Nhà văn Võ Bá Cường sinh năm 1940, tuổi Canh Thìn (chứng minh thư ghi sinh năm 1934). Quê sinh: làng Phương Đài, tổng Cát Hộ, phủ Đông Quan; nay là xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Nhà văn được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997.
|
Võ Bá Cường trước khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp từng trải qua nhiều nghề. Năm 1957 ông học ngành sư phạm, ra trường về dạy học ở huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh. Năm 1960 làm công tác văn hoá huyện đảo. Năm 1964 làm Trưởng phòng Thông tin văn hoá huyện đảo. Đến năm 1960, ông được điều về làm cán bộ văn hoá huyện, đến năm 1967 chuyển công tác sang Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Vân Đồn, năm 1971 được đề bạt làm Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện. Cũng trong năm 1971, Võ Bá Cường rời đất mỏ Quảng Ninh để trở về quê lúa công tác. Duyên do dẫn đến việc này là ông đã gặp ông Nguyễn Ngọc Trìu, lúc đó đang làm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đi công tác ra Quảng Ninh. Biết ông Cường có năng khiếu viết văn, ông Trìu mời ông Cường về quê hương để tham gia vận động thành lập Hội Văn nghệ Thái Bình. Có thể lấy mốc 1971 này tính làm điểm lưu dấu bước chân đầu tiên nhà văn chính thức dấn thân sang đường văn nghiệp.
Trải từ 1971 tới 2025 là 36 năm, cho kết quả bằng 28 tác phẩm thơ, văn xuôi của ông đã lần lượt được xuất bản. Thơ: Nỗi nhớ mùa thu (1989); Khi chúng mình yêu nhau (1990); Miền gió thức (1991); Trăng lại mọc (1993); Nỗi buồn con gái (1992); Dưới bóng tre xanh (1996); Hồn quê (2000); Khát gió (trường ca, 1999); Mấy ngọn cỏ non (2004).
Văn: Thừa kế (tập truyện, 2000); Phố phường cát bụi (tập truyện. 1996); Ở làng lắm chuyện (tiểu thuyết, 2001); Trở mặt (tiểu thuyết, 2002); Người đánh thức cánh đồng (tiểu thuyết); Chuyện tình ông cố vấn (ký); Bạn văn (ký); Mây trắng về đâu (bút ký); Chuyện tướng Độ (2 tập, tập 1 2007); Chảo lửa (truyện ký, 2011); Thời tôi sống (hồi ký, 2012); Người đeo lục lạc (truyện ký, 2013); Trung tướng Trần Độ (truyện ký, 2013); Tướng Bà (tiểu thuyết, 2014); Thượng tướng Lê Thế Tiệm (truyện ký, 2017); Cầu Bo qua phố (truyện ký, 2017); Gió Thượng Phùng (tiểu thuyết, 2018); Còn có ai người khóc Tố Như (tiểu thuyết, 2023); Cố Cư (tiểu thuyết, 2024).
Nhà văn đã đoạt được các giải: Giải C, tập Nỗi nhớ mùa thu, Giải thưởng văn học Lê Quý Đôn lần thứ nhất do UBND tỉnh Thái Bình trao (1986-1990); Giải A - Lê Quý Đôn lần thứ hai 1997-2001 cho tập Hồn quê; Giải B - Giải thưởng Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam 1996, cho tập Dưới bóng tre xanh… cùng nhiều giải thưởng của các báo, ngành khác.
*
Võ Bá Cường sinh ở quê lúa Thái Bình, và cũng từ mảnh đất này ông đã trở thành một cây bút tên tuổi. Nói về lao động, sáng tạo văn thơ thì ở Thái Bình hiếm có cây bút nào ngày đêm đau đáu, vật vã với chữ nghĩa hơn ông. Ngay cả khi tuổi đã tới ngưỡng bảy, tám mươi mà ông vẫn đều đặn một hai năm lại cho in một tập sách, trong đó có những cuốn đã gây được tiếng vang trên văn đàn, như văn xuôi có Tướng Độ, Người đeo lục lạc, Thời tôi sống, Cầu Bo qua phố, Chim sơn tiêu…; thơ có Dưới bóng tre xanh, Hồn làng… và nữa, mới năm ngoái, vào tuổi 84 ông vừa cho in tiểu thuyết Cố Cư, khổ rộng, dày trên 300 trang. Khi in xong tập sách này nhà văn mới thấy ấm lòng trả được chút nghĩa với đất làng quê Phương Bài. Và cũng theo lời ông, tập sách như “một ngôi mộ” mà ông đã xây được cho mình. Phải là người từng trải, có vốn sống vốn văn hóa cộng với một ý chí lao động cật lực mới có thể viết như vậy được. Chữ nghĩa với ông là niềm đam mê lớn: Giấy móng nghìn đời chữ nghĩa nông sâu/ Câu chữ trong ta nửa sương nửa khói/ Soi vào chữ thiêng liêng mờ tỏ/ Tà tro bay hồn chữ gọi hồn người… Thật là một tấm chân tình với văn chương, với quê hương! Cảm kích biết bao!
Mỗi nhà văn thành danh thường khẳng định giá trị văn chương của mình ở một thể loại. Nhà văn Võ Bá Cường thử bút qua nhiều thể loại, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, và đã có thể khẳng định: thể ký với truyện ký, bút ký, ký - chân dung văn học chính là mảnh đất cho phép nhà văn gieo trồng và thu hoạch mùa màng chữ nghĩa trên đó. Tư cách nhà văn Võ Bá Cường được định danh tại đó.
Giọng văn ký được nhà văn sáng tạo rất sinh động, giàu hình ảnh, khi thì thầm thì bi mẫn, bày biện nghi thức, lúc lại dềnh dàng, phóng túng, hào sảng. Câu chữ văn ông đa dạng mà vẫn mực thước, vì nó được cân đo lựa lọc kỹ càng trước khi đặt xuống mặt giấy để miêu tả, bình giá về nhân vật hay sự vật, sự việc nhằm khơi gợi được vẻ phong tư cốt cách, tôn cao được phẩm hạnh con người, phẩm tính thời đại rồi mới tiến tới luận về tư tưởng, tinh thần kẻ sĩ trước thời cuộc. Văn ấy tỏ rõ sự tương ứng với cách ăn ở, cư xử của con người tác giả trong đời thường nhật. Xem ra đem cung cách sống trang trọng, thứ bậc, thưa gửi ngoài đời, hòa với lối diễn ngôn văn phạm thích hợp với thể bút ký, điểm chút màu tùy bút. Cái công phu, chước thuật của nhân vật ngoài đời đã lặn vào, thẩm nhiễm với từng con chữ. Hãy nghe văn ông phẩm định về phận người: “Con người ta biết buồn cũng là một hạnh phúc. Đã mang nặng kiếp người phải có nỗi buồn, sao biết chế ngự thành của riêng mình, đừng để lây nhiễm sang người khác…”; về việc đời: “Yêu người là phải chân thật với người, như chân thật với chính mình, yêu việc thì không quản nhọc nắng mưa…”
*
Tới nay, ngày 12/4/2025 ông dừng bước, gửi lại cõi đời 27 tác phẩm đã in. Trong 27 tác phẩm đó, người đọc kỹ tính cũng chọn được dăm bảy cuốn có tiếng trên văn đàn, được bạn đọc tìm kiếm. Nghiệp bút nghiên để làm được vậy là khó lắm!
Trên trang Facebook cá nhân, nhà thơ Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết lời tiễn biệt ông: “Hơn 90 tuổi nhưng ông vẫn ngập tràn dự định sáng tác với một nguồn cảm hứng không có dấu hiệu vơi cạn. Ông là một người sống hết cơ số thời gian mà tạo hoá ban cho, một cuộc sống có ý nghĩa đến tận phút cuối cùng. Ông đã được sống, dám sống và dám viết. Không ít những tranh luận về ông: cả cách sống và cách viết. Cho dù gia đình và bạn bè thương tiếc ông. Nhưng tôi nghĩ: đã đến lúc ông cần được nghỉ ngơi. Bởi ông đã làm nhiều hơn một kiếp người phải làm…”; và đây nữa, một bài thơ nhỏ với thật nhiều cảm xúc của phó giáo sư - bác sĩ Hoàng Năng Trọng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Thái Bình, một người bạn vong niên thân thiết của ông:
TƯỞNG NHỚ VÕ BÁ CƯỜNG
“Thời tôi sống, Người đeo lục lạc”
Biết ai là thiện ác, dại khôn;
Làng văn lắm chuyện vui buồn
“Cầu Bo qua phố” gợi hồn
“Cố Cư”
Tôi xin được mượn đôi lời thơ văn đó làm lời kính tiễn hương linh nhà văn!
Với những gì đã cống hiến và lưu lại cho cuộc đời, cho mảnh đất sinh thành, nhà văn Võ Bá Cường được quyền tự hào và nghỉ ngơi thanh thản!