Em là con gái Phú Nhi
Bánh đúc bỏ bị vừa đi vừa nhòm
Hình như câu ca vui ấy tôi được nghe lần đầu năm 1975 khi đang cùng người yêu - mà sau này thành vợ - từ bến xe Sơn Tây qua Phú Nhi về nhà. Chắc “nàng” lúc đó rất tự tin, còn tôi trông ngơ ngác lắm nên vừa thấy mặt chàng Sơn Tinh Hà Nội đặt chân lên quê vợ là các cô gái xứ Đoài đã “thử thách” ngay. Phú Nhi là làng nghề truyền thống nổi tiếng với bánh đúc bánh tẻ tiến Vua. Bánh tẻ có gốc gác từ bánh đúc như bánh xu xê Đình Bảng gốc gác từ bánh dợm (bánh nếp bột lọc nhân đỗ xanh).
Xứ Đoài đất cổ người xưa với bao huyền tích lịch sử và văn hóa đẹp, trong đó có huyền tích về sự ra đời bánh tẻ. Chuyện rằng, có đôi trai gái được mẹ giao nấu nồi bánh đúc cho buổi chợ sáng mai, nhưng do mải mê chuyện trò say đắm mà họ quên mất nồi bánh trên bếp khiến lửa tắt từ bao giờ không biết. Bánh hỏng. Mở ra nửa chín nửa sống. Bố cô gái vốn là người nghiêm khắc nên chàng trai từ đó bị cấm cửa. Đôi lứa không thành cô gái ốm đau rồi mất. Nhưng với tài hoa và nỗi thương nhớ bạn tình khôn nguôi, từ nồi bột hỏng đêm đó, sau này chàng trai đã làm ra một loại bánh mới thơm ngon tinh tế hơn là bánh tẻ. Loại bánh nay đã thành đặc sản quê hương, món quà Thành cổ.
Bánh làm bằng bột gạo tẻ loại ngon, gói bằng lá dong hoặc lá chuối rồi luộc chín. Nhân bằng thịt ba chỉ băm nhỏ ướp mắm muối tiêu hành mộc nhĩ gia vị rồi xào chung tất cả…
Bóc hết lớp lá bên ngoài chiếc bánh vừa chín tới, bánh hiện ra trắng ngần. Lá dong in lại một mầu xanh mờ của ngọc. Bẻ đôi hoặc cắn một miếng, ta gặp lớp nhân bên trong ấm nóng thơm ngon và béo ngậy. Bánh tẻ Sơn Tây phải ăn nóng mới ngon và như mới gặp đủ kim mộc thuỷ hoả thổ trong thịt trong rau, hạt gạo trên đồng, vị ngọt nước giếng… và sức nóng của lửa. Nhưng nếu ăn nguội, người ăn lại cảm nhận thêm được độ giòn của bánh.
Nhà văn Tô Hoài xưa từng kể về một lễ hội ẩm thực Việt Nam tổ chức ở Bách Thảo Hà Nội mà ông đến dự. Hôm ấy gian hàng bánh tẻ Sơn Tây luôn tíu tít và đông khách nhất, mới hơn nửa ngày đã không còn bánh bán.
Hôm nay, khi nước nhà hội nhập sâu vào thế giới, đến đâu trên mảnh đất hình chữ S ta cũng gặp bánh kẹo ngoại nhập. Từ bánh Thái, bánh In-đô, bánh Tàu, bánh Nhật, bánh Sandwich - mà có người cho là trước khi được đặt tên theo tên một bá tước Châu Âu sang trọng vậy, nó có nguồn gốc từ dân du mục Mông Cổ. Rồi qui bơ Leibniz Đức và cả qui bơ Hy Lạp… Quê hương các loại bánh ấy nhiều nơi tôi và bạn có khi còn chưa đặt chân tới nhưng “chúng” đã nhanh chân hơn, “tấn công” vào quê hương chúng ta. Trong khi đó các loại bánh Việt như bánh ít, bánh tổ, bánh khoai, bánh dợm, bánh bèo, bánh mật, bánh răng bừa (một tên gọi khác của bánh tẻ)... thì cứ mất hút dần nơi đô hội hay “nem nép” bên các anh chị ngoại quốc cả ở chốn chợ quê. Cha ông ta từ ngàn xưa, chỉ bằng các nguyên liệu quen thuộc với nhà nông đã sáng tạo ra hàng chục thứ bánh ngon phù hợp với thung thổ và khẩu vị người Việt. Có những thứ bánh mà nhiều người Việt Nam hôm nay, nhất là trẻ con, nghe tên thì lạ tai mà ăn thì vừa quen vừa lạ miệng.
Tết này, tôi lại đưa vợ con lên Sơn Tây thăm nhạc mẫu và các bác các dì các cậu. Nhạc mẫu tôi năm nay đã 96 tuổi dù không còn có thể vào Đền Và đi lễ cho chúng tôi như những năm trước, nhưng Người vẫn không quên dặn các dì “mang bánh tẻ đến cho anh chị và cháu ăn”. Riêng bác Cả thì, chiều trước khi chúng tôi về bao giờ cũng mang sang một chục bánh gio kèm chai mật mía làm quà. Khác bánh tẻ, bánh gio bóc ra có màu vàng óng như màu hổ phách. Bác Cả bảo: "Bánh tẻ chấm nước mắm tiêu, nhưng bánh gio thì phải chấm mật mía". Bánh gio ăn lành và giúp cho tiêu hóa tốt, nhất là vào những dịp thịt thà nhiều như ngày tết.
Chao ơi, làm giàu cho ẩm thực Việt Nam, cho khẩu vị người Việt bằng các loại bánh kẹo ngoại nhập là xu hướng tất yếu và cần thiết, nhưng làm sao để người lớn trẻ con Việt Nam đừng quên đừng “lạ” với những hương vị ông cha đã sáng tạo. Làm sao để các loại bánh quê hương đừng thua ngay trên sân nhà. Làm sao để còn mãi những lời dặn dò như lời bác Cả tôi về nghệ thuật ăn bánh gio…
Xứ Đoài đất cổ người xưa…
![]() |
Bánh tẻ. Ảnh Hà Miên |