... Mỗi khi có dịp về thăm làng quê Mai xá, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, tôi không khỏi bâng khuâng suy nghĩ về những con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Báo chí, truyền thanh, truyền hình từ lâu nói nhiều về "Bà mẹ Gio Linh", về các anh hùng dũng sĩ, về các nhà cách mạng kiên cường trong hai cuộc chiến, về số lượng khá lớn những người có học hàm học vị cao hiện nay, về các nhà khà khoa học, các doanh nhân thành đạt gốc Mai xá trong và ngoài nước. Nhưng phía sau ánh hào quang đó thấp thoáng trong quá khứ những con người có cuộc sống độc đáo, không giống ai, hiếm thấy trên đời, "một đi không trở lại". Đó là trường hợp của nhà giáo Trương Quang Phiên (dân làng quen gọi là ông Trợ Phiên), ông Bùi Thản (thông Thản), ông Trương Công Hy (thông Hy), chàng lãng tử Trương Công Ngoãn và cuối cùng là ca sĩ Tân Nhân nổi danh một thờì.
Ông Trợ Phiên là một nhà giáo có năng khiếu sư phạm đặc biệt. Tiên Việt học hiệu của ông là một lò luyện người về kiến thức, chí hướng, kỹ năng nghệ thuật. Ngoài giờ học, học sinh tập luyện diễn kịch với đủ các loaị hình: cải lương, hát bội, kịch nói. Học sinh còn tập diễn thuyết trong câu lạc bộ sinh hoạt hàng tháng và chơi thể thao những buổi chiều đẹp trời trên cái gò đồi lộng gió dọc sông. Dấu ấn của thầy Phiên sâu đậm đến nỗi học trò cũ của ông đến tuổi xưa nay hiếm vãn còn nhớ và có thể đọc thuộc vanh vách những bài học về toán, lịch sử, khoa học, thơ văn Pháp, thơ nôm, thơ chữ Hán được ông Trợ Phiên giảng dạy từ những năm ba mươi của thế kỉ trước. Thật khó hình dung là vào những năm tháng xa xưa đó, ông Trợ Phiên đã có một thư viện đầy đủ các loại sách kể cả những sách cấm. Ông còn đặt mua đủ các loại báo và tạp chí xuất bản ở Hà nội, Sài Gòn và Huế. Chính phòng sách ấy, cả sách công khai lẫn sách cấm (Đề Thám, Cao Thắng, Bãi sậy....) đã góp phần tạo nên nhân cách của ca sĩ Tân Nhân mà ta sẽ xem xét về sau.
Ông Phiên có người em rể họ Bùi, đó là ông Bùi Thản. Sau khi học xong tiểu học, ông Thản rời bỏ quê nhà, ruộng đồng vào Sài Gòn làm kế toán cho hãng tân dược Võ văn Vân. Tính liêm khiết của ông được người ta nói đến như một huyền thoại. Cuối năm 1945 ông được giao việc đi thu tiền các đại lí của hãng ở các tỉnh miền Trung. Vừa thu xong tiền thì cuộc kháng chiến ở Nam bộ bùng nổ chống lại mưu đồ tái chiếm thuộc địa của thực dân. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, lan ra cả các tỉnh phía Nam. Nhiều người khuyên ông Thản nên chạy về Quảng Trị quê nhà, vừa trách giặc vừa có tiền sinh sống đàng hoàng. Trở lại Sài Gòn lúc đó quá hiểm nguy, một phần do chiến tranh, một phần vì đường xá ách tắc, đường sắt đường bộ đều ngừng hoạt động. Ông Thản cám ơn lòng tốt của mọi người nhưng vẫn kiên trì thực hiện đầy đủ nhiệm vụ mà hãng giao phó. Trong một thời gian khá dài, ông đi ngược dòng về Sài Gòn bất chấp nguy hiểm, tìm đến chủ hãng đang lánh nạn ở Thủ Dầu Một, giao trả tiền, từ chối tiền thưởng, chỉ nhận tiền lương rồi tìm đường về Mai xá. Trong thời gian làm việc cho hãng Võ văn Vân, ông Bùi Thản cùng với các ông Trương Quang Phỉ, Trương Quang Đống mở hiệu sách Mai Quang ở Sài Gòn. Khi nổ ra chiến tranh, ông Thản và ông Phỉ về quê, ông Đống ở lại coi sóc cửa hàng cho đến giữa những năm 60 của thế kỷ trước thì đóng cửa hàng mà chuyển qua ngành xuất bản.
Một người em rể khác của ông Phiên là ông Trương công Hy (dân làng quen gọi là thông Hy). Ông Hy, cha của ca sỹ Tân Nhân, là người quyết tâm thoát khỏi cảnh đồng quê cực khổ, tìm kiếm các cách làm giàu, tìm cách vươn lên tầng lớp thượng lưu. Học xong tiểu học, ông đi vào ngành lục lộ và đưa vợ con sang Lào làm ăn. Tân Nhân được cha cho đi học tiểu học trong một trường của Pháp dành cho con em giới thượng lưu Lào và Pháp. Ông Hy coi việc học của con là một sự đầu tư quan trọng, vì thế ông đôn đốc Tân Nhân miệt mài học tập khiến bà Hy lo lắng cho sức khỏe của con. Sau mấy năm làm ăn ở Lào, tích lũy được ít nhiều vốn liếng, ông Hy về nước lao vào ngành giao thông vận tải ở Huế, mua sắm xe tải , xe khách chạy liên tỉnh. Vào thời gian đó Tân Nhân học xong tiểu học và được cha gửi vào nội trú trương nữ trung học Đồng khánh ở Huế. Ước vọng của ông Hy là con mình ngày ngày tiếp xúc với tầng lớp quyền quý, chơi với cả các công chúa của vua Bảo Đại, được hoàng hậu Nam Phương quan tâm sẽ đàng hoàng đứng vào hàng ngũ thượng lưu. Ông Hy lập ra công ty "Trương công huynh đệ" (tiếng Pháp là Trương công frères) lôi cuốn mấy người em ruột vào việc kinh doanh. Ông sẵn sàng giúp đỡ bà con trong làng về công ăn việc làm. Gia đình ông trong hai cuộc chiến đã cưu mang nhiều trai trẻ trong làng, giúp học có nơi ăn ở, học hành. Vào những ngày đầu của chính quyền cách mạng, ông Hy được giao trách nhiệm xây dựng tài chính, kiến thiết thôn làng. Ông đã bắt tay đo đạc đường xá, lên kế hoạch sản xuất nguyên vật liệu xây dựng. Nhưng rồi chiến tranh lan đến Quảng Trị và mọi việc phải bỏ dở.
Tân Nhân có một ông bác họ tên là Trương công Ngoãn. Đó là một nhà thông thái trẻ, dầu chưa hoàn tất bậc thành chung (phổ thông cơ sở hiện nay). Ngoài kiến thức rộng về mọi lĩnh vực văn chương , lịch sử, địa lí, khoa học Ngoãn hiểu biết nhiều về âm nhạc và hội họa. Ngoãn có tài dàn dựng những vở kịch, những dàn đồng ca. Vì vậy mà Ngoãn như một thỏi nam châm thu hút thanh thiếu niên trong làng. Ngoãn có một mối tình tuyệt vọng chẳng khác là bao với mối tình của chàng Werther trong tác phẩm của Goeth. Đời Ngoãn về sau cũng kết thúc bi thương như Werther. Tân Nhân không gần gũi nhiều với ông bác ấy nhưng những hiểu biết đầu tiên về lý thuyết âm nhạc đều do ông Ngoãn chỉ bảo. Một chàng Werther ở làng Mai xá, kề ra thì thật khó hình dung.
Tân Nhân sinh ra và lớn lên trong môi trường như vậy: dầu ở làng quê hẻo lánh nhưng bên cạnh là một người cha ham kinh doanh và muốn con cái thâm nhập vào giới thượng lưu, một người cậu có văn hóa cao và có chí hướng cách mang, một ông bác họ lãng mạn như chàng Werther. Những năm học tiểu học ở Vientiane trong một trường Tây đã giúp Tân Nhân thoát khỏi cái ẻo lả yếu đuối của các tiểu thư thời đó: Tân Nhân biết chơi thể thao, bơi lội, sống qua đêm bên cạnh đống lửa trại trong rừng, thậm chí biết đánh nhau với con trai nữa. Những ngày đầu khi từ Lào trở về quê, một số trai làng tưởng cô tiểu thư này yếu đuối nên bày trò trêu ghẹo. Bọn chúng ngơ ngác thấy Tân Nhân xắn tay áo lên, thách đứa nào to gan thì đánh nhau chơi. Thấy Tân Nhân có vẻ "cao thủ" như vậy bọn chúng không ai bảo ai nhất loạt tháo chạy. Sau vụ đó, Tân Nhân không những là thần tượng của đám con gái mà cả con trai nữa. Còn trong gia đình thì khỏi nói. Đám em út của Tân Nhân nhất mực nghe lời chị, hạnh phúc thay đứa nào ngoan được chị cho ngủ cùng giường.
Cuộc sống của Tân Nhân trong khu nội trú trường Đồng Khánh hết sức đa dạng, đầy nghịch lý. Văn hóa Pháp đem lại cho cô nữ sinh xinh đẹp này hai cảm xúc. Cô dễ dàng chảy nươc mắt khi cùng bạn đọc Grazielle của Lamartine hay Cánh cửa hẹp của Gide. Nhưng cô thấy lòng rạo rực khi nghiền ngẫm những câu thơ của Alfred de Vigny:
Thở than, khóc lóc, cầu xin đều là hèn yếu
Hãy làm tốt nhiệm vụ nặng nề và lâu dài của bạn
Theo đúng như số phận đã dành cho bạn.....
hay của P. Corneille:
Nhưng với những tâm hồn cao đẹp
Giá trị con người không phụ thuộc tháng năm...
Ban ngày, Tân Nhân chuyện trò vui vẻ, cùng ca hát với công chúa Phương Mai hay Phương Dung, có khi được hoàng hậu Nam Phương mời về dinh trò chuyện. Ban đêm, Tân Nhân cùng một số "đồng chí" lẻn ra sân sau luyện tãp đấu kiếm rồi bàn bạc chuyện quốc gia đại sự. Tân Nhân chưa liên lạc được với tổ chức cách mạng nào nên cùng bạn lập ra đảng "Sơn Hà" và giữ chức "đảng trưởng", cô bạn Lệ Chi làm "đảng phó", cô Tịnh Nhân làm ủy viên thư ký. Đảng Sơn Hà có lần vạch kế hoạch ám sát Sogny, chánh mật thám Trung kỳ. Thật là tự nhiên khi cách mạng thành công ở Huế, Tân Nhân luôn đi đầu trong đội ngũ học sinh trong các cuộc biểu tình, mít tinh, diễu hành qua các đường phố. Và khi Pháp tái chiếm Huế, Tân Nhân cùng một số bạn hoạt động bí mật cho lực lượng kháng chiến. Tổ chức bí mật bị phát hiện, người ta đưa Tân Nhân tạm lánh lên vùng tiền chiến khu, tại lăng Gia Long. Trong khi chờ phân công trách nhiệm mới ở vùng kháng chiến, Tân Nhân được các vị lãnh đạo kháng chiến tỉnh thăm hỏi và biết được cô là cháu gái ông Trợ Phiên, hiện là chủ tịch tỉnh Quảng Trị. Lập tức họ liên lạc với ông Phiên và hỏi ý kiến ông về tương lai của đứa cháu. Nghe tin Tân Nhân lên chiến khu Thừa thiên, ông Trợ Phiên vừa vui mừng vừa lo lắng. Ông cảm thấy do ảnh hưởng của chí hướng ông mà đứa cháu "lá ngọc cành vàng" lao vào cuộc phiêu lưu đầy khó khăn gian khổ này. Làm sao để Tân Nhân được an toàn, không chỉ đó là đứa cháu con người em mà ông yêu quí nhất đời, mà đây là một nữ sinh xinh đẹp, hát hay, có tiếng tăm trong đám thanh niên học sinh Huế, kể cả chính giới và văn nghệ sỹ. Ông âm thầm thấy đây là nhiệm vụ khá nặng nề, bên cạnh nhiệm vụ cách mạng vô cùng phức tạp mà ông đang gánh vác. Theo ông, Tân Nhân chưa đến tuổi vào bộ đội cũng như làm nhiệm vụ gì khác ở ciến khu. Cần phải cho Tân Nhân học hết bậc thành chung, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật chu đáo để thành người hữu ích cho cách mạng về sau. Ông cho người liên lạc với Thừa thiên , nói rõ yêu cầu đó và được tán thành ngay. Theo người liên lạc, Tân Nhân đến căn cứ của lãnh đạo Quảng Trị găp cậu Phiên. Hai cậu cháu gặp nhau vui mừng khôn xiết nhưng được vài ngày Tân Nhân lên cơn sốt rét, mê man bất tỉnh. Cả cơ quan đầu não của tỉnh xúm vào săn sóc cô gái yếu đuối nghe đâu có hoạt động nội thành tiếng tăm lừng lẫy. Ai cũng cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ cô cháu ông Chủ tịch. Tuổi trẻ đã giúp Tân Nhân hết bệnh sau một tuần lễ. Một buổi sáng ông Trợ Phiên cho gọi Nguyễn Khắc Thứ (sau này là nhà văn quân đội), cháu trai con người chị đầu của ông, bạn con dì của Tân Nhân, hiện làm ở ban Di cư tản cư của tỉnh. Ông Phiên giao cho Thứ nhiệm vụ trọng yếu đưa Tân Nhân ra vùng tự do Nghệ Tĩnh, giao cho Thứ một số tiền, giấy tờ và một khẩu súng ngắn. Thế là Tân Nhân trở lại đời học sinh với các thầy cô đã từng dạy học ở Huế trong các trường Khải Định, Việt Anh đang tản cư đến Nghệ Tĩnh. Học xong bậc thành chung, vào cuối năm 1950, Tân Nhân về Châu Phong (Hà Tĩnh) học tiếp trung học chuyên khoa ở trường Huỳnh Thúc Kháng. Học chưa được bao lâu thì có phong trào tòng quân rầm rộ, bạn bè Tân Nhân đều "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Chưa kịp hỏi ý kiến cậu Phiên, Tân Nhân xung vào đoàn văn công quân đội Bình Trị Thiên và băng rừng vào phục vụ chiến đấu tại chiến trường ác liệt này. Trong một chiến dịch càn quét qui mô lớn của Pháp, đơn vị của Tân Nhân tản mác thoát vòng vây chạy vào rừng chịu đói khát nhiều ngày trước khi tìm được nơi đóng quân an toàn ở chiến khu. Một lần nữa cậu Phiên can thiệp đưa Tân Nhân ra khỏi quân đội, trở về tiếp tục học ở trường Huỳnh Thúc kháng, lúc này chuyển ra vùng Bạch Ngọc ở Nghệ An. Lần này, tại môi trường học vấn êm đềm Tân Nhân bước vào cuộc thử thách lớn trong đời: tình yêu. Từ trước dầu là một cô gái cực kỳ xinh đẹp và duyên dáng sống gần gũi những chàng trai thanh tú, quả tim Tân Nhân chưa hề rung động trước một lời tỏ tình nào. Lúc nào Tân Nhân cũng vô tư lự, không hề có phút giây thẫn thờ vì ai đó. Tân Nhân chỉ nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ bà ngoại, nhớ các em nhỏ, nhớ người cậu nghiêm khắc nhưng hào hiệp. Nỗi nhớ dày vò những đêm mất ngủ, sáng dậy thấy mặt ướt đẫm nước mắt. Thế rồi trên đường trở lại trương sau những tháng ngày khói lửa, trên một chuyến đò dọc Tân Nhân găp một người bạn cũ. Người bạn kể cho Tân Nhân nghe bạn bè bàng hoàng đau xót như thế nào khi nghe tin đồn Tân Nhân đã chết trong một trận càn của giặc ở gần phá Tam Giang. Có một anh học trò lớp trên đã sáng tác một khúc nhạc khóc thương Tân Nhân có tên là Mùa xuân đã chết trong lòng tôi. Chàng trai ấy còn không ăn không ngủ, ngày đêm hương khói trước tấm hình Tân Nhân nhỏ xíu. Thoạt đầu Tân Nhân cười rũ rượi, chế nhạo kẻ si tình kia nhưng khi nghe người bạn hát lên bài tình ca, Tân Nhân thấy người bàng hoàng xao xuyến. Thì ra âm nhạc quả là một công cụ tuyệt vời để chinh phục lòng người. Rồi Tân Nhân và tác giả bài tình ca gặp nhau và sống trong tình yêu nồng thắm mà không hề nghĩ đến hậu quả nào…
Bỗng một hôm Tân Nhân phát hiện mình có thai đã hai ba tháng. Cặp tình nhân hốt hoảng bàn cách đối phó với tình huống hiểm nguy. Một mặt, việc sinh đẻ đòi hỏi phải có nguồn tài chính dồi dào và nơi ở ổn định. Về tài chính, người tình của Tân Nhân cho rằng chỉ có cách về gặp gia đình trong vùng Pháp chiếm đóng để xin trợ giúp. Cách này có phần phiêu lưu mạo hiểm nhưng không phải không có cơ hội thành công. Mặt khác, nhờ một người bạn gái trung thành về chiến khu Quảng Trị gặp cậu Phiên bày tỏ sự tình, xin ông tha thứ mọi điều bất hạnh. Sau một tuần bàn đi tính lại, chàng trai lên đường về quê và không hiểu sao không có ngày trở lại mặc dầu Tân Nhân âm thầm chờ đợi trong suốt ba năm liền cho đến ngày chiến tranh Pháp-Việt kết thúc với việc đi lại tự do giữa hai miền Nam, Bắc trong vòng 300 ngày sau khi hiệp định được kí. Ông Trợ Phiên khi nghe xong lời giải bày của cô bạn Tân Nhân, lặng người đi một lúc, không có dấu hiệu gì giận dữ mà tỏ ra quyết tâm tìm cách giúp đứa cháu lâm nguy. Vừa may ông đang chuẩn bị cho một chuyến công tác ra vùng Nghệ Tĩnh. Đáng ra mười ngày nữa mới đi nhưng ông lên đường ngay cùng một cận vệ thân tín. Chân ướt chân ráo đến Nghệ Tĩnh, ông Phiên tìm ngay đến nhà một người em họ, bà Nghiên, hiên là cán bộ phụ nữ Hà Tĩnh. Ông giao bà Nghiên nhiệm vụ chăm sóc Tân Nhân những ngày sinh đẻ. Ông lại đi tìm người quen vay một số tiền giao lại cho bà Nghiên. Vì ai cũng quý mến ông Phiên nên những yêu cầu của ông được hưởng ứng ngay không chậm trễ. Sắp xếp xong đâu đấy ông lên đường thực hiện một chuyến công tác dài hạn. Ông không tìm gặp Tân Nhân trong dịp này, ngại rằng cô cháu lo sợ mà ảnh hưởng thai nhi, nhưng ông viết cho cháu một bức thư dài với văn phong Pháp, bức thư mà Tân Nhân giữ mãi về sau như một chiếc bùa hộ mệnh.
Thế là Tân Nhân về ở với bà Nghiên, một bà dì vui tính, chu đáo, thương cháu thật sự. Và Tân Nhân sinh cu Hoài, mẹ tròn con vuông. Thời gian trôi đi nhanh chóng, ông Phiên hoàn toàn yên tâm thấy cô cháu đủ nghị lực vượt khó khăn, nuôi con khôn lớn. Tân Nhân chăm chỉ nuôi con, không biết rằng trong thời điểm đó chiến tranh diễn ra ác liệt khắp các chiến trường và cuộc cải cách ruộng đất "long trời lở đất" đã lan tỏa khắp nông thôn Nghệ Tĩnh. Đêm đêm, tiếng ru con theo kiểu Trị Thiên vang lên ngọt ngào từ túp lều tranh xiêu vẹo:
Cầu chi cao bằng cầu danh vọng
Nghĩa chi trọng bằng nghĩa chồng con....
Thỉnh thoảng lại có lời ca khe khẽ nhưng bài ca tiền chiến như Đêm đông, Giọt mưa thu... hay những bài ca lãng mạn sáng tác "bên lề kháng chiến" như Dư âm, Sơn nữ ca, Nụ cười sơn cước, Tiếng đàn xưa... Lại có lúc không kiềm chế được Tân Nhân hát lên một bài ca Pháp kiểu sérénata hay Ma Normandie rồi giật mình im ngay. Có một bài ca tiếng Pháp mà Tân Nhân dám hát thật to, đó là bài Bucarest, thành phố yêu thương (Bucarest, ville aimée) được mang về từ Festival sinh viên và thanh niên thế giới năm 1952 ở Ru-ma-ni.
À Bucarest ville aimée
Les brumes se sont dissipées...
(Ở Bucarest thành phố yêu thương
Sương mù đã tan....)
Tân Nhân không biết rằng đêm đêm một đám đông dân làng, có già có trẻ, cả nam lẫn nữ, không ai bảo ai, đến ngồi quanh túp lều, trong bóng tối, say sưa nghe cô ca sỹ nghiệp dư ru con và ca hát. Rủi thay, việc đó không làm vừa lòng lớp cán bộ bần cố nông vừa mới được thăng tiến trong cuộc đấu tranh giai cấp. Họ cho rằng những lời ca mê ly của cô nàng tiểu tư sản kia sẽ làm dân chúng sao nhãng nhiệm vụ. Và Tân Nhân không tránh khỏi sư trừng phạt đích đáng: Cô ca sỹ tiểu tư sản Tân Nhân phải đi dân công gánh thóc từ Châu Phong đến Hương Khê cách nhau 20 km trong một tuần. Dì Nghiên lo lắng chưa biết tính cách nào giúp đứa cháu yế đuối nuôi con mọn thoát được vòng khổ ải thì trời xu đất khiến, một người bà con hiện đang học sư phạm ở Nghệ An, ông Trương Hữu Thảo ghé thăm. Ông Thảo nghe chuyện, không do dự một giây, xung phong đi dân công thay cho Tân Nhân và địa phương, sau một lúc làm khó dễ, đồng ý cho thay. Nếu không có ông Thảo không biết Tân Nhân sẽ xoay xở ra sao. ..
Ông Trợ Phiên, lúc đó đang ở chiến khu Việt Bắc, nghe thuật lại chuyện dân công, hoảng sợ đến toát mồ hôi. Ông tâm sự trong cuộc đời cách mạng, chưa bao giờ khiếp sợ như vậy. Sự an toàn của cô cháu cần phải được bảo vệ chu đáo hơn. Ông lập tức gửi thư khẩn cho những người thân tín ở Quảng Trị, nhờ họ tìm cách đưa mẹ ông và vợ ông ra ngay Hà Tĩnh. Ông Phiên vì tương lai cô cháu không nghĩ gì đến những hiểm nguy về chính trị trong không khí đấu tranh giai cấp cực kỳ căng thẳng. Phải bằng bất kỳ giá nào giải phóng cho Tân Nhân việc nuôi con để Tân Nhân trực tiếp tham gia kháng chiến, tìm cơ hội trau dồi nghệ thuật. Giữa năm 1953, Tân Nhân giao cháu Hoài cho bà ngoại và mợ Phiên chăm sóc, khăn gói lên đường gia nhập đoàn văn công trung ương do Nguyễn Văn Thương phụ trách.
Như cá gặp nước, Tân Nhân vẫy vùng tự do trong môi trường mới với những đồng nghiệp thân thiện, cởi mở. Tân Nhân ra sức luyện tập để chuẩn bị cho những đợt biểu diễn trong và ngoài nước. Đầu năm 1955, việc chờ đợi người tình cũ không còn tí hy vọng nào và theo lời khuyên của bạn bè, Tân Nhân kết hôn với Lê Khánh Căn, một học sinh Khải Định ngày trước, đã từng hoạt động với Tân Nhân trong phong trào học sinh ở Huế. Tân Nhân tha hồ hát những gì mình thích, nhưng chỉ trong nhà riêng với bạn bè gần gũi. Trào lưu âm nhạc lúc đó theo định hướng chính trị, hát hò phải theo đúng đường lối và có tính dân tộc. Nhạc tiền chiến, gọi là nhạc vàng, thuật ngữ đến từ Liên xô những năm 30, bị loại hẳn. Nhạc nước ngoài được phép sử dụng đến từ các nước xã hội chủ nghĩa. Hát theo kiểu dân tộc là hát "ngoài miệng", nghe lanh lảnh, giọng trầm, giọng cổ kiểu Tây phải tránh. Tân Nhân thấy mình mất thế mạnh được khen ngợi thời đi học: giọng trầm, âm vang đọng lại trong lòng người nghe. Tân Nhân bỏ nhiều công làm quen với quan họ, hát dặm v.v. Trong thời gian đầu ở Văn công trung ương, các chuyên gia trong nước, Trung Quốc, Triều tiên đều chủ trương xu hướng dân tộc, tránh giọng trầm, giọng cổ. May măn cho Tân Nhân là đợt tham dự Festival thanh niên quốc tế ở Helsinki, Phần lan cuối những năm 50 thế kỷ trước, đoàn của Việt Nam được các chuyên gia Đông Âu giúp huấn luyện. Trong quá trình huấn luyện, họ phát hiện thế mạnh giọng trầm âm vang đáng quý của Tân Nhân và khuyến khích Tân Nhân phát huy thế mạnh đó. Một điều đáng lưu ý nữa là Tân Nhân thuộc loại ca sỹ hiếm hoi "hát đúng", nghĩa là hát một bài trăm lần như một, không hề biến dạng, lên xuống, dài ngắn như nhau. Bây giờ Tân Nhân mới nhớ lại từ thời còn nhỏ, Tân Nhân đã không thích hát tùy tiện, tự ý thay đổi lời ca hay giai điệu. Dầu chưa có ý thức, cái "đúng" là điều thiêng liêng của cô ca sỹ bé nhỏ. Có thể nói Tân Nhân như một tảng băng có phần nổi và phần chìm. Phần nổi là những bài ca nổi tiếng một thời được mọi người ngưỡng mộ: Xa khơi, Câu hò bên bến Hiền lương, Ru con... Phần chìm là những khúc ca lãng mạn tiếng Việt, tiếng Pháp chỉ hát cho bạn bè gần gũi nghe, những ca khúc Pháp ngày xưa đậm dấu ấn Tino Rossi, Lá rụng kiểu Ive Montant hay Love story... Giá như Tân Nhân sống vào thời tiên tiến, hội nhập quốc tế thì giọng ca sẽ khuấy động lòng người không chỉ trên quê hương mình mà còn lan xa qua xứ người…
Khi đất nước thống nhất, gặp lại cha mẹ và các em trong nỗi vui khôn xiết. Tân Nhân dành nhiều thời gian chăm lo gia đình đang có nhiều khó khăn trong cuộc sống mới, lo cho con cái học hành thành đạt. Tân Nhân không mấy khi xuất hiện trên sóng phát thanh truyền hình. Vào ngày tình yêu 14 tháng 2 năm 2008, người ca sỹ tài hoa ấy đã từ giã cõi đời trong niềm thương nhớ vô hạn của bạn bè, người thân.
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2018