Từ ngày 18/1 đến ngày 16/2/2025 (tức từ ngày 19 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây sẽ diễn ra chương trình Tết làng Việt. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh xúc tiến giới thiệu du lịch Làng cổ Đường Lâm, các đặc sản địa phương, điểm đến du lịch tới người dân và du khách, nhất là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Du khách trải nghiệm gói bánh chưng trong Tết Làng Việt. Ảnh: VGP |
Chương trình có nhiều nội dung hấp dẫn, như: Không gian chợ Tết truyền thống tại sân đình Mông Phụ, xã Đường Lâm, với những gian hàng giới thiệu về các đặc sản, sản phẩm thủ công, làng nghề của địa phương; không gian trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền với các màn biểu diễn nghệ thuật, nhạc cụ dân tộc, trình diễn áo dài, viết thư pháp…
Du khách cũng sẽ được trải nghiệm làm sản phẩm thủ công, như: Làm diều sáo, nặn tò he, hoa thủy tiên, các sản phẩm lưu niệm... và trải nghiệm làng nghề của địa phương thông qua việc tự làm bánh chưng, bánh tẻ, các loại kẹo lạc, kẹo dồi…
Ngoài ra, du khách sẽ được giới thiệu, biết đến các phong tục truyền thống trong dịp Tết, thăm nhà cổ, thưởng thức các món ăn truyền thống trong dịp Tết của người dân Đường Lâm, như bánh chưng, gà Mía, thịt quay đòn, chè kho…
Tại khu vực đình làng và cổng làng Mông Phụ có giới thiệu các trò chơi dân gian (chọi gà, bịt mắt đập niêu, ô ăn quan, diều sáo, bắt chạch trong chum, đấu vật, đá cầu, cờ người...); trình diễn không gian hát văn, hát xẩm, hát chèo, trống hội… mang đậm giá trị văn hóa của Sơn Tây - xứ Đoài nói riêng và truyền thống dân tộc Việt Nam nói chung.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, đơn vị đang xây dựng hồ sơ về khối tài liệu thời kỳ thuộc Pháp (1858 - 1954) để trình UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới.
Theo đó, Cục đang giao Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chủ trì phối hợp với ngành lưu trữ của Pháp để xây dựng hồ sơ tư liệu, dự kiến trình UNESCO trong năm 2025.
Hình ảnh được giới thiệu trên Cổng thông tin điện tử về khối tài liệu lưu trữ tiếng Pháp giai đoạn 1858 - 1954 bảo quản tại các cơ quan Lưu trữ Việt Nam và Pháp. Nguồn: Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước |
Hiện nay, 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang bảo quản hơn 33.000m giá tài liệu với khoảng gần 1.000 phông/sưu tập tài liệu.
Những tài liệu này được viết bằng các ngôn ngữ Hán, Hán - Nôm, Pháp, Anh, Việt… trên các vật mang tin bằng giấy, mộc bản, phim, ảnh, băng, đĩa… hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu, phản ánh toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta từ thế kỷ XIX đến nay.
Trong số đó, có gần 9.000m giá tài liệu thời kỳ thuộc Pháp (1858 - 1954) đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II và IV. Số tài liệu này gồm: văn bản hành chính của các cơ quan cấp Đông Dương, cấp kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), cấp tỉnh; khối tài liệu kỹ thuật (xây dựng cơ bản) gồm gần 150 công trình kiến trúc như các dinh thự trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, công trình thủy lợi, công trình giao thông trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam; hơn 20.000 bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương, bản đồ hành chính các tỉnh.
Theo Thỏa thuận ký kết giữa Cao ủy Pháp Léon Pignon và vua Bảo Đại năm 1950, một phần tài liệu đã được chuyển về Pháp và đang bảo quản tại Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp ở Aix-en-Provence.
Số tài liệu để lại Việt Nam theo Thỏa thuận nói trên bao gồm 84 phông, trong đó 52 phông đã chỉnh lý nội dung sơ lược và mục lục.
Năm 2023, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã hoàn thiện trang thông tin điện tử, giới thiệu khối tài liệu tiếng Pháp giai đoạn 1858 - 1954 bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Pháp.
Để xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh di sản tư liệu, ngành lưu trữ Việt Nam và Pháp sẽ số hóa những tài liệu này.
Theo ông Đặng Thanh Tùng, nếu thuận lợi, năm 2026, chúng ta sẽ có Di sản tư liệu thế giới thứ tư được công nhận.
Ba di sản tư liệu thế giới đã được UNESCO công nhận trước đó gồm có Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Bia Tiến sĩ Văn Miếu.
Bên cạnh đó, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Lưu trữ Việt Nam (3/1/1946 - 3/1/2026), trong năm 2025 này, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ tổ chức hơn 20 hoạt động gồm triển lãm, xuất bản ấn phẩm, hội thảo khoa học, hội thi văn nghệ, giải bóng đá…
Ngày 15/1, tại Hội nghị gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025, UBND quận Đống Đa đã thông tin về một số hoạt động phát triển nổi bật của địa phương trong năm 2025 và định hướng các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội trong năm 2025.
Đáng chú ý, đại diện quận Đống Đa cho biết, vào 19 giờ tối 18/1, tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết sẽ chính thức khai trương, góp thêm không gian vui chơi, thưởng thức ẩm thực cho người dân Thủ đô và du khách.
Tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết kéo dài từ ngã ba giao cắt phố Tây Sơn đến ngã ba giao cắt phố Yên Lãng; chiều dài tuyến phố 840m, bề rộng lòng đường và vỉa hè từ 10-12m; tổng diện tích sử dụng 2,84ha.
Các hoạt động của tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết sẽ tập trung vào phát triển các hoạt động kinh doanh hiện có tại đây. Thời gian hoạt động từ 18h đến 24h ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.
Thời gian trên sẽ cấm các phương tiện giao thông cơ giới tại tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết để dành không gian cho khách đi bộ thưởng thức ẩm thực, các hoạt động văn hóa, văn nghệ…
Tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết sẽ chính thức khai trương vào 19 giờ tối ngày 18/1/2025. Đây là tuyến phố ẩm thực thứ 3 của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong |
Đây sẽ là tuyến phố ẩm thực thứ 3 của Hà Nội, khai trương đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn, hình thành thêm một địa chỉ văn hóa, ẩm thực của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn" đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch Thủ đô nói chung và quận Đống Đa nói riêng.