Sự kiện & Bình luận

Cái nhìn giải kiến tạo về cơ thể phụ nữ

Hồng Vân
Tin 24 giờ
09:19 | 29/10/2024
Baovannghe.vn - “Vú là lịch sử. Vú là nhân loại. Vú là thế giới.” – Đó không chỉ là một mệnh đề văn chương đầy tính biểu tượng. Đó là một tuyên ngôn tri thức. Một lời đòi lại quyền sở hữu ký ức cơ thể từ những diễn ngôn đã và đang chiếm đoạt nó.
aa

Marilyn Yalom, bằng tinh thần học thuật không thỏa hiệp, đã thực hiện điều mà phần lớn học giả nam chưa dám (hay chưa thể) làm được: viết lại một lịch sử của nhân loại từ điểm nhìn "bầu vú phụ nữ". Không phải như một biểu tượng rỗng, không phải như một đối tượng của mỹ học nam giới, mà như một chủ thể chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, và trên hết – là một chủ thể có khả năng tạo nghĩa cho chính nó.

Cái nhìn giải kiến tạo về cơ thể phụ nữ
Bức tranh Diana & Cupid là tác phẩm sơn dầu hoàn thành năm 1761 bởi danh hoạ người Áo Pompeo Girolamo Baton được dùng làm minh họa bìa sách Lịch sử vú.

Marilyn Yalom (1932–2019) là một học giả nữ quyền, nhà sử học và tác giả người Mỹ, nổi tiếng với các công trình nghiên cứu liên ngành về giới, văn hóa và lịch sử phụ nữ. Bà là giáo sư Văn học Pháp và là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Giới Clayman, Đại học Stanford. Trong suốt sự nghiệp học thuật kéo dài hơn nửa thế kỷ, bà đã để lại dấu ấn sâu sắc qua nhiều tác phẩm quan trọng như Lịch sử vú (A History of the Breast, 1997), Lịch sử người vợ (A History of the Wife, 2001), Những chị em ruột (Blood Sisters, 1993) và Người Pháp đã phát minh ra tình yêu như thế nào (How the French Invented Love, 2012). Tác phẩm của Yalom, với văn phong sắc sảo và góc nhìn nữ quyền táo bạo, đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và góp phần định hình ngành nghiên cứu cơ thể và nghiên cứu phụ nữ đương đại.

Tác phẩm Lịch sử vú - được TS. Nguyễn Thị Minh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) dịch ra tiếng Việt. Sách nằm trong Tủ sách Phụ Nữ Tùng Thư của NXB Phụ Nữ Việt Nam.

Ngay từ những trang mở đầu của Lịch sử vú, câu hỏi “Vú thuộc về ai?” vang lên như một cảnh tỉnh nhức nhối trong dòng chảy tri thức phương Tây – nơi đã quá lâu bị định hình bởi cái nhìn phallogocentric, tức hệ hình lấy dương vật và diễn ngôn nam giới làm trung tâm. Từ những bầu vú thiêng liêng của các nữ thần thời Đồ đá đến đôi gò gợi dục trong tranh Phục Hưng, vú đã liên tục bị tách khỏi thân thể nữ giới, bị trừu tượng hóa, vật hóa, và quy chiếu thành một biểu tượng – không phải để lắng nghe, mà để sở hữu và định đoạt.

Theo trình tự 9 chương sách: "Vú linh thiêng", "Vú gợi dục", "Vú quốc dân", "Vú chính trị", "Vú tâm lý", "Vú thương mại", "Vú y học", "Vú tự do" và "Vú trong khủng hoảng" là mỗi chương đều cho người đọc thấy rõ các diễn ngôn quyền lực – tôn giáo, chính trị, y học, tâm lý học, truyền thông – kiến tạo vú như một mảnh đất không người, sẵn sàng bị xâm chiếm và định nghĩa từ bên ngoài. Dưới ngòi bút sắc bén và đầy cảm xúc của Marilyn Yalom, vú không còn là vú, vú cũng không còn là một biểu tượng im lặng.

Với Marilyn Yalom, vú không phải là một thực thể sinh học cố định; nó là một trường văn bản, luôn bị viết lại qua các chế độ quyền lực và diễn ngôn. Khi vú bị tôn giáo hóa, nó trở thành dấu hiệu của đức hạnh; khi bị tình dục hóa, nó trở thành đối tượng của dục vọng; khi bị chính trị hóa, nó trở thành biểu tượng dân tộc chủ nghĩa. Vú không hề “thuộc về” người phụ nữ – cho đến khi bệnh tật.

Trong một trong những luận điểm đau đớn và sâu sắc nhất, chỉ khi đối mặt với ung thư vú, phụ nữ mới sở hữu hoàn toàn bầu vú của mình. Đây không chỉ là một kết luận mang tính xã hội học. Nó là một tuyên bố phê phán hệ thống kiến tạo cơ thể – nơi quyền tự chủ chỉ có thể đạt được thông qua mất mát.

Cái nhìn giải kiến tạo về cơ thể phụ nữ
Sách Lịch sử vú - Sách nằm trong Tủ sách Phụ Nữ Tùng Thư của NXB Phụ Nữ Việt Nam. Ảnh: FB Nguyễn Thị Minh.

Lịch sử vú còn là lời kêu gọi xây dựng một không gian cho cơ thể tự do. Yalom tưởng tượng một tương lai nơi vú không còn là biểu tượng đạo đức hay nhục thể, mà đơn giản là một bộ phận cơ thể có quyền được hiện diện – như đầu gối, như khuỷu tay. Trong tưởng tượng đó, phụ nữ không còn bị phán xét vì cho con bú nơi công cộng, hay vì "thả rông". Cơ thể họ không còn là chiến trường của đạo đức giả hay chủ nghĩa tiêu thụ.

Các lý thuyết gia nữ quyền như Susan Bordo, Judith Butler... – đã từng chỉ ra rằng: cơ thể là nơi diễn ra không chỉ sự kìm nén, mà còn là nơi chốn của sự phản kháng. Và với Marilyn Yalom, Vú – với tất cả khả năng tạo sinh, kích thích, biểu đạt, đã trở thành một chủ thể văn hóa, không còn im lặng trong lồng ngực của người phụ nữ.

Lịch sử vú có thể được đọc như một nghiên cứu văn hóa, một công trình liên ngành, hay một bản trường ca tri thức về thân thể. Nhưng trên hết, đây là cuốn sách đòi lại quyền tự kể chuyện cho phụ nữ. Và điều đó có giá trị cấp tiến sâu sắc trong một thế giới nơi ký ức phụ nữ – từ cơ thể đến lịch sử – vẫn luôn bị viết bởi cái nhìn áp đặt của người khác.

Trong truyền thống Việt Nam, nơi những câu ca dao như “Vú em chum chúm núm cau/ Cho anh sờ tí, hễ đau anh đền” vẫn vang lên như những tiếng cười dân gian vô hại, thì cuốn sách Lịch sử vú của Marilyn Yalom là lời nhắc: không điều gì thực sự vô hại nếu nó tiếp tục duy trì và tái diễn quyền năng chiếm hữu lên thân thể phụ nữ. Và không có gì là không thể nếu phụ nữ bắt đầu viết về chính thân thể mình – với tri thức, với tự do và với tình yêu thương dành cho chính mình.

Cái nhìn giải kiến tạo về cơ thể phụ nữ
Ảnh trong sách Lịch sử vú.
Cái nhìn giải kiến tạo về cơ thể phụ nữ
Ảnh trong sách Lịch sử vú.
Cái nhìn giải kiến tạo về cơ thể phụ nữ
Ảnh trong sách Lịch sử vú.

Tags:

Cả đời giấu mặt - Thơ Tân Quảng

Cả đời giấu mặt - Thơ Tân Quảng

Baovannghe.vn- Bàn tay nậng nịu bàn chân/ ta ngồi ru nẻo đường trần đa mang
Xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa thu hút và phát huy trí tuệ của hàng nghìn chuyên gia giáo dục

Xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa thu hút và phát huy trí tuệ của hàng nghìn chuyên gia giáo dục

Baovannghe.vn - Xã hội hoá sách giáo khoa và một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là những chủ trương đúng đắn, là sự thay đổi rất lớn khi lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục chi tiết trước khi xây dựng sách giáo khoa.
Bây giờ sắp cạn tháng Tư - Thơ Mai Hoàng Hanh

Bây giờ sắp cạn tháng Tư - Thơ Mai Hoàng Hanh

Baovannghe.vn- Bây giờ sắp cạn tháng Tư/ Mẹ ngồi nhẩm tiếng chim gù trong mây
Người tình mã hóa. Truyện ngắn của Mai Văn Phấn

Người tình mã hóa. Truyện ngắn của Mai Văn Phấn

Baovannghe.vn- Lập không nghĩ mình cô đơn, ít nhất là không theo cách người ta thường hình dung về sự cô đơn. Anh vẫn cười, vẫn gật đầu, vẫn vào vai một người bình thường trong những ngày bình thường.
Trước sóng biển - Thơ Lâm Bằng

Trước sóng biển - Thơ Lâm Bằng

Baovannghe.vn- Những con còng gió lao xao trên bãi biển/ Những viên cát se tròn