Hôi thảo diễn ra sáng 11/10 tại Hà Nội, nhằm nhìn nhận, đánh giá lại những thành tựu về lý luận cũng như kết quả vận dụng trong lĩnh vực kinh tế đạt được qua gần 40 năm đổi mới để đề xuất các giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để xác định những điểm mới về lý luận, kết quả mới trong tổng kết thực tiễn nhằm đóng góp cho việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: BND |
Trên thực tế, những lý luận về phát triển kinh tế, nhất là về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các luật, các chính sách và chiến lược phát triển đất nước. Trong đó, việc vận dụng lý luận đã đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu, trở thành một nước thu nhập trung bình và đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với thế và lực mới, với tầm nhìn, mục tiêu đặt ra cụ thể hơn và khát vọng hơn về phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc; là giai đoạn phát triển mang tính bền vững hơn, bao trùm hơn, dựa nhiều hơn vào nâng cao hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo; là giai đoạn mà nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, tiên tiến, văn minh, hiện đại, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ về nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế và mối quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, giám sát của xã hội; về vai trò và tác động của những quy luật khách quan trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Qua thảo luận, các đại biểu đã gợi mở những điểm mới về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế gắn với bối cảnh hiện nay. Theo đó, tiếp tục nâng cao sự thống nhất trong nhận thức về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đẩy mạnh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt đang bó buộc quá trình sản xuất, lưu thông, trao đổi, hội nhập, những vấn đề quan trọng đang cản trở sự phát triển kinh tế thị trường của nước ta.
Để nền kinh tế có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất quan điểm, thể chế kinh tế phải hoàn thiện hơn, cụ thể hơn. Đầu tư cho khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo cần đúng mức hơn để làm động lực, nguồn lực quan trọng nhất phát triển đất nước. Đổng thời đề nghị, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp - vốn được coi là điểm tựa của nền kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa trong chuyển dịch cơ cấu một cách nhanh chóng, toàn diện và hợp lý, đồng thời gắn liền với việc tái cấu trúc nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược và các mô hình, phương thức phát triển kinh tế mới; đẩy mạnh việc tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế; huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững.
Được biết, những giải pháp, kiến nghị tại hội thảo sẽ tiếp tục được nghiên cứu, chọn lọc và bổ sung vào hệ thống lý luận nhằm thực hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế.
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: