Diễn đàn lý luận

Văn chương có khả năng để chúng ta nhìn thấy “chúng”, nhìn thấy “họ”, và tránh để lãng quên

Hà Chi
Lý luận phê bình 08:08 | 28/06/2025
Baovannghe.vn - Tác giả Giai Du đã giành giải Nhất Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất (2023-2025) với tác phẩm Nên làm gì khi trời nổi gió. Văn nghệ đã có cuộc trò chuyện với tác giả ngay sau khi nhận giải.
aa

Nhà văn Giai Du

Tên thật là Đặng Văn Giàu

Sinh năm 2001

Quê ở An Giang

Hiện anh theo học thạc sĩ ngành Lý luận văn học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh

Các tác phẩm đã xuất bản: Chiều chiều quạ nói với diều (NXB Kim Đồng), Kiện trời (NXB Hội Nhà văn), Lân tinh (NXB Kim Đồng).

Giải thưởng Văn học Kim Đồng

Ra đời từ Cuộc vận động sáng tác 2023-2025 do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức, Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất đã thu hút hơn 600 tác phẩm dự thi của các tác giả từ 9 đến 93 tuổi đến từ 55 tỉnh thành trong và ngoài nước. Đây là một giải thưởng quy mô lớn, hướng đến mục tiêu phát hiện các cây bút mới và khơi dậy đam mê sáng tác cho thiếu nhi. Hội đồng giám khảo gồm các nhà văn uy tín về văn học thiếu nhi như Trần Đức Tiến, Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Nguyễn Thụy Anh

- Chào Giai Du, đầu tiên xin chúc mừng anh vừa đoạt giải Nhất giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất. Cảm ơn anh đã dành thời gian cho Văn nghệ. Tôi muốn bắt đầu từ một điều tưởng như đơn giản: Anh bắt đầu viết từ khi nào, có phải là một quyết định hay một kiểu “bị viết”?

Dùng từ “hiển nhiên” để miêu tả việc mình đến với văn chương có lẽ là đúng nhất. Mình có niềm hứng thú với văn chương từ khá sớm, việc viết ra những câu chuyện đã là một sở thích từ hồi nhỏ, đến độ tuổi gần hai mươi thì mình ý thức về việc sáng tác văn chương nghiêm túc. Hầu như bạn bè và người thân không ai bất ngờ khi nghe bảo mình viết sách, điều đó là “hiển nhiên” trong mắt tất cả mọi người, đến mức mình cũng không rõ vì sao nó diễn ra, cũng không ý thức được cách mà nó đã diễn ra.

Văn chương có khả năng để chúng ta nhìn thấy “chúng”, nhìn thấy “họ”, và tránh để lãng quên
Tác giả Giai Du. Ảnh: NXB Kim Đồng

- Trong quá trình viết truyện đầu tay Chiều chiều quạ nói với diều, anh có cảm giác như mình đang khai mở điều gì đầu tiên trong chính mình?

Mình nghĩ điều quan trọng nhất mà việc viết tác phẩm đầu tay đem đến cho bản thân là niềm tin chúng ta đều sẽ được lắng nghe. Mình đã nhận thức điều ấy từ trước đó nhưng phải đến khi nhìn thấy Chiều chiều quạ nói với diều thành hình thành dáng, được xuất bản và có những độc giả đầu tiên, mình mới càng có thêm niềm tin vào điều ấy hơn. Không có câu chuyện nào là “tầm thường”, không có tiếng nói nào “bị bỏ qua”, mọi câu chuyện đều cần được kể ra và sẽ có ai đó muốn lắng nghe, đó là cách chúng ta kết nối với văn chương và với thế giới. Điều này có vẻ rất đơn giản, nhưng phải thử sáng tác một tác phẩm và nhìn nó lớn lên thì mới thấm thía hết được.

Văn chương có khả năng để chúng ta nhìn thấy “chúng”, nhìn thấy “họ”, và tránh để lãng quên
Bìa cuốn Chiều chiều quạ nói với diều

- Có vẻ hành trình văn học của anh là sự đối thoại liên tục giữa tuổi thơ, văn hóa dân gian, và các hình thái hiện đại. Vậy anh bắt đầu từ đâu trong mỗi tác phẩm: một ký ức, một hình ảnh, hay một câu hỏi chưa có lời giải?

Một câu hỏi khó, đòi hỏi phải lật lại cả quá trình sáng tác - vốn cũng rất thất thường và khó khái quát của mình. Thông thường, các sáng tác của mình sẽ bắt đầu từ một “sự vụ” và dùng tất cả những thứ khác để đắp nặn thành hình. Tác phẩm sẽ xuất hiện nhiều cuộc “đối thoại”, những đối thoại rất lớn và cả rất nhỏ, song nền tảng của mọi thứ vẫn xoay quanh một “sự vụ” nào đó. Khi đứng trước một sự kiện, sẽ luôn có hàng loạt câu hỏi được đặt ra, không chỉ liên quan đến chính sự kiện ấy mà còn là những gì xảy ra trước đó và sau đó: điều gì sẽ buộc phải thay đổi, sự thật nào sẽ hiển lộ, câu hỏi nào sẽ được đặt ra hoặc được trả lời, ta biết gì về một con người chỉ bằng cách nhìn vào một khoảnh khắc “có vấn đề” của họ. Tất nhiên tính chất sự kiện chỉ là một đặc điểm mình đang sử dụng, có thể trong tương lai sẽ có những tác phẩm “phi sự kiện” chăng? Điều đó có lẽ hãy để tương lai trả lời, hiện tại điểm bắt đầu của mình vẫn là ở đây.

- Anh từng nói muốn “dùng hết các kỹ thuật viết” và “thử mọi kiểu viết”. Nhưng lại quay về rất nhiều với chất liệu dân gian - điều đó có mâu thuẫn gì với khát vọng thử nghiệm không?

“Quay về với chất liệu dân gian” chỉ là một điểm trong danh sách rất dài những thử nghiệm mà mình muốn khám phá, sắp tới đây và đặc biệt là trong tác phẩm Nên làm gì khi trời nổi gió sẽ có một mục khác được khám phá và có lẽ địa hạt văn hóa dân gian hay truyền thống không còn là ưu tiên nữa. Và có lẽ cũng cần bổ sung thêm, việc thử nghiệm với mình là một cuộc chơi hơn là một “tham vọng thẩm mỹ” hay “trưng trổ kỹ thuật”. Tất cả xuất phát với tinh thần “chơi” với văn chương, nghĩ như thế để giữ sự trong sáng của bản thân trong việc sáng tạo. Trở lại với câu hỏi, mong muốn của mình khi tìm kiếm chất liệu truyền thống và ứng dụng cũng song hành với mong muốn thay đổi, phản tư và “làm mới” lại những chất liệu ấy, ít nhất là trong những sáng tác của mình. Điều này không những không mâu thuẫn mà ngược lại khá hợp lý: việc sáng tạo không phải tạo ra một cái mới hoàn toàn mà luôn bắt đầu từ những nền tảng đã có sẵn.

Văn chương có khả năng để chúng ta nhìn thấy “chúng”, nhìn thấy “họ”, và tránh để lãng quên
Bìa cuốn Kiện trời

- Có bao giờ anh lo ngại rằng khi đưa chất liệu dân gian vào văn chương hiện đại, mình sẽ bị “bảo thủ hóa”, hay trở thành một thứ “hoài niệm có tính thương mại”?

Phải nói trước một điều rằng “bảo thủ” thì hẳn ai cũng sẽ có chút ít trong bản thân, ai cũng có những quy tắc cá nhân khó thỏa hiệp, điều này không làm mình lo ngại lắm. Điều mình lo ngại là liệu nó có ngáng chân để mình tiến đến những vấn đề sâu sắc và quan trọng hơn hay không? Hiện tại mình vẫn đang cảm thấy ổn với các “quy tắc bảo thủ” của cá nhân, như một cá tính sáng tác (thứ rất cần thiết) hơn là một điểm gây nguy hiểm, tất nhiên mình vẫn luôn cẩn thận với chúng.

Quay lại với câu hỏi, với mình thì chất liệu dân gian, truyền thống hay lịch sử không phải một công cuộc “hoài niệm”. Chúng vẫn luôn luôn ở đây, bên cạnh chúng ta, tồn tại rờ rỡ, sinh động và chưa từng biến mất. Chúng không phải là cái “đã qua” cần ta làm một cuộc “khảo cứu khai quật”, mà đang nằm trong hiện tại chúng ta đang sống. Tâm thế và cách mình sử dụng chất liệu truyền thống trong sáng tác cũng đi theo quan điểm này. Trên bình diện thời gian, chất liệu truyền thống-lịch sử thuộc về quá khứ và thẩm mỹ hiện đại tất nhiên là khác nhau, nhưng trong tâm thế sáng tác mình lại có xu hướng xem chúng là một. Điều này nghe có phải hơi kỳ quái và “khó tìm được sự đồng thuận” không nhỉ? Nói chung, mình nghĩ quan điểm này sẽ giúp mình tránh được việc xem các chất liệu dân gian-truyền thống là một thứ gì cần phải “bốc ra” từ quá khứ và trộn vào hiện tại mà cả hai sẽ bổ sung và lý giải lẫn nhau, nhìn thấy nhau, hỗ trợ chúng ta trả lời được nhiều câu hỏi.

Văn chương có khả năng để chúng ta nhìn thấy “chúng”, nhìn thấy “họ”, và tránh để lãng quên
Bìa cuốn Lân Tinh

- Với các nhân vật ở rìa lề xã hội, anh tìm thấy mình ở họ hay đang nhìn họ như một cái gương phản chiếu xã hội?

Mình nghĩ việc mình đã làm được là nhìn thấy câu chuyện ở họ. Mình thích những câu chuyện đã không được kể ra, những con người không được nhắc đến, thứ mà đa phần mọi người “chưa thấy”. Mình vẫn tìm kiếm câu chuyện ở những nơi dễ bị lãng quên, những chuyện nhỏ nhặt, tủn mủn, vặt vãnh (mà có lẽ ai đó sẽ bảo là “tầm thường” chăng?). Mình luôn đánh giá sáng tác của bản thân nặng màu sắc thế tục, thích nói về chuyện thường nhật. Có lẽ đặc điểm này đã dẫn mình đến một dàn nhân vật như hiện nay trong sáng tác.

- Có nhân vật nào trong truyện của anh mà anh không dám viết tiếp, vì quá giống mình, hoặc quá đáng sợ?

Đúng là có những nhân vật như thế, nhưng có lẽ độc giả sẽ được gặp họ trong tương lai.

- Dường như các nhân vật trong truyện anh đều đang kiếm tìm một hình thức “được nhìn nhận”. Viết có phải là cách anh đối thoại với cảm giác bị bỏ quên?

Phải thừa nhận rằng mình ám ảnh bởi nỗi sợ bị lãng quên, nhưng không phải mình sợ bản thân bị lãng quên, mà là mình luôn thường trực cảm giác dường như tất cả chúng ta - cả thế giới này - đang bỏ quên ai đó. Dường như có ai đó đã bị chúng ta bỏ qua? Thật khó để lý giải suy nghĩ có vẻ hơi “bay bay” này, đó là một cảm giác phức tạp mà mình vẫn đang đối thoại và đào sâu trong chính bản thân, mình nghĩ thông qua quá trình quan sát và sáng tác mình sẽ có những diễn giải tốt hơn về nó. Mình tin văn chương có khả năng để chúng ta nhìn thấy “chúng”, nhìn thấy “họ” và lưu giữ lại để tránh bị lãng quên.

Vấn đề này quan trọng, vì thứ mà mình luôn muốn phụng sự là những thứ dễ bị bỏ qua, những “nhân vật phụ” hay “sự kiện phụ”, những thứ xuất hiện và biến mất trong im lặng, thứ chóng tàn, nhỏ nhặt, dễ bị lầm tưởng là không có ý nghĩa, hay những giây phút và khoảnh khắc vốn cũng không mấy quan trọng trong cuộc đời của những nhân vật quá mức “nhạt nhòa”. Trong một thế giới đầy những điều rực rỡ, hào nhoáng, bóng bẩy, tràn ngập những câu chuyện giật gân, những cột mốc hoành tráng hay trong dòng thông tin ngồn ngộn các xu hướng, đuổi theo nhau để tìm kiếm sự nổi trội thì điều gì đã bị bỏ quên? Mình muốn nhìn thấy tất cả những thứ ấy và chỉ ra chúng trong các sáng tác. Tuy nhiên, “bỏ quên” một mặt nào đó không đáng sợ và ảm đạm đến thế, mình tin chúng ta có thể lãng quên tất cả mọi thứ, nhưng những thứ đó sẽ được chuyển hóa thành thứ khác: cảm giác. Ta có thể vô tình quên một ai đó nhưng ta sẽ không quên cảm giác về họ, nằm trong vô thức. Điều này hy vọng không quá khó hiểu, mình vẫn còn cả một tương lai để diễn đạt về nó.

- Anh thường viết bằng tay, gõ máy, hay nghĩ trong đầu trước khi viết? Viết với nhạc hay trong im lặng?

Mình thường gõ máy vì chữ viết tay của bản thân khó đọc lại quá, kể cả với chính bản thân (cười). Tùy tác phẩm mình sẽ chọn không gian im lặng, có nhạc hay cần đôi chút ồn ào để viết, đa phần mình thường viết trên nền nhạc không lời hay ở một nơi nào đó có chút tiếng ồn. Ngoài ra, mình cũng có thói quen sáng tác trong đầu mỗi khi có một khoảng lặng hay một cảm hứng bất thần ập đến mà không có công cụ ghi chép nào ở cạnh, việc này diễn ra thường xuyên đến mức nó đã hòa lẫn vào cuộc sống của mình, đôi khi đang ngồi im thì mình lại sực tỉnh nhận ra bản thân từ nãy đến giờ đang “sáng tác”, điều này khiến mình đôi khi đểnh đoảng.

- Có một đoạn văn nào trong số truyện của anh mà anh thấy… không thể viết hay hơn được nữa?

Đoạn tâm đắc thì mình có khá nhiều và chúng sẽ thay đổi theo thời gian, có đoạn ngay bây giờ mình ưng ý nhưng tương lai lại thấy khác hoặc ngược lại, vì thế để chỉ ra một đoạn cụ thể thì rất khó. Tuy nhiên, nhân tiện hé lộ một chút, khi được hỏi câu này mình đã nghĩ ngay đến một đoạn văn nằm trong Nên làm gì khi trời nổi gió, vì muốn giữ bí mật đến phút chót nên mình chưa chia sẻ được. Mọi người hãy đón đọc tác phẩm này, có lẽ mọi người cũng sẽ “tìm ra” nó.

- Anh đang học thạc sĩ ngành Lý luận văn học. Điều đó có làm khó thêm cho việc viết, vì luôn có một “người lý giải nội tại” ngồi sau vai?

Đây là một câu hỏi hay. Nó hay không chỉ bởi vì đã đặt ra câu hỏi về mối liên hệ giữa ngành Lý luận văn học - thẩm mỹ học với sáng tạo mà sâu xa hơn, nó đặt câu hỏi cho việc một tác giả sẽ phải sáng tác như thế nào nếu cứ có một người ngồi “phân tích, phản biện, truy vấn” phía sau. Mình nhớ lời Xuân Diệu nhận xét về thơ Bà Huyện Thanh Quan: “làm thơ như có con hầu đi theo sau”. Có một khoảng thời gian tương đối dài mình không đuổi được con người ấy đi, mỗi một dòng mình viết ra đều phải thông qua con người đó. Nói đâu xa, chính tác phẩm Nên làm gì khi trời nổi gió sắp tới đây cũng là một công cuộc chống lại con người ấy – thật may mắn, mình đã thỏa hiệp được với hắn ta để cả hai cùng nắm tay nhau phát triển, nhờ thế mà đã ra mắt được truyện dài này.

Khó mà giữ được sự ngây thơ của một nghệ sĩ khi có một con người luôn phán xét với hàng đống lý thuyết phía sau mỗi dòng chữ, hoặc một con người cứ rúm ró sợ hãi… lỡ mình viết sai thì sao. Nhưng mình đã tìm ra cách để tách bạch và hòa giải được với cả hai phía. Mình tin rằng việc của một nhà văn là viết một cách hồn nhiên, còn lý luận sẽ tiếp nhận và diễn giải nó thế nào thì hãy tạm thời lùi về sau, đừng quan tâm đến, thậm chí nếu mạnh tay hơn thì hãy gạt nó qua bên lề trong khi sáng tác. Văn chương nói riêng hay thẩm mỹ nói chung với mình nên hướng đến cái “tự nhiên” hơn là cứ phải “gồng”, “cứng” để cho phù hợp với một điều gì đó, làm thế cuối cùng lại dẫn đến đánh mất chính mình, thế thì sẽ “mất vui”.

- Trong các tác phẩm của anh, vấn đề lịch sử, quyền lực, và huyết thống được đặt ra rất nghiêm túc - anh có nghĩ đây là hướng viết dài hơi sau này?

Phải, các vấn đề này sẽ còn lặp lại xuyên suốt qua các tác phẩm sau này của mình, mình mạnh dạn nói thế là bởi vì mình đã viết chúng rồi (cười). Tất nhiên, dưới góc độ cá nhân mình cảm thấy hứng thú khi viết những vấn đề này, tin rằng chúng sẽ giúp mình nhìn thấy được nhiều điều trong đời sống con người/nhân loại và giúp mình diễn giải được nhiều ý tưởng. Về tham vọng lâu dài, mình tin khi chạm đến những vấn đề này là mình đã chạm đến những câu chuyện mang tính cốt lõi trong phạm vi mình muốn tiếp cận. Tuy nhiên, nếu bàn quá sâu và kỹ về chúng thì lại mất cái thú vị của văn chương, hy vọng các độc giả có thể cảm nhận được chúng trong quá trình thưởng thức các tác phẩm.

- Văn chương thiếu nhi, văn học người lớn, truyện ngắn, truyện dài, anh đã đi qua hầu hết các hình thức, anh có dự định sẽ tập trung cho một thể loại nào chuyên biệt không?

Mình vẫn đang trong một cuộc “dạo chơi” lớn, sẽ khó để quyết định dừng chân ổn định ở một vùng đất nào đó vào thời điểm hiện tại. Thật ra các hình thức là lựa chọn đến sau, ý tưởng là thứ luôn luôn đến trước. Những tác phẩm từ trước đến nay mà mình viết đều bắt đầu từ ý tưởng trước, rồi trong quá trình đắp nặn ý tưởng thành hình dáng mình mới có thể được dẫn đến quyết định sẽ chọn hình thức nào cho nó. Nên làm gì khi trời nổi gió ban đầu mình chưa hình dung nó sẽ là một câu chuyện thiếu nhi, đó là kết quả từ một quá trình chọn lựa khi thực hiện ý tưởng, các tác phẩm khác cũng vậy. Nên mình nghĩ, việc quyết định mình có gắn bó và tập trung lâu dài hay không còn tùy thuộc vào cảm hứng và ý tưởng, mà những yếu tố này lại bất định, khó lường. Chính vì vậy tương lai vẫn còn nhiều điều chưa thể biết trước được. Cuộc khám phá này vẫn còn dài và mình vẫn còn nhiều kỳ vọng vào bản thân, có lẽ vẫn cần một khoảng thời gian rất lâu để mình suy nghĩ về việc “ổn định” trong sáng tác.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện hôm nay.

NSND Vương Duy Biên làm Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam

NSND Vương Duy Biên làm Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam

Baovannghe.vn - Tại Đại hội lần thứ Nhất Hiệp hội Phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, NSND Vương Duy Biên đã được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam
Danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn- Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới

Danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn- Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới

Baovannghe.vn - Vào hồi 13 giờ 02 phút ngày 12/7/2025 (giờ Paris), tức 18 giờ 02 phút ngày 12/7/2025 (giờ Việt Nam), tại kỳ họp thứ 47 của của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) đã chính thức ghi danh Danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn- Kiếp Bạc được UNESCO vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới.
Chính phủ: Nỗ lực hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2025

Chính phủ: Nỗ lực hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2025

Baovannghe.vn - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 205/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Giai Điệu thời gian - Thơ Mai Văn Hoan

Giai Điệu thời gian - Thơ Mai Văn Hoan

Baovannghe.vn- Góc quán này anh vẫn ngồi đợi em/ Cà phê nhỏ từng giọt đen đặc quánh
Chiến thắng nhìn từ phía bên kia

Chiến thắng nhìn từ phía bên kia

Baovannghe.vn - Cuồn cuộn Sê Pôn là cuốn tiểu thuyết mới nhất, viết về đề tài mà nhà văn Vũ Quốc Khánh vô cùng tâm huyết và đã dành được những thành công nhất định: lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.