Biên tập Văn nghệ có những tác giả tên tuổi như: Hoài Thanh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước, Tô Ngọc Vân, Thế Lữ. Nhiều văn nghệ sĩ kháng chiến khác cộng tác thường xuyên với báo Văn nghệ. Nhiều nhà văn, nhạc sĩ còn công bố tác phẩm, tham gia cung cấp tin tức, bài vở cho Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với lớp nhà văn, nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp tiếp tục có mặt trong đội ngũ người làm báo trên các mặt trận, một thế hệ hùng hậu các nhà văn, nghệ sĩ mới, trưởng thành trong thực tế chiến đấu và lao động, góp mặt trong các cơ quan báo chí của Đảng trong cả nước, ở hậu phương lớn miền Bắc cũng như ở tiền tuyến lớn miền Nam. Đó là Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Oánh, Mai Ngữ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Anh Đức, Phan Tứ, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Bằng Việt, Xuân Thiều, Hữu Thỉnh, Trần Mạnh Hảo, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đức Mậu, Chu Lai, Nam Hà, Nguyên Ngọc, Bùi Minh Quốc, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thị Như Trang, Vương Trọng, Anh Ngọc, Duy Khán, Lưu Trùng Dương, Ngô Văn Phú, Ngô Thảo, Lê Văn Thảo, Thanh Quế, Nguyễn Xuân Khánh, Triệu Bôn, Vương Trí Nhàn, v.v.. Nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tư cách nhà báo, phóng viên chiến trường như: Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, v.v.. Sau khi hoà bình lập lại trên miền Bắc, nhất là khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, các cơ quan báo chí vẫn là mảnh đất lành, thích hợp cho nhiều nhà văn, nghệ sĩ làm việc, cống hiến.
Với sự ra đời của các báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình chuyên về văn học, nghệ thuật, lẽ tất nhiên các nhà văn, nghệ sĩ là nhân vật chính và tác phẩm của họ là chất liệu nội dung chủ yếu, quyết định của các sản phẩm báo chí đó. Đồng thời, các tác phẩm văn học vẫn đóng góp một phần nội dung quan trọng của mọi phương tiện báo in, tạp chí, phát thanh, truyền hình, báo mạng, hình thành một cách chuyển tải thông điệp nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, dễ thuyết phục người đọc. Sự xuất hiện của các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong các sản phẩm báo chí, truyền thông góp phần đa dạng hóa thông tin, thu hút sự quan tâm của công chúng, tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách và giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Các thể tài tiểu phẩm, phóng sự, bút ký, tùy bút, như kết quả sự giao thoa giữa báo chí và văn học, đã phát triển ngày càng phong phú, góp phần quan trọng trong chuyển tải nội dung, ý nghĩa của những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Hàng trăm tiểu phẩm của Bác Hồ dưới những bút danh khác nhau, xuất hiện trên các trang báo trong suốt hai cuộc kháng chiến, đã để lại dấu ấn đặc biệt. Thơ chúc Tết của Bác Hồ, thơ xuân của nhà thơ Tố Hữu, tùy bút đầu xuân của nhà văn Lưu Quý Kỳ, cùng tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ khác đăng tải trên các trang báo, phát trên làn sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về, có sức mạnh cổ vũ, động viên to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước trong những năm tháng chiến tranh giữ nước đầy gian khổ, hy sinh.
*
100 năm báo chí cách mạng đồng hành với văn học, nghệ thuật đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc, đã có những đóng góp to lớn, xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với 100 năm ấy, báo chí và văn học, nghệ thuật của đất nước đã có chung một nền tảng vững chắc, một cơ sở tin cậy và tạo dựng nên một hành trang giàu có, phong phú cho sự phát triển, cho niềm tin về những thành công, đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.