Hội thảo do Mạng lưới Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam (VNEI) phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Giáo dục đại học hiện nay mới chỉ dừng lại ở đào tạo, sau đào tạo và nghiên cứu, chứ chưa thực hiện Đổi mới sáng tạo. Đây là khâu cuối của quá trình đào tạo nhưng chưa được nhiều trường đại học quan tâm. Hay nói dễ hiểu hơn: Đổi mới sáng tạo trong trường đại học chính là kết quả nghiên cứu cộng với khả năng thương mại hóa.
Đích đến của Đổi mới sáng tạo không nằm ngoài việc các trường đại học thu được gì từ quá trình đào tạo, đây là kết quả hoàn toàn định lượng được, nhưng để có được kết quả này, các trường lại thực hiện theo cách riêng. Thực tế cho thấy, nhiều trường Đại học chọn đầu tư cho sinh viên tham dự các cuộc thi khởi nghiệp, cũng có trường tập trung vào công tác nghiên cứu, nhưng khi ra sản phẩm (hoặc giành được thành tích) thì lại không thực hiện được bước tiếp theo là thương mại hóa sản phẩm đó. Dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đào tạo. Điều này cho thấy đã và đang có sự lúng túng trong việc thực hiện cái gọi là Đổi mới sáng tạo, thậm chí nhận diện sai Đổi mới sáng tạo và nếu chỉ làm cho có sẽ rất khó để có được kết quả như mong muốn.
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh MPI |
Chủ tịch VNEI Nguyễn Trung Dũng cho biết, để quá trình Đổi mới sáng tạo được diễn ra đúng và trúng, đầu tiên, các trường phải xác định mục tiêu là gì thay vì đặt câu hỏi cần làm gì. Theo đó, nếu trường muốn tập trung phần lớn vào đào tạo, tuyển sinh thật nhiều thì việc tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng, các cuộc thi sinh viên, các chương trình đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp chung chung là phù hợp. Còn nếu muốn định hướng là trường đại học nghiên cứu thì phải có mô hình, tổ chức hỗ trợ trung gian… Không có mô hình, công thức chung cho tất cả các trường, tùy chiến lược và nguồn lực của từng trường để quyết định theo hướng nào. Khi đó, cả các trường như Xã hội Nhân văn, trường Sư phạm, Ngoại ngữ vẫn có thể làm đổi mới sáng tạo chứ không riêng các trường công nghiệp, kỹ thuật. Đồng thời, cần có mạng lưới để các trường có thể hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy về đổi mới sáng tạo.
Thông tin từ hội thảo cho biết, hiện hệ thống giáo dục đại học có 270 cơ sở, trong đó hơn 70 cơ sở thuộc khối ngoài công lập. Việc đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học cần chú trọng tới việc thiết kế lại chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao các kỹ năng mềm cho sinh viên; tạo mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng của các vườn ươm công nghệ; đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước đối với dạy nghề theo nhu cầu của thị trường và yêu cầu cụ thể của người sử dụng lao động… tất cả nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng bền vững, tô đậm màu cho bức tranh đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên bản đồ thế giới. |
Tại hội thảo, từ thực tiễn quá trình giảng dạy, nghiên cứu, Phó Chủ tịch Trường Đại học FPT, Hoàng Nam Tiến cho biết, ông nhận thấy, phong trào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở các trường đại học đang “nặng vị nghệ thuật”. Tức là phần lớn đề tài đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên chỉ để đi thi, số đề tài mang vào thực tiễn cuộc sống rất ít. Theo ông Tiến, cái gốc là do giáo dục theo hướng dùng văn mẫu, toán mẫu để làm chuẩn mực đánh giá học sinh đã làm thui chột khả năng sáng tạo. Do đó, cần phải thay đổi tư duy giảng dạy, Đổi mới sáng tạo phải được kích hoạt từ bậc học phổ thông thì khi lên đại học mới có được Đổi mới sáng tạo đúng nghĩa.
Thực tế, công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học hiện nay đã và đang hướng đến Đổi mới sáng tạo nhưng về tổng thể, để có được những số liệu cho thấy sự thành công của đổi mới thì vẫn còn là ẩn số. Do có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính là người đứng đầu không muốn đổi mới sáng tạo mà muốn tập trung đào tạo, hoặc những việc tương tự. Đây là lực cản mà theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để thúc đẩy Đổi mới sáng tạo cần phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro để vượt lên giới hạn bản thân vì tương lai tươi sáng của đất nước.
Đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị thực không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức khi Việt Nam bước vào thế giới phẳng, đối mặt với cuộc cách mạng 4.0, các lĩnh vực AI, bán dẫn nói riêng và công nghệ cao nói chung... Do đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã xây dựng Đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035, định hướng tới 2045 và Đề án Phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030 dự kiến sẽ trình Thủ tướng ban hành trong tháng 10. Dự thảo có nội dung chính là tập trung giao việc cho các cơ sở giáo dục đại học lớn cả công lập và ngoài công lập trong các lĩnh vực về công nghệ số, công nghệ sinh học, môi trường xanh, năng lượng sạch… Dựa trên quan điểm, những cơ sở này sẽ là những hạt nhân có vai trò đi đầu, dẫn dắt hệ thống, kết nối hình thành mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học để phát triển các lĩnh vực này, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời đặt ra bài toán lớn từ thực tiễn: kết quả thu được từ hoạt động sáng tạo nếu chúng ta thực hiện thành công - nghĩa là cho họ thấy giá trị thực được tạo ra từ đổi mới sáng tạo.
Còn ở tầm vĩ mô, hiện Việt Nam đã và đang hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhằm tạo ra lực lượng tiên phong, dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ đã thống nhất chủ trương và thông qua chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. Mục tiêu là đào tạo 1.300 giảng viên và 50.000 kỹ sư trong ngành bán dẫn, đồng thời xây dựng 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và 18 phòng thí nghiệm bán dẫn tiêu chuẩn phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.
Đây là những điều kiện cần và đủ giúp Việt Nam có thể thăng hạng từ vị trí thứ 44 trong số 133 quốc gia, vùng lãnh thổ (năm 2024) lên vị trí cao hơn ở những năm tiếp sau.
Chính vì vậy, Đổi mới sáng tạo Đại học rất cần có định hướng và một chiến lược dài hơi không chỉ ở cấp vĩ mô mà còn ở từng cấp vi mô - cấp trường hiện nay.
Hồng Phúc | Báo Văn Nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: