Sáng tác

Đêm sân khấu. Truyện ngắn dự thi của Trần Thị Hồng Anh

Trần Thị Hồng Anh
Truyện
06:00 | 17/10/2024
Baovannghe.vn- Hải khoác chiếc ba lô lên vai, dắt tay con bước ra ngoài. Từng mảng núi in hình lên nền trời mờ mờ thưa thớt sao. Gió lướt trên những bông hoa ngô xào xạc.
aa

Ánh đèn lướt qua khán đài. Những bóng người. Í ới tiếng gọi nhau, tiếng cười đùa, những bàn tay vẫy. Tiếng nhạc và tiếng nước chảy. Lấp loáng đêm ven sông. Cả những bóng cây và con đường.

Một tiếng cười dài vang lên từ góc nào đó. Chạy dọc theo các hàng ghế, đến tận mép nước ngoài sông mới dừng lại. A! Một chú hề. Mũi đỏ, mắt xanh đen, cặp môi dày son và mái tóc bù xù. Đêm diễn bắt đầu với chú hề và màn tung hứng. Những tiếng trầm trồ, những cặp mắt say mê hướng lên sân khấu. Ánh sáng vỡ ra trong những tràng vỗ tay và tiếng reo hò…

Đêm sân khấu. Truyện ngắn dự thi của Trần Thị Hồng Anh
Minh hoạ Lê Thiết Cương

Chú hề vừa kịp cúi đầu chào thì một cậu bé chạy ra. Bộ trang phục chú hề trên người bé khiến từng tràng pháo tay liên tục lại vang lên. Chú hề lớn bế chú hề nhỏ lên, cúi chào khán giả rồi bước ra sau cánh gà.

- Sao bố dặn con đứng bên trong này đợi mà con lại chạy ra?

- Tại con chờ lâu quá! Con muốn đi theo bố Hải mà. Chú hề nhỏ phụng phịu.

- Lần sau con mà còn chạy ra nữa thì bác Phượng trừ lương bố đấy. Không có tiền mua bim bim cho con đâu!

Hai bố con bước vào căn lều dành cho diễn viên thay trang phục. Mùi son phấn nồng lên trong hơi nước man mát. Cơn mưa chiều nay làm không khí nóng nực dịu bớt. Trời bắt đầu thu. Chuyến lưu diễn lần này chạy đua cùng với những cơn mưa tháng tám. Những ngày nghe mưa sầm sập trên mái lều, nghe nước nhỏ long tong xuống cái chậu nhôm bên bờ sân mà buồn mênh mang. Đêm nay Hải chỉ có một tiết mục, tiết mục mở màn cho cả chuyến đi. Anh để con lên chiếc ghế dành cho mình rồi thay đồ. Đứa trẻ cũng học theo bố, cởi từng nút áo. Mỗi lần mặc cho con bộ đồ này, chẳng hiểu sao Hải thường thở dài. Nhưng đứa trẻ thích giống bố, thích sự náo nhiệt bên ngoài sân khấu.

Hải khoác chiếc ba lô lên vai, dắt tay con bước ra ngoài. Từng mảng núi in hình lên nền trời mờ mờ thưa thớt sao. Gió lướt trên những bông hoa ngô xào xạc. Mùi thị từ đâu thoảng tới. Thoáng chút lành lạnh, chắc đỉnh núi trước mặt đã mờ sương. Hải đến thị trấn nhỏ này vài lần, mỗi lần cách nhau vài năm. Chỉ là những chuyến đi diễn. Nhưng mỗi chuyến đi, anh đều giữ lại trong tâm trí những nơi đã đến, đã dừng chân. Sau tiết mục của mình, anh thường lang thang trên phố hay ghé vào một quán nước ven đường, nhìn mọi người ngược xuôi. Thị trấn là một thung lũng nhỏ, xanh ngát bởi cây cối và núi đồi bao phủ. Dòng sông hiền hoà xanh biếc của mùa hè năm ấy giờ dềnh lên trong nước đỏ. Những cánh bèo trôi chầm chậm bên các xoáy nước. Dòng sông trầm lặng như con người nơi phố núi này.

Hải ghé vào một quán nước, gọi nước dừa cho hai bố con. Đứa trẻ đung đưa chân, níu tay bố chỉ vào gói bánh cá. Anh với tay lấy cho con và nhìn đường phố vắng vẻ. Đêm diễn chưa tan, mọi người chắc đang ở đó cả. Phía ấy vẫn còn vọng lại tiếng nhạc. Cảm giác nhồn nhột. Anh nhìn lại chỗ bà hàng nước đang chăm chú vào điện thoại. Con đường sáng xanh dưới ánh đèn vẫn không một bóng người. Bóng tối trùm lên những tán cây bằng lăng trĩu quả. Đêm sâu dần. Đứa trẻ ngả người vào bố, khuôn miệng nhọn ra sau cái ngáp dài. Từ khi có đứa trẻ này Hải không còn lang thang ngoài đường đến khuya nữa. Phải có bố thì nó mới chịu ngủ, chứ mấy cô chú trong đoàn không ai dỗ được nó cả.

Hải bế con trên tay, trở về đoàn. Sương giăng mờ ánh đèn. Tiếng chim gọi bạn thảng thốt phía núi. Cảm giác như có ai đi theo khiến anh quay lại mấy lần. Nhưng rồi tiếng nhạc tàn đêm diễn khiến anh không để ý nữa. Anh đi vòng né đoàn người để trở về căn lều của hai bố con. Mí mắt anh trĩu nặng sau một ngày rong ruổi trên đường.

Ngày hôm sau, đến phiên Hải nấu cơm cho cả đoàn nên hai bố con anh đi chợ. Rau dớn xanh, măng nứa vàng ươm, hoa chuối rừng hồng tươi trải đầy chợ phiên. Bé con mải nhìn lũ cua bò lạo xạo trong chậu mà tuột khỏi tay bố khiến anh quay lại mỉm cười. Trong lòng anh trào lên niềm thương cảm. Bốn tuổi rồi mà bé vẫn chưa được đến trường, vì bố có ở lâu một chỗ đâu. Bé đi theo anh khắp mọi miền đất nước. Cũng đâu còn ai để gửi bé nữa? Sang năm cũng phải tính cách nào đó để bé được đi học không thì quá tuổi mất.

Hải nhớ lại đêm hôm ấy ở tại thị trấn này. Là một đêm động giông, chớp rạch từng đường lên bầu trời đen như mực, sấm ầm ì khiến anh và mọi người không thể nào ngủ được. Bỗng ngay bên cửa căn lều anh đang ở, có tiếng khóc của trẻ con. Tiếng khóc ré lên sau chuỗi sấm rền khiến Hải rợn tóc gáy, mở cửa ra. Dưới những hạt mưa loáng ánh đèn, một bọc nhỏ chưa kịp ngấm nước đang ngọ nguậy. Hải thận trọng mở tấm chăn: Ôi! Một đứa trẻ! Tiếng kêu của anh làm mấy người đang nằm ngồi dậy chạy đến. Hải vội vàng ôm đứa trẻ lên, gỡ lớp chăn ướt và đem lại chỗ của mình. Đứa bé ngừng khóc, cặp môi nhỏ đưa đi đưa lại thèm thuồng, đôi mắt mở to nhìn anh. Mọi người tíu tít cả lên, người thì chạy ra xem ai bỏ đứa trẻ lại, người thì tìm sữa cho bé.

Hai ngày sau, mặc dù đã báo chính quyền tìm kiếm thân nhân đứa trẻ nhưng vẫn không ai nhận bé. Hải quyết định làm cha của đứa trẻ mặc cho mọi người khuyên can. Một phần cũng tại đứa trẻ kia quấn lấy anh, nó chỉ không khóc khi anh bế nó, còn người khác thì được một lúc. Phần khác anh nghĩ đến tuổi thơ của mình.

Hải lớn lên trong trại trẻ. Anh không biết cha mẹ, quê quán mình ở đâu. Mấy cô nuôi anh kể lại, người ta nhặt được anh trên con đường ra sông nên đem đến đây. Những năm tháng ở trong trại trẻ, tuy được mọi người chăm sóc nhưng anh luôn thiếu thốn tình cảm gia đình. Hồi còn nhỏ, trẻ trong trại học chung với những đứa trẻ bên ngoài, anh vẫn thường hay bị chửi là đứa không cha không mẹ. Nỗi tủi cực vì không có gia đình đi theo anh đến bây giờ. Đứa trẻ bị bỏ rơi trong đêm mưa đã khiến anh nhớ đến cuộc đời mình. Anh không muốn đứa trẻ lặp lại nỗi đau mà anh gánh chịu. Những ngày sau đó, Hải thật sự bận rộn dù có các chị trong đoàn giúp đỡ. Anh học cách thay tã, pha sữa cho bé, rồi đêm đêm trở dậy để dỗ dành khi bé quấy khóc. Bé khoẻ thì thôi, ốm cái thì chỉ có anh mới bế được. Các chị bảo, bé rịt hơi anh rồi khiến anh vừa mừng vừa lo. Bốn năm trôi qua, Hải chưa từng rời con, anh đi đâu cũng mang con theo. Tiếng bi bô của con làm anh không còn có cảm giác đơn côi nữa. Nhưng sắp tới anh cũng chưa biết tính sao đây! Có lẽ phải tìm một công việc cố định để cho cậu bé được đến trường.

Trời đứng bóng, cơm nước đã xong. Hải đang cùng anh ca sĩ trong đoàn sắp xếp bát đũa thì thoáng thấy bóng người lấp ló ngoài cửa. Thấy anh nhìn ra, người ấy vội bỏ đi. Hải chỉ kịp nhìn thấy phía sau lưng. Một người đàn bà gầy guộc, khắc khổ. Chắc là ai đó hiếu kì muốn xem đoàn hát thôi mà! Anh ca sĩ nói.

Những đêm lưu diễn tại thị trấn thật may mắn. Trời không mưa, buổi tối dịu mát với ánh sao lấp lánh, trăng hạ huyền mờ ảo. Còn một đêm diễn nữa là cả đoàn đi đến nơi khác. Hơn mười năm anh đi theo đoàn hát khắp nơi, có những chỗ đã đến vài ba lần. Hồi đó, anh tình cờ quen ông chủ đoàn hát trong một lần được phép ra ngoài. Những tiết mục hề làm anh say mê. Anh muốn đi theo để học nghề luôn nhưng các cô trong trại trẻ khuyên nên học hết lớp 12 rồi tính. Học xong, anh được ông chủ đón theo. Có sẵn năng khiếu và đam mê, anh nhanh chóng trở thành chú hề có tên tuổi của đoàn. Có lần, quay lại diễn ở một nơi đã từng đến, anh được mọi người nhận ra nên họ hồ hởi chào đón như một người quen cũ.

Đêm nay, tiết mục của anh thứ hai. Diễn xong, anh không nhìn thấy con ra đón mình như các đêm trước. Trong phòng thay trang phục cũng không có cậu bé chờ sẵn. Anh hỏi bạn diễn nhưng mọi người bảo, lúc nãy thì thấy, bây giờ không biết cu cậu chạy đâu. Hải ra ngoài tìm con, trong ánh đèn hắt ra từ sân khấu, anh nhìn thấy một người đàn bà đang dắt tay cậu bé. Hải ào lại, ôm lấy con, nhìn xoáy vào người đàn bà:

- Chị là ai? Sao lại dắt con tôi?

Người đàn bà cúi mặt, lí nhí: Anh cho tôi nhìn cháu một chút! Tôi nhớ nó quá!

Hải sững sờ. Người ấy đã đến! Hoá ra cảm giác của anh mấy ngày nay không sai. Có người đi theo bố con anh. Bốn năm qua, mỗi lần về đây, anh luôn để ý xem có ai tìm thằng bé không. Thâm tâm anh vẫn sợ nếu người ta nhận lại thằng bé, anh sẽ mất con. Nhưng anh vẫn muốn con có một gia đình trọn vẹn. Không thể để cho con rơi vào cảnh tương tự anh. Bốn năm ấy, cũng có người thích anh, nhưng thấy anh mang theo một đứa trẻ, họ đã rời đi. Cũng phải, ai lại muốn đèo bòng cơ chứ?

Hải và người đàn bà vào quán nước gần đó. Tiếng nhạc từ đoàn hát vọng lại. Đã hơn nửa buổi diễn rồi. Đứa trẻ kéo ghế ngồi gần bố, gối đầu lên chân anh. Người đàn bà nhìn đứa trẻ rồi nhìn anh và thở dài.

Đêm đã khuya lắm rồi. Thi thoảng một vài giọt sương tí tách trên mái lều. Tiếng chim thảng thốt ngoài bờ sông. Hải không ngủ được, anh ngồi trước cửa lều, dõi theo một ngôi sao vừa lướt qua. Câu chuyện của người đàn bà khiến anh thương cảm và bối rối.

*

Năm lên 4 tuổi, Thoan mất cả cha và mẹ trong một tai nạn. Cô về ở với bà nội và chú thím. Thế nhưng thím sinh một lúc hai em bé nên mọi người trong nhà đều bận rộn. Không ai có thời gian quan tâm đến cô. Thoan thui thủi một mình bên góc nhà hay góc sân ngoài giờ đến trường. Mười tuổi, bà nội mất, thím lại sinh em bé. Chú thím gửi Thoan sang nhà bà ngoại với lí do không thể chăm sóc được vì bận con nhỏ. Hai bà cháu nương tựa vào nhau bằng hạt lúa, củ khoai bà trồng được. Những ngày tháng ở với bà ngoại là chuỗi ngày hạnh phúc nhất của cô. Song ngày vui ngắn chẳng tày gang. Bà ngoại đột ngột qua đời sau một đợt cảm sốt. Lúc đó cô mới mười lăm tuổi. Cứ tưởng cô sẽ sống trong căn nhà đó, hương khói cho bà. Không ngờ, làm lễ một trăm ngày cho bà xong, cậu mợ cô đã kêu người bán nhà của bà. Sau này cô mới biết, mợ đầu tư mua tiền ảo trên mạng internet, kết quả lời đâu không thấy mà còn bị kẻ xấu lừa lấy hết. Bao nhiêu tiền tích luỹ được cùng chiếc xe đã ra đi mà nợ vẫn chưa trả xong. Giờ mợ xui cậu về bán nhà của bà để trả nợ và chuộc lại nhà trên phố. Mợ bảo bên nội cô còn có các chú thím, họ cũng phải có trách nhiệm chứ đâu để cho nhà ngoại lo hết như thế.

Ngày cậu giao nhà cho người ta, Thoan khóc ngất khi di ảnh của bà được đặt vào cái thùng giấy đưa ra xe. Cô nhìn theo chiếc xe chạy xa dần mà không biết mình nên đi đâu về đâu. Cô không muốn trở lại nhà chú thím nữa. Nơi đó chỉ làm cô thấm thía hơn sự cô độc của mình. Thoan xin với người mua nhà chiếc giường cũ, mang nó ra căn lều bỏ hoang gần chợ, sắp xếp cho mình một chỗ ở. Căn lều hoang này gần với nhà người quét chợ lại gần nhà của bà ngoại. Cô đỡ lo bị kẻ xấu dòm ngó và thấy được nhà cũ cho đỡ nhớ. Thoan không đến trường nữa, hàng ngày cô mò cua bắt ốc, mót khoai lúa hay đi làm thuê để kiếm sống. Đêm đêm nghĩ đến bà ngoại, đến bản thân mình, cô chỉ biết khóc.

Thế rồi, một hôm có một người đến tìm cô. Người ấy là bà Hoa, chủ cửa hàng tạp hoá lớn trên phố. Bà đưa Thoan về nhà, động viên cô đi học lại và hứa sẽ hỗ trợ tiền học phí. Đến nơi, Thoan mới biết bà có một người con trai tên Vượng hơn cô 8 tuổi. Thế nhưng cách cư xử và nói năng của người con trai ấy không giống với tuổi - có vẻ như trí tuệ không theo kịp cơ thể và tuổi tác của anh. Chồng bà Hoa thường đưa anh đi theo trong các chuyến giao hàng cho khách, hi vọng tiếp xúc với bên ngoài nhiều anh sẽ đỡ hơn. Thoan ở cùng gia đình bà Hoa, ngoài đi học còn phụ giúp bà việc nhà, bán hàng. Cuộc sống khá dễ chịu vì bà Hoa cũng dễ tính, xởi lởi. Bà ăn chay và đi chùa vào ngày rằm, mồng một, thường hay giúp đỡ những người khó khăn.

Học xong cấp ba, Thoan dự định sẽ xin bà Hoa cho đi làm công nhân trong Nam. Nhưng cô chưa kịp nói thì chồng bà Hoa bị tai nạn trong một lần đi giao hàng ở huyện bên. Sau mấy tháng điều trị tại các bệnh viện, ông bị liệt nửa người. Thoan thay ông giao hàng, Vượng ở nhà cùng bà Hoa bán hàng và chăm sóc cha. Những chuyến đi bệnh viện của cha Vượng đã làm cho việc kinh doanh của bà Hoa khó khăn hơn. Khách hàng quen ngày càng ít đi, hàng quán mọc lên như nấm. Bao nhiêu tiền lần lượt theo ông đi bệnh viện. Bà Hoa đành bán nhà ở phố rồi đưa Thoan và Vượng về lại ngôi nhà cũ dưới quê. Thoan nghĩ mình là một ngôi sao chổi, đến đâu cũng mang lại vận xui cho người ta nên buồn lắm. Cô chỉ biết làm việc để bù đắp cho bà Hoa. Những ngày theo chồng đi viện khiến bà Hoa gầy sọm đi, mỗi lần về nhà là một lần ốm. Nhiều lần Thoan và bà ôm nhau khóc. Có lần bà Hoa nói đến chuyện muốn Thoan lấy Vượng và giúp bà quản lí gia sản. Bà sợ đến khi mình chết thì Vượng sẽ không có ai chăm sóc. Nhưng bà không dám kì vọng nhiều ở Thoan. Bà không nỡ làm cho cuộc đời của cô khổ sở thêm nữa.

Sau nhiều đêm không ngủ, Thoan nói với bà Hoa mình muốn lấy Vượng. Bà Hoa nhìn Thoan khóc ròng. Bà thương Thoan, thương cuộc đời của một đứa trẻ chưa bao giờ được hạnh phúc. Nhưng không dựa vào Thoan, bà không biết phải dựa vào ai. Giá như Vượng khôn ngoan như người ta! Giá như chồng bà không bị tai nạn! Bà sẽ để Thoan tự do như những đứa trẻ đồng lứa khác. Bà gục đầu nức nở…

Sau đám cưới, Thoan có thai. Bà Hoa mừng lắm. Bà đi chùa cầu bình an cho mẹ con Thoan. Nhưng ba tháng sau, đứa trẻ trong bụng cô tự rời đi. Mấy lần tiếp theo cũng vẫn thế, Thoan không dám có bầu nữa. Cô sợ bà Hoa buồn nên không nói. Vượng càng ngày càng lẩn thẩn, có khi đi không biết về khiến cô và bà Hoa phải đi tìm. Cô đưa Vượng ra bệnh viện trung ương khám cho cả hai vợ chồng. Bác sĩ bảo cô ổn nhưng Vượng thì bị nhiễm chất độc da cam nên có nguy cơ ảnh hưởng con cái. Thoan sực nhớ ra ông bố chồng quê ở vùng bị bọn giặc bắn phá dữ dội. Dù khi ông lớn lên, chiến tranh gần kết thúc nhưng cũng không tránh được. Thời đó ông cứ nghĩ mình không trực tiếp tham gia cuộc chiến thì chắc không sao. Thoan giấu nỗi buồn của mình, cố gắng động viên bà Hoa chăm sóc chồng con.

Một lần, đi giao hàng về muộn, Thoan bị một kẻ vô lại cưỡng hiếp và có thai. Cô muốn bỏ đứa bé đi nhưng không nỡ. Nhưng sinh ra rồi thì sao? Không biết bà Hoa có chấp nhận không? Rồi lấy gì nuôi con? Làm sao lo cho nó được? Cố gắng đến mấy chỉ kiếm đủ tiền cho bố chồng thôi. Thoan nịt thật chặt bụng mình, vừa buôn bán chợ xa, chợ gần, vừa canh chừng Vượng. Gần đến ngày sinh, Thoan xin bà Hoa cho phép về lại ngôi nhà cũ của bà ngoại. Cô sinh con ở một trạm xá gần thị trấn. Khi đem con đến chỗ đoàn hát, cô đã tìm hiểu về mọi người trong đoàn. Hải là người cô lựa chọn gửi con vì anh có tên tuổi trong đoàn, lại thân thiện, cởi mở với người xung quanh. Thoan cứ quanh quẩn ở đó mãi cho đến khi biết Hải nhận nuôi con mình. Cô gạt nước mắt quay về nhà.

Bốn năm trôi đi, Vượng và bố chồng cô lần lượt qua đời. Bà Hoa sau những đau buồn trở nên yếu hơn nhưng vẫn phụ cô được đôi việc vặt. Cô muốn tìm lại con, để nhìn con một lúc, hoặc nếu được, cô muốn đưa con về với mình.

*

Tiếng gà eo óc, trời bắt đầu mưa. Ngày mai đoàn đi đến vùng khác. Hải nên quyết định như thế nào đây? Bốn năm qua, anh luôn có con bên cạnh, đứa trẻ cũng chưa bao giờ xa anh. Bây giờ trả con về cho mẹ nó, không biết anh và nó có chịu nổi không? Còn nếu không cho họ đoàn tụ thì thương cả mẹ lẫn con. Cuộc đời Thoan và bà Hoa có nhiều đau đớn, xót xa. Biết đâu có đứa trẻ này, họ sẽ nhen nhóm lên một điều gì đó tươi sáng hơn. Nghĩ đến cảnh bé con có mẹ, có gia đình, sống mũi anh cay cay, vừa mừng vừa ngậm ngùi. Nhưng không biết có đúng như lời người ta nói không? Không biết họ có thương bé không hay sẽ đối xử tệ bạc với nó? Không biết người ta có thực lòng muốn nó trở về không? Lòng anh ngổn ngang…

Sáng hôm sau, đoàn hát rời đi. Hải xin phép trưởng đoàn cho anh đi sau một buổi. Đến tối anh sẽ có mặt trước giờ diễn. Anh đưa con đến nhà người đàn bà ấy. Anh muốn xem gia cảnh thực sự của Thoan trước khi đưa ra quyết định với đứa trẻ. Ngôi nhà khá rộng dù đã xuống cấp, một vườn rau xanh, mấy khóm hoa bên sân. Sạch sẽ và gọn gàng. Hải ngỡ ngàng khi nhìn thấy bà Hoa, lưng hơi còng nhưng nhanh nhẹn, nét mặt vẫn phảng phất những nét xinh đẹp của thời trẻ. Bà ôm lấy đứa trẻ mà khóc khiến bé sợ hãi chạy ra sau lưng anh.

Bà Hoa mời anh vào nhà, hỏi thăm gia đình anh. Khi biết Hải không còn cha mẹ và cũng chưa có vợ con, bà lại khóc. Bà nói: Số tôi và mẹ cháu vẫn còn may mắn gặp được người tốt như anh. Nếu không thì đứa bé chẳng biết như thế nào nữa. Anh đã chịu vất vả vì cháu rồi!

Hải đẩy đứa bé lại phía bà Hoa: Con đến bà bế nhé! Bà của con đấy!

Thoan đi chợ về, thả vội chiếc xe ở sân, ào vào nhà ôm lấy cả hai bà cháu. Cả hai đều khóc khiến đứa trẻ cũng khóc theo. Hải lúng túng đỡ lấy con. Anh không biết nói gì đành ngồi im lặng.

Hải gọi điện về đoàn hát, xin nghỉ thêm vài ngày. Cũng may, nơi đoàn đến đang mưa vì thế trưởng đoàn vui vẻ đồng ý. Anh quyết định để thằng bé cho bà Hoa và Thoan chăm sóc nên ở lại cho con quen với hai người, cũng để thuê người lợp lại mái nhà và sơn bức tường bị ngấm nước mưa cho họ. Bà Hoa nhìn anh cảm động: Nhà chẳng có đàn ông nên mẹ con tôi cũng không làm được, cứ ở qua ngày thôi. Chỉ tội cho đứa cháu.

Hải bảo bà: Bác đừng nghĩ ngợi, bé cũng là con cháu. Có bác và chị Thoan, cháu yên tâm đi làm, con cháu đã có thể đến trường được rồi! Bà Hoa cười mà nước mắt chảy ròng ròng. Bà nghĩ, cuối đời bà vẫn có được nguồn động viên từ đứa con của Thoan. Cho dù không phải máu mủ nhà bà thì vẫn còn Thoan, người mà bà xem như con đẻ từ lâu. Ông trời thật kì lạ, ông khiến cho con người chịu bao bất hạnh nhưng cũng mở ra cho họ hi vọng ở cuối con đường. Số phận của bà, của Thoan, của Hải kiếp này mong rằng đã trả xong nợ cho kiếp trước. Bà tự nhủ: Có ai khổ mãi được đâu!

Hải ở lại ba ngày, cùng tốp thợ trong làng sửa sang nhà cửa cho mẹ con Thoan rồi ra đi. Hải ngoái nhìn ba người đang đứng ở cổng. Bé con giơ bàn tay nhỏ xíu vẫy bố: Bố nhớ về với con nhé! Tim anh như thắt lại! Nhưng lòng anh nhẹ nhõm. Đứa bé đã có một nơi neo đậu, có bà, có mẹ và có anh. Hải nghĩ đến lời của bà Hoa sáng nay: Con là con trai của mẹ, đây là nhà của con. Cho dù con đi đâu, kết hôn với ai thì đây cũng là nơi con trở về. Mọi người sẽ nhớ và đợi con!

Trong tiếng xe ồn ào trên đường, Hải nhớ dáng vẻ phụng phịu và đôi môi nhỏ của con khi hờn dỗi. Cảm giác ấm áp khiến anh nghẹt thở. Từ nay anh đã có nơi để nghĩ về, có người chờ đợi anh. Hai tiếng gia đình mà anh khao khát mấy chục năm qua trong thoáng chốc đã thành hiện thực dù mong manh, mơ hồ. Bé con là sợi dây kết nối giữa anh, bà Hoa và Thoan - những mảnh ghép lạc loài của cuộc đời. Và anh tin, ở đời, dù có lúc rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, chỉ cần mình lựa chọn cách sống yêu thương con người thì cuộc đời sẽ trao cho mình hạnh phúc. Phải chăng, bé con chính là hạnh phúc của anh và của cả hai người đàn bà tội nghiệp kia.

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Cơn bão. Truyện ngắn dự thi của Việt Phi Đọc truyện: Trăm ngàn. Truyện ngắn dự thi của Ngô Tú Ngân Vương tiên sinh hành nghề kim hoàn. Truyện ngắn dự thi của Vũ Văn Song Toàn Đọc truyện: Con ve sầu ngân mãi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Quốc Toản Giếng hình nhân. Truyện ngắn dự thi của Hiếu Trung Long
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.