Chuyển thể là hành vi đưa một tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu hoặc điện ảnh. Có trường hợp dùng thuật ngữ “cải biên” thay cho chuyển thể nhằm nhấn mạnh sự biến đổi giữa các loại hình nghệ thuật, từ bỏ quan niệm về sự trung thành tuyệt đối giữa tác phẩm điện ảnh với tác phẩm văn học.
Chuyển thể không phải là sao chép, cũng không là bắt chước mà là sáng tạo trên cơ sở tác phẩm gốc. Văn học và điện ảnh là hai ngành nghệ thuật khác biệt nên từ tác phẩm ngôn từ đến điện ảnh là một quá trình phức tạp, tạo ra nhiều thử thách cho ê-kíp làm phim. Và với những phim về đề tài dân tộc thiểu số, một trong những thử thách khó khăn nhất mà đoàn làm phim phải vượt qua đó là việc chuyển thể “bản sắc dân tộc”.
Đề tài dân tộc thiểu số vào phim truyện không phải là mới, và kho tàng văn hóa của dân tộc thiểu số là một nguồn khai thác vô giá cho các nhà làm phim. Ở mảng này, truyện và phim Vợ chồng A Phủ đã trở thành tác phẩm kinh điển trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc, thể hiện bức tranh hiện thực sinh động của đồng bào vùng cao Tây Bắc từ bóng đêm nô lệ bước ra ánh sáng. Bộ phim được hoàn thành vào năm 1961, đoạt giải Bông sen Bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973, đánh dấu mối lương duyên đẹp và kì lạ giữa hai tâm hồn, tài năng lớn từ hai miền Bắc - Nam là nhà văn Tô Hoài và đạo diễn Mai Lộc. Ngoài Vợ chồng A Phủ, một số bộ phim cũng đã cho thấy thành công của đề tài dân tộc miền núi như Đất nước đứng lên (1995, đạo diễn Lê Đức Tiến, chuyển thể từ tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc), Chuyện của Pao (2006, đạo diễn, kịch bản Ngô Quang Hải, chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy), Hoa bay (2014, đạo diễn NSƯT Xuân Sơn, chuyển thể từ tiểu thuyết Hoa bay - Chu Thanh Hương)… Đầu năm 2004, Cục Điện ảnh đã sản xuất một chùm phim truyện phục vụ khán giả vùng cao với thời lượng từ 85 đến 95 phút mỗi phim: Tình thắm Sa Pa (đạo diễn Hoàng Thanh Du), Đỉnh núi mờ sương (đạo diễn Vũ Đình Thân), Tình yêu Seo Ly (đạo diễn Trần Quốc Dũng) và Chim phí bay về cội nguồn (đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo). Những năm gần đây, đáng chú ý với Đàn trời và đến giờ “tạm ngưng” với Lặng yên dưới vực sâu.
Cảnh trong phim Lặng yên dưới vực sâuTrong bài viết này, thông qua hai trường hợp là Đàn trời và Lặng yên dưới vực sâu, tôi muốn đặt vấn đề về những giới hạn của một tác phẩm điện ảnh - truyền hình khi tiến hành cải biên những tác phẩm văn học đề tài văn hóa dân tộc miền núi. Đồng thời, thông qua tìm hiểu những yếu tố văn hóa truyền thống tộc người được hiện diện trong cả hai bộ phim, câu hỏi đặt ra, đâu là những khả năng mà một tác phẩm điện ảnh - truyền hình có thể mở ra và khai thác khi tiến hành cải biên tác phẩm văn chương.
Phim truyền hình Đàn trời (đạo diễn Bùi Huy Thuần, biên kịch Phạm Ngọc Tiến) cải biên từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn. Bộ phim khai thác cuộc chiến chống tham nhũng của các nhà báo ở đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bình Lãng xung quanh chương trình 135. Ở Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 32, phim đoạt giải Vàng.
Bình Lãng là một địa danh hư cấu, nơi diễn ra cuộc đấu tranh làm sáng tỏ những khuất tất xung quanh chương trình 135 của Chính phủ ưu tiên phát triển vùng sâu vùng xa. Khi kinh phí được rót xuống tỉnh Bình Lãng thì đã bị xà xẻo với nhiều thủ đoạn tinh vi, mà điển hình là doanh nghiệp Lương Nhân với sự chống lưng của chủ tịch tỉnh. Khi phóng sự điều tra được phát sóng phần 1, chúng đã tìm mọi cách bưng bít, thậm chí trả thù nhóm phóng viên. Cuối cùng, phóng sự ấy cũng được một số người gửi đến báo đài Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc, công lí sau cùng đã được thực thi. Phim có các sự kiện, tình tiết đôi chút khác biệt với tiểu thuyết nhưng về cơ bản vẫn triển khai theo nội dung chính là cuộc đấu tranh của nhóm phóng viên vạch trần những âm mưu và hoạt động sai trái của doanh nghiệp Lương Nhân dưới sự “bảo kê” của chủ tịch tỉnh.
Với Đàn trời, điểm dễ nhận thấy đầu tiên của phim cải biên là việc đoàn làm phim xây dựng được một cốt truyện sáng rõ, mạch lạc, “dựa theo” nội dung của cuốn tiểu thuyết cùng tên. Ở đó, hai tuyến nhân vật thiện - ác được phân hóa rõ rệt như cách mà một bộ phim truyền hình cần phải có để khán giả dễ dàng nhận diện. Việc tạo thành hai tuyến nhân vật với hai phẩm chất còn được sự hỗ trợ từ việc tạo hình, tác phong, trang phục, cử chỉ, lời nói và những cảnh quay… đã khiến cho bộ phim dễ tiếp cận khán giả xem truyền hình. Cấu trúc bộ phim với những nút thắt - mở, ra - vào hợp lí, chặt chẽ. Đàn trời được kết cấu theo trình tự diễn biến sự kiện, theo mạch “phá án” nên dễ theo dõi, phù hợp thị hiếu số đông khán giả. Không gian tâm linh trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn là một điểm nhấn để đẩy diễn tiến câu chuyện theo hướng vừa mơ hồ vừa “mở nút” những xung đột. Hình ảnh thác Đàn trời (Phja Bjoóc) được nhắc đến nhiều lần trong tiểu thuyết và cũng xuất hiện nhiều trong các phân cảnh phim mang ý nghĩa là một nơi linh thiêng, huyền bí. Trong tín ngưỡng của người Bình Lãng, Đàn trời là nơi giao tiếp của con người với thần linh; mỗi khi cầu nguyện một điều gì đó hoặc trút bầu tâm sự sâu kín trong lòng, họ đều tìm đến đây. Bên cạnh đó, yếu tố tâm linh của phim và truyện đều được khai thác qua việc xây dựng nhân vật Xẩm Ky cùng tiếng sáo. Trong cả tiểu thuyết lẫn phim, tiếng sáo Xẩm Ky như làm nền cho các câu chuyện, thường gắn với những khi con người đấu tranh nội tâm dữ dội. Ở những tập đầu của phim, khi Sắn Pì hỏi Xẩm Ky vì sao chuyện gì lão cũng biết, Xẩm Ky trả lời “Ta là Bình Lãng” và nâng cây sáo lên thổi. Gần cuối phim, khi cha con Thức hỏi lão là ai, Xẩm Ky vẫn trả lời “Ta là Bình Lãng” và đi mất. Không khí liêu trai cùng với tiếng cười của Xẩm Ky vọng lại đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ. Nhân vật Xẩm Ky - một vị thánh của Bình Lãng - xuất hiện mang tính chất đưa đường. Sự dẫn dắt của Xẩm Ky mang tính hướng thiện, hay đúng hơn là sự dẫn lối của đạo trời, của tín ngưỡng, của sức mạnh cội nguồn.
Tuy thế, phim còn nhiều chi tiết gây băn khoăn. Đầu tiên phải kể đến là vấn đề nhạc phim. Đối với một bộ phim, nhạc phim đóng vai trò gợi hứng thú cho người xem hoặc dắt dẫn, gợi ý những diễn giải. Với phim Đàn trời, một người xem tinh ý chưa cần đọc tiểu thuyết cũng có thể nhận ra sự vênh lệch giữa nhạc phim và tên bộ phim. Nhan đề tác phẩm tiểu thuyết và phim đều là Đàn trời. Mở đầu và cuối mỗi tập phim đều vang lên bằng một nhạc phẩm như kể một câu chuyện tình. Kết nối với nội dung của phim, khán giả chỉ có thể liên tưởng tới mối tình giữa Vương và Diệu. Lời mở đầu bài hát nhắc đến “đàn” như một nhạc cụ, gợi ra sự đồng âm với tên bộ phim. Dù bài hát này có tính chất “minh họa” một phần, nhưng chưa chuyển tải được tinh thần của biểu tượng Đàn trời. Đây vốn là thác thiêng trong tín ngưỡng người dân tộc thiểu số như tên bộ phim cũng như tên tiểu thuyết. Và trong tổng thể nội dung, bài hát dường như không những không ăn khớp mà còn gây nên những hiểu chệch về thông điệp phim muốn diễn tả. Bên cạnh đó, tuy phim đã có những đầu tư và dựng cảnh chuyên nghiệp, tỉ mỉ nhưng vẫn không tránh khỏi những chi tiết “gợn”. Trong khi xây dựng bối cảnh chợ, dù đạo diễn đã cố gắng tái hiện một phiên chợ vùng cao nơi Bình Lãng, theo logic của câu chuyện thì là hình ảnh của người Dao tiền, người Tày, nhưng trong phân cảnh đó lại xuất hiện nhiều trang phục của người Mường. Dường như do mải quan tâm tới yếu tố chính luận như vị trí chủ đạo, những điểm nhấn đặc trưng về văn hóa dân tộc như món ăn, trang phục, nhà ở, tập quán sinh hoạt… không được thực hiện trọn vẹn mà dừng ở những điểm xuyết, mang tính trang sức hơn là đi vào khía cạnh văn hóa. Điều này là hơi đáng tiếc, tuy vẫn biết khó có thể có được một cái nhìn sâu, chuẩn xác, hoàn hảo đến từng chi tiết ở một bộ phim truyền hình dài tập thuộc đề tài chính luận. Trong công cuộc chuyển mình sang hiện đại, sự đổ vỡ của văn hóa truyền thống trên mảnh đất Bình Lãng chưa được lột tả kĩ bởi bộ phim truyền hình dài tập. Đây cũng là vấn đề đương đại riết róng của miền núi hiện nay. Nếu như tiểu thuyết Đàn trời khu biệt rất rõ hai khoảng không gian bản làng và phố thị thì bộ phim dành nhiều tái hiện cho khoảng không gian hiện đại. Việc cải biên về không gian đã làm khác đi khá nhiều cái chủ đích xoáy sâu vào sự đổ vỡ văn hóa trong một giai đoạn mang tính chất bước chuyển. Trong sự đổ vỡ của truyền thống ấy, những nhân vật như Vương, Thức đều bộc lộ sự day dứt và nuối tiếc. Điển hình là Thức, lớn lên giữa đại ngàn, trong vòng tay của người cha nuôi, ở anh tập trung sinh động nhất sự giao hòa giữa cũ và mới. Thức, cũng như Bảo, Vương, Vy…, đấu tranh với cái xấu, cái ác đang ngày một len lỏi vào bản làng, và xót xa về sự mai một của bản sắc dân tộc.
Lặng yên dưới vực sâu là bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Phim được thực hiện bởi Trung tâm Phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam, đạo diễn Đào Duy Phúc. Phim đoạt giải Cánh diều Bạc cho phim truyền hình năm 2017. Phim kể về chuyện tình của Vừ và Súa. Vừ là chàng trai con nhà nghèo, tốt bụng yêu Súa nhưng mối tình dang dở bởi tục bắt vợ. Phống - một thanh niên nhà giàu - đã cướp Súa về, bắt đầu chuỗi ngày sống trong khổ đau, bi kịch của tất cả các nhân vật.
Bộ phim được chính nhà văn Đỗ Bích Thúy viết kịch bản. Tác giả của truyện là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ấy bởi thế những hình ảnh được tái hiện mang đến sự chân thực, gần gũi và sắc nét. Bộ phim được chăm chút bởi bàn tay của đạo diễn Đào Duy Phúc. Được biết, anh cũng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về văn hóa của người H’Mông, ăn ngủ cùng đồng bào dân tộc để hiểu hơn về đời sống của họ. Đạo diễn Đào Duy Phúc coi bối cảnh là một nhân vật, nên cần phải có những khuôn hình đẹp nhất, thậm chí đẹp hơn cả mắt thường nên đã đầu tư rất nhiều vào những cảnh quay bối cảnh. Điều này đã làm cho phim có bối cảnh đẹp, phù hợp với nội dung và tình cảm của nhân vật
Phim Lặng yên dưới vực sâu có bối cảnh được đầu tư phong phú, đẹp mắt với những cảnh quay được thay đổi liên tục. Đoàn phim ghi hình tiền kì trong bốn tháng, cũng là thời gian họ thích nghi với sự khó khăn hiểm trở của địa hình cao nguyên đá Đồng Văn cùng sự khắc nghiệt của thời tiết. Nhưng bù lại, bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ bởi bối cảnh hùng vĩ, đẹp như thơ của Hà Giang cùng những phong tục tập quán của người H’Mông làm nền cho các câu chuyện được kể. Mở đầu phim, hình ảnh cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp đến nao lòng cùng lời dẫn kể về truyền thuyết gắn với vùng đất Hà Giang đã tạo được hiệu ứng đáng kể, đưa người xem vào một thế giới mới lạ, mà nói như cách quen thuộc là tạo được tính đặc trưng, bản sắc rõ nét.
Là bộ phim tình cảm với những trắc trở trong tình yêu, đề tài của Lặng yên dưới vực sâu dường như dễ tìm được sự đồng cảm nơi khán giả. Họ dõi theo số phận của đôi trai gái người H’Mông ở vùng cao núi đá, cùng trải nghiệm những tập quán sinh hoạt hàng ngày như xay ngô, cưỡi ngựa, cắt cỏ; tham dự vào lễ hội, tang ma, cưới xin… Như kì vọng của đoàn làm phim, bộ phim không chỉ cung cấp một cái nhìn về đời sống vùng cao mà còn mang đến cho khán giả một sự hứng thú, khỏa lấp được sự thiếu vắng của một mảng đề tài còn nhiều hứa hẹn khai phá cho phim truyền hình. Có thể nói đây là một thành công mới của nhà văn Đỗ Bích Thúy sau Tiếng đàn môi sau bờ rào đá.
Xét trong thực tế tiếp nhận của khán giả truyền hình đại chúng, những bộ phim này đã thực sự trở thành một sự kiện có lẽ nhờ chính việc tập trung vào những vấn đề thu hút sự yêu thích của khán giả. Nhưng có lẽ đó cũng là một giới hạn cho việc cải biên bộ phim từ góc nhìn văn hóa. Hiển nhiên là không thể đòi hỏi có một cải biên trung thành, vì bất cứ một bộ phim nào dựa trên tác phẩm gốc khi cải biên đều có sự thay đổi theo cách đọc của nhà làm phim, chưa kể việc thay đổi đó là để thích ứng với một hình thức thể loại mới. Người làm phim có thể nhấn nhá, bỏ qua, hay thậm chí thay đổi hoàn toàn một vài chi tiết, sự kiện theo cách cảm nhận và ý đồ của riêng mình, tạo thành một tác phẩm độc lập. Tuy thế, sự sai khác về vai trò văn hóa trong một kết cấu điện ảnh cải biên cần được thảo luận kĩ hơn.
Giới hạn về điều kiện trong dịch chuyển loại hình đã khiến cho những chi tiết, nội tâm nhân vật, chất liệu văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số đôi khi chưa được thể hiện sắc nét. Theo Lê Công Hội, vấn đề mấu chốt là lợi nhuận bởi làm phim về chủ đề văn hóa các dân tộc ít người thuần túy thì rất khó thu hút được khán giả, trong khi đó, công đoạn lên ý tưởng, nghiên cứu và quay phim của những tác phẩm dài, gây tốn kém, và “Việt Nam nên bắt đầu thực hiện những chính sách khuyến khích truyền tải những nét văn hóa dân tộc trong điện ảnh giống như các quốc gia khác đã - đang làm. Chẳng hạn như, tại Hàn Quốc và Thái Lan hiện nay đều có quỹ riêng hỗ trợ chi phí cho các bộ phim nói đến những chủ đề văn hóa như thời trang, ẩm thực, du lịch...” Gợi ý này sẽ thích hợp với một đề tài chính luận trong phim để một mặt đảm bảo sự hấp dẫn với công chúng đương thời, mặt khác tạo được những bước đi dài hơi cho phim điện ảnh cũng như phim truyền hình có đề tài về đời sống văn hóa dân tộc thiểu số. Chỉ khi đó, hình ảnh người dân tộc thiểu số sẽ không còn bị khiếm diện trên phim. Họ sẽ không còn bị mất tiếng nói, và sự đa sắc của văn hóa dân tộc thiểu số sẽ góp phần vào sự phong phú của sắc màu phim ảnh Việt Nam đương đại.
Đỗ Thị Thu Huyền
Nguồn VNQĐ