Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật lân, sư, rồng của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật lân, sư, rồng là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Hoa khi di cư đến sinh sống tại vùng đất Sài Gòn với mong ước được che chở, bảo hộ trong cuộc sống. Hoạt động biểu diễn lân, sư, rồng thường gắn với các lễ hội như: Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu,... và còn xuất hiện trong lễ động thổ, khai trương nhằm cầu mong may mắn, thịnh vượng, công việc hanh thông.
Biểu diễn nghệ thuật lân, sư, rồng trên đường phố. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Việc Nghệ thuật lân, sư, rồng của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có tác động tích cực trong việc phát huy di sản văn hóa, hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử mang tính đặc trưng trên địa bàn thành phố, qua đó góp phần thực hiện Đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035”.
Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ, Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và Nghệ thuật lân, sư, rồng của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Chiêm bao là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Tô Ngọc Trang tại Area 75 - Art & Auction 75 Hàng Bồ, Hà Nội. Triển lãm trưng bày 26 bức chân dung ghép gốm trên nền sơn mài. Phần lớn chân dung là những gương mặt nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, từ tôn giáo, chính trị, khoa học, nghệ thuật đến các biểu tượng văn chương như: Chúa Jesus, Đức Phật, Magaret Thatcher, Einstein, Lev Tolstoy, Picasso, Bùi Xuân Phái, Don Quixote, Chí Phèo, Thị Nở.
Trong đó, họa sĩ cũng tự họa bản thân bằng những mảnh gốm vỡ từ một chiếc bát của vợ. Đây là tác phẩm đầu tiên trong chùm tác phẩm Chiêm bao, cũng là tác phẩm đã mở ra một giai đoạn sáng tác mới của anh.
Chất liệu mà họa sĩ Tô Ngọc Trang sử dụng trong tác phẩm của mình là gốm vỡ. Tức là gốm ở thể “rác”, một chất liệu phái sinh từ một sản phẩm đã từng hoàn chỉnh trước khi vỡ.
Triển lãm Chiêm bao khai mạc vào ngày 3/1 và kéo dài đến ngày 19/1/2025. |
Khác với nghệ thuật ghép mảnh Mosaic hay ghép gốm trang trí trong kiến trúc lăng mộ thời Nguyễn và trong kiến trúc đô thị hiện đại, ngôn ngữ sáng tạo của Tô Ngọc Trang là dùng những mảnh gốm vỡ tự nhiên, hoàn toàn không sử dụng máy móc hay thiết bị cơ khí nào để tạo hình các mảnh vỡ theo ý chí chủ quan.
Người xem sẽ thấy vui khi nhận ra trong tập hợp mảnh gốm khuôn mặt của Einstein, Lev Tolstoy, Picasso, Bùi Xuân Phái, hoặc các nhân vaath trong văn học như: Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở…
Triển lãm Chiêm bao khai mạc vào ngày 3/1 và kéo dài đến ngày 19/1/2025.
Họa sĩ Tô Ngọc Trang tốt nghiệp ngành sơn mài, Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Giai đoạn đầu của sự nghiệp hội họa, ông làm họa sĩ minh họa tại NXB Kim Đồng và giành nhiều giải thưởng lớn về minh hoạ như Giải thưởng minh họa từ Đại học Street Bank, Mỹ (2001), Giải thưởng minh họa của Hiệp hội Xuất bản thế giới (2002)... |
Vở rối nước Huyền sử Yết Kiêu được Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam dàn dựng để phục vụ khán giả dịp Tết Nguyên đán 2025. Với 17 suất diễn tại trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, vở rối nước Huyền sử Yết Kiêu hứa hẹn đem đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ.
Vở rối nước Huyền sử Yết Kiêu do đạo diễn Trần Được xây dựng dựa trên kịch bản của tác giả Thanh Hiệp, phần âm nhạc do NSƯT Nguyễn Quang Hưng đảm nhận. Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ múa rối: Thành Đoàn, Văn Lai, Văn Luân, Thanh Phương, Phú Cường, Thanh Bình, Trung Hiếu, Hoài Nam, Lê Trang, Chí Cường…
Tạo hình các nhân vật trong vở diễn. Ảnh: NH Nghệ thuật Phương Nam |
Theo đạo diễn Trần Được, để chuẩn bị cho vở diễn này, ê kíp đã phải luyện tập kéo dài liên tục trong một tháng với cường độ cao, 3 ca mỗi ngày. Đặc biệt, ê kíp nỗ lực bám sát lịch sử khi tái hiện nhân vật đồng thời đưa ứng dụng công nghệ mới nhằm điều khiển con rối linh hoạt hơn.
Cùng với đó, vở diễn còn sử dụng hệ thống máy móc hiện đại, giúp các con rối có thể thực hiện các chuyển động phức tạp như xoay 360 độ, chuyển tải được các ý đồ của đạo diễn.
Ê kíp cũng đã sử dụng đến 7 con rối Yết Kiêu để mô tả một cách đầy đủ hơn các hoạt động của nhân vật, từ huấn luyện đến tham gia các trận thủy chiến đầy kịch tính.
Được biết, vở diễn sẽ phục vụ công chúng tại Sân khấu Múa rối nước Bảo tàng Lịch sử TP HCM, từ mùng 1 đến mùng 9 Tết Ất Tỵ, hứa hẹn đem đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ.