Nắng hanh hao của ngày cuối thu sót lại, thật đẹp. Những con đường quanh co, men theo triền núi. Những nếp nhà tỏa khói, mời gọi sự quây quần ấm áp. Nhiều người trầm trồ: Không khác gì bản Lác ở Mai Châu, Hòa Bình. Chẳng phải mọi người vẫn thường nói: Mọi sự so sánh đều khập khiễng đấy sao? Nơi ấy đã là trung tâm du lịch ồn ã, tấp nập khách Tây, khách ta, những quán hàng bày bán đủ sản phẩm màu sắc bắt mắt. Còn nơi tôi đang đứng đây - bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, dù chưa có cái không khí rộn ràng nhưng tôi thích cảm giác nhẹ nhàng, yên ả và ấm áp của mảnh đất này.
Tôi dừng lại, nhắm mắt, hít hà xung quanh mùi rơm rạ, thoảng hương lúa, và cả cái mùi phân trâu, phân bò quen thuộc của thuở ấu thơ. Tôi còn nhớ, khi vừa nhắc đến tên Nam Xuân và bản Bút, ông Hà Văn Thương - nhà Thái học - cao giọng đầy tự hào: Quê nhà tôi đó.
Nằm trong thung lũng hạ lưu sông Luồng, Nam Xuân là xã của huyện vùng cao Quan Hóa. Với tổng diện tích tự nhiên là 8.368,41ha, lợi thế của Nam Xuân chính là có con sông Luồng và Quốc lộ 15C đi qua,
Bản Bút cùng với 4 bản Bút Xuân, Nam Tân, Đun Pù, Khuông tạo thành một bông hoa rừng đẹp. Trước đây, bản Bút có tên gọi là bản Yên, nghĩa là yên vui, êm ấm. Chuyện xưa kể rằng: bản Yên có 3 ông Bụt bằng đá tại chân núi Pha Yên (nay còn gọi là Pha Bụt, Pha Khí Sút) nằm ngay cạnh làng về phía Tây Nam, các ông Bụt luôn che chở, phù hộ cho dân bản. Ông Bụt thứ nhất phù hộ, che chở cho người dân bản Yên luôn khỏe mạnh, dũng cảm, thông minh, tài hoa và có giọng khặp đi vào lòng người. Ông Bụt thứ hai phù hộ cho hoa màu, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống của dân bản luôn no ấm, vui tươi, hạnh phúc. Còn ông Bụt thứ ba luôn phù hộ cho đàn gia súc, gia cầm khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở, trâu bò, lợn, gà đầy chuồng, đàn đàn, lũ lũ. Đó cũng chính là lý do mà có thời kỳ, bản này mang tên bản Bụt. Sau, cái tên bản Bụt có vẻ nặng tính tâm linh, kiêng kỵ, nên người dân trong bản trình lên quan trên xin đổi tên từ bản Bụt sang bản Bút. Cái tên bản Bút có từ đó đến nay.
Ấy là những thông tin cơ bản trước khi tôi đến đây. Cũng là cái duyên, chỉ vì một lời rủ rê: Lên núi đi. Và tôi gật đầu ngay. Lâu lắm rồi, tôi chưa nghe cái mùi rừng, chưa ngửi thấy mùi ngai ngái quê, và càng ngun ngút bóng dáng sơn nữ trong trang phục thổ cẩm. Đang lơ mơ về những điều xa xôi ấy:
- Đường xa có mệt không cô?
Tôi vừa kịp mỉm cười thì người đàn ông này lại nói ngay:
- Cuối chiều rồi, cô đi thăm ruộng lúa, chụp vài kiểu ảnh về pốt phây, tôi đưa cô đi?
