Chuyên đề

Biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa và những “cửa ải” khó “nhằn”

Phạm Mai
Văn học nhà trường
15:31 | 21/12/2024
Baovannghe.vn - "Có những năm chúng tôi phải 'nín thở', không nghĩ là có thể cung ứng kịp sách cho năm học mới," PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó TBT Nxb Giáo dục Việt Nam chia sẻ
aa

Để hiểu rõ hơn về quy trình, những thuận lợi và khó khăn trong triển khai sách giáo khoa xã hội hóa, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam – đơn vị đang sở hữu 2 trên tổng số 3 bộ sách giáo khoa chính (gồm bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo) với 485 đầu sách từ lớp 1 đến lớp 12.

Rất nhiều thách thức

- Thưa ông Nguyễn Văn Tùng, ông có thể cho biết đâu là những khó khăn, thách thức khi thực hiện sách giáo khoa theo chủ trương đa dạng hóa, xã hội hóa?

Ông Nguyễn Văn Tùng: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là cơ quan xuất bản sách giáo khoa và chúng tôi đã có lịch sử gần 70 năm, nhưng trước yêu cầu về việc xã hội hóa sách giáo khoa, chúng tôi vẫn gặp một số khó khăn, thách thức.

Trước hết là việc biên soạn sách giáo khoa thế nào để thể hiện được đúng tính chất phát triển năng lực, phẩm chất người học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Đó là một câu hỏi rất lớn và chúng tôi đã phải có rất nhiều nghiên cứu từ sách giáo khoa các nước phát triển, nghiên cứu kế thừa những điểm ưu việt của sách giáo khoa trước đây để có thể định hướng.

Biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa và những “cửa ải” khó “nhằn”
Ông Nguyễn Văn Tùng (Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Thứ hai là vấn đề tiến độ. Như chúng ta đều biết, theo lộ trình đổi mới sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì năm đầu tiên là lớp 1; năm thứ hai lớp 2, lớp 6; năm thứ ba là lớp 3, lớp 7, lớp 10; năm sau đó là lớp 4, lớp 8, 11 và năm cuối cùng là các lớp 5, lớp 9, 12. Là những người trực tiếp tham gia vào việc tổ chức biên soạn, xuất bản sách giáo khoa, chúng tôi thấy đó thực sự là một tiến độ rất gấp gáp. Trong khi chúng tôi còn lo giới thiệu, tập huấn cuốn trước thì đã phải lo trình Hội đồng thẩm định những cuốn hiện tại đồng thời lại phải tổ chức biên soạn các sách của các lớp tiếp theo.

Khó khăn thứ ba là chúng tôi phải đảm nhiệm rất nhiều các công đoạn trong quy trình xuất bản sách giáo khoa. Trước đây, những công đoạn như xây dựng đội ngũ tác giả, tổ chức biên soạn, tập huấn giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm. Nhưng khi xã hội hóa sách giáo khoa thì nhà xuất bản phải đảm nhiệm hầu hết tất cả các công đoạn của quy trình xuất bản sách giáo khoa, từ việc xây dựng đội ngũ tác giả cho đến tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, in ấn, giới thiệu, tập huấn, cung ứng sách giáo khoa cho các địa phương. Điều đó khiến lượng công việc mà nhà xuất bản phải giải quyết rất nhiều trong khi tiến độ gấp gáp.

Thứ tư là vấn đề xây dựng đội ngũ tác giả. Khi xã hội hóa, có nhiều tổ chức, nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà xuất bản được xuất bản sách giáo khoa thì tất cả đều tìm kiếm đội ngũ tác giả, làm sao phải tìm được tác giả gạo cội, tác giả có học hàm, học vị, tác giả có uy tín, có kinh nghiệm. Thực sự lúc đó số tác giả có kinh nghiệm không nhiều.

Biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa và những “cửa ải” khó “nhằn”
Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ tác giả rất hùng hậu với 985 tác giả trên toàn quốc, trong đó có hơn 200 tác giả là có học hàm giáo sư, phó giáo sư, hơn 300 tác giả có học hàm tiến sỹ và hàng trăm thạc sỹ. Đó đều là các nhà khoa học, các nhà giáo có uy tín, có năng lực, rất nhiều người trong đó được đào tạo bài bản ở các nước.

Khó khăn thứ năm là thời gian chúng tôi phải tổ chức giới thiệu, tập huấn giáo viên sau khi đã in sách rất ngắn, chỉ khoảng hơn một tháng đến hai tháng là phải tập huấn xong. Trong khi đó, hầu như tỉnh nào cũng chọn sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, và phải tập huấn cả 63 tỉnh thành. Đây là bài toán rất lớn.

