Từ đầu thế kỷ XX, cùng với việc du nhập của nghệ thuật tạo hình, kịch nói phương Tây, thì nhiều nhóm xiếc, đoàn xiếc nổi tiếng trên thế giới đã đến Việt Nam biểu diễn. Trước sự kiện đó, các nghệ nhân xiếc trong nước đã tập hợp nhau lại mở lò luyện xiếc, góp vốn mở các gánh xiếc ở Sa Đéc, Mỹ Tho, Sài Gòn, và một số tỉnh miền Trung…
Năm 1922, tại Hà Nội, nghệ nhân Tạ Duy Hiển đã tập hợp một số con cháu trong gia đình, thành lập “Gánh xiếc Việt Nam”. Tháng 1/1956, Đoàn Xiếc Trung ương được thành lập, đồng thời lúc đó, Tạ Duy Hiển cũng tái lập gánh xiếc cũ. Tháng 5 năm 1958, ông đã đem toàn bộ gánh xiếc của mình gia nhập Đoàn xiếc Trung ương, trở thành Đoàn xiếc Thống Nhất do ông làm trưởng đoàn. Năm 1959, Đoàn xiếc Thống Nhất gia nhập quốc doanh, trở thành Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương (tiền thân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam ngày nay). Tạ Duy Hiển (1889-1967) được coi là người sáng lập ngành xiếc Việt Nam hiện đại. Ông được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (đợt 1/1984)...
Tiết mục “Đu son” của hai nghệ sĩ Phạm Thị Hướng và Trương Hồng Thúy đã giành giải Vàng tại Liên hoan Công chúa xiếc (Saratov, CHLB Nga 2022) |
Tính từ những ngày đó đến nay, suốt trên nửa thế kỷ qua, nằm trong ngôi nhà chung của các loại hình nghệ thuật đương đại Việt Nam, nghệ thuật xiếc đã tạo nên nhiều thành quả to lớn, làm nên một dấu son, đóng thành một cột mốc; được khán giả Việt Nam yêu mến, với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, nhất là trong công cuộc đổi mới, hội nhập toàn cầu hiện nay, ngày càng khẳng định giá trị cũng như đã tạo nên một phong cách xiếc Việt Nam khá độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, cố gắng bắt kịp tính hiện đại của các phong cách xiếc khác nhau trong khu vực, cũng như trên thế giới. Không quá tự mãn với những thành quả đã đạt được; cũng như không quá bi quan trước một số ý kiến cho rằng gần đây, xiếc Việt Nam đã có những bước chững lại về chất lượng nghệ thuật; nếu tự nhìn lại mình một cách bình tĩnh, tự tin, khách quan; công bằng mà nói, xiếc Việt Nam của chúng ta vẫn còn không ít những công việc phải làm. Đó là cần phải nâng cao hơn nữa các kỹ năng, kỹ xảo của nghệ thuật tung hứng, nhào lộn, thăng bằng… các tiết mục hài hước về cuộc sống đương đại, ảo thuật, và đặc biệt nhất là phải đầu tư cho các chương trình xiếc thú lớn như voi, hổ, báo, sư tử, gấu… hết sức hấp dẫn và cuốn hút, để nâng cao hơn nữa tầm vóc và ảnh hưởng của xiếc Việt Nam trong ngôi nhà chung của xiếc thế giới!
Nhớ lại từ những thập niên 60-70 của thế kỷ XX; trên 50 năm qua, người Hà Nội vẫn mang trong trái tim mình tình yêu và tấm lòng yêu quý, trân trọng nghệ thuật xiếc và các nghệ sĩ Đoàn Xiếc Trung ương với một nhà bạt xiếc đối diện với bến xe Kim Liên thân thuộc (không chỉ với người Hà Nội, mà còn với cả nhân dân miền Bắc thời hành chính, bao cấp), bằng niềm tin và hy vọng rằng, xiếc Việt Nam sẽ ngày càng trưởng thành một cách mạnh mẽ hơn, điêu luyện hơn, tinh xảo hơn, cuốn hút hơn, hấp dẫn hơn, đẹp đẽ và độc đáo hơn…
Khác với các loại hình nghệ thuật sân khấu như tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca, kịch nói… xiếc không phải là một vở diễn suốt trên dưới hai tiếng đồng hồ với kịch bản, đạo diễn, với các nhân vật của dân gian, truyền thống, lịch sử, cận đại hay đương đại… mà mỗi tiết mục xiếc, là sự sáng tạo và biểu diễn riêng biệt của mỗi nghệ sĩ hay một nhóm nghệ sĩ. Vì vậy, sân khấu xiếc không có màn, lớp, chương, hồi, không có trang trí từng cảnh và cái quan trọng nhất là nghệ thuật xiếc không phải diễn ra trong không gian của sân khấu hộp kín ba mặt mà là sân khấu tròn, cả bốn hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) đều có khán giả ngồi từ thấp lên cao. Ở giữa sân khấu tròn ấy là một tấm thảm. Chính trên thảm tròn đó là hàng chục tiết mục với màu sắc rực rỡ, lộng lẫy của bao nhiêu bộ phục trang và màu sắc của các loại đạo cụ, do người hoạ sĩ sáng tạo nên, cùng với ánh sáng được phô diễn một cách rực rỡ… đã cuốn hút đông đảo khán giả, trong đó có thế giới của trẻ thơ. Tuy nhiên, sân khấu xiếc của ta nhiều năm qua (nhất là một vài gánh xiếc tư nhân, hay đoàn xiếc của địa phương), do hoàn cảnh nghèo nàn, thiếu thốn và cũng do quan niệm còn đơn giản, nên xem xiếc, khán giả chỉ được nhìn ngắm mãi một tấm thảm nhàm chán và đơn điệu… Trong khi các chương trình xiếc nhiều nước, ta thấy mỗi đêm biểu diễn, họ thay đến dăm ba lần thảm biểu diễn là chuyện bình thường. Với một rạp xiếc sân khấu tròn hiện đại ở Hà Nội hiện nay, phải ghi nhận rằng, trong những năm qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có nhiều cố gắng đáng kể về mặt nghệ thuật, trong cả hình thức mỹ thuật, trang trí, trang phục, cũng như nội dung các tiết mục, với các giải thưởng tại liên hoan xiếc trong nước và quốc tế, phấn đấu để xây dựng một tổng thể nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện đại, mang đậm phong cách dân gian, dân tộc độc đáo - khi xiếc Việt Nam đang bước vào năm thứ hai mươi hai của thế kỷ XXI...
Cảnh trong vở diễn “Lời Nguyền Của Bà tiên” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt khán giả vào dịp 1/6/2020 |
Nằm trong tổng thể sáng tạo của nghệ thuật xiếc, nghệ thuật tạo hình phải làm cho sân khấu lộng lẫy hơn, rực rỡ hơn và đạt hiệu quả nghệ thuật cao hơn cho diễn xuất của người nghệ sĩ. Do đó, phục trang nghệ thuật xiếc Việt Nam không thể lẫn lộn với phục trang của bất kỳ một đoàn xiếc nào trên thế giới. Cũng những bộ quần áo bó sát, ngắn dài hoặc hai mảnh. Cũng những bộ quần áo nửa gilê Tây, nửa gilê các dân tộc thiểu số của ta. Cũng những bộ quần áo hài hước với mũ phớt Tây, ca rô Tây đâu đó. Cũng những bộ váy nửa ngắn, nửa dài của ba lê hiện đại. Đã đành, khác với tính chất phục trang nhân vật của các thể loại sân khấu khác, phục trang xiếc còn có một đặc điểm lớn nhất, khác biệt nhất, đó là sự liên quan đến đặc điểm tiết mục và kỹ thuật biểu diễn. Chẳng lẽ biểu diễn trên dây dọc và đu bay lại mặc áo váy tứ thân dân tộc? Chẳng lẽ tiết mục hài hước hiện đại về cuộc sống ngày hôm nay, lại khăn đóng áo the cho ra dáng Việt Nam? Tất cả những suy nghĩ ấy, đã gợi mở những ý tưởng sáng tạo mới, để tạo nên một phong cách phục trang xiếc Việt đậm đà chất dân gian, dân tộc, nhưng lại mang ngôn ngữ tiên tiến của nghệ thuật xiếc đương đại thế giới, mà ta vẫn thấy đẹp biết bao một tà áo dài Việt Nam trong tiết mục ảo thuật nào đó. Ta vẫn thấy đâu đây trong các kiểu cách quần áo bó sát hiện đại, là xử lý các hoa văn dân tộc Việt Nam, bởi mỗi dân tộc đều có những nét đẹp riêng không thể nào kể hết...
Nghệ thuật xiếc Việt Nam, nếu tính từ những gánh xiếc rong dân gian từ đầu thế kỷ XX, đến nay cũng đã tròn 100 năm tuổi. Đó là tình yêu, là máu thịt của những nghệ sĩ xiếc trải qua nhiều thế hệ, đã góp phần tạo nên một trong những vẻ đẹp nghệ thuật bất tử của con người. Chắc chắn, các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cùng với những thành quả to lớn đã đã đạt được, sẽ có những bứt phá mới về nghệ thuật, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhất là trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 toàn cầu hiện nay!
Lê Huy Quang
Nguồn Văn nghệ số 51/2022