Thông tin và truyền thông (TT&TT) là lĩnh vực thứ 3 được Quốc hội chọn chất vấn và trả lời chất vấn chiều 12/11. Theo số liệu của Bộ TT&TT, hiện cả nước có 880 cơ quan báo chí, số lượng cơ quan báo chí tăng, nhưng nguồn thu giảm. Đây là một thực tế cho thấy những khó khăn của kinh tế báo chí đang bị đe dọa bởi truyền thông MXH.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi mạng xã hội ra đời, vai trò đưa tin của báo chí có chiều hướng giảm. Vì vậy, báo chí muốn giữ vững vị thế thì cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí là tính xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, báo chí cần phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội. Báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung, để thông tin trên báo chí mang tính chất dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội.
Trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về truyền thông chính sách, các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, các cấp, ngành phải có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hằng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng ngân sách để đặt hàng báo chí. Thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.
Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, kinh doanh để làm báo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, nếu chạy theo mạng xã hội, báo chí sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự khác biệt với mạng xã hội, dùng công nghệ số để tăng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.
Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông. Đồng thời, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.
Hiện đang có chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ của báo chí tương đương với các nền tảng xã hội. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đạo đức người làm nghề báo chí.
Liên quan đến nhóm vấn đề kinh tế báo chí, nhiều cơ quan báo chí không có nguồn thu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng. Khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trên trực tuyến, nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể. Do đó, việc xây dựng kế hoạch truyền thông cần phải rõ ràng, cụ thể, tìm hướng đi riêng trong đời sống thông tin đa chiều và không để MXH chi phối.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, thông tin và truyền thông là ngành đa lĩnh vực, vừa hạ tầng, vừa kỹ thuật công nghệ, vừa kinh tế, vừa chính trị, nhưng đều liên quan đến kỹ thuật số bao gồm hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, quản lý nhà nước về báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, xuất bản, in và phát hành, và cũng chủ yếu trên môi trường số, trên hạ tầng truyền thông số. Bởi vậy, Bộ trưởng cho biết, nhiều người gọi Bộ Thông tin và Truyền thông là "bộ hạ tầng số, chuyển đổi số".
Ngành thông tin và truyền thông hiện nay có doanh thu hàng năm 150 tỷ USD, bằng 1/3 GDP của đất nước, và tăng trưởng luôn cao hơn 2 lần tăng trưởng GDP. Đây là một ngành với nhiều công nghệ chiến lược như internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tính toán lượng tử, trí tuệ thông minh, chuỗi khối, thực tế ảo…
Đây là những công nghệ chiến lược mới trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển rất nhanh, tạo ra lực lượng sản xuất cơ bản, góp phần tạo ra một không gian sống mới là không gian số, tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu số, tạo ra nền tảng về hạ tầng số, công nghệ số và công nghiệp số, để chuyển đổi số các ngành truyền thống rất quan trọng với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số..
Vì vậy, trên thực tế, trong vai trò quản lý ngành, Bộ trưởng nhận thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề mới phát sinh thuộc chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.