Sáng 15/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương: Danh nhân – Thi hào – Giá trị di sản, do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Danh nhân, Hội Nhà văn Việt Nam, Trường Đại học Vinh, Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền tổ chức.
Sự kiện nhằm tôn vinh hai tượng đài văn học lớn của dân tộc, đồng thời hướng tới việc phát huy giá trị trường tồn của di sản mà họ để lại trong dòng chảy văn hóa đương đại.
Nguyễn Du (1765-1820) và Hồ Xuân Hương (1772-1822) là hai thi hào lớn của văn học Việt Nam, mặc dù có phong cách sáng tác khác nhau, nhưng họ đều có nhiều điểm tương đồng. Cả hai sống cùng thời kỳ đầy biến động của nửa sau thế kỷ XVIII, cùng quê hương xứ Nghệ và đều được UNESCO vinh danh.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương: Danh nhân – Thi hào – Giá trị di sản. Ảnh: BTC |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Danh nhân, TS Nguyễn Thị Kim Oanh nhấn mạnh, hội thảo khoa học về hai danh nhân trong mối liên hệ văn hóa - nhân văn độc đáo không chỉ là mong ước của giới nghiên cứu, các nhà khoa học mà còn là nhu cầu thiết yếu của đông đảo nhân dân trên cả nước. Hội thảo khoa học quốc gia Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân - Thi hào - Giá trị di sản chính là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa mong mỏi ấy, góp phần tôn vinh và làm sáng tỏ những giá trị trường tồn từ di sản của hai thi hào lớn.
Sau hơn nửa năm phát động, Hội thảo đã nhận được gần 70 tham luận từ các học giả trên khắp cả nước, trong đó có hai tham luận gửi từ nước ngoài. Ban Biên tập đã tuyển chọn 55 tham luận tiêu biểu để biên soạn kỷ yếu dưới dạng "Lưu hành nội bộ".
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về: mối liên hệ văn hóa - xã hội - nhân sinh của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương qua dòng họ, quê hương, thời đại và quốc tế; những điểm gặp gỡ và nét riêng về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, phong cách nghệ thuật; sự tương đồng, khác biệt trong thi pháp của hai thi hào; vấn đề dịch thuật, chuyển ngữ tác phẩm; mối liên hệ qua các loại hình nghệ thuật hiện đại như sân khấu, điện ảnh; cùng các giải pháp bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị di sản của hai danh nhân trong bối cảnh hiện nay….
Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các văn nghệ sỹ và Hội đồng Gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền (Hà Tĩnh), họ Hồ Quỳnh Lưu (Nghệ An) trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, sưu tầm; đồng thời, tìm kiếm giải pháp gìn giữ, phát huy giá trị di sản danh nhân, thi hào Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đã để lại cho hậu thế.
Vào tối 18/12 tới đây, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Zuni Icosahedron (Hong Kong, Trung Quốc) sẽ giới thiệu chương trình biểu diễn nghệ thuật Cuộc gặp gỡ của các vị thần - Cái chết của các vị tướng.
Đây là chương trình sân khấu thể nghiệm do nhà thiết kế Danny Yung đạo diễn, lấy cảm hứng từ trích đoạn hai vở kịch truyền thống nổi tiếng của Trung Hoa The Outcast General (tạm dịch Vị tướng quân bị ruồng bỏ) và Drowning (Chết đuối).
Sân khấu thể nghiệm do Danny Yung đạo diễn. (Nguồn: Zuni Icosahedron) |
Năm 2005, đạo diễn Danny Yung có ý tưởng dàn dựng một vở diễn sân khấu thể nghiệm đặt tên là Cuộc gặp gỡ của các vị thần trong khuôn khổ Lễ hội thử nghiệm truyền thống tại Hong Kong.
Ông đã mời các nghệ nhân sân khấu truyền thống tham gia, kết hợp với các yếu tố nghệ thuật thị giác đương đại và công nghệ trình diễn đồ họa để tạo nên một vở diễn tổng thể mang tính thể nghiệm cao.
Thành công trong lần kết hợp đầu tiên, Danny Yung tiến hành song song dự án nghiên cứu và phát triển “Truyền thống thể nghiệm” với đối tượng nghiên cứu chính là vở diễn này.
Vở diễn Cuộc gặp gỡ của các vị thần – Cái chết của các vị tướng phiên bản năm 2024 là sự nối tiếp chuỗi nội dung Cuộc gặp gỡ của các vị thần đã ra đời và trải qua nhiều đêm diễn.
Điểm đặc biệt của Zuni Icosahedron nói chung và vở Cuộc gặp gỡ của các vị thần - Cái chết của các vị tướng nói riêng là sự tích hợp, giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau ở châu Á.
Trước đó, Danny Yung đã đi khắp nơi, mời các nghệ sĩ đa thể loại từ các thành phố khác nhau ở châu Á tham gia vào vở diễn.
Nghề làm muối Sa Huỳnh (thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Hàng năm, đồng muối Sa Huỳnh cung cấp khoảng 6.500 - 7.000 tấn muối. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Nghề làm Muối ở Sa Huỳnh được hình thành từ khi những diêm dân từ các vùng Nghệ An, Thanh Hóa di cư vào phía Nam. Dưới thời Nguyễn, đời vua Đồng Khánh, các làng sản xuất muối ở Quảng Ngãi trong đó có làng muối Tân Diêm đã được ghi danh trên bản đồ Đồng Khánh địa dư chí.
Diêm dân Sa Huỳnh sản xuất muối theo phương pháp thủ công truyền thống từ xa xưa, phơi nước phân tán, kết tinh trên nền đất truyền thống (dùng ánh nắng mặt trời và gió làm bốc hơi trên những cánh đồng muối).
Hàng năm, đồng muối Sa Huỳnh cung cấp khoảng 6.500 - 7.000 tấn muối. Nghề làm muối thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương, trao truyền qua nhiều thế hệ và được người dân tự nguyện cam kết bảo vệ.
Việc công nhận nghề làm muối Sa Huỳnh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự khẳng định giá trị văn hóa lâu đời mà còn là động lực thúc đẩy bảo tồn, phát huy nghề muối truyền thống.