Diễn đàn lý luận

Nhìn qua kính hồng - hay con đường đi vào thế giới bí mật của trẻ thơ

Trịnh Đặng Nguyên Hương
Lý luận phê bình 12:14 | 01/07/2025
Thực tế cho thấy, nhiều cha mẹ thành công trong việc dạy con nhưng cũng có không ít cha mẹ thấy khó khăn, bất lực; có những giáo viên được trẻ yêu mến, vui học nhưng cũng có những thầy cô khiến trẻ căng thẳng, khó tiếp thu. Lí giải điều này, có một thuật ngữ tưởng đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa then chốt trong việc hiểu và giáo dục trẻ em. (Luật Trẻ em của Việt Nam định nghĩa: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.) Đó là thuật ngữ: “kính hồng” hay “cặp kính nhuộm hồng”, hoặc “lăng kính màu hồng” để nói về cái nhìn đặc biệt của trẻ thơ.
aa

Những bất lực và “rất cực” trong giáo dục trẻ em

Hiện tượng cha mẹ, thầy cô gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ em hiện nay khá phổ biến. Có thể thấy nỗi bất lực ngày một gia tăng khi nhiều bậc phụ huynh và thầy cô phàn nàn rằng trẻ em ngày càng khó bảo, thiếu tập trung và không ngoan. Việc trẻ học trước quên sau khiến thầy cô phải yêu cầu làm đi làm lại nhiều bài tập, phải chép phạt mà lỗi sai vẫn lặp lại và trẻ khó tiến bộ. Nhất là với học sinh Tiểu học, việc trẻ khó nhớ, khó dạy, khó bảo khiến các bậc phụ huynh và nhiều giáo viên mất đi hạnh phúc của việc nuôi dạy trẻ em. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này nằm ở việc người lớn dùng “lăng kính” của người lớn để nhìn và dạy trẻ.

Chiếc kính người lớn thường “đeo” có thể gọi là kính chiếu yêu hay kính chiếu sai, nhìn đâu cũng dễ phát hiện “yêu quái”, phát hiện nguy cơ sai lầm, thất bại và đoán định trước những khả năng thất bại có thể xảy ra

Chiếc kính người lớn thường “đeo” có thể gọi là kính chiếu yêu hay kính chiếu sai, nhìn đâu cũng dễ phát hiện “yêu quái”, phát hiện nguy cơ sai lầm, thất bại và đoán định trước những khả năng thất bại có thể xảy ra. Điều này, phần lớn xuất phát từ tình thương lớn lao của cha mẹ với con cái, trách nhiệm của thầy cô với học trò. Với kinh nghiệm của người lớn, cha mẹ và thầy cô thường mong muốn trẻ không mắc phải sai lầm, không muốn con em mình phạm lỗi và phải trả giá. Nhưng dường như những âu lo và cảnh báo từ phụ huynh, giáo viên ít hoặc khó chạm tới trẻ em. Bởi lẽ cặp kính trẻ thơ đeo hoàn toàn khác với kính chiếu yêu của người lớn. Đó là chiếc “kính hồng”, tiếng Anh gọi là “rose-tinted glasses” hay “rose‑colored glasses”. “Nhìn đời qua lăng kính màu hồng” (trong tiếng Anh “through rose-tinted lenses”) cũng là một khái niệm được nhiều nhà nghiên cứu trẻ em trên thế giới đề cập đến.

Nhìn qua kính hồng - hay con đường đi vào  thế giới bí mật của trẻ thơ
Minh họa Cô bé quàng khăn đỏ của
VLAD stankovic.

Chiếc “kính hồng” có đặc điểm gì? Đây là một ẩn dụ để nói về cái nhìn đặc trưng của trẻ thơ. Trẻ em thường nhìn mọi sự vật, hiện tượng trong cái nhìn tràn đầy lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Cái nhìn này tạo ra động lực thôi thúc các em luôn vui tươi, hào hứng, tràn đầy năng lượng khám phá. Một hòn đá, một cái cây, một con kiến hay một đồ vật bỏ đi cũng khiến các em tò mò, háo hức và bàn tán suốt cả ngày. Cặp “kính hồng” cũng khiến các em dường như không nhìn thấy người xấu, điều xấu và không cảnh giác trước những nguy cơ. Truyện cổ tích phản ánh cái nhìn này khá rõ. Cô bé Quàng Khăn Đỏ trong truyện cùng tên khi mang bánh biếu bà đã quên mất lời mẹ dặn. Chiếc “kính hồng” khiến em thấy sói là sói, sói cũng như mọi người, như bè bạn của em. Vì vậy, cô bé bị sói lừa dễ dàng và bị ăn thịt. Hay hai anh em Hên-xen và Grê-ten trong truyện cổ Grim, khi bắt gặp ngôi nhà bằng bánh mì, ngói lợp là bánh ngọt, cửa sổ bằng đường kính trắng chỉ nhìn thấy “màu hồng”. Lập tức anh ăn mái nhà còn em gặm kính cửa cho đỡ đói. Hai anh em không hề nghi ngờ hay cảnh giác đặt câu hỏi: tại sao trong rừng lại có ngôi nhà thơm tho, ngọt ngào này? Cũng tương tự, nàng Bạch Tuyết trong truyện cùng tên, dễ dàng bị mụ dì ghẻ đánh lừa tới ba lần: để mụ chải đầu, thắt dây lưng và mời ăn táo độc. Chính cái nhìn luôn tràn đầy lạc quan, tin tưởng vào điều tốt, người tốt và hạnh phúc đã dẫn đến những hành động và kết quả nói trên. Truyện cổ tích của Việt Nam cũng cho thấy cái nhìn này khi miêu tả Thạch Sanh bị Lý Thông lừa hết lần này tới lần khác (truyện Thạch Sanh), anh Khoai làm không công cho phú ông không mảy may nghi ngờ mình bị lừa (truyện Cây tre trăm đốt), cô Tấm cũng bị mẹ con Cám lừa lấy mất giỏ tép, cá bống và cướp đi mạng sống (truyện Tấm Cám). Nhìn qua những ví dụ trên có thể thấy, “kính hồng” là cái nhìn đặc trưng của trẻ thơ, chiếc kính này sẽ bớt hồng và mất dần đi khi trẻ em lớn lên theo năm tháng. Khoảng cách tuổi tác và trải nghiệm tạo nên sự khác biệt, vênh lệch về tâm sinh lý giữa người lớn và trẻ em khiến người lớn đôi khi quên mất mình cũng đã từng là một đứa trẻ, mình cũng đã từng mang chiếc “kính hồng” để soi chiếu muôn nơi. Và khi “quên mất” điều này, người lớn đã không chia sẻ cái nhìn của trẻ, đã dạy trẻ theo cách người lớn muốn và dẫn đến những điều bất như ý. Bất đồng giữa người lớn và trẻ em, giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy cô và học trò nảy sinh và đôi khi không thể điều hoà.

Nên nuôi dạy như thế nào khi trẻ mang cặp kính màu hồng?

Một nghiên cứu thực nghiệm về tâm lý học trẻ em về việc “nhìn qua lăng kính màu hồng” được công bố trên tạp chí Journal of Experimental Psychology: General, xuất bản tháng 8 năm 2022 tại Mỹ cho thấy, trẻ em có xu hướng “lờ đi” hoặc học rất chậm từ những gì tiêu cực. Ngược lại, trẻ em thường nhìn cuộc sống qua “cặp kính màu hồng” (rose-tinted glasses), tức là có xu hướng nhìn nhận mọi việc một cách tích cực và lạc quan, thậm chí đôi khi phi thực tế. Nguyên nhân của việc này không phải vì trẻ chưa từng gặp thất bại mà vì trẻ khó học hoặc học hỏi không tốt từ những kết quả tiêu cực. Ngược lại, trẻ học rất nhanh từ các kết quả tích cực. Điều này khiến cho trẻ giữ được kì vọng cao và tin tưởng rằng những điều tốt đẹp sẽ xảy ra ngay cả khi thực tế không cho thấy điều đó. Cái nhìn đời sống có xu hướng lạc quan, tích cực cao có ở tất cả các lứa tuổi từ 1- 16, 17 tuổi nhưng nhóm trẻ có cái nhìn lạc quan nhất là ở độ tuổi 8 đến 9 tuổi.

Nhìn qua kính hồng - hay con đường đi vào  thế giới bí mật của trẻ thơ
Phim Totto-Chan bên cửa sổ.

Từ thực tế này, trở lại những câu nói và cách thức dạy trẻ thường thấy trong gia đình và nhà trường với mẫu nhắc nhở như: Không được làm cái này, Không được làm cái kia, Con sai rồi, Làm lại đi, Như thế này không được, Nói mãi mà không nhớ, Làm lại ngay… Mẫu số chung của cách thức người lớn thường dùng để giáo dục và tương tác với trẻ thường là dạy từ những bài học, những va vấp, những trải nghiệm sai lầm, sai thì phải nhắc cho biết, cho nhớ, phải làm đi làm lại nhiều lần để nhớ. Nhưng đây cũng là cách thức khiến trẻ khó khăn khi tiếp nhận bài học bởi như các nghiên cứu đã chỉ ra, đặc điểm tâm lý lứa tuổi khiến trẻ khó có thể học hoặc tiếp thu không tốt từ những kết quả sai lầm.

Mẫu số chung của cách thức người lớn thường dùng để giáo dục và tương tác với trẻ thường là dạy từ những bài học, những va vấp, những trải nghiệm sai lầm, sai thì phải nhắc cho biết, cho nhớ, phải làm đi làm lại nhiều lần để nhớ

Cặp kính hồng khiến trẻ sẽ học rất nhanh nếu đưa ra những bài học theo hướng tích cực. Ví dụ, thay vì nói: Không được, không nên, sai rồi… bằng những mẫu câu: Đúng rồi, Tốt rồi, Hay quá, Ổn đấy, Như thế này tốt hơn chăng? Cùng những ví dụ tích cực sẽ mang tới những kết quả khác nhau. Hay thay vì hò hét: “Dậy ngay, dậy mau, muộn học rồi!” để gọi trẻ, bà mẹ có thể thử với mẫu câu: “Chào buổi sáng nào, có món tuyệt cú mèo đang đợi con đây.” hoặc: “Ui ui, con có thể giúp mẹ kịp giờ làm không con yêu ơi?”, với những trẻ lớn hơn có thể là “Chàng bảnh bao/ Cô gái xinh của tôi, chào ngày mới thôi nào!”. Kết hợp với sự hồ hởi, phấn khởi và niềm vui, sự tin cậy, trông đợi của phụ huynh, điều này sẽ dễ dàng tác động tới trẻ em hơn là dạy hoặc nhắc nhở qua cảnh báo những kết quả tiêu cực.

Trong giáo dục cũng vậy, động viên, khích lệ, hỗ trợ giải quyết vấn đề thường mang tới hiệu quả học tập tốt hơn cách dạy khắc nghiệt, bắt lỗi, phạt, yêu cầu làm đi làm lại những bài tập trẻ đã làm sai. Minh chứng sống động cho việc hiểu về chiếc “kính hồng” của trẻ em và ứng dụng thành công vào giáo dục chính là câu nói của thầy hiệu trưởng trường Tomoie với cô bé Totto-chan: “Em thật là một cô bé ngoan!” (truyện Totto-chan bên cửa sổ). Câu nói ấy đã cho cô bé một nỗ lực mạnh mẽ và niềm hân hoan sống mãnh liệt cũng như đã theo em trong suốt cuộc đời sau này.

Cuối cùng thì, khi nhìn đời qua cặp kính màu hồng, trẻ em không có lỗi. Người lớn cần hiểu và gỡ đi chiếc kính không hồng mà người lớn đeo để có thể đi vào thế giới đẹp đẽ, tràn đầy bí mật của trẻ thơ, để cùng đồng hành, nuôi dưỡng và tận hưởng niềm vui trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ em.

Đọc truyện: Làm dâu - Truyện ngắn của Phạm Thị Hương

Đọc truyện: Làm dâu - Truyện ngắn của Phạm Thị Hương

Baovannghe.vn - Giọng đọc và hậu kỳ: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Đôi bờ sông Tiền ngày đính hôn - Thơ Nông Lệnh Tử Anh

Đôi bờ sông Tiền ngày đính hôn - Thơ Nông Lệnh Tử Anh

Baovannghe.vn- Bên anh lở mà lại hóa bồi/ Bên em bồi mà lạ lùng chưa lại lở
BSR - Hành trình chuyển đổi năng lượng và nhiên liệu xanh

BSR - Hành trình chuyển đổi năng lượng và nhiên liệu xanh

Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học E10 từ đầu năm 2026 trên toàn quốc nhằm thực hiện các cam kết Net-Zero vào năm 2050, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang tích cực triển khai thực hiện lộ trình này, trong đó có giải pháp phục hồi sản xuất Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất.
Mời gửi tác phẩm tham dự Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2025

Mời gửi tác phẩm tham dự Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2025

Baovannghe.vn - Để tránh bỏ sót những tác phẩm văn học hay trong công tác xét giải thưởng hàng năm của Hội,
Trung tâm đổi mới sáng tạo - Động lực mới của BSR

Trung tâm đổi mới sáng tạo - Động lực mới của BSR

Baovannghe.vn - Công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm được xác định là trụ cột đưa Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trở thành Tổng công ty Lọc hóa dầu Việt Nam và doanh nghiệp năng lượng hàng đầu khu vực trong tương lai. Việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng chính là bước đi hiện thực hóa chiến lược này.