Triển lãm diễn ra từ ngày 19 đến 22/12 với sự tham gia của hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm những cường quốc quân sự hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Israel, Pháp, Anh và Tây Ban Nha.
Theo Ban Tổ chức, trong hai ngày 19-20/12, lịch trình tham quan dành cho khách VIP và khách chuyên ngành. Từ 9h ngày 21/12, người dân và du khách chỉ cần đăng ký trước trên website chính thức của triển lãm, sẽ được vào tham quan miễn phí tại khu vực sân bay Gia Lâm, quận Long Biên, Hà Nội.
Với diện tích trưng bày lên tới 100.000 m², triển lãm được chia thành các khu vực trong nhà và ngoài trời, giới thiệu các loại vũ khí hiện đại, công nghệ quốc phòng tiên tiến của Việt Nam và các nước.
Đây là lần thứ hai sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam, sau thành công của lần đầu năm 2022.
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 mở cửa miễn phí từ sáng 21/12. Ảnh minh họa. Nguồn: BTC |
Khu vực trưng bày ngoài trời là nơi thu hút sự chú ý với hàng loạt vũ khí hạng nặng như xe tăng, pháo phòng không, hệ thống phòng không, và máy bay quân sự. Những điểm nhấn đặc biệt bao gồm xe chiến đấu bộ binh BMP-3ME của Nga, tổ hợp tên lửa bờ đối hải Rubezh-ME, và máy bay vận tải quân sự C-130J Super Hercules của Mỹ.
Trong khi đó, khu vực trong nhà mang đến trải nghiệm công nghệ cao với các dòng máy bay không người lái (UAV), mô hình sa bàn chiến dịch lịch sử như Điện Biên Phủ, và công nghệ thực tế ảo (VR).
Các chương trình trình chiếu 3D mapping mô phỏng những trận đánh lịch sử cũng sẽ là điểm nhấn không thể bỏ qua.
Địa điểm tổ chức triển lãm là sân bay Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội 3,5 km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 28 km. Du khách có thể di chuyển bằng mọi phương tiện như xe đạp, xe máy, ôtô, taxi hoặc taxi công nghệ, xe buýt.
Ban tổ chức cung cấp bãi đỗ xe rộng rãi và hỗ trợ tra cứu tọa độ trên Google Maps. Người dân tham quan miễn phí, nên đăng ký trước trên website chính thức: https://vietnamdefence.vdi.org.vn/
Một số quy định khi tham gia triển lãm gồm: Du khách cần xuất trình CCCD hoặc hộ chiếu để vào cổng; Không được mang vật nuôi, đồ ăn thức uống hay hút thuốc trong khu vực triển lãm; Ban tổ chức sẽ ghi hình triển lãm phục vụ truyền thông.
Triển lãm không chỉ là cơ hội để người dân chiêm ngưỡng những vũ khí và công nghệ quân sự hiện đại mà còn là nơi quảng bá năng lực quốc phòng của Việt Nam và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Những ca khúc đi cùng năm tháng và tổ khúc hợp xướng nổi tiếng, tái hiện lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ được trình diễn trong chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt Khúc quân hành vang mãi non sông do Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức vào 20 giờ ngày 22/12.
Chương trình diễn ra tại sân khấu ngoài trời sân Đoan Môn thuộc Khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân và được phát sóng trực tiếp trên kênh H2 Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội, phát thanh FM90 và các nền tảng số của đài (app Hà Nội On, website: hanoionline.vn).
Chương trình tái hiện hành trình đầy tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, một quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, luôn gắn bó máu thịt với dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc. Âm nhạc sẽ đưa khán giả trở về quá khứ hào hùng với những chiến công hiển hách và sự hy sinh vô bờ bến của quân đội ta trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, làm nghĩa vụ quốc tế và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Chương trình có sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Dàn hợp xướng Âm thanh trẻ, Câu lạc bộ Sao tuổi thơ cùng các nghệ sĩ tên tuổi như Nghệ sĩ Ưu tú Đăng Dương, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Tùng, ca sĩ Phúc Tiệp, tạo nên một không gian âm nhạc đầy cảm xúc, thấm đẫm tình yêu non sông đất nước.
Các ca khúc như Tượng đài chiến thắng (Nguyễn Xuân Thủy), Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), Đoàn vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Quân đội ta quân đội anh hùng (Văn An),… sẽ không chỉ vang lên như một bản hùng ca về những chiến công mà còn lan tỏa sức mạnh tinh thần, khơi dậy trong mỗi trái tim người dân niềm tự hào và khát vọng không ngừng vươn lên.
Chương trình "Khúc quân hành vang mãi non sông" tái hiện lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 80 năm qua. Ảnh: BTC |
Điểm nhấn của chương trình là màn trình diễn tổ khúc Hồi tưởng, trích từ Tổ quốc ta - một trong những Tổ khúc hợp xướng xuất sắc nhất trong nền âm nhạc Việt Nam ra đời năm 1960. Tác phẩm được trình diễn trong ba chương: Chương 1 Ca ngợi Tổ quốc của nhạc sĩ Hồ Bắc; chương 2 Hồi tưởng do nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác và chương 3 Miền Nam anh dũng và bất khuất của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Mới đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật, Điện ảnh Mỹ (Viện Hàn lâm) đã công bố danh sách rút gọn hạng mục Phim truyện quốc tế xuất sắc tại giải Oscar 2025 không có tên phim Đào, phở và piano. Tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn bị loại khi gần đến vòng bình chọn cuối.
10 hạng mục nằm trong diện rút gọn gồm: Phim tài liệu dài, Phim tài liệu ngắn, Phim truyện quốc tế, Trang điểm và làm tóc, Âm nhạc (Nhạc phim gốc), Âm nhạc (Bài hát gốc), Phim hoạt hình ngắn, Phim ngắn người đóng, Âm thanh và hiệu ứng hình ảnh.
Ở hạng mục Phim truyện quốc tế xuất sắc, ban tổ chức rút gọn danh sách còn 15 tác phẩm, gồm: "Armand", "Dahomey", "Emilia Pérez", "Flow", "From Ground Zero", "The Girl With the Needle", "How to Make Millions before Grandma Dies", "I’m Still Here", "Kneecap", "Santosh", "The Seed of the Sacred Fig", "Touch", "Universal Language", "Waves", "Vermiglio".
"Đào, phở và piano" là bộ phim do Nhà nước đặt hàng ăn khách nhất từ trước đến nay. Ảnh nguồn: Internet |
Đào, phở và piano trượt top 15 đề cử Phim truyện quốc tế xuất sắc sau khi đại diện Việt Nam tranh giải vào tháng 9.
Trước đó, bộ phim Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được chọn gửi dự sơ tuyển tranh giải hạng mục Phim truyện quốc tế (trước đây còn gọi là Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất) - nhưng không được đề cử.
Năm 1993, Việt Nam lần đầu gửi phim điện ảnh dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar với Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng. Chưa có tác phẩm nào vào đến vòng đề cử cuối của hạng mục trên ngoài Mùi đu đủ xanh.