Văn học Việt Nam 1930-1945 nói chung và thơ ca nói riêng hình thành, vận động và phát triển trên nền cảnh bùng nổ nhiều phương diện của bước ngoặt hiện đại hóa. Khi cảm quan hiện thực, quan niệm thẩm mỹ đổi thay, tất yếu sẽ dẫn đến những biến chuyển của hệ hình thi pháp. Trong ngôi nhà vừa được tân trang ấy, thơ là thể loại ghi dấu ấn nổi đậm nhất bởi được hưởng “ân huệ” từ khát vọng duy tân mạnh mẽ của chủ thể sáng tạo cùng sự ưu ái chào đón nồng nhiệt của cộng đồng tiếp nhận.
Phong trào thơ mới, vì vậy, là thành tựu rực rỡ, là hiện tượng “độc nhất vô nhị” của tiến trình hiện đại hóa, từ đó mở ra “một thời đại” cho thi ca với tầm ảnh hưởng sâu rộng đến diễn trình văn học Việt Nam thế kỷ XX. Bên cạnh sự hiện diện thanh tân của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, nguồn năng lượng dồi dào cùng sự thăng hoa độc đáo của Phong trào thơ mới đã mang đến một sức sống trẻ trung, tạo nên sự khởi sắc và diện mạo đặc biệt phong phú của văn chương lãng mạn; góp phần đắc lực quyết định sự thắng thế của một giai đoạn rất cần những đột phá táo bạo để thiết lập một “đế chế” mới mang tên hiện đại trong bản đồ văn học dân tộc.
Phong trào thơ mới được coi là hiện tượng tiêu biểu bởi nó tích hợp được nhiều phẩm tính đặc thù/ nổi bật của sáng tạo nghệ thuật từ giao thoa văn hóa Đông – Tây đến xung đột cũ – mới, từ những chuyển đổi của cảm hứng nghệ thuật đến hình thức dụng ngôn… Nhìn từ lý thuyết Phê bình cảnh quan (Landscape Criticism), trào lưu thơ ca này đã hội tụ trong nó tinh thần và triết lý riêng qua những trải nghiệm không gian và những va chạm văn hóa. Diễn tả một cách tinh tế, sâu sắc mối quan hệ, sự liên thông/ tương tác giữa khách thể và chủ thể, cảnh quan và tâm tưởng, các nhà thơ đã mang đến những đối thoại mới về sự hiện tồn của bản ngã và tha nhân trong mênh mang vũ trụ… Dịch chuyển từ phạm trù cổ điển sang hiện đại, cảnh quan thiên nhiên trong Thơ mới chịu sự chi phối bởi những nguyên tắc thẩm mỹ của phương pháp lãng mạn – một trào lưu nghệ thuật luôn đề cao con người cá nhân. Đặc biệt hơn đối với thơ, khi cái tôi chủ thể, một dạng ký hiệu/ loại hình nhân vật đặc thù sắm vai chính của màn giao tiếp nghệ thuật là người phát ngôn và tâm điểm trong thế giới trữ tình. Thay vì lệ thuộc vào hệ thống “thi ảnh” đã được chắt lọc, qui tụ vào một số motif kinh điển “phong, vân, tuyết, nguyệt”; “mai, lan, cúc, trúc”… của thi pháp trung đại, Thơ mới đã phá bỏ những ước lệ sáo mòn, nhào nặn và tái lập một “thi giới” mới trên tinh thần hiện đại hóa. Cảnh quan thiên nhiên không còn hiện hữu một cách chung chung mà in đậm dấu ấn cá thể hóa. Mỗi bức tranh thiên nhiên đồng thời cũng chính là bức họa đồ tâm cảnh mang cốt cách riêng của từng nhà thơ. Cùng với sự hiện diện của cái tôi, việc khước từ những lối mòn quen thuộc để tạo bước đột phá mới về thi pháp đã khẳng định sự đa dạng, mới mẻ trong tiếp cận, chiếm lĩnh và tái tạo thiên nhiên của Phong trào thơ mới. Đó là một bước phát triển mang tính cách tân so với những “khuôn vàng thước ngọc” nhưng khá gò bó, cứng nhắc và chật hẹp của thi pháp cổ điển.
Khi cái bản ngã cá nhân đóng vai trò chủ thể giao tiếp, là sự thể hiện đầy đủ quan niệm nghệ thuật về đời sống con người thì cảnh quan thiên nhiên sẽ hiện hữu trong thế giới trữ tình bằng góc nhìn của cái tôi nghệ thuật đã được cá thể hóa. Dù viết về hoa lá cỏ cây, hay sông núi biển trời, một vầng trăng, một áng mây, làn gió… thì chung qui đó vẫn là giai điệu tâm hồn, là sự phân thân của cái tôi. Vật thể ngoại giới đã được sở hữu, trở thành câu chuyện riêng tư của mỗi cá nhân. Thực thể biển – một không gian chiếm ba phần tư dung tích của trái đất; tự bao đời đã là hệ sinh thái nuôi dưỡng nguồn cảm xúc lai láng của thi nhân và thực sự là “trường tương tư” bao la, rộng mở. Đến với biển, người thơ dễ dàng tìm được mối đồng cảm, đồng điệu giữa cảnh sắc và tâm trạng. Trong Thơ mới; biển cũng là một kiểu nhân vật trữ tình truyền tải các cung bậc cảm xúc, trạng thái vui buồn của thi nhân. Dẫu rằng, khi bản ngã cá nhân cần được đề cao, quyết liệt, mạnh mẽ, nhà thơ đã tìm đến hình ảnh non cao chót vót: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta” (Hy Mã Lạp Sơn – Xuân Diệu); song khi buồn và cô đơn trở thành tâm thế chung của cả một thế hệ thi nhân, các nhà thơ lại tìm đến biển. Sự mênh mông, vô định của muôn dặm trùng khơi là một ẩn dụ đồng điệu với tần số cảm xúc của tâm hồn lãng mạn. Thực thể biển bao la, rợn ngợp gợi về một không gian cái tôi cá nhân chao đảo, lạnh giá. Đường viền giữa vật thể và tâm tưởng trở nên “mờ nhòe”, người ta chỉ có thể định vị bằng trực giác:
Bốn bề ánh nhạc biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê
(Nguyệt cầm – Xuân Diệu)
Biển trong thơ Xuân Diệu trước 1945, vì vậy, bao giờ cũng gợi lên nỗi cô đơn, trống trải, sự thiếu vắng những mối tình tri kỷ tri âm giữa tình nhân với tình nhân, giữa thi nhân với thế nhân. Thông qua motif quen thuộc của văn chương lãng mạn và câu chuyện “tình một đêm” của giang hồ – kỹ nữ; Xuân Diệu đã khơi sâu vào tâm thái và bi kịch tinh thần của một thế hệ văn nghệ sĩ, trí thức. Sự can dự của biển đã khiến kết cấu không – thời gian trở nên chao đảo và nhân vật chính đã rơi vào tình cảnh tận cùng đơn độc cả từ trong tâm can đến ngôn ngữ thân thể:
Chớ đạp hồn em!
Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn;
Gió theo trăng, từ biển thổi qua non;
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.
Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn
Chớ để riêng em phải gặp lòng em;
Tay ái ân du khách hãy làm rèm,
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng.
Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,
Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành
Vì mình em không được quấn chân anh,
Tóc không phải những giây tình vướng víu.
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo;
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.
(Lời kỹ nữ - Xuân Diệu)
Đồng điệu với mặc cảm thân phận lạc thời, cô đơn, trống vắng, nhỏ nhoi trước bao la biển cả của Xuân Diệu là trường hợp Phạm Hầu với bài thơ Vọng hải đài nổi tiếng của ông. Hình ảnh du khách lẻ loi với tư thế trữ tình hướng ra biển cả mù khơi xa xăm như nhân lên sự trống trải của tâm hồn. Biển như là hiện tồn của vô định, thể hiện sự bất lực trong tìm kiếm, đón đợi bạn lòng của thi nhân:
Chẳng biết trong lòng ghi những ai?
Thềm son từng dội gót vân hài…
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?
(Vọng hải đài – Phạm Hầu)
Nhà thơ Đông Hồ với Chơi Bạch Tháp động cũng có mối xúc cảm đồng sóng đồng lòng khi ký thác tâm tư, tình cảm thương nhớ của mình vào mây ngàn gió biển. Mặc dầu thơ Đông Hồ còn lệ thuộc vào lối “ngụ tình cổ điển” và từng bị gán mác “rượu mới bình cũ” nhưng bài thơ được viết năm 1945 này đã chạm tới cái tôi cá nhân với nhiều nỗi niềm, uẩn khúc, ưu tư:
Bạch Vân thăm dấu cũ
Bạch Tháp nhớ người xưa
Người Bạch Vân đã vắng
Động Bạch Vân còn trơ…
Hỏi mây, mây làm ngơ
Nhìn đá lòng ngơ ngẩn,
Trông mây dạ thẫn thờ
Kim cổ màu rêu phủ
Tang thương bóng nhật mờ…
(Chơi Bạch Tháp động
– Đông Hồ)
Tác giả Phạm Huy Thông vốn nổi tiếng trong Phong trào thơ mới bằng Tiếng địch sông Ô mang dáng dấp, hùng khí tráng ca. Cũng viết về sóng nước, với giọng điệu dìu dặt, thiết tha, ở bài thơ Tiếng sóng, thông qua biểu đồ thời gian sáng, trưa, chiều, tối, nhà thơ đã diễn tả được sự cộng hưởng khá nhịp nhàng giữa những cung bậc âm thanh của tiếng sóng và giai điệu tâm tình của một hồn thơ dồi dào sinh lực, tựa “một luồng gió mạnh” (Hoài Thanh):
Có nhiều sáng, gió mơ màng dìu dặt
Ánh bình minh vàng dịu dãi màu tươi…
Có những trưa gay gắt, nắng tưng bừng
Đỉnh chói lòa, ánh sáng như kim cương…
Có nhiều chiều đẫm tắm bóng thê lương,
Cùng gió thảm từng hơi dài tấm tức…
Có nhiều đêm đen tối như địa phủ,
Sóng dữ dội như ma thương kêu rú…
Không bao giờ, không bao giờ ngớt
tiếng du dương
Hỡi sóng! Đàn thần tiên muôn thu réo rắt.
Tiếng lòng ta cũng không bao giờ ngớt
Tiếng mơ màng ca nhịp buồn vui
(Tiếng sóng – Phạm Huy Thông)
Nhìn chung: từ “cái biểu đạt” đến “cái được biểu đạt”, đối diện thực thể biển, các nhà Thơ mới đã tìm được tiếng nói chung khi phóng chiếu cái nhìn nhuốm đậm màu sắc chủ quan đến vật thể ngoại hiện để tự khám phá kích thước cái tôi cá nhân: từ Phạm Hầu, Đông Hồ đến Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu; từ Quách Tấn đến Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên… Riêng trường hợp Phạm Huy Thông với âm điệu trữ tình khỏe khoắn, hình tượng thơ bay bổng ẩn chứa nhiều khát vọng chính là gương mặt tiêu biểu cho khuynh hướng vượt thoát – một trong những dấu hiệu đặc trưng mang tính tích cực của chủ nghĩa lãng mạn nói chung và thơ ca lãng mạn nói riêng.
Hiện diện song song cùng cái bao la vô tận của biển, dải đất duyên hải cũng là nơi sinh tụ, là miền giao cảm lớn trong Thơ mới 1932 – 1945. Đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt” lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử/ trầm tích văn hóa của cộng đồng cư dân Việt trong hành trình lập quốc. Nổi bật hơn cả là những sáng tác của nhóm tác giả có gốc gác, sinh ra và lớn lên từ mảnh đất ven biển Trung Bộ, nơi “sông suối dày tơ nhiện” và “núi choài ra biển” (thơ Phạm Ngọc Cảnh)… Đó là Lưu Trọng Lư, thi sĩ luôn chìm đắm triền miên trong cõi mộng nhưng Tiếng thu dẫu mơ màng, ảo diệu vẫn chứa đựng hệ thống thi ảnh đẹp mà chân thật về một vùng đất phía nam Hoành Sơn (Đèo Ngang) vừa có đồi núi vừa có biển: từ một làn “nắng mới hắt bên song” đến “chiếc cáng diều” lơ lửng trên sườn non giữa “ngàn thông còn đắm mộng thân yêu”, từ một vầng trăng nội “mơ màng/ trên những làn tóc rối” đến phong cảnh “trời nước mênh mông” trên bãi biển quê nhà… Là Hàn Mặc Tử nhờ mối “tình quê” sâu đậm cùng sự gắn bó với cội nguồn ruột thịt đã tạo được những nét vẽ tươi tắn cho thế giới nghệ thuật thơ. Thay thế những “bào ảnh, huyền diệu, phiếu diễu, chiêm bao” đã từng ngự trị là những sắc màu cuộc sống được cảm nhận một cách trực quan, sinh động:
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
(Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử)
Đi từ ngoại cảnh hướng đến nội tâm; bài thơ được kết lại bằng lời tự vấn như một sự chuyển đổi trạng thái cảm xúc vốn là sở trường trong tư duy khiến mạch thơ Hàn Mặc Tử luôn có sự vận động đa chiều, khó có thể nắm bắt, đoán định và tiềm ẩn nhiều bất ngờ, thú vị. Hình bóng người con gái xứ biển với gánh nặng mưu sinh cơ hàn, cực nhọc cuối bài thơ thực sự là một ám ảnh xúc động và cảm thương:
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trăng nắng chang chang?
(Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử)
Đó còn là Quách Tấn, tác giả Mùa cổ điển già dặn, “kỹ tính” hơn so với bạn hữu thi nhân cùng thời vì còn nhiều vương vấn với bút pháp Đường thi nhưng khi đối diện với những hình ảnh thực, các đường nét về tạo vật và con người trong thơ ông không còn vẻ cứng nhắc gò bó mà mềm mại, chân thực hơn: Chim mang về tổ bóng hoàng hôn,/ Vàng lửng lơ non biếc đọng cồn./ Cành gió hương xao hoa tỉ muội;/ Đồi sương sóng lượn cỏ vương tôn./ Khói mây quanh quẩn hồi chuông vọng,/ Trời biển nôn nao tiếng địch dồn./ Thương cảnh ông câu tình tự quá!/ Thuyền con chở nguyệt đến cô thôn. (Chiều xuân – Quách Tấn). Là Tế Hanh lai láng, nồng đượm nguồn cảm xúc khi viết về nơi “chôn rau cắt rốn” thân thương của mình. Bức tranh đời sống của một vùng cư dân biển Trung Trung bộ được hiện lên qua những nét vẽ hồn hậu, chân phương, căng tràn sức trẻ của một cây bút đang độ tuổi “hoa niên”: Làng tôi vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây, cánh biển nửa ngày sông./ Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,/ Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá./ Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã,/ Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang./ Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng./ Rướn thân trắng bao la thân góp gió… (Quê hương – Tế Hanh),vv và vv… Với tầm nhìn xa, dưới nhãn quan địa văn hóa/ sinh thái học, rất dễ để nhận thấy cố đô Huế và “cái nôi nghệ thuật” Quy Nhơn, Bình Định là hai bức khảm lớn mang căn tính địa/ sử văn hóa, hai vùng đất qui tụ nguồn thi hứng của nhiều nhà thơ và đã lưu lại trong kho tàng thơ ca Việt Nam nhiều thi phẩm đặc sắc.
Nằm ở vị trí khá trung tâm của miền duyên hải Trung Trung Bộ, Huế mang dung nhan diễm lệ, là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca nhạc họa. Khác với cái bình dị, mộc mạc của những làng chài ven biển, mảnh đất cố đô hiện lên với dáng dấp, thần thái “đẹp và thơ”; trữ tình, nên thơ đến từng hình ảnh, chi tiết nhỏ, ngay cả khi chủ thể của bức tranh thơ là người lao động bình dân:
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo.
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết,
Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo…
Đăm đăm mắt mỏi vì chèo,
Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng
Biết không? Cô hỡi, biết không?
Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao?
(Đẹp và Thơ –Nam Trân)
Huế đẹp bởi có núi Ngự soi bóng dòng Hương Giang trong xanh, mỗi khi chiều về bóng hoàng hôn hắt xuống lại chuyển thành màu tím tạo nên màu tím Huế huyền thoại bao đời. Huế cũng rất đỗi nồng nàn bởi sắc đỏ rực lửa của những đóa phượng vĩ, da diết nhớ thương bởi cầu Trường Tiền “sáu vài mười hai nhịp” và trầm mặc, sâu sắc vời vợi bởi đền đài, lăng tẩm uy nghiêm… Song trên nền cảnh ấy không thể thiếu vắng bóng hình người con gái Huế: Trai thời trong Quảng ra thi/ Gặp cô gái Huế chân đi không đành (Ca dao miền Trung). Đây chính là một kiểu nhân vật trữ tình, dịu dàng, đằm thắm níu giữ từng bước chân, thu hút mọi ánh nhìn của du khách thập phương: Một hàng tôn nữ cười trong nón/ Sông mở lòng ra đón bóng yêu (Bài thơ Huế - Quỳnh Dao). Thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đã từng gửi tâm tình về Huế, bày tỏ nỗi nhớ nhung, xao xuyến, bâng khuâng về một giai nhân vừa như thực, vừa như mơ: Sao anh không về nơi thôn Vĩ? / Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. / Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền…/ Mơ khách đường xa, khách đường xa,/ Áo em trắng quá nhìn không ra. / Ở đây sương khói, mờ nhân ảnh,/ Ai biết tình ai có đậm đà? (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử).
Cùng viết về địa danh thôn Vĩ Dạ - một không gian trữ tình giàu chất thơ, một khuôn viên cây lá đậm sắc Huế, thi sĩ Bích Khê đã để lại hai câu thơ vừa tả cảnh, vừa ngụ tình đặc sắc: Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn/ Biếc che cần trúc không buồn mà say (Huế đa tình – Bích Khê). Cảnh sắc Huế, dù chọn góc nhìn nào cũng mang thần thái, hồn cốt riêng: gần gũi, thân thương trong những nét đặc tả đời thường (Huế, ngày hè; Huế, đêm hè – Nam Trân) nhưng cũng rất đỗi lung linh, kỳ vĩ qua nỗi niềm hoài cổ “thâm trầm, u tịch” mà vẫn tiềm ẩn nhiều khát vọng của một cây bút quá nặng lòng với quá khứ:
Trôi đi thuyền! Cứ trôi đi xa nữa!
Vỗ giăng khuya bơi mãi! Cánh chèo mơ!
Lòng ta là những thành quách cũ,
Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.
(Lòng ta là những thành quách cũ – Vũ Đình Liên)
Quy Nhơn, Bình Định được coi là “thánh địa” của Trường thơ loạn – một nhóm phái tác giả mê đắm bút pháp tượng trưng, siêu thực. Vì lẽ đó, cảnh quan tạo vật trăng, gió, núi, mây của một dải đất thiêng đã được cảm nhận và hiển thị trong thơ với nhiều khác lạ và ám gợi dị thường. Đó là vũ trụ trong suốt đến giá lạnh của Trăng, trăng, trăng là trăng, trăng, trăng trong thơ Hàn Mặc Tử; là ánh sáng huyền ảo bồng bềnh của Yến Lan: Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi, ông lái chẳng buôn câu/ Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu/ Ông không muốn run người ra tiếng địch/ Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao (Bến My Lăng – Yến Lan); là sắc màu biến ảo trong thơ Bích Khê: Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng/ Của gương hồ im lặng tựa bài thơ (Mộng cầm ca – Bích Khê); là những ảnh hình vụt hiện của Quỳnh Dao: Đêm nay sáng, đêm nay rằm/ Trăng như e lệ đương nằm trong cây/ Bỗng luồng gió đậu cành say/ Cành nao nao xuống… trăng bay ra ngoài (Nụ cười trong mơ – Quỳnh Dao) v.v… Rõ ràng, từ một hình ảnh thực giữa thiên nhiên vĩnh hằng, bằng lối tư duy thiên về ảo giác, các chủ thể của Trường thơ Bình Định đã nhào nặn và tái tạo nên nhiều “dị bản” trăng độc đáo của riêng mình. Điều đó cũng phản ánh năng lực chiếm lĩnh thế giới từ cổ mẫu trăng của các nhà thơ theo khuynh hướng tượng trưng/ siêu thực.
Không hiện diện trên trang thơ bằng vẻ đẹp lung linh, lan tỏa và có sức mê hoặc như hình tượng trăng, hình bóng những Tháp Chàm bí ẩn lưu giữ dấu tích Chiêm Thành của vùng đất Bình Định cũng là một nguồn cảm xúc tạo dấu ấn, bản sắc cho một miền thơ, và đặc biệt hơn là đã làm nên tên tuổi của nhà thơ Chế Lan Viên. Bằng một danh xưng khá xa lạ, thi nhân họ Chế đã hóa thân vào hình tượng cái tôi trữ tình mang căn cước Chiêm quốc để cảm nhận sâu xa hơn sự “điêu tàn”, hoang phế, tiêu vong của một vương triều. Nỗi đau thương, sầu hận về một vương quốc Chàm bị hủy diệt đã đẩy trường liên tưởng trong thơ Chế Lan Viên về quá vãng dị thường, siêu thực:
Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi,
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian.
Những sông vắng lê mình trong bóng tối.
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.
(Trên đường về –Chế Lan Viên)
Từ ký ức lịch sử hoàn toàn “vay mượn”: Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở/ Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe/ Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ/ Tan dần trong yên lặng của đồng quê (Đợi người Chiêm nữ –Chế Lan Viên); nhà thơ đã gửi gắm vào đó rất nhiều tâm sự, nỗi đau, sự bất lực và bế tắc của người nghệ sĩ trước thực tại vong quốc:
Rồi cả một thời xưa tan tác đổ
Dấu oai linh hùng vĩ thấy gì đâu?
Thời gian chảy, đá mòn, sông núi lở.
Lòng ta luôn còn mãi vết thương đau
(Thời oanh liệt – Chế Lan Viên)
Cảnh quan và cảnh quan thiên nhiên là hữu thể vật chất của tồn tại khách quan, đồng thời cũng chính là đối tượng thẩm mỹ của văn học nghệ thuật. Phong trào thơ mới là một trào lưu thơ ca đã tạo dựng hệ giá trị bền vững, trong đó có nguồn kinh nghiệm thẩm mỹ quí giá. Là một không gian ghép nằm trong “thế giới của sự sống” (Husserl) muôn màu; việc tiếp cận quần thể biển/ duyên hải thông qua chân dung cái tôi trữ tình – cái tôi chủ thể giúp chúng ta cảm hiểu sâu sắc hơn đời sống cũng như diễn biến nội tâm phức hợp của một thế hệ thi nhân yêu đời và đau đời, giàu khát vọng nhưng đôi khi lâm vào bế tắc… Hành trình từ cái tôi/ bản ngã trong Thơ mới 1932-1945 đến cái tôi/ bản thể trong thơ ca đương đại là hành trình xuyên thời gian, “xuyên văn hóa”; đặng cho con người khẳng định nhân vị, tìm lại chính mình, “định vị” và “tái định vị” được sự hiện diện của mình giữa cõi thế và tha nhân. Đó chính là thông điệp giàu tính nhân văn bởi vì con người là biểu tượng văn hóa cao cấp và việc khám phá đời sống con người luôn là câu chuyện muôn đời của văn học nghệ thuật.
Nguồn Văn nghệ số 20/2022