Sáng tác

Cá bông. Truyện ngắn của Đinh Phương

Đinh Phương
Truyện
08:24 | 18/11/2024
Baovannghe.vn - Thằng Nam tài công thông báo với mọi người tàu đi lạc. Đúng ra đến giờ này chúng tôi đã qua đảo Hải Nam. Từ Hải Nam tiếp qua eo biển Lôi Châu
aa

a.

Qua một ngày nắng rộm da nữa. Xung quanh chúng tôi chỉ có nước. Những mảng nước xanh thẫm ngật ngừ của biển chẳng thể ăn uống hay tắm rửa. Đường chân trời thẫm xa, phút trước đỏ như máu cắt từ cổ ra còn tươi, phút sau đã thoắt đông lại tím tái. Có ai chọc dao vào đường chân trời ngoáy nó lên, thật tợn và dã man. Mây trắng tụm thành quầng lều phều tản nhanh đi. Đã có lúc trên con tàu đánh cá dài chừng chục mét, ngang ba mét rưỡi tính từ đầu mũi xuống cuối lái này tôi đã nghĩ thế. Hai mươi mốt người trên con tàu này cũng nghĩ thế giống tôi. Chấp nhận ra đi là chấp nhận mạo hiểm, ba chỉ vàng một người lấy suất có mặt ở đây - đón chờ một đường chân trời khác, nhưng chẳng ai ngờ đến ngày thứ mười ba rồi vẫn chỉ một chân trời tiết bầm lặp lại. Đừng ai bảo chúng tôi nhìn sao Bắc Đẩu trên trời để tìm đường đi. Trên mặt biển vô tận này sao nào cũng có thể là sao Bắc Đẩu. Cơn mơ nào cũng là ác mộng, cũng là cơn đói khát các món ăn trên bờ như cơm trắng, thịt kho, cốc nước chanh nhiều đường mát lạnh. Bởi lương thực mang theo dự trữ cho năm ngày dự tính đã sắp cạn sạch. Ở ngày thứ sáu thay vì hai bữa cháo như trước chúng tôi chỉ ăn có một cầm hơi. Gạo trôi tuột vào dạ dày rỗng không có cảm giác gì. Tiếng biển tì tạch vỗ vào mạn thuyền như tiếng những con mọt gỗ nghiến rào rạo vào ước mơ đổi đời ngày đêm. Hồng Kông, hai tiếng êm ái của thiên đường xa mờ lẩn khuất. Thấy Hồng Kông một lần rồi chết cũng được, tôi đã nghĩ thế, buông xuôi. Hồng Kông nhìn từ biển đêm vào chắc đẹp lắm, ánh sáng long lanh diệu vợi từ các tòa nhà, biển quảng cáo đổ ra tỏa về bốn phía. Ngày tôi đi khỏi đất mẹ cũng là đêm, 11 giờ, Đồ Sơn, ngày 9 tháng 8 năm 1988, dự báo thời tiết vịnh Bắc Bộ ngày hôm sau có mưa rào vài nơi, tầm nhìn xa trên 10 km, gió bắc đến tây bắc cấp 4 – 5, sóng cao 1 – 2 mét, biển động nhẹ. Tôi ghi dòng đầu tiên trong cuốn nhật kí mang theo là ngày tháng năm, ngày tháng năm giúp định hướng kí ức được chính xác hơn. Nếu có gì còn để mang theo bên mình sau này – lúc xương thịt chẳng may rã ra dưới muôn nghìn nước/ hoặc may mắn hơn: sống sót chết già ở miền đất nào đó xa xôi – tôi tin chỉ kí ức mang níu theo được đến giờ phút cuối cùng. Như lúc này đây, ngồi dựa lưng vào cột buồm hút thuốc tôi nghĩ đến mẹ, người đàn bà buồn bã u sầu của cái thị trấn Mạo Khê khốn khổ khốn nạn. Ngày tôi bắt xe từ thị trấn ngược xuống Quảng Yên, qua phà Rừng sang Hải Phòng mẹ đi theo. Mẹ muốn cùng vượt biển với tôi, nhưng tôi không mẹ về đi, con lạy mẹ ngàn lạy vạn lạy, mẹ về đi. Ba chỉ vàng còn lại mẹ để dành dưỡng già. Nếu chẳng may có gì còn có chút để lại cho làng xóm lo cho tấm áo quan, ba ngày, tuần đầu, bốn chín còn có bát hương quả trứng. Thứ nữa, quan trọng hơn, mẹ về con biết còn có nơi hướng về trước muôn trùng bất trắc. Còn có người làm lễ bắc cầu cho con tìm về nếu chẳng may sa chân chìm biển. Muôn người chết biển có mấy người được làm lễ cầu siêu? Họ thành những linh hồn vất vưởng tụ với nhau thành lớp lớp sương mù trắng xóa che mắt, dẫn lạc đường những con thuyền xấu số. Có bao nhiêu người sống trên thuyền sẽ có ngần ấy linh hồn cũ được siêu thoát đầu thai trở lại đất liền. Đồng thời, có ngần ấy linh hồn mới ra đời đợi con thuyền tiếp theo để hi vọng đến lượt mình trở về. Mẹ kể hồi mẹ còn bé ở làng Buộm – Hải Hưng những năm 54 cũng có nhiều người dắt díu nhau đi. Sau chẳng thấy ai về, chẳng ai mơ, nhớ về họ nữa. Lớp dân ở mạn Kẻ Sặt, Thanh Hà, Phù Cừ thay thế lớp người cũ, ở trong những ngôi nhà cũ với giấc mơ mới về một đời sống ấm no, đủ đầy. Cánh đồng vẫn xoay vần năm hai vụ lúa chiêm lúa mùa. Mẹ lớn lên rồi cũng xa quê biền biệt. Lớp kí ức của đám người mới thay thế cho kí ức đám người cũ. Nếu đặt chân được đến Hồng Kông tôi sẽ gửi thật nhiều bưu ảnh về cho mẹ. Bưu ảnh trôi nổi mãi trong dòng thời gian làm thành kí ức. Mẹ sẽ nghĩ tôi sung sướng ở miền đất phồn hoa chứ không lo ngày ngày xếp hàng tem phiếu mua dầu gạo thịt cá. Mẹ gắng khỏe mạnh đợi tôi về thị trấn dắt theo vợ đẹp con khôn. Rồi bắt gà vào mổ cúng tổ tiên ông bà phù hộ tôi sống nguyên vẹn trở về. Mẹ sẽ khóc. Hiển nhiên rồi, nước mắt mẹ mặn như nước biển xanh thẫm quẫn quờ quanh tôi bây giờ…

Cá bông - Truyện ngắn của  Đinh Phương
Ảnh minh họa. Nguồn pinterest

b.

Thằng Nam tài công thông báo với mọi người tàu đã đi lạc. Đúng ra đến giờ này chúng tôi đã phải qua đảo Hải Nam. Từ Hải Nam đi tiếp qua eo biển Lôi Châu, ngược nữa lên hướng Đông Bắc mới đến được Hồng Kông. Thời tiết những ngày chúng tôi đi khá tốt, biển yên, sóng lặng. Có vài cơn mưa nhẹ rắc thoáng qua phút chốc khô ngay. Thế tại sao lại lạc? Chính thằng Nam, người cam đoan đã ba lần đưa người vượt biển thành công sang Hồng Kông trở về cũng không biết tại sao. Đáng nhẽ ra dòng chảy và hướng gió đã định phải đưa chúng tôi đến nơi cần đến. Một trại tị nạn với bánh mì, nước ngọt, quần áo, cùng những ngày tháng chờ đợi để sang nước thứ ba. Thế mà rồi chúng tôi lạc đường. Mặt biển nhìn hết tầm mắt cũng chẳng thấy con thuyền nào để cầu cứu. Mọi người từ khoang giữa uể oải kéo ra nghe thằng Nam nói xong buồn bã chẳng muốn quay lại chỗ trú ẩn nắng mưa thường ngày nữa. Ánh mắt cam chịu quay quắt đỏ quạch nhìn chòng chọc nhau, cứ như người bên cạnh là nguyên nhân dẫn tàu đi sai hướng. Sợ hãi, bực bội. Cuối cùng, ánh mắt chiếu vào người chịu trách nhiệm của chuyến đi này. Thằng Nam. Tiếng chửi uất ức cứ thế tự động rin rít bật ra. “Đ… mẹ mày, làm ăn như cứt.” “Trả vàng lại cho ông.” “Sớm muộn không trôi bụng cá cũng làm mồi cho cướp.” “Thằng chó giờ mày tính sao?” “Lằng nhằng gì nhiều quẳng mẹ nó xuống biển.” Mặt thằng Nam từ vàng chuyển xanh, chẳng rõ sợ hãi hay tức giận, hoặc cả hai. Vàng ai cũng thấy nó cho vào túi dải rút đưa cả cho anh trai tên Học lúc tàu chuẩn bị vượt đi âm thầm giữa đêm. Anh trai nó là tài công tàu khác, đi vào mấy hôm sau vì chưa gom đủ người. Tôi nhẩm tính, nếu đi sau tàu này ba ngày thì tàu ấy cũng đến được trại tị nạn rồi. Những người bị xếp đi chuyến sau ban đầu bực bội nhưng giờ này có lẽ đang sung sướng hơn chúng tôi. Họ sẽ ngạc nhiên thấy con tàu vô danh đi trước mình vài hôm vẫn lung lạc phương trời nào. Cảm thấy may mắn, nếu kiên quyết đi chuyến ấy đời họ chẳng biết ra sao. Niềm vui người này tất nhiên là nỗi buồn người kia. Mặt biển phút trước còn xanh thế giờ đột nhiên sôi sục xám đen. Hai mươi con người, bốn mươi đôi mắt chiếu vào một hướng. Vài con dao nhỏ len lén lấy ra khỏi người, nắm chặt trong tay. Gió biển rì rào bạt mạng nhường chỗ cho tiếng tim đập thình thịch nặng nề gấp gáp. Tôi áng chừng mặt biển sẽ nhuộm đỏ rực như mấy cây hoa gạo ở sân chùa Non Đông thị trấn tôi tháng Ba. Một vết cắt ngọt lịm vào cổ, một bổ mạnh hết lực vào tim. Bà mẹ biển hiền lành thuần thành hóa quỷ dữ tàn ác. Hai mươi mốt đứa con tội nghiệp trên chiếc lá gỗ mỏng manh chòng chành đong đưa hóa quỷ theo. Xương người rơi nơi đáy biển không quốc tịch, ai cũng như ai – đấy là nếu tàu chìm trong bão lốc – nếu tàu không chìm chúng tôi thành những hồn ma đói khát vất vưởng từ Đông sang Tây, bán cầu này sang bán cầu khác, cơn mơ này sang cơn mơ khác nếu có thể mơ mộng. Không ai nói gì lúc này nữa, tất cả chờ đợi vốc lửa hoa gạo đầu tiên từ trên trời ném xuống. Lửa có thể bắt đầu từ phía tôi, nhưng tôi sợ. Mười chín người còn lại cũng len lén chờ nhau. Lửa cũng có thể bắt đầu từ phía họ, nhưng họ cũng như tôi, hèn nhát yếu đuối, mang sẵn nỗi sợ trong người. “Lên đi… nhanh…” Ai đó trong đám đông già trẻ trai gái thúc giục. Chuyến này đi tàu không có trẻ con ẵm ngửa. Đó là một may mắn, tiếng khóc ngằn ngặt xé toạc từ ngày này sang ngày khác hẳn khó chịu lắm. Nếu có trẻ con nó cũng sẽ là tạo vật đẹp đẽ đầu tiên bỏ mạng, một cái chết được báo trước. Bố tôi cũng có một cái chết được báo trước, thậm chí được báo trước khá lâu: hai năm, bốn tháng, bảy ngày. Ông giết người bạn cùng con trai bảy tuổi của ông ta bằng một con dao quắm sắc lẹm, trên chuyến xe khách về thị trấn chỉ vì họ cười cợt nói ông là con hoang của lợn chó đẻ ra. Người ta cho ông chờ đợi để tìm nguyên nhân tội ác, nó không thể đơn giản thế, phải có gì sâu xa kì bí hơn thúc đẩy. Ông sống trong khoảnh khắc điên rồ ấy đầy tỉnh táo. Chém hai nhát dứt khoát một cổ, một yết hầu trong lúc xe vẫn chạy. Hành khách khi này đã lục tục kéo nhau xuống vãn ở bến xe gần sân vận động huyện. Ông bảo lái xe cứ bình tĩnh lái đúng hành trình không việc gì phải sợ. Đến bến xe đầu thị trấn ông lững thững xuống đi bộ về nhà, rửa dao, tắm táp, hút thuốc lào, đun nước pha ấm chè mới đợi người đến bắt. Chỉ vì hai tiếng “con hoang” mà người ta có thể giết người hay sao? Tôi từng hỏi mẹ như vậy, mẹ im lặng thở dài. Chỉ vì bị rủa là con của chó lợn đẻ ra mà người ta có thể chém người bằng dao quắm hay sao? Mẹ trừng mắt nhìn tôi hét lên: “Mày thì biết gì.” Tôi biết mẹ bán hết nhà cửa, đất đai trong thị trấn dọn ra rìa nghĩa địa ở chứ quyết không đi khỏi thị trấn. Tiền bán nhà bán đất mẹ đền phần lớn cho gia đình bị hại, phần nhỏ để dành cho tôi. Tôi đã dùng một phần ấy cho chuyến đi này. Tôi có một ông bố giết người. Vụ án chưa từng có trong lịch sử thị trấn từ ngày thành lập 18 tháng 11 năm 1965. Sáng sớm ngày bố bị bịt mắt đem về thị trấn bắn tôi lén mẹ đi xem. Người ta bắn bố ở nơi ông gây án nhằm răn đe những mầm ác khác. Mắt bịt kín trói vào cọc trong sân xí nghiệp lắp ráp ô tô bỏ hoang. Bố là người đầu tiên bị bắn ở đây, cũng là người cuối cùng. Con ma bị bắn đầu tiên, con ma bị bắn cuối cùng. Tôi muốn bố gọi tên tôi tên mẹ nhưng chẳng có cái tên nào vọt ra. Người ông mềm nhũn, hai bên hai người xốc từ thùng xe xuống đến cọc. Hay ông chết trước rồi? Thế thì may mắn cho ông nhưng không may mắn cho tôi. Tôi nấp riêng ở mấy đống đất bên trái bãi bắn, đối diện nhiều người cũng đang rình xem kẻ thủ ác bị trừng trị. Khi bố bị bắn xong mẹ mới đeo tang lục đục khóc lóc đến xin xác mang về chôn. Tiếng chửi rủa mỉa mai hả hê trùng trùng điệp điệp bủa vây. Trời sáng bạch mà những lời nguyền rủa vẫn đóng cọc ri rít ghì rịt xuống quánh đặc chẳng tan. Người ta không cho bố chôn trong nghĩa địa – cùng với hai người bị giết – mẹ khóc lóc xin mãi mới được chôn ngoài rìa – ngăn cách bởi hàng thép gai mọc xen loài cỏ xước cùng cây xấu hổ hoa tím – không được làm bia. Giờ nếu tài công bị đám đông giết quăng xác xuống biển cũng sẽ không có bia. Biển không có hàng rào để biết trong hay ngoài. Tội ác thuộc về số đông là tội ác được xóa trắng và giấu kín. Nhưng vẫn chưa ai đủ sức mạnh của quỷ để tiến lên. Người ta cần một phản kháng, kích động từ đối phương. Sự kích động như bố tôi từng có khi xưa trên chuyến xe về thị trấn mà giờ đây chưa có. Tôi tò mò không biết trên chuyến xe về thị trấn ấy bố bắt xe ngang đường từ Hải Hưng, Bắc Ninh, hay lên từ đầu bến Gia Lâm. Ông gặp ai làm gì quãng thời gian ấy? Đi khỏi thị trấn bao lâu? Người điều tra án chẳng thèm quan tâm điều vụn vặt râu ria khi nhân chứng vật chứng có thừa, kẻ gây án nhận tội đầy đủ. Chỉ có tôi quan tâm húc vào bức tường rắn đanh các câu hỏi mù mờ chẳng dẫn về đâu. Biển giờ dẫn chúng tôi về miền nào hả biển? Buồm mấy hôm nay chẳng ai buồn lèo lái nữa, kệ lênh đênh, giá kể tàu chạy máy cơ sự cũng khác. Ừ, chấp gì giá kể, đến tiếng xèn xẹt xen lẫn tiếng nói của phát thanh viên Trung Quốc qua đài mấy hôm đầu cũng mất; giờ vặn đài chỉ có tiếng kèn kẹt gào rú, tiếng thở mạnh như của sinh vật tiền sử nào ngủ sâu dưới lòng biển vọng theo tần số lên. Nước mắt thằng Nam bắt đầu lã chã rơi, thật chẳng ngờ, da mặt xanh như mặt biển chuyển lại vàng vọt, tím tái. Mếu máo nói: “Đây… đây… mới… là chuyến đầu của em…” Nước mắt, thú nhận khiến tình huống đang kéo căng chùng xuống chuyển sang một hướng khác. “Giời đất ơi, mẹ mày lừa chúng ông à!” “Oan lắm đấy mà nước mắt cá sấu.” “Đập bỏ mẹ nó đi anh em.” “Thích khóc không thằng đàn bà kia?” Cuối cùng, thằng Nam không bị giết, nhưng đồng thời vai trò của nó trong chuyến đi này cũng thành rẻ rách. Sau giọt nước mắt của thằng Nam là nhiều giọt nước mắt khác, không âm thầm giấu diếm trong khoang vào đêm thanh vắng nữa mà phơi ra trực tiếp dưới nắng. Giọt giọt hạt nước treo nhau trên sợi dây vô hình nối biển khơi và đất liền. Trên sợi dây ấy tôi lờ mờ thấy bóng mẹ ngồi trong căn lều rách nhìn ra ngoài nơi ở nhộn nhịp của người chết. Mộ nối mộ, mộ này chìm mộ kia, mộ cũ đất mịn dày cỏ lẫn vào mộ mới đất trắng lổn nhổn. Vòng hoa rữa nát chuột tha đi khắp nơi. Ngồi chán, mẹ nhích người về cuối lều gạt tro trên xoong cơm, xều non bát, lẩy bẩy nhón vài hạt đưa lên miệng. Cơm nguội lạnh như mắt mẹ. Mẹ không biết lúc này, ở đây, tiếng khóc đang vỡ loang dần. Mặt trời ong ong hong khản khô tiếng khóc. Sau tiếng khóc là tiếng cầu nguyện Chúa, Bồ tát, Phật tổ, hà bá, vong linh người chết trên biển từ ngày xửa ngày xưa. Tôi không khóc cũng không cầu nguyện, tôi vẫn còn hai bao thuốc lá Tam Đảo đủ để hút dè vài ba hôm. Khói khiến tôi tỉnh táo hơn để không viện vào bất cứ thế lực siêu nhiên nào. Khói còn khiến tôi quên đi cái đói, dễ ngủ dù là giữa ngày, và mơ, giấc mơ không cần gọi tự động mò đến…

c.

Những con cá tạo nên bằng bông gòn to cỡ bàn tay bay bay trên trời. Mắt chúng gắn cục nhựa màu xanh, đỏ, hoặc vàng gì đó, hẳn có một cái cây xuyên qua đầu để giữ mắt, nhưng tôi lại không thấy cái cây đó, mơ có bao giờ rõ ràng đâu, mọi thứ đều nghiêng nghiêng về hướng biến đổi. Mắt cá không chớp được. Tôi đuổi theo những con cá ấy trở về thị trấn. Chân tôi nâng cao dần lên, cảm giác ở trên cao nhìn xuống mọi thứ phía dưới mới lung linh sống động làm sao. Cây cỏ, nhà cửa, xe cộ đang to phút đã chuyển sang bé tin hin. Đầu tôi biến thành đầu cá, thân tôi thành thân cá, chân thành đuôi. Không phải biến đổi nửa vời ra nàng tiên cá chỉ có thân đâu, tôi biến đổi cả cơ thể, vụt thành con cá bông trắng hoàn chỉnh. Trong vai cá tôi nhìn mọi thứ với con mắt của cá, không ai biết tôi đến cả, chỉ tôi biết tôi đến. Nhà tôi kia, tôi tách đoàn bay về hướng nhà mình, căn nhà cũ lúc chưa bị bán, và bố còn đang chờ thi hành án. Mẹ tôi hẳn bất ngờ lắm nếu thấy một con cá nói được, tự nhận mình là con bà. Bà sẽ khóc thét lên, tôi bơi trong huyễn tưởng vào nhà theo hướng cửa chính. Nhà không có ai, bàn uống nước trên vẫn còn bộ ấm chén chưa rửa, cặn chè đen kít đọng trong cốc. Cặn chè ở ba cái chén, có hai người khách đã đến nhà, mẹ chủ nhà là ba. Liệu có khi nào người đến chơi là người điều tra vụ án của bố/ hoặc người nhà nạn nhân bị hại. Họ ngồi ở ghế dài bên kia, nơi hai cốc nước đặt cạnh nhau, mẹ ngồi ghế đơn bên này, một mình cốc nước lẻ. Mẹ đã nói gì hay lại khóc? Họ cần mẹ cung cấp thêm gì nữa đây khi mẹ cũng chẳng hiểu tại sao bố đột nhiên lại thế, hóa quỷ như cách gọi thông thường. Nếu là người nhà nạn nhân họ đòi mẹ đền bù bao nhiêu, xỉ nhục thêm điều gì, dày vò đánh đập gì tiếp nữa. Mọi sự cứ xoắn lấy nhau như một sợi dây điện nhiều lõi. Tôi là cá, tôi không muốn nghĩ ngợi nhiều. Tôi bơi một vòng quanh nhà. Nhà của tôi, nơi tôi sinh ra lớn lên mà giờ sao xa lạ quá. Giường đây, chiếu đây, tủ quần áo kia, bàn thờ, hình như nhà này là nhà bỏ hoang chứ không phải nhà tôi. Nỗi nghi ngờ lớn dần, tôi đột ngột bị đẩy bật ra khỏi căn nhà của mình. Giờ tôi lơ lửng bên ngoài, nhìn xuống thứ được gọi là nhà tôi mà không phải nhà tôi. Từ chối hay chấp nhận? Con cá mơ hồ đổ vào ngày lửa. Nắng trưa, nắng chiều, nắng tối. Nắng từ đâu đến như tiếng thở dài. Tôi thở theo cá, nhịp một nhịp hai, tôi là cá. Nhưng ngày dài quá, thị trấn tôi bé quá. Là cá vẫn cứ phải mơ và ngày vẫn cứ phải lửa. Xanh xanh, đỏ đỏ. Tím tím, vàng vàng. Cây ớt hóa ra cây bàng. Thuở nhỏ chúng tôi đập bàng ăn nhân. Con bướm ma đen đen bay qua đậu vào mõm con chó đốm. Chó đốm đớp hụt, tôi là cá, tôi ngủ giấc ngủ của chó đốm. Ăn xương gà, xương lợn, xương bò như mồm chó đốm. Làm chó đốm chán tôi lại thành cá bông. Trời đêm thị trấn rắc phấn đầy sao. Tôi lần nữa tìm về nhà mình, om om, tối tối. Tôi không đi lạc mà thành muốn đi lạc. Ước đừng về thị trấn như bao giờ, lơ mơ, ngơ ngơ. Đầu va phải bức ảnh của bố mẹ chụp ngày cưới. Mẹ nghiêng vào ngực bố mỉm cười, bố nghiêng đỡ lấy mẹ che chở. Thời gian lướt qua vạn tuổi bồi hồi, các khúc sống cứ mơ hồ nhột nhạt. Bức ảnh lồng kính giờ nằm phủ bụi, nhện giăng giăng đầy, tỉ năm không lau. Tôi lại trôi ra ngoài, đêm thành ngày như mơ, ngày thành đêm như thở, trôi qua một quãng nắng, nắng gắt gỏng hỏi “đi đâu”, tôi không đáp, một con cá có quyền trả lời hay không trả lời những gì nó muốn. Muốn và không. Nắng đuổi theo cá bông là tôi. Tôi chạy loanh quanh, ẩn nấp từ lùm cây này sang lùm cây kia, bờ rào này sang bờ rào khác. Nắng không tìm thấy tôi tức giận bỏ về. Trước khi về còn đổ lại cơn giông, bụi bay mù mịt, vẩn cả đất trời. Nếu cơn giông to hơn cá bông tôi đã rơi từ trên ngọn cây xuống rồi. Cũng may nỗi tức giận của nắng cũng chỉ vừa vừa. Chỉ có mắt tôi hơi long ra một chút. Tôi lại bơi, từ trên cây xuống tôi lại bơi, à không, tôi bay. Bay đi đâu? Tôi hỏi tôi. Cá bông hỏi cá bông. Vòng vèo thế nào cuối cùng vẫn quay về nhà mình mới chết chứ. Rút kinh nghiệm của hai lần trở về trước, lần này tôi nhắm mắt. Nhắm mắt của cá bông không phải là nhắm mắt thường bằng nhựa. Nhựa vẫn mở. Nhắm là đóng hết các suy nghĩ lại, nhìn mà như không nhìn, không nhìn mà như nhìn. Lạ thế, tôi thấy mẹ rồi. Mẹ ngồi trong góc nhà kia, bà ôm bóng mình. Cái bóng của bà cũng nhợt nhạt, ẻo ớt, chẳng được như một cái bóng bình thường đầy đủ sắc diện, đen sẫm đen vàng. Bà vuốt ve cái bóng của mình như vuốt ve người tình. Bà sợ nó biến mất bỏ bà lại một mình. Mà đúng, nó đang biến mất rồi kia, từ chân dần lên. Đột ngột, tất cả tan hết, mẹ ôm một hư không. Ba keo mèo mở mắt, tôi lại lao ra ngoài tức tưởi. Hình như khóc nữa. Một con cá bông khóc là một con cá bông yếu mềm. Tôi phải mạnh mẽ lên. Muốn đi nhưng thị trấn giữ chân tôi lại. Tôi đến chỗ ngày xưa vẫn hay ra chơi. Sân khu tập thể cũ của công nhân giờ bỏ hoang, lớp xi măng trên mặt tróc lên từng mảng lớn, cỏ từ các kẽ vươn ra, mọc lút người. Cá bông bay trên cỏ, là là là là, tà tà tà tà. Dưới lớp cỏ là dế, gián đất, cóc, giun. Chúng nhìn thấy tôi, đúng, chúng gọi nhưng tôi không xuống. Tôi sợ chúng lừa. Tôi bay lên cao hơn, ánh nhìn của các con vật vẫn cắt theo. Ánh nhìn của cái bóng mẹ ôm khi tôi vào nhà cũng thế. Cái bóng nhận ra tôi, nhưng cái bóng theo luật mơ không thể nói. Tôi đã bỏ mẹ cùng cái bóng của mẹ mà đi. Nhưng đi thế nào cũng không thoát khỏi thị trấn. Chuyến hành trình này tôi tự chọn riêng cho mình khi tách khỏi những con cá bông khác không than thở. Cá bông khác cũng có chuyến đi của riêng mình. “Vớ vẩn, có muốn là cá bông nữa không?” “Phi đi… phi đi… tắt bây giờ…” Phía trước có tiếng nói cùng những quầng sáng nhá lên hạ xuống. Tôi lao đến, mấy đứa trẻ con đang nhét diêm vào máy bay giấy, đốt, phi lên trời. Lửa trời màu xanh, lửa bọn trẻ con màu vàng, lóe lên tắt ngay. Ngày đằng đẵng, nắng rồi mưa, lửa tìm vật bắt lửa. Tìm tỉm tìm tim. Tìm tỉm tìm tim. Máy bay vút lên hạ xuống, gấp, đốt, phi lên. Trời cao xanh xao. Cá bông nhanh chân không là chết cháy. Máy bay đuổi sát sạt đằng sau. Máy bay không hạ xuống đất nữa mà đuổi theo cá bông. Chỉ một sơ sẩy mãi mãi là một con cá bông chết cháy. Hoa nở ngày mở. Mẹ đi tìm cá bông. Nhưng tìm ở đâu bây giờ. Cá bông bị lửa đuổi chạy trối chết khỏi thị trấn rồi mẹ ơi. Nếu sống được con sẽ về tìm mẹ. Con dẫn mẹ đi tìm thuốc trường sinh. Hai mẹ con ta uống vào để nhìn cả thị trấn chết đi mà ta vẫn sống. Cây cỏ chết, người ngợm chết, nhà cửa chết mà mẹ con mình vẫn thở. Thở để nhớ quên, quên nhớ, thích nhớ cái gì thì nhớ, quên cái gì thì quên. Mẹ có từng nhớ con đã bảo mẹ gì không, chắc không, con đi rồi nhất định sẽ về. Cá bông đi cá bông sẽ về. Hứa là hứa, nhất định thế. Như mơ là mơ mà không phải mơ. Lửa đằng sau, nắng đằng trước, mẹ ở đâu. Cá bông bay lên cao mãi, cao mãi, lẫn vào sương vào mây. Rồi đột ngột không còn là cá bông nữa. Đầu, thân, đuôi thành đầu, thân, chân người. Người không thể bay, người rơi từ chín tầng mây xuống chín tầng biển mặn. Lửa, nắng với người không còn đáng sợ. Sợ này chuyển sang sợ kia. Độ cao hãi hùng khủng khiếp. Cứ thế rơi tự do. Cá bông, người giấy. Sợ mãi cũng thành không sợ. Rơi thế nhanh lắm, chạm nước là xong. Chạm nước chết không? Để tính cứ rơi. Vừa rơi vừa tính. Vừa tính vừa rơi. Chưa tính xong đã giật mình tỉnh giấc…

d.

Thêm một ngày nắng rộm da nữa. Mấy ngày đầu đi có người tranh thủ nhảy xuống biển tắm rồi lần theo dây neo nhờ người trên tàu kéo lên. Da bám muối không có nước tráng rộp từng mảng tướng đỏ hực như lợn quay sắp chín. Chẳng còn cách nào khác dùng chính mồ hôi lau nước biển. Vệt trắng của muối loang lổ vằn vện nhạt dần. Ngày tháng năm chúng tôi ở trên con thuyền kéo thêm về vô tận. Chiều tối qua có chiếc tàu vẹt ngang đường chân trời lúc váng mỡ gà nhạt dần. Thằng Nam vội vàng cởi áo trèo lên khoang huơ huơ gây chú ý. Con tàu vẫn chầm chậm rúc còi lăn qua tầm mắt. Cuống cuồng, nó nhảy xuống tìm chai dầu hỏa đổ ra thẫm áo ba lỗ màu cháo lòng, quấn vào mái chèo lao lên lần nữa bật lửa châm. Khói đen kịt ngún khét lẹt con thuyền nhỏ. Hai mươi đôi mắt dõi lên phấp phỏng hi vọng. Lửa tàn dần, con tàu chỉ còn chấm nhỏ lẫn ập òa vào đêm. Bữa nay cháo mỗi người chỉ còn một thìa con, múc từ nồi lõng bõng nhìn kĩ lắm mới thấy vài ba hạt gạo. Chẳng ai còn sức than vãn, chửi rủa, khóc lóc cầu xin nữa. Thằng Nam tài công qua nay khác với hôm bị dọa, nghênh ngang đi lại, uống rượu say nôn thốc nôn tháo nằm lăn ngủ ở mũi thuyền. Từ địa ngục cái đói đoàn người rơi thẳng xuống địa ngục tuyệt vọng. Con tàu đi ngang lúc chiều là vết chém ngang lưng kết liễu hai mươi mốt sinh mạng quê rải rác ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Hưng, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh... Đêm nay là đêm dài nhất trong các đêm trên thuyền, chẳng ai ngủ được, mắt chong chong quay ngược quay xuôi. Mùi tanh của các bãi nôn cũ mới chồng nhau quện sánh mùi mồ hôi lưu cữu lờm lợm gây gây. Không chịu được tôi ra ngồi xuống cạnh buồm châm lửa hút thuốc. Sao trên trời bốn phía giăng mắc rình rập bủa vây. Thuốc chỉ còn ba điếu, tính từ ngày đi hôm nay chắc rơi vào 24, 25 tháng 8 năm 1988. Thời gian trên biển là thứ thời gian nguyên thủy, chia ra làm hai vùng đêm/ ngày, không có khái niệm sáng trưa chiều gì. Đêm/ ngày nối nhau ghim chặt hoạt động trông ngóng của mấy chục con người trong khoảng không gian lềnh bềnh hạn hẹp. Họ bị muối chung với nhau theo đúng nghĩa đen, muối như muối cá, muối khi còn đang thoi thóp thở. Tôi lại nhớ giấc mơ về cá bông, về mẹ, về việc lễ lạt thắp hương khu mộ thuyền nhân nằm ở chân đồi Rủ buổi sáng ngày đi. Có lợn quay, gà luộc, hoa cúc vàng, hai nải chuối, mấy gói kẹo lạc, tút thuốc lá Trường Sơn bao đỏ, bảy hình nhân nam, chín hình nhân nữ, lạ nhất có con thuyền giấy trắng vẽ các ô cửa đen xung quanh to bằng đôi cái bàn uống nước. Anh em thằng Nam cúng xong, đợi hết hương chất mười sáu hình nhân nam nữ lên thuyền – mũi thuyền hướng về mặt biển đục ngầu vì lẫn phù sa cửa sông đổ ra – châm lửa đốt từ hai đầu đốt lại. Đoàn người vái lấy vái để. Tôi cũng vái, để nhìn mắt hình nhân. Những con mắt đen quặn lên đau đớn trong lửa đỏ. Môi tuồng mấp máy nói điều gì đó càng cố lắng nghe càng mất. Gió từ đỉnh đồi túa xuống quạt thốc đám hình nhân cháy dở bay đi tứ tán. Con thuyền chưa cháy hết cốt tre dịch đi đôi chút vướng bụi sim nằm lại. Nhìn lên, hình nhân nữ vướng cành phi lao đang bị lửa nhẩn nha liếm nốt khuôn mặt. Cái chậm rãi kì lạ huyền hoặc trong gió lốc. Hai mươi mấy nấm mộ vô chủ không bia lòe nhòe. Tiếng cười nói láo nháo ầm ào đan ngoặc lấy nhau. Những đốm lửa vương vất đây đó tan loãng nhòa đi trong mắt. Người gai gai, vội vã tôi đi nhanh về phía biển vục nước lên mặt. Văng vẳng phía sau nghe tiếng ai đó the thé hét lên: “Ối giờ đất ơi cứu tôi…” Sau tôi nghe bảo sáng ấy có người bị vong nhập, dỗ dành dọa nạt mãi đến quá chiều mới đi. Giờ trên biển thế này tôi thèm có ai đó nhập vào để nói với đám người vạ vật trong kia vùng biển này ở đâu, thuộc hải phận quốc tế hay quốc gia nào. Tốt hơn nữa chỉ hướng cho chúng tôi đi, mù mờ cũng được, không đến đích cũng được, để có chết cũng chết trong một định hướng cụ thể.

e.

Ngày tháng năm, con thuyền của chúng tôi vẫn trôi trên mặt biển. Chúng tôi không có cơ hội đến được Hồng Kông như đã định, không đến được trại Shek Kong như thuyền của Học – anh trai thằng Nam – đi sau mấy ngày. Ở Shek Kong thuyền anh nó, gồm mười bảy người được chụp chung nhau một bức ảnh đen trắng cỡ 12 x 18, được phát một chiếc lều bạt quân đội muốn dựng đâu thì dựng, ven biển hay lưng núi đỉnh núi tùy. Ngày một lần nghe loa ở văn phòng cầm ảnh thay thẻ, gọi thêm người đi lấy đồ ăn. Tiêu chuẩn trong ngày của mỗi người có một hộp sữa đặc, một hộp đậu Hà Lan, một hộp cá, một gói bánh bích quy, một quả cam tráng miệng, không có cơm. Thuyền đến thứ 427 trong năm lên được đánh số Vrd 427/ 88. Buồn thay, sau đó anh nó cùng đoàn người mười bảy người bị buộc phải hồi hương theo quyết định của chính quyền Hồng Kông – ai đến mảnh đất này trước 0 giờ ngày 16 tháng 6 năm 1988 mới được coi là tị nạn chính trị, ở trong trại tự do chờ ngày đi nước thứ ba. Ai đến sau bị coi nhập cảnh bất hợp pháp, giam giữ trao trả. Có một ủy ban thẩm vấn lập ra nhưng anh thằng Nam không qua được vòng phỏng vấn. Anh nó về Hải Phòng, nhận tiền hồi hương tự nguyện, lấy hết vàng chôn trong ngôi mộ ở chân đồi Rủ đóng thuyền tìm em trai. Biển cả mênh mông vô tận. Chuyến đi nào cũng bắt đầu và kết thúc ở Đồ Sơn. Anh nó ba mươi, bốn mươi, rồi chớm sáu mươi không vợ con, nhà cửa, năm vẫn vài chuyến ra khơi. Hối hận vì đã cho nó làm tài công chuyến ấy, nếu không, người không về là anh nó chứ không phải nó. Ngày tháng năm, lúc anh nó đã yếu vì bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, giong thuyền đi tính chết trên biển thì đến được nơi em mình gặp nạn. Nói chính xác hơn vớt được những trang nhật kí tôi viết đây, trong chai dầu rỗng hàn chặt, chai dầu mà thằng Nam đổ hết vào áo đốt phát tín hiệu cầu cứu. Còn thuyền chúng tôi trôi ra khỏi khu vực ấy lâu rồi, mấy chục năm ròng rã biền biệt cơ mà. Tôi cũng không viết nhật kí nữa bởi biết ở thị trấn mẹ đã chết. Người ta chôn mẹ cạnh mộ bố. Chỉ khác bố ở ngoài hàng rào thép gai còn mẹ ở trong, giữa họ giờ là những bông hoa xuyến chi cánh trắng nhị vàng. Thị trấn sau khi tôi đi vài năm cũng lên thị xã, mở rộng xây thêm nhiều nhà cao tầng, đường xá khang trang. Chỉ còn những con cá bông là vẫn bay lượn từ vùng biển này sang vùng biển khác. Chúng không già hơn, chết đi, chúng tồn tại đúng với hình dạng lúc tự động tìm đến tôi, trong mơ, ở ngày tháng năm nào đó…

Nguồn Văn nghệ số 16/2022

Văn nghệ, số 16/2022
Mưa núi Ba Vì - Thơ Lê Thành Nghị

Mưa núi Ba Vì - Thơ Lê Thành Nghị

Baovannghe.vn- Bao năm về lại nhà trên núi/ Nghe lá rừng cây rụng ngoài hiên
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản: Sửa để có chính sách và cơ chế phù hợp

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản: Sửa để có chính sách và cơ chế phù hợp

Baovannghe.vn - Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản nhằm xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động hiệu quả
Ghé sông - Thơ Nguyễn Thu Hà SG

Ghé sông - Thơ Nguyễn Thu Hà SG

Baovannghe.vn- Bờ quanh co với lở bồi/ Phù sa lặng lẽ uốn trôi xuôi dòng
Họa sĩ Nguyễn Quốc Hùng và mạch ngầm văn hóa Thủ đô

Họa sĩ Nguyễn Quốc Hùng và mạch ngầm văn hóa Thủ đô

Baovannghe.vn - Nguyễn Quốc Hùng là người hiền lành, ít nói nhưng cởi mở; ẩn dật nhưng luôn bày tỏ. Tính cách này biểu hiện rõ trong nghệ thuật của anh. Tài năng và lao động khiến những tên tuổi cho dù ẩn mình ở bất cứ mạch ngầm nào rồi cũng sẽ được biết đến...
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: "Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ"

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: "Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ"

Baovannghe.vn - Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thường được bạn đọc biết đến với những sáng tác về đề tài chiến tranh và quê hương. Tuy nhiên, nếu tiếp cận thêm ở mảng thơ thiếu nhi, sẽ thấy được trọn vẹn hơn chân dung nhà thơ.