Lời mời hấp dẫn ấy, sao tôi có thể bỏ qua được. Dù được đi nhiều huyện miền núi trong tỉnh, nhưng để có một buổi chiều muộn thong dong trên những cánh đồng, đâu dễ dàng gì. Những con đường đất, uốn lượn ấy khiến tôi chợt nhớ đến những năm tháng tuổi trẻ của mình. Bố tôi thường nói: Mi có hoa chân à, suốt ngày đi. Ấy thế nhưng dù đã đi khá nhiều địa danh, khu du lịch đẹp trên cả nước, nhưng với mảnh đất tôi đang sống, rất gần về khoảng cách địa lý này tôi lại tỏ ra thờ ơ, cứ như tôi có thể đi bất kể lúc nào, và là “của để giành” khi mỏi gối chồn chân.
- Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Hà Công Chức, Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Bút. Rất vui vì được tiếp đón các cô chú về với mảnh đất miền núi cao này. Rồi anh tiếp lời: Quê tôi còn nghèo lắm, nhưng cũng đẹp lắm đấy. Chúng tôi đang cố gắng làm du lịch cộng đồng để nhiều người biết, để bà con đỡ khổ.
Cụm từ du lịch cộng đồng giờ đây đã trở nên khá phổ biến. Nhãn tiền là hầu hết các nơi làm du lịch cộng đồng giờ đã có một cộng đồng, những nhóm người yêu thích, tìm hiểu và chia sẻ. Ai có thể tưởng tượng được, cách đây vài năm thôi, một Pù Luông hiu quạnh nay đã nhộn nhịp với khách tây khách ta, và càng chẳng ai dám nghĩ rất nhanh thôi, Pù Luông đã là thiên đường du lịch, là Sapa của xứ Thanh. Ước mơ chính là động lực để bất kỳ ai, cộng đồng nào hiện thực hóa nó. Trước đây, người dân chỉ dám mong được ấm cái bụng, nay đã dám mơ tới làm du lịch. Ông Ngân Hồng Quân - Chủ tịch xã Nam Xuân đùa vui: Đất này sinh ra Chủ tịch tỉnh Hà Văn Ban, vì thế họ có nhiều điều để giới thiệu với khách phương xa.
Làm du lịch là ước mơ của cả nước, đặc biệt là với các địa phương nghèo về phát triển kinh tế xã hội nhưng lại có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Bản Bút, xã Nam Xuân còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 24 triệu đồng/ năm, trong đó tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp chiếm 62%. Chính vì thế, khát khao làm du lịch là có thật, bởi họ biết nguồn thu nhập nếu không có sự thay đổi ngành nghề, chắc chắn chỉ mãi nghèo, mãi là nông thôn... cũ.
Chiều tàn, thay vì khám phá bình minh trên hồ Pha Đay như kế hoạch, chúng tôi quyết định phải đi ngay. Đi. Những ánh nắng hắt cuối ngày, cộng với cái se lạnh của vùng cao, khiến cung đường quanh co càng khó khăn hơn, với tôi. Khó khăn đồng nghĩa với sự thú vị. Hồ Pha Đay như một bức tranh thủy mặc đẹp, những hàng cây phía trước soi tỏ xuống mặt nước phẳng lặng, và dãy núi đá vôi ấp ôm tạo nên nét sơn thủy hữu tình, thật tuyệt. Mặt hồ quanh năm xanh biếc như chiếc gương khổng lồ, tôi đùa vui nói với mọi người: Ước gì mình được ở đây, sáng sáng ngắm mây trời, tối ôm người yêu ngủ thì sống lâu lắm đây. Cả lũ cười ỏm lên: Người mơ màng ơi, thôi, cô cứ hưởng thụ đi, thử cho ở lại đây một tuần, hay nửa tháng có khi lại than trời. Lúc muốn đi shopping hay café lại nhớ phố thị.
Pha Đay đẹp ngỡ ngàng, như tạo hóa quá ưu ái cho vùng đất này. Hóa ra, đây không phải là hồ tự nhiên như nhiều bài báo đã viết. Đây là hồ nhân tạo. Ông Hà Văn Thương - con trai của chủ tịch Hà Văn Ban cho biết: Năm 1972, khi ông Hà Văn Ban làm trưởng ban định canh định cư, ông đã huy động các lực lượng dân quân trên địa bàn đào mở rộng hồ Pha Đay. Năm 1977, người dân làm đường dẫn nước từ hồ xuống núi. Kể từ đó, hồ Pha Đay được sử dụng như một công trình thủy lợi, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong vùng. Năm 1992, hồ chính thức được giao khoán cho hội Cựu chiến binh địa phương khai thác, nuôi thả cá, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái quanh hồ. Nằm ở độ cao cách mặt nước biển khoảng 700 mét, hồ Pha Đay có sức chứa hơn 200.000 m3 nước, thậm chí mùa khô mực nước trong hồ vẫn giữ ở mức xấp xỉ 3 mét. Thật chẳng ngoa khi có nhiều người nói rằng: Nếu không có hồ Pha Đay này thì hơn 1.200 dân (gồm bản Bút và Bút Xuân trước khi chia tách) đã chết khát từ lâu. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của hồ này với đời sống người dân bản Bút. Theo lịch sử truyền lại, xưa kia quanh hồ chỉ là piềng bãi, tức vùng bằng phẳng, xung quanh có các núi đá vôi với các khe suối chảy xuống nên người dân cải tạo, mở hồ chứa nước phục vụ thủy lợi. Qua thời gian, diện tích của hồ ngày càng lớn hơn. Để nhớ công người khai phá, mở hồ, trước đây, dân bản có lập đền thờ Hiên Tai - người đầu tiên phát hiện, đào hồ Pha Đay. Đặc biệt, trước đây theo lời kể lại: Tại nơi bãi đất bằng, có cây đa to lắm, phải tới 21 rễ phụ. Bà con lên đến đây thường ngồi dưới gốc đa nghỉ cho đỡ mỏi, đỡ nóng, nhưng dần dần mọi người sợ vì thường xuyên nghe thấy tiếng gầm gừ như có ma. Mãi sau này, người dân mới hiểu rằng, đó thực ra là sự va quệt của các cành cây. Giờ đây, miếu thờ và cây đa đã không còn nữa, nhưng thảng hoặc những câu chuyện về thần linh và sự linh ứng vẫn được người dân kể lại, còn những người đi rừng thì khi có chuyện gì họ cũng tự cúng Hiên Tai để mong tai qua nạn khỏi.
Trên hồ Pha Đay - Ảnh: Trần Đàm |
Đoạn đường ngày càng dốc cao hơn, chiếc xe ì ạch và gằn gặt tiếng máy, tai tôi ù ù tiếng rít của gió và gió. Dù hoa mắt chóng mặt vì tụt huyết áp, tôi vẫn nhìn thấy xa xa là những thửa ruộng bậc thang, những vòi khói lan ra từ các nếp nhà. Trong tiếng Thái, Pha có nghĩa là núi, Đay có nghĩa là bậc thang. Như ý nghĩa của tên gọi, hồ Pha Đay nằm trên đỉnh ngọn núi Bút, đường lên chênh vênh, khúc khuỷu với những con dốc dựng đứng, những cung đường uốn lượn trong tầng tầng lớp lớp sương giăng. Con đường dẫn lên hồ dài gần 3 km, cũng là huyết mạch giao thông của bản giờ dù đã được bê tông hóa, nhưng vào ngày này, khi cơn mưa của ngày hôm trước vừa qua, lớp đất đá vẫn còn trơn ẩm, cung đường cũng trở nên mạo hiểm. May mắn là chúng tôi được những tay lái cừ khôi trong làng chở đi. Đi cùng tôi là một chàng trai, cậu giới thiệu vợ làm giáo viên, còn em ở nhà làm ruộng, ngoài thời gian mùa màng thì có việc nào làm việc ấy. Cậu mong rằng, nếu có du lịch cộng đồng, cậu sẽ đưa du khách đi khắp nơi trong bản và giới thiệu cho mọi người biết được những cảnh đẹp, những câu chuyện hay những bài khặp giao duyên hấp dẫn.
- Đi cẩn thận em, chị thấy say xe rồi đấy?
- Say xe máy, hay say gì ạ?
Cả tôi và cậu ấy cùng cười lắc lư. “Tối nay các anh chị sẽ được thưởng thức rượu cần ở bản em. Lúc đó chị mới say được”. Rồi cậu đọc cho tôi nghe những câu như: “Nước ở suối nguồn xa/ Rót vào chĩnh thành ra rượu ngọt/ Người già hóa ra người trẻ/ Tay nắm tay nghiêng ngả cả sàn...”; “Rượu nhà tôi ngọt hơn mật ngọt/ Rượu nhà tôi nước suối ban mai/ Mời ngài uống vì tình vì nghĩa/ Nếu có say thì cũng vì nhau...”. Tôi mỉm cười, giá như đi với tôi lúc này là một người khác, những câu ca được đọc ra ở một không gian khác, có lẽ tôi đã chếnh choáng, lâng lâng. Tôi giật mình khi nghĩ tới cảm giác của những tháng năm dại khờ thời tuổi trẻ, dễ say mà khó tỉnh.
Con đường dẫn lên hồ Pha Đay càng gần thì càng rộng hơn, dọc hai bên là những hàng cây luồng. Đã là người Thanh Hóa ai chả biết, luồng là cây đặc trưng và cũng là cây kinh tế cho người dân ở 11 huyện miền núi, đặc biệt là miền núi cao. Thanh Hóa hiện là tỉnh có 80 nghìn hecta luồng, chiếm 50% diện tích cả nước. Hàng năm Thanh Hóa cung cấp ra thị trường khoảng 24 triệu cây luồng tương đương 0,55 triệu tấn (trị giá khoảng 240 tỷ đồng) và vẫn “bị” đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Nhưng có đến đây mới biết bà con bản Bút quá yêu cây luồng. Khắp mọi nơi đâu đâu cũng có luồng. Lý giải với chúng tôi, anh Hà Công Chức - trưởng bản, cho biết: Dân bản ở đây rất ít ruộng nước. Đất đai chủ yếu chỉ để trồng luồng, bán luồng mua gạo. Trồng luồng tuy không giàu nhưng so với keo thì vẫn hơn, lại dễ bán. Đất này cũng chỉ hợp với cây luồng, những loại cây trồng khác gần như không thích nghi được. Hầu hết các hộ dân bản đều sống dựa vào cây luồng. Cây luồng đã có mặt ở vùng đất này từ xa xưa, dù chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn là cây trồng mũi nhọn, đảm bảo cuộc sống người dân.
Không còn ngọn đồi, vùng đất nào ở bản Bút bị bỏ hoang, tất cả đã được người dân trồng luồng. Ruộng nương ít, tất cả chi phí cuộc sống hàng ngày người dân bản đều dựa vào tiền bán luồng. Trước đây, tư thương chỉ thu mua mỗi đoạn thân chính nhưng nay mua lên tận ngọn, tính bằng kg nên hầu như không bỏ phí phần nào. Ở đây, mỗi gia đình có 3-4 ha luồng là cuộc sống tạm ổn. Cây luồng dễ trồng lắm, chả cần chăm sóc gì, sau 5 năm là có thể khai thác. Vì thế, người dân ở đây, sáng sáng vào rừng chặt luồng cũng kiếm được 100 nghìn đồng.
- Chính cây luồng giúp người dân ở bản Bút nói riêng và Quan Hóa nói chung thoát nghèo đấy cô ạ. Nhiều người đến đây cũng đưa ra “cao kiến” nên trồng thêm loại cây khác ngoài cây luồng, đặc biệt, dọc con đường từ bản lên hồ trông sẽ lãng mạn hơn. Nhưng dân ở đây cây luồng là số 1, họ chỉ ưng cái bụng khi trồng luồng, anh Hà Công Chức nói với chúng tôi.
Thực ra đây chẳng phải lần đầu tiên tôi nghe ý kiến này, đã có lần ông Hà Văn Thương, một người con của bản Bút, người cả đời gắn bó với việc giữ gìn chữ Thái, gần đây, ông vừa được giải thưởng của Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa về việc số hóa chữ Thái chia sẻ: Người dân bản tôi yêu cây luồng, nếu làm được dự án xuôi bè mảng qua sông Luồng, tôi nghĩ ai chả muốn một lần được đến đây!
Từ cây luồng đến sông Luồng, cả hai gắn bó với người dân Nam Xuân, bản Bút từ khi nghe bài vía đầu tiên trong lễ thôi nôi, ấy nhưng dự án xuôi bè sông Luồng lại xa xôi và hoang đường. Tại sao lại vậy?
Sông Luồng (hay Nặm Tuông, theo cách gọi của người Thái) là đoạn hợp lưu của con suối Pùn và suối Xuôi của Lào khi vào đến cửa khẩu biên giới Việt Nam. Sông Luồng dài gần 80 km, chảy qua các xã Na Mèo, Sơn Thủy, Mường Mìn, Sơn Điện huyện Quan Sơn chảy ra Nam Động, Nam Tiến, Nam Xuân huyện Quan Hóa. Nhưng con sông này độ dốc cao, tốc độ dòng chảy lớn, làm du lịch có thể là mạo hiểm chăng? Sẽ có người nói, mạo hiểm mới hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là khách tây. Tôi vẫn cho rằng, dù đó có thể là dự án hấp dẫn để kéo khách về đây, nhưng tính mạng con người là quan trọng hơn hết cả. Cái hấp dẫn nhất của vùng đất bình yên này chính là chỉ cần nghe tiếng thác chảy người dân đủ hiểu được nỗi lòng của thiên nhiên, lúc bình yên, hay khi gào thét điên cuồng.
Kể từ khi bản Bút được công nhận là bản Nông thôn mới vào năm 2018, tinh thần xây dựng làng du lịch, và các đề án du lịch được các cấp ủy chính quyền cùng vào cuộc.
- Người Thái sạch sẽ thế này, để làm Nông thôn mới thì đâu có khó, anh nhỉ?
- Khó lắm cô ạ, người dân quen sống và sinh hoạt theo cách cũ. Để thay đổi nếp sống, chúng tôi yêu cầu các hộ dân bắt đầu từ làm nhà vệ sinh. Cái nhà vệ sinh, chuyện nhỏ nhưng lại là hành trình lớn. Cô ở thành phố thấy cái nhà vệ sinh là đương nhiên rồi, nhưng chúng tôi trên đồi trên núi, đất rộng rãi thế, giờ phải đưa vào nhà, bà con không nghe, kêu bẩn lắm. Ngược thế đấy.
Đêm ấy, tôi ở nhà của Hà Thị Ngơi. Ngơi còn trẻ, mang nét hồn nhiên xinh đẹp của cô gái Thái. Cô huyên thuyên với tôi từ ngày đầu ở bản bên, lớn lên, lấy chồng, sang bản này sống. Gắn bó bao năm thì cũng là bấy năm cô mong muốn có thể làm được du lịch cộng đồng. Bắt đầu từ những chuyến đi du lịch Hòa Bình, “Chị không biết đâu, chúng em nhìn phía bạn mà thích lắm, và thèm lắm. So với Hòa Bình thì việc bắt đầu làm du lịch của chúng em muộn lắm rồi, họ đi bằng tên lửa còn chúng em chỉ đi xe đạp và leo dốc đầm đìa mồ hôi mà chưa vượt sang bên kia”. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh đã từng xem trong phim Vợ chồng A Phủ, cảnh người vợ dắt chồng vắt vẻo trên chiếc lưng ngựa, anh ta say bí tỉ, say không biết gì còn người vợ cứ mải miết và lầm lũi đi. Ấy thế, nhưng giờ đây bói cũng không thấy hình ảnh đấy, dẫu là nơi xa xôi nhất, lạc hậu nhất của huyện miền núi cao tỉnh Thanh này. Trước đây khách du lịch đến những vùng miền núi vì tò mò, vì những cái khác lạ, đặc biệt được nhìn thấy sự lạc hậu, sự nghèo túng. Còn giờ đây “gu” du lịch đã khác, du lịch là để khám phá, tận hưởng, hòa nhập vào cộng đồng dân cư. Vì thế, không giống A Phủ được thì cũng làm A.Q mà nhủ rằng: nhất định bản Bút sẽ làm du lịch cộng đồng. Tôi cho rằng phải có sự quyết tâm mới có thay đổi để thành công.
Ngơi chia sẻ với tôi rằng, các tổ phụ nữ ban đầu về bàn với nhau sẽ làm mô hình nhà nghỉ bằng nón lá ấy, nhưng do nguyên nhân khách quan và cả chủ quan nên chưa làm được mà nói thẳng ra là chưa có tiền. Kể cả vay mượn xong, dựng nhà rồi thì liệu có khách du lịch không? Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ bám riết lấy các chị em như Ngơi, như Nhi... để rồi họ phải xác định: Bản mình có gì mình gắng giữ tốt và phát huy tốt.
- Tối nay các bác, các anh, chị sau khi thưởng thức rượu cần với các món ăn truyền thống của người Thái thì nhảy sạp cùng chúng em nhé. Rồi cô nhoẻn cười. Nụ cười đủ để bất kể ai cũng dễ say, dù chưa được chén chú chén anh nào.
Quả thật, sau khi Nhà nước đầu tư tuyến đường trục chính của bản dài 7 km nối từ Quốc lộ 15C đi lên hồ Pha Đay, chi bộ bản đã nhân cơ hội vận động nhân dân “chung tay” xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Với tinh thần đoàn kết, các hộ dân trong bản đã tự nguyện đóng góp mỗi khẩu 200.000 đồng/năm và ngày công, nguyên vật liệu để bê tông hóa 885m đường giao thông ngõ, xóm; tu sửa 934m kênh mương, trồng hàng rào cây xanh xung quanh nhà văn hóa bản. Chi bộ bản Bút còn đẩy mạnh công tác, vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng, khuyến khích người dân tích cực giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Để giữ môi trường sống trong lành, bảo vệ sinh thái, dân bản còn ký cam kết không phá rừng. Ngoài ra, cán bộ hướng dẫn bà con trong bản quy hoạch lại khuôn viên, nhà sàn, đưa những loại cây ăn quả, những đặc sản của địa phương vào trồng, nuôi để tạo nên thương hiệu riêng cho điểm du lịch. Đó chỉ là hướng bắt đầu của việc làm du lịch, nhưng ai cũng biết nếu ngay từ khi bắt đầu không tốt thì khó để có kết quả đẹp.
Chương trình Nông thôn mới có thể chỉ là khởi đầu, nhưng không thực hiện thì người dân bản Bút cũng chẳng biết khi nào mới có động lực để thay đổi và để làm du lịch. Hiện nay, huyện Quan Hóa đã có đề án “Chương trình phát triển du lịch sinh thái - văn hóa giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, và xã Nam Xuân cũng có đề án “Phát triển du lịch cộng đồng vùng hồ Pha Đay, bản Bút”, trong đó lựa chọn 5 hộ gia đình đồng bào Thái làm thí điểm dịch vụ du lịch homestay song bước đầu đã mang lại những tín hiệu vui. Mỗi đoàn khách dù dừng lại mau hay lâu, với người dân bản Bút cũng là khách quý, họ sẵn sàng mời rượu cả chum, và mời quả cả cây. Chỉ riêng việc cho thuê thuyền để khách có thể đi dọc hồ Pha Đay, mỗi ngày một con thuyền cho thu nhập từ 100 đến 200 nghìn đồng, đó là cơ hội ai cũng có thể nhìn thấy để thay đổi dần cuộc sống của người dân bản Bút khi rừng càng ngày càng bị thu hẹp, cây cối sinh sôi phát triển không kịp với sự khai thác của con người.
Lưu luyến rời bản Bút, chắc chắn tôi sẽ phải trở lại nơi này để tiếp tục được cầm chèo lướt cây thuyền độc mộc đi xung quanh hồ Pha Đay xanh mềm mại và dịu dàng. Tôi tin lúc ấy, tôi không chỉ được thả hồn vào con nước trong trẻo, thoảng hương lúa thơm, mà sẽ được chèo thuyền đi men con sông Luồng uốn lượn bao quanh mảnh đất này.
Nguồn Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh