Được biết, một phần tư các tổ chức văn hóa ở New York đang sử dụng nguồn ngân sách dự trữ hoặc quỹ tài trợ của mình để trang trải chi phí hoạt động. Theo những người trong ngành triển lãm nghệ thuật, sau dịch bệnh và phong trào dân quyền của người da đen, các cơ quan tài trợ ưu tiên hỗ trợ tổ chức các cuộc triển lãm với chủ đề công bằng chủng tộc hơn là tài trợ cho các bảo tàng nhỏ. Điều này cũng khiến các tổ chức nhỏ khó giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giành sự hỗ trợ. Các chuyên gia cho rằng một số bảo tàng sẽ phải đứng trước số phận bị sáp nhập.
Thông báo đóng cửa của Trung tâm Nghệ thuật Hiện đại Ý. |
Tuần trước, Trung tâm Nghệ thuật Hiện đại Ý ở khu SoHo của Manhattan tuyên bố ngừng hoạt động sau hơn một thập kỷ và cho biết họ đang tìm kiếm một trường đại học để tiếp nhận lưu trữ các kho lưu trữ của mình. Vào tháng 5 năm nay, có tin tức cho biết bảo tàng New York, tiền đồn của Bảo tàng Nhiếp ảnh Fotografiska ở Công viên Gramercy, đang tìm địa chỉ mới vì lý do tài chính. Vào tháng một, Bảo tàng Nghệ thuật Rubin đã thông báo bán tòa nhà Chelsea của họ và sa thải 40% nhân sự khi bảo tàng chuyển sang tập trung vào triển lãm du lịch và cho các tổ chức khác vay dài hạn. Với hy vọng sẽ “xác định lại chức năng của bảo tàng”.
Laura Mattioli, người sáng lập Trung tâm Nghệ thuật Hiện đại Ý, cho biết những thách thức tài chính gần đây đã dẫn đến quyết định đóng cửa. Cô nói: “Chúng tôi đã mở cửa được khoảng 11 năm, nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ sau đại dịch.
Bảo tàng Nghệ thuật Rubin đã thông báo bán tòa nhà Chelsea |
Đầu đại dịch, một cuộc khảo sát của Liên minh Bảo tàng nước Mỹ đã cảnh báo rằng nếu không có viện trợ từ chính phủ và các nhà tài trợ tư nhân, 1/3 tổ chức văn hóa ở Hoa Kỳ có thể đóng cửa. Trái ngược với những dự báo nghiệt ngã này, rất ít cơ sở văn hóa đã đóng cửa. Hầu hết các tổ chức văn hóa đã vượt qua cuộc khủng hoảng đóng cửa nhờ sự trợ giúp của các khoản vay liên bang và các hạn chế đối với các tổ chức văn hóa sử dụng quỹ quyên góp hoặc bán các bộ sưu tập đã được nới lỏng. Nhiều bảo tàng cũng đã tăng phí vào cửa để bù đắp sự thiếu hụt.
Nhưng những biện pháp này có thể chỉ câu thêm thời gian. Trong vài năm qua, nhiều bảo tàng nỗ lực thắt lưng buộc bụng, phải cắt giảm một số triển lãm trong năm, do chi phí hành chính và lương nhân viên tăng lên, cùng với lượng người tham dự giảm và nỗ lực gây quỹ chậm.
Erika Sanger, người vừa kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo Hiệp hội Bảo tàng New York, cho biết: “Một phần ba số bảo tàng ở New York lâm vào cảnh khó khăn do đại dịch. Các bảo tàng vừa và nhỏ không hy vọng gì sẽ có được nguồn tài trợ để duy trì hoạt động, họ phải đấu tranh để tồn tại.”
Các tổ chức văn hóa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Vào tháng một, các giám đốc nghệ thuật đã gửi một lá thư tới chính quyền Thành phố New York kêu gọi khôi phục khoản cắt giảm 53 triệu đô la tài trợ cho nghệ thuật, thư nói rằng bất kỳ sự cắt giảm nào nữa sẽ là “tham bát bỏ mâm”, đồng thời tuyên bố rằng chi tiêu cho nghệ thuật chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng ngân sách thành phố. Thị trưởng New York, Eric Adams đã cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi tự hào thông báo rằng trong ngân sách sắp tới, chúng tôi sẽ khôi phục hoàn toàn nguồn tài trợ cho các thư viện và tổ chức văn hóa. Các tổ chức này là một phần quan trọng trong cơ cấu xã hội của Thành phố New York."
Adrian Benepe, chủ tịch và Giám đốc điều hành của Vườn Bách thảo Brooklyn, cho biết: “Chúng tôi đang nhận được số tiền tương đương từ thành phố như chúng tôi đã nhận được 15 năm trước. Lạm phát đã khiến chi phí tăng lên và tỷ trọng doanh thu hoạt động của thành phố đã tăng lên, thế nên khoản kinh phí này đang chiếm 30% giờ xuống còn có 10%.
Và một cuộc khảo sát gần đây với các nhà lãnh đạo của Liên minh Bảo tàng Hoa Kỳ cho thấy 25% tổ chức văn hóa trên khắp đất nước đang sử dụng nguồn ngân sách dự phòng hoặc quỹ tài trợ để trang trải chi phí hoạt động.
Biểu tình kêu gọi chính quyền New York không cắt giảm ngân sách dành cho văn hóa. |
Những nỗ lực nghiên cứu cứu các bảo tàng đang được tiến hành trên khắp New York. Năm ngoái, các nhà lập pháp bang New York đã phân bổ 1 triệu USD để thực hiện một báo cáo xem xét tác động kinh tế và xã hội của các tổ chức văn hóa. Các nhà lập pháp gần đây đã phê duyệt 10 triệu USD cho Bảo tàng Khoa học và Đổi mới ở Schenectady để đảm bảo rằng bảo tàng, nơi lưu trữ các tài liệu lưu trữ của Công ty General Electric, có thể tiếp tục vận hành và sửa chữa cơ sở hạ tầng. Nhưng đối với một số bảo tàng sắp đóng cửa, khả năng tiếp cận sự trợ giúp đó bị hạn chế.
Thói quen của khán giả cũng đang thay đổi. Chúng tôi đóng cửa vì cách giới trẻ nhìn nhận nghệ thuật đã thay đổi so với thế hệ của tôi. |
Mattioli, người sáng lập Trung tâm Nghệ thuật Hiện đại Ý, cho biết những thay đổi chính sách ở các quỹ tài trợ đã khiến tổ chức nhỏ của cô gặp khó khăn hơn trong việc xin ngân sách. Cô nói rằng sau đại dịch và Phong trào dân quyền của người da đen, nhiều cơ quan tài trợ đang yêu cầu các yếu tố đa dạng và đưa tiêu chí này vào các đề xuất triển lãm. Cô nói, chủ đề về công bằng xã hội phổ biến trong nghệ thuật Mỹ hơn là trong nghệ thuật hiện đại của Ý. Điều đó gây khó khăn cho bảo tàng của cô trong việc cạnh tranh tài trợ. "Thói quen của khán giả cũng đang thay đổi. Chúng tôi đóng cửa vì cách giới trẻ nhìn nhận nghệ thuật đã thay đổi so với thế hệ của tôi."
Michele H. Bogart, một nhà sử học nghệ thuật tại Đại học Stony Brook thuộc Đại học Bang New York, cho biết việc cuối cùng sáp nhập với các cơ sở lớn hơn là một phần trong vòng đời của các tổ chức nghệ thuật nhỏ. Để làm ví dụ, cô trích dẫn Trung tâm Lịch sử Brooklyn, nơi đã trở thành một phần của hệ thống Thư viện Công cộng Brooklyn vào năm 2020. "Một cái gì đó sẽ bị mất đi. Tất cả đều góp phần vào sự sống động của thành phố và cung cấp việc làm theo một cách nào đó." Tuy nhiên, Bogart cảnh báo, "khi nền kinh tế đi xuống, nó có thể biến mất."
Fotografiska mở cách đây 5 năm và cố gắng tạo ra một mô hình bảo tàng vì lợi nhuận với câu lạc bộ thành viên, nhà hàng và quán bar. Đây là một nguồn thu khác ngoài tiền vé. Mùa hè này, người lớn có thể mua vé $29, bao gồm một ly rượu vang để nhâm nhi khi tham quan triển lãm Vivian Maier và Bruce Gilden.
Nhưng việc thuê một tòa nhà trên Park Ave South sẽ phải chịu một một mức giá đắt đỏ. Hai nhân viên giấu tên nói về dữ liệu nội bộ cho biết doanh số bán vé đã giảm trong những tháng gần đây khi bảo tàng mở cửa trở lại sau đại dịch.
Sophie Wright, giám đốc điều hành gian hàng Fotografiska ở New York cho biết: “Chúng tôi đang bước vào một trong những thị trường văn hóa dày đặc nhất trên thế giới một cách rất táo bạo. Đối với một tổ chức non trẻ mới thành lập, đây là một bước đi rất táo bạo, kết quả khá tốt. Nhưng chúng tôi đã phải thực hiện rất nhiều hoạt động tiếp thị để được chú ý.” Tổ chức này có bốn địa điểm khác (bao gồm cả địa điểm ban đầu ở Stockholm). Trong những năm gần đây, Fotografiska đã quyết định tạm dừng kế hoạch xây dựng các bảo tàng mới ở London và Miami.
Wright cho biết Fotografiska cuối cùng sẽ tìm được ngôi nhà mới trong thành phố và bảo tàng sẽ tiếp tục tuyển dụng một nhóm nhỏ. Cô cho biết bức thư của giám đốc nhân sự gửi gần 180 nhân viên vào tháng trước nói rằng tất cả nhân viên sẽ bị sa thải vào cuối năm 2024 là sai. “Câu chuyện của chúng tôi là câu chuyện về sự thay đổi chiến lược, nhưng không phải là câu chuyện về sự kết thúc.”
PHAN ANH dịch từ NYtimes