Diễn đàn lý luận

Ba làn sóng của văn chương đương đại hay mối quan hệ giữa lý luận thực tiễn văn chương đổi mới

Phạm Xuân Thạch
Lý luận phê bình
06:00 | 30/12/2024
Baovannghe.vn - Nửa thế kỉ vừa qua, văn chương Việt Nam cũng tạo ra một di sản mà chắc chắn, đặt cạnh di sản “tiền chiến” sẽ không hề thua kém, về độ phong phú, độc đáo cũng như những giá trị riêng.
aa

Năm 2021, Giải thưởng thường niên của Hội nhà văn Việt Nam được trao cho Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương. Chỉ một năm sau, năm 2022, giải thưởng này được trao cho Giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một và đặc biệt Một mùa hè dưới bóng cây của Nguyễn Tham Thiện Kế và Tuyệt không dấu vết của Nguyễn Việt Hà. Từ góc nhìn của người làm văn học sử, có thể so sánh Giải thưởng Hội nhà văn năm 2021 và 2022 với Giải thưởng Hội nhà văn năm 1991 với các tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng) và đặc biệt, Lý luận và văn học (Lê Ngọc Trà) trong danh sách được trao giải. Tôi nói về “góc nhìn của người làm văn học sử” như một sự giới thuyết. Tiểu luận này sẽ không bàn về giá trị tự thân cũng như sự xứng đáng của tác phẩm với giải thưởng (cần nói ngay rằng tôi không nghi ngờ gì về chất lượng nghệ thuật của tất cả những tác phẩm được giải vừa được liệt kê trên). Bài viết sẽ chỉ tập trung vào sự phản chiếu của đời sống văn học, sự vận động của tiến trình văn học, những đặc điểm có tính quy luật của nền văn học được phản ánh qua sự ghi nhận của tổ chức xã hội của người làm văn chương quan trọng nhất ở Việt Nam với sự đồng thuận cao nhất có thể của những người làm nghề. Từ điểm xuất phát đó, bài viết bắt buộc sẽ phải mở rộng tập hợp khảo sát đến những khu vực ngoài giải thưởng để có thể hy vọng rút ra một số khuynh hướng mang tính chủ lưu của văn chương ở Việt Nam trong gần nửa thế kỉ vừa qua. Cũng cần phải giới thuyết thêm rằng bất chấp những hiện tượng có tính báo trước (Đề dẫn tại Hội nghị nhà văn Đảng viên do nhà văn Nguyên Ngọc chấp bút; tiểu luận về văn học chiến tranh của Nguyễn Minh Châu trên báo Văn nghệ và sau đó tiểu luận về “văn học phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến cũng trên tờ báo này) đã xuất hiện trong giai đoạn trước Đổi mới nhưng những vận động quan trọng nhất, vẫn tập trung vào khoảng 4 thập niên từ 1986 đến nay.

Từ những giải thưởng

Ba làn sóng của văn chương đương đại hay mối quan hệ giữa lý luận thực tiễn văn chương đổi mới
Nhà văn 9X Hiền Trang

Nhìn từ hiện tượng, giải thưởng năm 2023 của Hội Nhà văn tương đồng với giải thưởng năm 1991 ở sự đa dạng về tác phẩm được giải. Hai năm này, riêng hạng mục văn xuôi, đều có ba tác phẩm được giải. Tuy nhiên, sự tương đồng không chỉ đơn giản là số nhiều nếu nhìn sâu vào những tác phẩm được giải. Đối với giải thưởng 1991, có thể đặt sang một bên Bến không chồngMảnh đất lắm người nhiều ma và bên kia là Nỗi buồn chiến tranh. Giải thưởng năm 2023 cũng tương tự như vậy với một bên là Giờ thứ sáu đến giờ thứ chínMột mùa hè dưới bóng cây và một bên là Tuyệt không dấu vết. Sự khác biệt giữa những “cực” đó là những khác biệt về tư duy nghệ thuật và “lối viết”, xin được sử dụng lại khái niệm của R.Barthes, ít nhất, để thay thế cho một khái niệm ít nhiều đã “tuyệt không dấu vết” một cách câm lặng trong lí luận ở Việt Nam: phương pháp sáng tác (cần nhớ rằng hình như chúng ta chưa bao giờ làm một cuộc thanh toán sòng phẳng với khái niệm từng thống trị trong lí luận này). Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng hay Giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, Một mùa hè dưới bóng cây cho thấy thành tựu và sức sống của những gì đã ổn định và sẽ luôn là như thế, ở ngoài mọi sự cũ mới. Nỗi buồn chiến tranh hay Tuyệt không dấu vết lại có một ý nghĩa khác. Nếu như cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh báo hiệu một diện mạo của tự sự hư cấu khác biệt hoàn toàn với văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa cả về mỹ học lẫn về tư duy nghệ thuật thì tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà lại cho thấy một thế hệ đã làm được những điều vượt ra khỏi những gì họ đã làm khi bước vào đời sống văn học, dù những gì “đã làm” đó, bản thân nó, đã có ý nghĩa một thay đổi. Trên hết, những tác phẩm đó cho thấy tình trạng đa dạng về lối viết của văn học đương đại, một khác biệt về bản chất so với tính thống nhất của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trước năm 1986. Sẽ là phi lí nếu như muốn áp đặt một trạng thái chung cho toàn bộ đời sống văn chương đương đại, rằng nó đang ở “chặng” hiện đại hay hậu hiện đại nhưng cũng sẽ là phi lí nều “đòi hỏi” nó phải đi qua “chặng” hiện đại rồi mới có thể đạt đến hậu hiện đại. Diễm phúc của văn chương đương đại không phải là ở việc nó đã mặc đồng phục hiện đại hay hậu hiện đại mà ở chỗ giờ đây, những phù hiệu khuynh hướng đó không còn ý nghĩa và chúng ta được đón nhận sự độc đáo và sự hoàn thiện của tất cả mọi khuynh hướng cùng tồn tại trong đời sống văn học.

Nhìn sâu hơn vào những giải thưởng nói trên, có thể nói ba mùa giải năm 1991, 2022 và 2023 phản chiếu những biến đổi của đời sống văn chương. Nếu như mùa giải 1991 có ý nghĩa như một sự tổng kết giai đoạn khởi đầu của Đổi mới, dù không ít những tên tuổi làm nên văn chương Đổi mới hoặc phải rất lâu sau mới được ghi nhận, thậm chí sau khi chết, như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp thì hai mùa giải 2022 và 2023 có ý nghĩa như một sự tổng kết cho thế hệ thứ hai của Đổi mới, thế hệ những người khẳng định vị trí trong đời sống văn chương sau năm 2000. Nếu đặt những tiểu thuyết quan trọng nhất của hai mùa giải này, Một ví dụ xoàngTuyệt không dấu vết trong những mối quan hệ liên văn bản với những gì đã từng được viết trước đó, của chính tác giả và những tác giả khác thì chúng ta sẽ thấy nhiều điểm đáng để bàn luận.

Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà có hai cách thực hành văn chương khác nhau. Nguyễn Việt Hà bước vào đời sống văn chương một cách “nguyên khối”, một lối viết, một mô hình thẩm mỹ hoàn chỉnh với Cơ hội của Chúa nên hai tiểu thuyết sau của ông, Khải huyền muộnBa ngôi của người là những sự nối dài của mô hình thẩm mỹ đó. Trái lại, thực hành viết của Nguyễn Bình Phương là một hành trình từ Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn đến Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Những đứa trẻ chết già mới định hình cái mô hình thẩm mỹ, cái lối viết đó, và đến ba tiểu thuyết thuộc giai đoạn thứ hai của ông, Mình và họ, Kể xong rồi đi và đặc biệt, Một ví dụ xoàng là giai đoạn mà ông đạt đến sự cổ điển, sự “ổn định, thăng bằng, hoàn thiện”, hoàn toàn làm chủ cái mô hình thẩm mỹ đã tạo ra và trong đó, có cả sự “điều độ, bình tĩnh” (xin mượn cách nói của Thái Bá Vân khi viết về mỹ thuật Lý và Nguyễn Phan Chánh). Chính vì vậy nên với Nguyễn Việt Hà, Tuyệt không dấu vết đánh dấu bước ngoặt của một sự thay đổi còn với Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng là tiểu thuyết đánh dấu sự hoàn thiện của một quá trình.

Và rộng hơn giải thưởng

Ba làn sóng của văn chương đương đại hay mối quan hệ giữa lý luận thực tiễn văn chương đổi mới
Nguyễn Khắc Ngân Vi - cây bút của làn sóng đổi mới văn chương thứ ba. Ảnh: Đẹp

Nhìn vào tiến trình văn học, Nguyễn Bình Phương cũng như Nguyễn Việt Hà khẳng định vị thế trong trường văn chương vào đầu những năm 2000, sau một khoảng lặng sau giải thưởng 1991. Trong khoảng lặng đó, chỉ có Hồ Anh Thái, một số nhà văn nữ và đặc biệt Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa, Tô Hoài với Cát bụi chân ai, Lê Đạt với Bóng chữ và Phùng Cung với Xem đêm là những hiện diện đáng kể. Nhưng cũng cần phải nhớ lại cách mà giới phê bình đón nhận Sự mất ngủ của lửa. Dường như đời sống văn chương chưa sẵn sàng để chấp nhận một lối viết như thế. Trong bối cảnh đó, sự tham gia vào trường văn học của Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà báo hiệu những đổi thay của văn chương vượt ra khỏi cái bóng của giai đoạn đầu Đổi mới. Và quả thật, sau đó là những gì rất khác. Khác cả trong sự trở lại của những tác giả cũ như Trần Dần (Những ngã tư và những cột đèn) và Nguyễn Xuân Khánh (Chuyện ngõ nghèoMiền hoang tưởng) và khác cả trong sự thay đổi của những người đã xuất hiện từ giai đoạn đầu của Đổi mới điển hình là Tạ Duy Anh nếu so sánh Đi tìm nhân vật với Bước qua lời nguyền, dù cả hai cùng mang một nỗi ám ảnh về Cải cách ruộng đất hay Vĩnh Quyền nếu so sánh Mảnh vỡ của mảnh vỡ, Trong vô tận với giai đoạn của những truyện lịch sử như Mạch nước trong. Trong ý nghĩa ấy, tôi cho rằng thế hệ những người viết sau năm 2000 thuộc về một làn sóng thứ hai của Đổi mới, một thế hệ mà dù muốn hay không, cũng không thể phủ nhận được vai trò của mỹ học hiện đại và đặc biệt, hậu hiện đại. Nếu chỉ trong những thể văn tự sự hư cấu, bên cạnh Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, những đại diện của thế hệ đó còn là Đỗ Phấn, Tạ Duy Anh, Vĩnh Quyền, Vũ Thành Sơn… những người định hình sự nghiệp văn chương trong thế kỉ 21. Bên cạnh sự thay đổi về mỹ học trong thực hành văn chương của làn sóng thứ hai của Đổi mới, không thể không nói đến khả năng sáng tạo dồi dào của họ so với những nhà văn sáng tác trong giai đoạn đầu của Đổi mới. Đặt sang một bên những đánh giá mỹ học thì sự dồi dào về số lượng tác phẩm là một chỉ dấu về tính chuyên nghiệp của thực hành văn chương, sự phát triển của thị trường sách cũng như sự sẵn sàng của công chúng đối với sáng tác của nhà văn.

Nhưng đâu là động lực làm nên tính năng sản đó? Theo tôi, một phần quan trọng chính là những chuyển biến của lí luận phê bình. Cho đến nay, trong nghiên cứu văn học Việt Nam đương đại, những vận động của lí luận phê bình vẫn là một lĩnh vực chưa được thực sự khảo sát một cách nghiêm túc, nếu đặt ra yêu cầu về việc khảo sát một cách hết kiệt những tâp hợp tư liệu như báo chí liên quan đến văn chương đương đại. Ở đây, chỉ tạm khảo sát tạp chí Nghiên cứu Văn học, một thiết chế báo chí quan trọng nhất trong lĩnh vực văn học năm mươi năm vừa qua, có thể thấy rất rõ những biến đổi của lí luận phê bình. Cuối những năm 80 và những năm 90 của thế kỉ trước, lí luận văn học ở Việt Nam vận động trong sự điều chỉnh những nguyên lí của lí luận văn học Mác xít theo mô hình Liên Xô. Những chủ đề chủ yếu của lí luận văn học trên tạp chí Nghiên cứu Văn học đều xoay quanh hệ hình truyền thống: quan hệ văn học và hiện thực; chức năng phản ánh của văn học; vai trò của tác giả; vai trò của hình thức nghệ thuật trong văn học… Điều đó tương ứng với việc cho đến đầu những năm 90 của thế kỉ trước, cho đến trước khi Liên Bang Xô viết giải thể, báo Văn nghệ vẫn đăng thường kì tin tức về hoạt động của Hội nhà văn Liên Xô (cần nhớ, đây là giai đoạn Đổi mới đã được Đảng khởi xướng). Giữa những năm 1990, tạp chí Văn học bắt đầu có kế hoạch xây dựng một kế hoạch giới thiệu lí luận văn học hiện đại phương Tây một cách có hệ thống, cả qua con đường Liên Xô và con đường dịch từ các ngôn ngữ phương Tây. Đó cũng chính là giai đoạn vàng của một trong những ấn phẩm quan trọng nhất mà Hội Nhà văn đã từng sở hữu: Tạp chí Văn học nước ngoài. Và đến đầu những năm 2000, với sự phổ biến của Internet ở Việt Nam, một “người chơi” mới của giao lưu văn học xuất hiện: những website văn chương mà rất nhiều trong số đó ngày nay không còn tồn tại. Tất cả những vận động đó đã góp phần tạo nên sự thay đổi vào đầu những năm 2000 của tư duy lí luận văn học. Khảo sát các chủ đề của lí luận văn học trong giai đoạn này có thể thấy một sự chuyển đổi hệ hình của lí luận khi những chủ đề của lí luận Mác xít theo mô hình Xô viết không còn hiện diện mà thay thế là những chủ đề của lí luận hiện đại và hậu hiện đại. Cũng không nên quên rằng một trong những cuộc tranh luận quan trọng của lí luận và phê bình văn học đầu những năm 2000 là cuộc tranh luận về chủ nghĩa hậu hiện đại và số phận của nó ở Việt Nam (có hay không văn chương hậu hiện đại ở Việt Nam?).

Cho đến cách đây không lâu trong một talkshow về văn học nghệ thuật, biên tập viên vẫn đặt ra cho những khách mời của chương trình câu hỏi về quan niệm “phê bình như là cái roi của sáng tác”. Bản thân câu hỏi cho thấy điều mà A. Compagnon nói: những lí thuyết qua đi còn những câu hỏi thì ở lại. Cảm nghĩ thông thường có một sức mạnh ghê gớm tồn tại nơi những định kiến ngự trị trong đời sống xã hội. Câu hỏi liên quan đến ẩn dụ về cây roi cũng cho thấy sự đồng tồn tại những hệ hình lí thuyết ở Việt Nam đương đại cả tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại. Nhìn vào đời sống văn chương ở Việt Nam nửa thế kỷ vừa qua, nhiều hiện tượng phê bình không khỏi làm củng cố ẩn dụ về “cây roi” khi những tín điều về văn chương trở thành một cản trở trong sự tiếp nhận những giá trị mới của văn chương mà không ít “nạn nhân”, chỉ sau không đầy một thập niên sẽ trở thành những phần không thể thiếu của đời sống văn chương đương đại. Nhưng, từ một phía khác, nếu đặt trong một khảo sát nghiêm ngặt thì cũng chính những vận động của lí luận phê bình đã tạo một môi sinh không thể thiếu cho sự đón nhận những giá trị văn chương mới. Ở khía cạnh đó, có thể nói về một mối quan hệ cộng sinh thay cho quan hệ thứ bậc và quyền uy.

Làn sóng thứ ba của văn chương đương đại

Thị dân tiểu thuyết là tác phẩm đánh dấu một sự thay đổi đáng cảm động của Nguyễn Việt Hà và kết quả sẽ là tiểu thuyết được giải thưởng Hội Nhà văn, Tuyệt không dấu vết. Đó là sự thay đổi vượt qua chính mình, thoát khỏi cái bóng của bộ ba đã làm nên vị thế của ông trong trường văn học: Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người. Vẫn những đề tài truyền thống của ông là đô thị, căn tính thị dân, những chân dung thị dân và đời sống tôn giáo. Nhưng lần này, Nguyễn Việt Hà thử thách lối viết của mình bằng cách tạo nên một Hà Nội hư cấu một cách có ý thức (khác với một Hà Nội ảo tưởng rằng có thật, một khế ước trần thuật hoàn toàn khác), với những đối thoại căn tính, những đa bội phiên bản chuyện kể (và cũng là phiên bản lịch sử), những đối thoại tôn giáo để đặt những căn tính đã được kiến tạo trong những tiểu thuyết trước trong một sự hoài nghi và giễu nhại tuyệt đối trong sự kết hợp với những thể loại cận văn học là trinh thám (điều rất gần với Nguyễn Bình Phương) và kiếm hiệp. Nỗ lực cảm động đó, có lẽ, chỉ có thể tìm được trong một nhà văn cùng thời với ông: Y Ban và tập truyện ngắn mới nhất của bà, Trên đỉnh giời.

Làn sóng thứ hai của Đổi mới đã tạo nên phần quan trọng nhất của văn chương Việt Nam đương đại. Họ đã chứng minh rằng Đổi mới sẽ là một cái gì hơn cả Nguyễn Huy Thiệp, hơn cả Bảo Ninh. Những vận động của lí luận văn học đã tạo nền tảng tiếp nhận cho sự bừng nở của văn chương Việt Nam những năm đầu thế kỉ 21. Nói gì thì nói, Mình và họ có một số phận êm đềm hơn rất nhiều nếu so với Kiếm sắc, Vàng lửaPhẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp; những thể nghiệm văn chương của Nguyễn Bình Phương cũng không đến nỗi bị lãng quên như Thiên sứMột ví dụ xoàng cũng có được kết thúc đẹp đẽ là Giải thưởng Hội Nhà văn, ít truân chuyên hơn rất nhiều so với Nỗi buồn chiến tranh.

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, tôi cho rằng ta có thể nói đến một làn sóng thứ ba của Đổi mới. Trong số rất nhiều người viết, Trần Nhã Thụy và Nguyễn Vĩnh Nguyên là những người báo trước làn sóng thứ ba này. Từ Sự trở lại của vết xước đến Hát của Thụy là một sự thay đổi về lối viết. Tương tự như vậy, thực hành của Nguyễn Vĩnh Nguyên từ những hư cấu khởi đầu đến những khảo cứu về Đà Lạt và cuối cùng là những hư cấu về thành phố này cũng là một cuộc tìm kiếm về lối viết. Đó là một hành trình xác lập việc viết, không chỉ như sự khai thác “vốn sống” mà là sự lao động trên những trải nghiệm văn hóa. Họ chính là người báo trước lớp nhà văn thực hành văn chương trong khoảng mười năm gần đây: Nguyễn Khắc Ngân Vi, Huỳnh Trọng Khang, Lê Khải Việt hay Hiền Trang. Số lượng tác phẩm của họ cho thấy “trẻ” là một khái niệm hoàn toàn không phù hợp. Cách mà Huỳnh Trọng Khang hay Lê Khải Việt đối diện với đề tài chiến tranh Việt Nam cho thấy họ đang đặt văn chương trong những đối thoại với những phối cảnh khác thế hệ của Bảo Ninh hay kể cả Nguyễn Bình Phương. Cách Hiền Trang viết phê bình cho thấy lớp nhà văn này được kiến tạo văn hóa với một tinh thần toàn cầu rất sâu sắc và hoàn toàn tự nhiên. Toàn cầu không phải là một cuộc hành trình tìm kiếm mà đã trở thành một cái gì gần như là bản chất. Và tất nhiên, song song cùng với họ, những người như Phan Thuý Hà hay Nguyễn Ngọc Tư vẫn tiếp tục viết, và tạo nên những giá trị theo cách riêng của mình.

Nửa thế kỉ là một khoảng thời gian dài của văn chương. Trong thế kỉ 20, văn học hiện đại đã sinh thành và đạt đến cổ điển trong vòng gần nửa thế kỉ, từ đầu thế kỉ 20 đến năm 1945. Nửa thế kỉ vừa qua, văn chương Việt Nam cũng tạo ra một di sản mà chắc chắn, đặt cạnh di sản “tiền chiến” sẽ không hề thua kém, về độ phong phú, độc đáo cũng như những giá trị riêng. Trong sự tạo sinh văn chương đó, lí luận và phê binh văn chương, cách này hay cách khác, chắc chắn có một vai trò không nhỏ trong cuộc tạo sinh đó.

Ba làn sóng của văn chương đương đại hay mối quan hệ giữa lý luận thực tiễn văn chương đổi mới
Ảnh minh họa Internet
"Kẹp hạt dẻ 2025 - Những mảnh đất mộng mơ" ra mắt tại Nhà Hát Lớn

"Kẹp hạt dẻ 2025 - Những mảnh đất mộng mơ" ra mắt tại Nhà Hát Lớn

Baovannghe.vn - "Kẹp hạt dẻ 2025 - Những mảnh đất mộng mơ" sản phẩm có sự giao thoa giữa phương Tây và Á Đông sẽ ra mắt tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội vào tháng 3/2025
Tiêu chí của dịch văn học

Tiêu chí của dịch văn học

Baovannghe.vn - Đã từ lâu chúng ta tốn khá nhiều thời gian, công sức giấy bút cho việc thảo luận đề tài: Tiêu chí của dịch văn học là gì? Ý kiến tuy nhiều nhưng cuộc luận bàn xem ra vẫn chưa đến hồi kết. Ba chữ tín, đạt, nhã (do Nghiêm Phục đưa ra từ cuối thế kỉ XIX) được bàn đến nhiều nhất và được nhiều người xem là tiêu chí của dịch thuật.
Đọc truyện: Chim bói cá trở về. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Trang

Đọc truyện: Chim bói cá trở về. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Trang

Baovannghe.vn - Giọng Đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Tròn - Thơ Lê Tuyết Lan

Tròn - Thơ Lê Tuyết Lan

Baovannghe.vn- Mùa tròn như những hạt mưa/ Rơi trên giấc mộng chẳng thừa dấu chân
Bay lên - Thơ Ngô Mậu Tình

Bay lên - Thơ Ngô Mậu Tình

Baovannghe.vn- Trước trang giấy/ trắng nỗi niềm với cỏ