Diễn đàn lý luận

Bức tượng đài người lính tình nguyện trong một số tác phẩm về chiến tranh biên giới Tây Nam

Lý luận phê bình
05:35 | 20/12/2022
Cuộc chiến tranh biên giới đã nguội lạnh từ lâu, hình ảnh chiến trường xưa, những mất mát, thương đau chỉ còn trong ký ức. Song, mỗi khi bước vào thế giới văn học viết về chiến tranh biên giới, độc giả có thể hình dung rõ ràng, sinh động bức chân dung của người lính tình nguyện Việt Nam, nghe vang vọng nhịp bước hành quân dưới những cánh rừng khộp vùng Đông Bắc, Tây Bắc Campuchia và tự hào thêm vì năm tháng đó đã có những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam
aa

Sau năm 1975, xuất phát từ hiện thực lịch sử khốc liệt - cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam, trên văn đàn xuất hiện một đội ngũ sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và xây dựng trong văn chương bức tượng đài người lính tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại chiến trường “K” với sứ mệnh vô cùng cao cả.

Phần đông những cây bút đó đã từng dấn thân vào cuộc chiến và trở về từ chiến trường khói lửa Campuchia, có thể kể đến: Phạm Sỹ Sáu, Trung Sỹ, Nguyễn Ngọc Tiến, Khuất Quang Thụy, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Thành Nhân, Lê Minh Quốc, Nguyễn Vũ Điền, Đoàn Tuấn, Nguyễn Tam Mỹ, Bùi Thanh Minh… Mặc dù số lượng các tác phẩm không nhiều như văn học Việt Nam thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, song về mặt chất lượng, những sáng tác của các tác giả trên đã kịp thời phản ánh cuộc chiến đấu, tập trung khắc họa hình tượng con người trong cuộc chiến. Đó là bức tranh vĩ đại về vùng “Đất bên ngoài Tổ quốc” (Lê Minh Quốc), nơi mà những người lính Quân đội Nhân nhân Việt Nam đã sống, chiến đấu bằng tình hữu nghị cao thượng và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Trong số đó, có những người lính đã ra đi và trở về, hoặc không bao giờ quay lại…

Cuộc chiến tranh biên giới đã nguội lạnh từ lâu, hình ảnh chiến trường xưa, những mất mát, thương đau chỉ còn trong ký ức. Song, mỗi khi bước vào thế giới văn học viết về chiến tranh biên giới, độc giả có thể hình dung rõ ràng, sinh động bức chân dung của người lính tình nguyện Việt Nam, nghe vang vọng nhịp bước hành quân dưới những cánh rừng khộp vùng Đông Bắc, Tây Bắc Campuchia và tự hào thêm vì năm tháng đó đã có những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam nghĩ đến mối tình sắt son giữa hai quốc gia, dân tộc mà dấn thân vào đoàn quân tình nguyện sang biên giới chiến đấu. Những người lính tình nguyện, trong đó có những chàng trai rất trẻ “tuổi còn xanh, mộng còn đầy, còn chưa biết thế nào là nụ hôn lên má một người con gái” (Nguyễn Thành Nhân) đã giơ cao ngọn cờ chính nghĩa, phản đối chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, đem lại nền hòa bình cho nhân dân Campuchia.

Trước khi bước vào chiến trường khói lửa, người lính tình nguyện trong đa số các sáng tác về Chiến tranh Biên giới Tây Nam đều là những học sinh, sinh viên vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, mang trong tim biết bao ước mơ, khát vọng về một cuộc đời tươi đẹp. Trong số đó, có người được huấn luyện kỹ càng, trang bị kĩ năng, kiến thức quân sự như nhân vật Tuấn trong Một trăm ngày trước tuổi hai mươi của Đoàn Tuấn. Cũng có những người lính “tay ngang”, vừa cởi bỏ lớp áo học sinh, sinh viên đã vội mặc vào chiếc áo lính màu xanh, không đối diện với bục giảng mà đối diện với bom đạn, hiểm nguy, thậm chí là cái chết. Đó là nhân vật Tùng trong Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), Tiến trong Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến), Phiên trong Dưới tán rừng thốt nốt (Nguyễn Tam Mỹ), “tôi” trong Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân), “tôi” - tác giả Nguyễn Vũ Điền trong hồi ký Rừng khộp mùa thay lá… Khi xây dựng những nhân vật đó, các tác giả chú ý đến chất lãng tử được thể hiện qua lớp ngôn ngữ đầy ắp chất thơ, sự trẻ trung, lãng mạn. Nhận định về nhân vật Tùng trong Miền hoang, nhà nghiên cứu Lã Nguyên cho rằng Tùng là “chàng trai thành thị vừa rời ghế nhà trường để đến với cuộc đời binh nghiệp ở một chiến trường xa lạ”, vì thế ngôn ngữ tự sự của Tùng là “ngôn ngữ hồi ức đầy ắp chất thơ về Hà Nội, tuổi trẻ học đường và tình yêu đầu đời”. Trong Rừng khộp mùa thay lá, Nguyễn Vũ Điền đã tự thuật lại sự chuyển biến quan trọng trong cuộc đời mình, đó là ngày anh “tạm biệt đời sinh viên để trở thành người lính”, “nguyện sống anh hùng, chết vẻ vang”. Dẫu biết trước, song nhân vật này vẫn không tránh khỏi nỗi bàng hoàng, sững sờ. Khi vào chiến trường, khuôn mặt những người lính trong Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân) “vẫn còn lưu lại chút nét gì đó trẻ con thơ dại trên nét cong vành môi tinh nghịch”, “có người tuổi quân chưa tròn một năm, ngay trước lúc khoác chiếc áo xanh vẫn còn nghịch ngợm giành quà bánh với em mình, vẫn còn vô tư hò reo trong một cuộc đá dế, đá cá lia thia”. Họ đến với chiến tranh bằng sự ngây ngô, hồn nhiên, bằng nét tươi tắn của tuổi trẻ. Và, những chàng trai trẻ đã mang tâm hồn ấy trong khoảnh khắc giã biệt cuộc đời nơi quê người đất khách: “đã có những người khi ngã xuống vẫn còn mở mắt trừng trừng kinh ngạc, như không tin mình lại có thể chết vào lúc tuổi còn xanh, mộng còn đầy, còn chưa biết thế nào là nụ hôn lên má một người con gái” (Nguyễn Thành Nhân).

Rời quê nhà, rời Tổ quốc Việt Nam để đặt chân lên chiến trường K (Campuchia) chiến đấu vì nghĩa vụ cao cả, những chàng trai trẻ khôn nguôi nỗi nhớ quê nhà và những người thân yêu. Đó là cảm giác thường trực trong tâm trí của người lính tình nguyện. Những ngày bị bắt làm tù binh lưu lạc giữa miền rừng Đăng rếck, Tùng có một khao khát cháy bỏng là “về quê hương”, “về với mẹ, về với Thùy” và nỗ lực tiến về phía đông vì “hướng đông là quê hương, là Việt Nam, là cái nơi mình đã ra đi”. Rơi vào tình cảnh chông chênh văn hóa, ngôn ngữ, người lính trong Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân) nhớ da diết hình bóng những người thân yêu: “Họ nhớ cha mẹ, hoặc vợ con, hoặc người yêu, hoặc thậm chí là một con cún nào đó nhà nuôi từ hồi họ còn nhỏ xíu, một cây ổi già họ đã ngồi chênh vênh suốt những buổi trưa hè thơ dại”. Hay anh bộ đội tình nguyện trong Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến) nhớ ngày Tết cổ truyền của dân tộc, Phiên trong Dưới tán rừng thốt nốt (Nguyễn Tam Mỹ) nhớ “hình ảnh mẹ tôi vò võ nơi quê nhà”… So với những người khác, bộ đội tình nguyện kém may mắn hơn bởi không được hưởng trọn vẹn niềm vui chiến thắng trên quê hương Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, họ lại tiếp tục bước vào một cuộc chiến đấu khác mà không biết còn cơ hội trở về hay không. Tuy vậy, nỗi nhớ quê hương, gia đình đã trở thành nguồn sức mạnh lớn lao, thôi thúc họ chiến đấu để làm rạng ngời tấm lòng, nghĩa tình của người anh em làng giềng Việt Nam “cùng uống nước dòng Mekong”. Từ khía cạnh này, các tác giả đã mở ra tâm hồn trong sáng, nhạy cảm và chan chứa nghĩa tình của những người lính Việt.

Tương tự như người lính Cụ Hồ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chiến sĩ giải phóng Quân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ… người lính tình nguyện Việt Nam cũng mang những “chấn thương”. Nó bao gồm những chấn thương về mặt thân thể và tinh thần, dưới sự tác động của chiến tranh khốc liệt và những ám ảnh tâm lý. Những vết thương thể xác đã khiến người lính tình nguyện chảy máu trên chiến trường, cướp đi một phần thân thể của những chàng trai trẻ, thậm chí có biết bao người đã vĩnh viễn nằm lại nơi quê người đất khách. Đáng sợ hơn cả là chấn thương tâm lý, người lính tình nguyện - vì những ám ảnh chiến tranh, ám ảnh bởi cái chết của đồng đội, ám ảnh tâm linh… mà mắc chứng cuồng loạn “Hysteria”. Nhân vật Tùng trong Miền hoang (Sương Nguyệt Minh) liên tục gặp ác mộng về một thế giới tàn khốc, ám ảnh về “dã nhân” - những con người đã bị gột tẩy đi cái bản tính lương thiện, thông thái để trở về kiếp sống dã man, nguyên thủy. Nhân vật “Trung liều” trong Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân) có những triệu chứng của căn bệnh tâm thần, rơi vào trạng thái mộng du, cõi vô thức đầy phức tạp. Nhân vật Tiến trong Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến) hay “hét váng nhà, bắng súng pằng pằng”, bị “sốt rét thần kinh”, sống trong mộng tưởng ngay cả khi bước ra khỏi cuộc chiến khốc liệt… và còn nhiều nhân vật khác nữa. Chấn thương là tình trạng chung của người lính tình nguyện. Đó là những di chứng mà người lính phải mang theo suốt cả cuộc đời, kể cả khi đất nước thanh bình, phát triển.

Ngoài những khía cạnh nói trên, hình tượng người lính tình nguyện trong những sáng tác về chiến tranh Biên giới Tây Nam còn hiện lên ở những vấn đề khác như những khao khát tình cảm, tình dục, những cô đơn ẩn ức, những mặc cảm… Có thể thấy, trong những sáng tác đó (đặc biệt là tiểu thuyết) có bóng dáng của kỹ thuật hậu hiện đại, dấu ấn phân tâm học… Tất cả những giá trị đó vừa góp phần nâng văn học về đề tài Chiến tranh Biên giới Tây Nam lên tầm cao, vừa làm sống lại trong văn chương bức tượng đài người lính tình nguyện Việt Nam, làm sống dậy một thời kỳ hào hùng vẻ vang của hai dân tộc.

Năm tháng trôi qua, bụi thời gian có thể phủ mờ lên mọi thứ nhưng hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên chiến trường K vẫn còn sống mãi trong văn chương, trong lòng người. Đến nay, cuộc chiến tranh ấy đã lùi xa hơn ba thập kỷ, nhưng nhiều cây bút (chuyên hoặc không chuyên) vẫn còn tâm huyết với đề tài này. Những tác phẩm viết về Chiến tranh Biên giới Tây Nam cứ nối tiếp nhau ra đời làm đầy thêm cho mảng văn học về chiến tranh Biên giới. “Độ lùi thời gian” đã giúp cho các cây bút có điều kiện để suy cảm sâu sắc và đa chiều về cuộc chiến. Đây là minh chứng hùng hồn cho sức sống và sự sinh sôi mảnh liệt của đề tài chiến tranh cách mạng trong văn chương hôm nay.

Phạm Khánh Duy

Nguồn Văn nghệ số 51/2022


Nghị định 147: Nâng trách nhiệm người dùng Mạng xã hội

Nghị định 147: Nâng trách nhiệm người dùng Mạng xã hội

Baovannghe.vn - Ngoài những quy định cụ thể cho cá nhân sử dụng Mạng xã hội, Nghị định 147, cũng đa ra những quy định bắt buộc đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp và Mạng xã hội
Các tác giả đoạt giải Nobel văn học vận động trả tự do cho nhà văn Boualem Sansal

Các tác giả đoạt giải Nobel văn học vận động trả tự do cho nhà văn Boualem Sansal

Vào ngày 16 tháng 11 năm 2024, Boualem Sansal, nhà văn người Pháp gốc Algérie, người nổi tiếng với những tác phẩm phê phán chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chế độ độc tài, đã bị bắt tại Algiers. Sự kiện này không chỉ gây chấn động giới văn học quốc tế mà còn làm dấy lên làn sóng vận động trả tự do từ các nhà văn đoạt giải Nobel và nhiều nhà văn nổi tiếng khác trên toàn thế giới nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Thông cáo báo chí số 27, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 27, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Tư, ngày 27/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 27 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Bản Hủi. Truyện ngắn của Phùng Hải Yến

Bản Hủi. Truyện ngắn của Phùng Hải Yến

Baovannghe.vn- Mới đó mà đã như lâu lắm. Hiện cô ở cách thành phố gần một ngàn ki lô mét tính cả bằng đường xe và đường đi bộ.
Mùa quên. Truyện ngắn dự thi của Đặng Bá Canh

Mùa quên. Truyện ngắn dự thi của Đặng Bá Canh

Baovannghe.vn - ... Hoàn tỉnh lại, cố lấy sức để cựa mình nhưng toàn thân tê nhức tưởng mỗi sợi lông trên người là một mũi kim đang đâm thấu thịt da.