Diễn đàn lý luận

Chu Chí Thành - những điều may mắn khi là phóng viên chiến trường

Chi Anh
Chân dung văn học 11:30 | 24/04/2025
Baovannghe.vn - Vốn là sinh viên Văn khoa trường Đại học Tổng hợp, đang học năm thứ 3, ông cùng rất nhiều bạn bè trong lớp được tốt nghiệp sớm để đi phục vụ chiến trường miền Nam. Đó là năm 1966. Và bắt đầu từ đó, ông chính thức được cầm máy ảnh.
aa

Lúc bấy giờ tình hình miền Nam rất căng thẳng, và Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhu cầu thông tin về hình ảnh và tin tức ở ngoài Bắc cũng vô cùng quan trọng. Ông thuộc diện ở lại vào tổ ảnh chiến sự, chụp tất cả những sự kiện diễn biến của chiến tranh ở miền Bắc. Sang năm 1968, lần đầu tiên được cử chuyến đi công tác dài ngày đạp xe từ Hà Nội vào Vĩnh Linh 3 tháng cùng với ông Lương Nghĩa Dũng- phóng viên ảnh của phòng thông tấn quân sự, Tổng cục Chính trị. Ông kể lại: “Hồi đó, do phải đi công tác nên tôi được phân suất mua chiếc xe đạp với giá 360 đồng, trong khi đó lương tôi mới có 50 đồng”. Và với chiếc xe đạp đó, những bức ảnh thời sự đẹp đã ra đời.

Chu Chí Thành - những điều may mắn khi là phóng viên chiến trường
Phóng viên ảnh Chu Chí Thành, năm 1972. Ảnh TL

Ông nói, đời ông nhiều cái may. Khi đi công tác thì được đi cùng ông Lương Nghĩa Dũng. Ông bảo, có kể cả ngày cũng không hết chuyện với ông Dũng. “Ông ấy là bạn nhưng cũng là tấm gương để mình lao vào cuộc chiến một cách nhẹ nhàng, không thấy sợ hãi, không lo lắng. Trận đầu tiên của tôi là trận pháo cao xạ ở Cầu Cấm 37 dưới bắn lên và máy bay từ trên dội bom xuống, lúc đấy tôi thấy mấy ông lính cao xạ rất bình tĩnh, kiên gan quay mâm pháo và che tay trên mặt buổi trưa để hô lính bắn. Tôi vội lấy hòm gỗ đạn làm ghế để đứng lên chụp. Và được một cái “ảnh rung”. Thật ra rung có nhiều lí do, một là trận địa dữ dội, hai là mình cũng run. Tuy vậy rất phấn khích. Do không có kinh nghiệm nên không chụp được lửa tóe ra, vì tốc độ của lửa rất nhanh. Nói như nhà thơ Tố Hữu là trông ảnh của chúng ta thấy nguội lạnh, không có khói lửa đâu cả. “Ông Lương Nghĩa Dũng là người dũng cảm, là tấm gương động viên mình quyết tâm. Ông ấy luôn tìm việc nhẹ nhàng cho tôi làm. Tôi nhớ ông Dũng bảo tôi ở lại xã chụp ảnh dân quân du kích, tăng gia sản xuất, ví dụ như có cảnh nuôi vịt hay cấy cày bên cạnh hố bom. Còn ông ấy ra ngoài trận địa để trực chiến pháo cao xạ. Nhưng trưa hôm đó, máy bay B52 dội bom đúng làng tôi ở, và lần đầu tiên tôi được nếm trải thế nào là B52, nếu chưa biết bom đạn là gì và nó còn chưa đánh vào mình thì chưa sợ. Tôi nhớ mãi vì nó gây cho mình tâm lí rất nặng nề lúc đó. Dù hầm trú ẩn của tôi không bị bắn trực tiếp nhưng cũng vỡ một góc, tôi xốc và choáng váng vì sức ép nhưng sau thấy mùi dầu hỏa sực lên thì tôi tỉnh ra. Chuyến đó tôi gặp may. Bom vừa dứt, có tiếng ông Dũng gọi rất trịnh trọng: "Đồng chí Thành có làm sao không?" "Em không làm sao". "Ra ngoài!". Tôi lồm cồm cầm túi và máy ảnh ra, ông ấy ôm chầm lấy tôi: "Chú mày còn nguyên vẹn thế này tốt rồi. Thôi bây giờ đi chụp ảnh". Tôi còn đang ngớ ra không biết chụp cái gì. "Chụp khắc phục hậu quả".

Hay như chuyện trước khi ông Dũng ra Cồn Cỏ (ông ấy không cho ông Chu Chí Thành ra vì sợ nguy hiểm, bảo ở trong này chụp pháo cao xạ), ông Thành kể: ông ấy đưa hết cho tôi các giấy tờ, vì lo sợ nếu địch bắt được thì chỉ coi đó là dân đi đánh cá thôi. Ông ấy tặng tôi cuốn Điều lệ Đảng viên. Khi ấy tôi chưa phải là đảng viên, “Nếu không may anh có bị bắt chết ở ngoài biển thì đây cũng là kỉ niệm và chú phải cố gắng phấn đấu để trở thành đảng viên”. Tôi nhận mà rưng rưng và thấy thanh niên chỉ có con đường phấn đấu vào Đảng. Đơn giản vậy thôi. Nhưng không phải ai cũng chí tình với bạn bè đồng đội, lo lắng cho nhau và nhận phần khó khăn về mình, hi sinh vì người khác như những người lính mà cụ thể là tình cảm ông Dũng dành cho tôi.

Cái may mắn thứ hai ông Chu Chí Thành nhận mình có được chính vì ông là phóng viên chiến trường. Có những ngày tháng ở nơi vùng thiêng, nước sôi lửa bỏng, ông càng hiểu hơn để chụp một cái ảnh không phải dễ, phải lăn lộn hết mình. Hầu hết các sự kiện quan trọng trong những năm tháng ác liệt ở miền Bắc ông đều có mặt. Từ cảnh bệnh viện Bạch Mai, Khâm Thiên đổ nát, đến những hình ảnh trao trả tù binh bên dòng sông Thạch Hãn ông đều không thể quên. Ông kể, trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn là sự kiện trao trả tù binh lớn nhất của chiến tranh Việt Nam và kéo dài trong vòng ba tháng, mỗi lần cách nhau độ dăm bảy ngày. Ông bảo nhớ như in hình ảnh khi các chiến sĩ từ bờ về, họ vứt lại tất cả đồ dùng lại phía Sài Gòn chỉ mặc trong người cái quần đùi. “Tôi chụp được cảnh khi thuyền của phía Sài Gòn đưa tù binh ra giữa dòng sông, thì anh em đã nhảy tụt xuống sông vì sung sướng còn anh em từ bên này lao ra để đón họ. Rất cảm động, tình người tình đồng chí thật lạ lùng, những người không hề quen biết nhau mà gần gũi, ôm nhau và rơi nước mắt. Đó là nước mắt của ngày gặp mặt của những người xa lạ. Ông coi đó là sự lạ lùng mà nhà nhiếp ảnh may mắn chụp được. Đặc biệt ông gặp cảnh vợ chồng anh Nguyễn Minh San và chị Nguyễn Thị Hà, hai anh chị người Huế, tham gia cách mạng từ những năm 1960, là trung tá quân đội, tính đến năm 73 cả hai vợ chồng 13 năm chung sống trong một nhà tù, không gặp nhau và phía bên kia không biết. Có lần chị Hà nhìn thấy anh San ở nhà tù Quy Nhơn và còn nhìn thấy cảnh chúng lấy cưa sắt cưa chân anh, chỉ biết nén mà không được lộ ra vì sợ không an toàn. Hôm đó cả hai anh chị đều được trao trả và họ không hề biết chuyện này. “Tôi được cô Hà trong ban tiếp đón thông báo cả hai vợ chồng đều được thả. Nghe được chuyện đó tôi cứ bám sát cô Hà, và cuối cùng hai vợ chồng chiến sĩ trong tù bao nhiêu năm không gặp giờ trang lịch sử cuộc đời họ và lịch sử của nhiều người đã mở ra. Cô Hà khi gặp được chồng như người chết đứng không nói nên lời, tay cầm quai mũ tai bèo, còn anh San sướng quá, chống nạng đi vào, tay phải vỗ vào vai cô Hà hỏi: Hà, em có khỏe không? Ông Chu Chí Thành đã chụp được một bức ảnh duy nhất về câu chuyện ấm áp tình cảm đó. Lí do chỉ được duy nhất một bức ảnh, vì đi vào chiến trường ông được giao cho một đèn nhiếp ảnh duy nhất nhưng là pin khô, chứ không có ắc quy, và mang đi mấy thỏi nhưng chạy rất chậm, cứ tít tít vài giây đủ điện mới bấm được. Ông Thành còn cho biết ông Trần Mai Hường đi cùng, thấy chuyện hay quá với cái máy không đèn, dù biết bấm trong sự vô vọng nhưng ông vẫn cố bấm, đen cũng bấm. Đó là câu chuyện ông cho rằng không phải phóng viên chiến trường nào cũng may mắn được chứng kiến, tham dự và ám ảnh.

Chu Chí Thành - những điều may mắn khi là phóng viên chiến trường
Bức ảnh " Trao trả tù binh": Ảnh Chu Chí Thành

May mắn thứ ba cũng xuất phát từ một phóng viên chiến trường, nhưng ở phía bên kia. Đó là ông Patrick Chauvel nhân dịp sang thăm Việt Nam đã đến nhà riêng gặp ông. Khi Patrick Chauvel xem cuốn sách ảnh Ký ức chiến tranh, đến bức trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn ông lặng dừng và nói: năm ấy tôi cũng ở sông Thạch Hãn nhưng tôi chụp phía bờ nam. Sau đó ông tập hợp lại những bức ảnh của 4 tác giả là phóng viên ảnh miền Bắc Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Mai Nam và Hứa Kiểm để làm triển lãm tại Liên hoan quốc tế về ảnh báo chí "Visa pour l’image" ở Perpignan (Pháp). Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành nói, rất nhiều người ngạc nhiên, thứ nhất, tại sao máy móc chụp ảnh thô sơ nhưng các ông chụp rất đẹp, không khác gì máy móc tối tân của chúng tôi. Khác thứ hai là con người trong ảnh bình tĩnh lạc quan, không có chết chóc tang thương nhiều. Và khác nữa là có nhiều điều chúng tôi không biết thì bây giờ chúng tôi được biết, là ảnh của các ông có nhiều phụ nữ quá, phụ nữ tham gia tất cả mọi việc. Ông giải thích: Chiến tranh nam giới ra mặt trận đi vào phía nam ở phía bắc còn lại là phụ nữ lo toan cơm áo gạo tiền, cày cấy sản xuất, máy bay địch đến thì bắn, phi công địch đến thì bắt giải đi. Còn sự lạc quan là do chúng tôi có niềm tin sẽ thắng, dù nghèo khó, vũ khí thô sơ, và chính niềm tin đó đã đưa chúng tôi đến thắng lợi cuối cùng. Và ông chia sẻ rằng, qua triển lãm đấy mới thấy chiến tranh ám ảnh con người ta thế nào. Có người đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng máy bay gầm rít và tiếng bom đạn. Chính nhà nhiếp ảnh Don McCullin tâm sự rằng ông ấy cảm thấy có lỗi khi nổi danh nhờ những bức ảnh về chiến tranh mà phần lớn là sự hi sinh chết chóc của những người trong ảnh. Tôi cũng nói: Cảm ơn lòng nhân hậu của anh đã nghĩ về Việt Nam như vậy, nhưng chúng tôi thấy rằng do nhiệm vụ chụp sự thật, có những sự thật mà phía các ông chụp được trong khi chúng tôi không đến được, có những sự thật bên phía chúng tôi chụp được và các ông cũng không thấy. Giờ chúng ta gặp nhau để trưng bày sự thật của cả hai bên. Và chúng ta có cái nhìn tổng thể về chiến tranh Việt Nam và có thể có cái nhìn về một Việt Nam khác các ông, nhưng đó là sự thật.

Có thể nói chiến tranh đã đi qua lâu, rất lâu rồi nhưng những nỗi ám ảnh thì vẫn vẹn nguyên. Tôi hỏi nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành: Nỗi ám ảnh của ông là gì? Ông trả lời rất nhanh. Tôi luôn lo sợ rằng hạnh phúc của con người có được bảo toàn hay không. Chiến tranh không loại trừ bất cứ ai, dù đó là bên mình hay bên đối phương. Có lẽ thế mới có bức ảnh ông chụp người phi công Mỹ chết ở cánh đồng và bên cạnh đó là ảnh vợ và con anh ta mang theo. Hay bức ảnh ông chụp hai người lính một là lính giải phóng và hai là lính cộng hòa khoác vai nhau khi họ ở hai cái chốt hai bên ranh giới. Vì sao có cảnh này, là vì ở Quảng Trị quân của chúng ta bố phòng rất tốt và gần miền Bắc nên phía Sài Gòn không dám lấn chiếm như ở phía sâu bên trong. Thứ hai là bản thân những người lính bên kia họ cũng ngán chiến tranh rồi, nên hay sang thăm hỏi những người lính bên này, và với chủ trương hòa hợp dân tộc, cô du kích bắt tay anh lính Sài Gòn vui vẻ, sau đó anh lính Sài Gòn còn mong muốn chụp một bức ảnh với anh giải phóng làm kỉ niệm.

Có thể nói, được làm phóng viên chiến trường là hạnh phúc với nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, ông thường nói: Điều thú vị nhất của người cầm máy là may mắn được tiếp cận với thực tế sôi động của đất nước và mình trở thành người ghi sử bằng hình ảnh. Và đúng thật với những bức ảnh này, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành và rất nhiều phóng viên chiến trường lúc đó đã ghi lại chân thực nhất những sự kiện tiêu biểu cho một giai đoạn, đó là tài liệu lịch sử nhưng mang giá trị thẩm mĩ rất cao, mà không có phương tiện nào khác hay hơn nhiếp ảnh và điện ảnh. Sự thực ở đây thuyết phục bằng hình ảnh chứ không phải bằng suy diễn hay lập luận xa vời.

Một Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn đã qua, nhưng những con người làm nên những ngày tháng oai hùng ấy sẽ vẫn được nhắc nhớ, và những người ghi lại hình ảnh ấy như Chu Chí Thành thật đáng trân quý.

Văn nghệ số 19/2015

Đọc truyện: Giấc mơ đi lạc - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Loan

Đọc truyện: Giấc mơ đi lạc - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Loan

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Những vị thần trong vườn

Những vị thần trong vườn

Baovannghe.vn - Khu vườn nhà ngoại đón Thành bằng những cơn gió mát lồng lộng mùi lá cây. Hình như có mùi lá xoài non thoang thoảng chua. Mùi ổi chín thơm nhè nhẹ. Mùi những loài hoa dại không tên. Những mùi hương dìu dịu theo gió xua đi bực bội trong lòng Thành.
Em dâu - Thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan

Em dâu - Thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan

Baovannghe.vn- Nhớ ngày em về làm dâu/ Trăng tròn mười sáu lưng cầu gió đưa
Tiếng gọi ở Trường Sa - Thơ Hoài Khánh

Tiếng gọi ở Trường Sa - Thơ Hoài Khánh

Baovannghe.vn- Giọng hò kéo chài của năm mươi người con trai theo cha Lạc Long Quân/ Gọi ta về nơi cội nguồn xa thẳm
Nửa thế kỷ chuyển động của mỹ thuật Việt Nam

Nửa thế kỷ chuyển động của mỹ thuật Việt Nam

Baovannghe.vn - ..Sau nhiều năm chiến tranh, được sự quan tâm đầu tư bài bản, mỹ thuật về đề tài LLVT, chiến tranh cách mạng đã khởi sắc, song công bằng nhận xét thì vẫn chưa nhiều tác phẩm lớn thuyết phục, có sức lan tỏa mạnh mẽ.