Tiếp đó là tài chính. Trước đây, Nhà nước cấp ngân sách cho việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa và tập huấn giáo viên nhưng khi xã hội hóa, nhà xuất bản phải lo tất cả các công đoạn. Vì vậy, nguồn lực tài chính cần đầu tư là rất lớn. Đấy là một thách thức đối với các nhà xuất bản.

Một điểm khác biệt nữa là trước đây chỉ có một bộ sách giáo khoa nên không phải thực hiện những công đoạn như giới thiệu sách. Bây giờ có nhiều nhà xuất bản, nhiều bộ sách, cơ sở giáo dục được lựa chọn, làm sách để cho mọi người biết đến mình, lựa chọn mình thì phải tổ chức giới thiệu sách, phải có nhiều hình thức truyền thông để cho các thầy cô, các phụ huynh, các hội đồng chọn sách nắm được những điểm ưu việt trong các bộ sách của mình.

Một điểm khác biệt cuối cùng ở công đoạn gần như cuối là cung ứng sách giáo khoa. Trước đây, có một bộ sách thì rất đơn giản, nhưng bây giờ có nhiều bộ sách thì việc cung ứng trở nên phức tạp hơn. Nếu đọc những quyết định lựa chọn các bộ sách giáo khoa của các sở giáo dục, chúng ta sẽ thấy các trường lựa chọn sách giáo khoa rất đa dạng và hầu như tất cả các bộ sách đều được chọn ở cuốn này hay cuốn khác. Vì vậy, nhà xuất bản phải nắm bắt được nhu cầu của các cơ sở giáo dục phổ thông ở từng đầu sách một, từng trường, từng phòng giáo dục, từng sở giáo dục, sau đó tập trung lại mới ra được con số cuối cùng.

- Việc có thể lọt qua cửa của các vòng kiểm duyệt của các hội đồng thì sao, thưa ông?

Phó giáo sư Nguyễn Văn Tùng: Đấy cũng là một công đoạn hết sức cam go. Mỗi năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo thường tổ chức khoảng hai đợt thẩm định sách giáo khoa. Trong mỗi một đợt có nhiều vòng. Có những cuốn không qua được đợt 1 thì phải chuyển qua đợt 2 hoặc là vòng 1 thì phải sửa chữa để xét vòng 2.

Các thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải làm việc thứ hết sức cật lực. Tôi biết có rất nhiều hội đồng phải làm ngày, làm đêm mới kịp thời gian Bộ yêu cầu. Ở góc độ là những người trình bản thảo tới các hội đồng, chúng tôi rất chia sẻ với lao động rất vất vả, rất căng thẳng của các hội đồng.

Lắng nghe và cầu thị

- Là một đơn vị gần 500 đầu sách giáo khoa, chắc chắn Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ nhận được rất nhiều phản hồi của phụ huynh và học sinh cũng như các nhà trường, nhất là khi giáo dục là câu chuyện của mỗi gia đình, ông có cảm thấy áp lực không?

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Tùng: Quan điểm của chúng tôi là rất cầu thị. Tất cả những ý kiến góp ý, phản hồi từ các thầy cô, các phụ huynh, các cơ sở giáo dục, chúng tôi đều hết sức cẩn trọng, đọc rất kỹ lưỡng, và nếu có những ý kiến đúng, đích đáng, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu và sẽ làm văn bản để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉnh sửa theo đúng quy trình quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có thể nói rằng rất nhiều ý kiến góp ý chưa đúng hoặc chưa thỏa đáng, hoặc đôi khi có thể gay gắt quá. Nhưng chúng tôi quan niệm: mọi người góp ý là vì tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và cũng vì thiện cảm với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Cho nên, với những ý kiến có thể chưa đúng, chúng tôi vẫn luôn luôn trân trọng và lắng nghe, thậm chí phải nghiên cứu rất kỹ là tại sao người ta lại hiểu nhầm để có những định hướng, làm sao biên soạn tốt hơn.

- Vâng, thưa ông, có thể thấy là để đưa ra được sách giáo khoa mới đến với các nhà trường là một hành trình không phải dễ dàng. Ông có thể cho biết, sau rất nhiều nỗ lực, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đạt được những kết quả như thế nào trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa trong 5 năm qua?

Phó giáo sư Nguyễn Văn Tùng: Mới đây, chúng tôi đã tổng kết, nhìn nhận lại toàn bộ quá trình và biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương xã hội hóa.

Năm đầu tiên, thời điểm đổi sách mới ở lớp 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ sách, nhưng sau đó chúng tôi nhanh chóng nhận ra chỉ cần 2 bộ thôi, nếu 4 bộ là quá sức. Và từ năm thứ hai trở đi, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 2 bộ sách là Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Đây là 2 trong 3 bộ sách giáo khoa lớn của ngành giáo dục hiện nay. Tôi nói là 2 trong 3 bộ sách lớn là vì theo tôi được biết, vẫn có những bộ sách nhỏ khác nhưng chỉ ở môn này, môn kia, không toàn diện.

Hai bộ sách của chúng tôi thực hiện đầy đủ theo cơ cấu của chương trình giáo dục phổ thông với đầy đủ tất cả các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định của chương trình. Tổng cộng, chúng tôi có 485 đầu sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12.

Các bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Việt Nam đều được đánh giá là những bộ sách có nhiều đổi mới, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và giúp cho học sinh học tập theo đúng định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, được đại đa số các cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn quốc lựa chọn và sử dụng.

Kết quả đó cho thấy dù Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong lịch sử 67 năm thành lập và phát triển, hầu hết là xuất bản sách giáo khoa theo cơ chế độc quyền, nhưng khi Nhà nước yêu cầu bỏ độc quyền, chuyển sang xã hội hóa và đa dạng hóa, cùng xuất bản sách giáo khoa với nhà xuất bản khác, chúng tôi cũng nhanh chóng bắt kịp và thích nghi. Điều đó một lần nữa nói lên năng lực thực sự của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho thấy trong cơ chế nào chăng nữa, chúng tôi vẫ khẳng định được vị trí, uy tín thương hiệu của mình. Đấy là một điểm rất đáng mừng.

- Theo ông, làm thế nào để có thể thu hút nhiều hơn nữa các đơn vị cũng như các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa?

Phó giáo sư Nguyễn Văn Tùng: Phải khẳng định rằng xã hội hóa, đa dạng hóa sách giáo khoa là một chủ trương, một quan điểm rất tiến bộ của Đảng và Nhà nước và thực tiễn đã chứng minh là chủ trương đó là đúng. Hiện các cơ sở giáo dục phổ thông có rất nhiều sách giáo khoa để lựa chọn.

Chúng tôi cũng mong trong tương lai, không chỉ các nhà xuất bản, các doanh nghiệp hiện tại tham gia vào sách giáo khoa mà có thể có nhiều những nhà xuất bản khác cũng sẽ tham gia vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, hiện quy định của pháp luật đối với các loại hình doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất bản sách giáo khoa đang có sự khác nhau giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân cổ phần.

Cụ thể, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp tư nhân cổ phần không phải tổ chức đấu thầu nên họ rất chủ động, nhanh gọn, rất khẩn trương trong việc thực hiện các khâu như mua sắm vật tư, in ấn.

Nhưng những doanh nghiệp nhà nước như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải tuân thủ tuyệt đối Luật đấu thầu, tất cả các công đoạn mua sắm vật tư đều phải đưa ra đấu thầu. Quy trình đấu thầu lại cần thời gian trong khi sách giáo khoa cần phục vụ kịp cho năm học mới, đó là một thách thức.

Do đấu thầu mất khá nhiều thời gian nên chúng tôi thường phải thực hiện công đoạn cuối cùng là phát hành trong tâm thế hết sức lo lắng, bồn chồn với mục tiêu đặt ra là không thể không đáp ứng nhiệm vụ chính trị của nhà xuất bản. Có những năm chúng tôi phải “nín thở”, không nghĩ là có thể cung ứng kịp sách cho năm học mới, nhưng cuối cùng chúng tôi đã đạt được mục tiêu cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời sách giáo khoa trước ngày khai giảng một cách ngoạn mục.

Vì vậy, chúng tôi cũng xin được kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế để có sự bình đẳng trong việc xuất bản sách giáo khoa giữa các loại hình doanh nghiệp.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

www.vietnamplus.vn
Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Baovannghe.vn - Cũng như Trịnh Công Sơn…, Hồ Dzếnh là người có một nửa dòng máu Trung Hoa chảy trong huyết quản. Và cũng như nhạc sĩ họ Trịnh, ông xem quê ngoại là quê hương máu thịt của mình. Với Hồ Dzếnh, đó là hồn Việt, những câu văn ca tụng nước Việt hay và cổ điển.
Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Baovannghe.vn - Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trang trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm 80 năm văn hóa, văn nghệ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Baovannghe.vn - Nhà thơ trở về với bản thể trong một nghi lễ giản đơn mà thiêng liêng! Người đọc nhận ra trong bài thơ một Nguyễn Quang Thiều luôn có sự thiết tha với cội nguồn, gốc rễ của mình.
Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Tâm sự với nhạc sĩ Ngọc Khuê về bài hát "Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh"

Tâm sự với nhạc sĩ Ngọc Khuê về bài hát "Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh"

Baovannghe.vn - Đại tá, nhạc sĩ quân đội Ngọc Khuê, ông Làng lúa làng hoa, đã tâm sự với chúng tôi nhiều điều xung quanh bài Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh - tác phẩm mới của ông.