Ngày 17/12 tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp cùng Học viện Chính trị Công an Nhân dân trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Chương trình nghệ thuật tại hội thảo. Ảnh: BTC |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, Hội thảo “Phát huy giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới” được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 81 năm ngày ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam; 79 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân; 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.
Hội thảo có mục tiêu đánh giá, vận dụng những chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Đề cương văn hóa năm 1943 đối với việc bảo vệ an ninh, trật tự nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, Hội thảo tập trung thảo luận, phân tích ba vấn đề lớn: làm rõ một số vấn đề lý luận, thực tiễn và giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đối với công tác bảo vệ an ninh, trật tự; phân tích thực trạng phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự; làm rõ phương hướng, giải pháp phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới.
BTC cho biết, Hội thảo đã nhận được 50 tham luận của 65 tác giả là các nhà khoa học tên tuổi. Tại Hội thảo này, cùng với sự tham gia của các báo cáo viên, đại diện cho các thế hệ giảng viên, nhà nghiên cứu còn có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực chuyên môn: Sử học, Khoa học Chính trị, Triết học, Văn hoá học, Xây dựng Đảng,... từ các cơ quan khoa học ở Trung ương cũng như một số địa phương.
Chiều 18/12, Báo Nhân Dân khai mạc triển lãm tương tác Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh, tại trụ sở Báo Nhân Dân, số 71 Hàng Trống, Hà Nội.
Cùng với triển lãm, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), Báo Nhân Dân cũng tổ chức Đợt thông tin đặc biệt với sự chuẩn bị công phu, bài bản, xây dựng chuyên mục Quân đội anh hùng của một dân tộc anh trên Báo Nhân Dân hằng ngày, ra mắt trang Tri thức chuyên sâu Quân đội nhân dân Việt Nam trên Nhân Dân điện tử với 2 nội dung được đầu tư công phu là các trận đánh nổi tiếng và các vị tướng tài danh của Quân đội nhân dân Việt Nam...
Chiều 18/12, Báo Nhân Dân sẽ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Ảnh: Báo Nhân Dân điện tử |
Triển lãm sẽ mở cửa tự do đón khách tham quan từ ngày 18/12 đến 22/12/2024 tại trụ sở Báo Nhân Dân, số 71 Hàng Trống, Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật chính luận Con đường lịch sử là một trong hai chương trình đặc biệt, truyền hình trực tiếp dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hai chương trình trực tiếp dịp này gồm lễ kỷ niệm 80 năm QĐND Việt Nam và 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân diễn ra vào 9h sáng 20/12, Con đường lịch sử được truyền hình trực tiếp lúc 20h10 ngày 21/12.
chương trình với những sắc màu riêng như 7 nốt nhạc xanh mang tới bầu không khí gia đình ấm áp của các gia đình quân nhân. Ảnh: BTC |
Chương trình gồm ba chương Con đường độc lập, Con đường thống nhất và Con đường tiến lên kỷ nguyên mới gồm những MV, tiết mục nghệ thuật, hoạt cảnh, phóng sự, cuộc trò chuyện để khắc họa hành trình 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng quân đội anh hùng với nhân vật em bé Hồng xuất hiện xuyên suốt chương trình (nhân vật có thật trong hồi ký Từ nhân dân mà ra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Cùng với đó là nhiều bộ phim tài liệu về đề tài quân đội, khai thác nhiều cách tiếp cận khác nhau nhằm khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam như Tiến bước dưới quân kỳ, Vì họ là người lính, Ở lại Phong Châu, Sống trong lòng dân.
Phim tài liệu đặc biệt Cha con người lính được đầu tư công phu, thông qua những ký ức, câu chuyện của gia đình quân nhân, trong đó có những gia đình tướng lĩnh phác thảo nên bức tranh về truyền thống lịch sử quân sự của Việt Nam từ năm 1944-2024.
Bên cạnh tác phẩm nghệ thuật, khán giả bắt gặp màu áo lính trong nhiều chương trình với những sắc màu riêng như 7 nốt nhạc xanh mang tới bầu không khí gia đình ấm áp của các gia đình quân nhân cùng nhau chơi, cùng nhau hát, Quân khu số 1 là nơi các chiến sĩ thể hiện sức mạnh để chinh phục từng vòng thi, vượt qua từng thử thách khó khăn.
Cũng nhân dịp này, bộ phim điện ảnh Bình minh đỏ do NSND Thanh Vân đạo diễn sẽ được phát sóng để khán giả thấy rõ hơn những chiến công và gương chiến đấu anh dũng của trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn.