Hội thảo do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong; Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng đồng chủ trì. Cùng dự có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; đại diện các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, các cơ quan quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan…
Đại biểu tham dự Hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và góp ý về một số nội dung liên quan như vai trò của bảo hộ bản quyền tác giả trong phát triển một số lĩnh vực CNVH (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh) và các loại hình nghệ thuật biểu diễn; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị và góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 21/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Đưa ra những ý kiến đóng góp, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra rằng, phát triển các ngành CNVH, công nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa luôn gắn liền với vai trò của bảo hộ bản quyền. Do đó, cần cơ chế như thế nào để khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật sáng tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ công chúng luôn là trăn trở của Đảng, Nhà nước.
Bày tỏ quan điểm cần phải bổ sung, sửa đổi Nghị định số 21/2015/NĐ-CP, cho phù hợp hơn với thực tiễn đời sống, nhiều đại biểu cho rằng, Nghị định ra đời đã góp phần xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT thuật trong thời kỳ mới. Đồng thời, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc xây dựng dự toán và thanh, quyết toán kinh phí chi trả nhuận bút, thù lao hàng năm; góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và phổ biến các giá trị VHNT và khoa học, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và nhu cầu hưởng thụ của công chúng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, qua thời gian, Nghị định cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cụ thể:
- Nghị định chưa bao quát được đầy đủ các chức danh, thể loại, hình thức tác phẩm, nhất là thể loại, hình thức mới xuất hiện.
- Tạo khó khăn khi vận dụng chi trả nhuận bút, thù lao đối với các thành phần tham gia sáng tạo các thể loại, hình thức tác phẩm này.
- Nghị định số 21/2015/NĐ-CP cần mở rộng chức danh được hưởng nhuận bút, thù lao.
- Ngoài ra, cần tăng mức hưởng đối với một số chức danh để phù hợp với vị trí đảm nhiệm cũng như công sức bỏ ra trong quá trình sáng tạo tác phẩm.
Trước đó, phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong đã khẳng định, phát triển các ngành CNVH là chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Thứ trưởng cho biết, hiện tại, Chính phủ đã giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, nhằm thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ về phát triển các ngành CNVH, Bộ VHTT&DL đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể trong thời gian qua. Gần đây nhất, có thể kể đến Chương trình xúc tiến Du lịch – Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ được tổ chức thành công đã giúp các nhà làm phim quốc tế có cái nhìn rõ nét về tiềm năng phát triển điện ảnh của Việt Nam, đặc biệt là thế mạnh về trường quay tự nhiên. Cùng với đó, tiềm năng về phát triển du lịch, trong đó có du lịch văn hoá của Việt Nam cũng được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế.
Như vậy có thể thấy, trong phát triển CNVH, một trong những yếu tố quan trọng là phải có chính sách chi trả thù lao, nhuận bút hợp lý cho văn nghệ sĩ, người sáng tạo. Việc chi trả phải phù hợp với ngân sách nhà nước nhưng vẫn đảm bảo khích lệ sự sáng tạo. Cùng với đó, vấn đề bảo hộ quyền tác giả trong phát triển CNVH cũng cần phải được chú trọng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư chỉ đầu tư vào phát triển các ngành CNVH khi thấy những quy định về bảo hộ bản quyền được thực thi nghiêm túc. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và các chính sách trong lĩnh vực này.
----------
Bài viết cùng chuyên mục: