Tám giờ tối, mâm cơm nguội ngắt được đậy bằng chiếc lồng cũ kỹ vẫn nằm chơ vơ bên cạnh nồi cơm dưới nền nhà. Chiếc lồng bàn này Vân được bà chủ trọ cho từ đống đồ đạc cũ mà khách thuê trọ để lại. Thi thoảng Vân mới đưa ra dùng. Đó là những lúc cả nhà chờ cơm Bình tăng ca hoặc đi rút tiền. Tăng ca thì từ khi Covid-19 kết thúc đến nay không được buổi nào. Hôm nay là ngày 10, công ty trả lương. Bình luôn đảm nhận nhiệm vụ rút tiền cho cả hai vợ chồng mỗi tháng. Bởi tan ca, công nhân ùa ra như ong vỡ tổ, đứng xếp hàng cả mấy tiếng đồng hồ mới đến lượt. Có người cầm một nắm thẻ rút hộ 5-6 người khác là chuyện thường. Nên Vân quá quen với việc cả nhà ăn cơm muộn vào tối ngày 10 hàng tháng.
Thằng Minh đang ngồi học bài, còn con bé Hạnh cứ đi ra đi vô chừng như sốt ruột lắm. Chắc nó đói. Hồi chiều, trên đường về, Vân ghé hàng cá quen ở chợ Sông Mây mua được con cá trắm to người ta bắt từ hồ Trị An. Lúc đầu, Vân cũng ngại chẳng dám mua, nhưng chị bán cá đon đả: “Em cứ mua đi, lãnh lương trả chị, không sao hết. Chị em gặp nhau thường xuyên, lo gì”. Vậy là Vân bấm bụng mua con cá về làm một bữa thịnh soạn cho cả nhà. Mà cũng đúng thôi, cả tháng mong chờ được ngày lãnh lương để cải thiện đời sống, chẳng lẽ ăn cơm mắm muối suốt ngày.
Hai đứa trẻ thấy mẹ xách về con cá to thì mắt tròn mắt dẹt. Đứa đòi làm lẩu, đứa đòi kho, nhốn nháo cả chục phút. Vân mãn nguyện, ngắm nghía một lúc rồi xắn tay áo lên mổ bụng con cá và cắt ra từng khúc. Cái đầu dùng nấu canh chua giải cảm cho Bình này. Mấy hôm nay mưa nhiều nên anh cứ sụt sùi mãi chưa khỏi. Phần thân, Vân cắt khúc rồi xẻ đôi ra, suy đi tính lại một lúc thì chia làm hai, một nửa cho vào nồi, thêm riềng sả để kho theo yêu cầu của thằng Minh, một nửa cất vào ngăn đá tủ lạnh để dành hôm sau còn có cái mà đãi khách. Phần đuôi, Vân cũng cắt khúc ra cho vào ngăn đá để cuối tuần làm nồi lẩu theo yêu cầu của cái Hạnh. Vậy là êm đẹp cả nhà. Dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, Vân mới đi nấu cơm. Vân đã cố tình nấu muộn hơn một chút, nhưng khi nấu xong vẫn chưa thấy tiếng xe của Bình về. Mẹ con đành đậy lồng bàn lại chờ. Chờ lâu quá, mấy lần Vân tính gọi cho Bình, nhưng cứ cầm điện thoại lên lại sợ Bình đang đi đường nghe không an toàn, nên lại thôi. Chờ thêm tí nữa có sao, canh nguội thì hâm lại cho nóng, cả nhà cùng ăn mới vui vẻ. Thêm nữa, hôm nay lại có món ngon.
Những lúc phải chờ đợi thế này, Vân lại nghĩ, sao công ty không chia ra trả lương từ ngày 01 đến ngày 10 mà cứ dồn hết vào một ngày. Cứ đúng ngày đó, từ sáng sớm Vân đã thấy xe chuyên dụng của ngân hàng chở theo những bao tải tiền kèm vệ sĩ có súng đi theo để đổ tiền vào các cây ATM. Thế mà chiều đến, khi từng đoàn người xếp hàng ra tận đường quốc lộ để rút tiền, chỉ được một lúc, đút thẻ vào thì cây ATM đã báo hết tiền. Đoàn người lại chia nhau chạy sang các cây khác, lại chờ đợi, lại hết tiền. Vậy là điệp khúc khất tiền nhà thêm một ngày lại khiến các chủ trọ lo lắng. Hôm nay, chắc Bình đang chạy đôn đáo kiếm các cây ATM để rút tiền về trả phòng trọ, để trả nợ, nên cô yên tâm chờ cơm.
Chín giờ tối, cái Hạnh đã không thể chịu đựng cái bụng đang cồn cào thêm được nữa thì chuông điện thoại của Vân reo lên. Số máy lạ. Vân định tắt đi, vì từ khi mua cái tủ lạnh trả góp xong, cứ một ngày có mấy cuộc gọi tư vấn vay tiền từ công ty bảo hiểm bảo trợ khoản trả góp đó. Nhưng linh tính làm sao, Vân lại nghe máy. Đầu dây là giọng phụ nữ lạ hoắc: “Chị có phải là người nhà của anh Hoàng Quý Bình không?”. Vân chột dạ, ai mà biết cả tên họ của chồng mình, lại gọi vào lúc này. Vân bắt đầu run và nghĩ chuyện chẳng lành nên chỉ kịp “Dạ” một tiếng cụt lủn. Đầu dây bên kia tiếp tục nói: “Chị lên ngay phòng cấp cứu bệnh viện Thống Nhất, anh Bình bị tai nạn và chuyển đến đây”. Vân làm rơi cái điện thoại trên tay. Chuyện gì thế này, rõ ràng Bình đang đi rút tiền cơ mà, sao lại ở bệnh viện được. Luống cuống nhặt điện thoại lên, Vân gọi cho Bình với hi vọng thông tin vừa nghe là một cuộc gọi nhầm nào đó. Điện thoại không liên lạc được. Cô rụng rời tay chân, chỉ kịp sang phòng bên nói với hàng xóm: “Chở giúp chị lên bệnh viện Thống Nhất gấp, anh Bình bị tai nạn”.
Vân hoảng hốt chạy đến phòng cấp cứu là lúc các bác sĩ đang chuyền máu cho Bình. Chiếc máy đo điện tim kêu tít tít ở đầu giường. Bình nằm nhắm nghiền mắt, đầu và tay chân bê bết máu. Mắt Vân hoa lên chẳng thấy gì nữa. Cô chỉ kịp thều thào gọi: “Anh Bình ơi!”. Bình chẳng mảy may nghe tiếng Vân gọi. Cô y tá thấy vậy vội đỡ Vân ngồi lên mép giường. “Chị có phải là người nhà anh Bình không?”. “Tôi là vợ anh ấy”. “Vậy chị qua phòng bác sĩ trao đổi chút nhé”. Không biết có chuyện gì nghiêm trọng đến mức bác sĩ gọi vào gặp riêng.
![]() |
Hồ Sông Mây. Ảnh minh họa |
Bác sĩ chừng ngoài 30, gương mặt trẻ măng tiếp Vân với ánh mắt nuối tiếc. Đây là bác sĩ trưởng khoa, vừa đi tu nghiệp nước ngoài về. “Chào chị, chị là gì của anh Bình?”. “Tôi là vợ anh ấy. Cần mổ phải không bác sĩ, để tôi ký giấy cho anh ấy mổ liền... ”. “Chị phải thật bình tĩnh nghe tôi nói... ”. Bác sĩ hơi nghèn nghẹn rồi nói từng câu ngắt quãng: “Chồng chị... tiên lượng... xấu. Chúng tôi đã cố gắng hết sức... Mong chị bình tĩnh... lo liệu cho anh ấy”. Vân nghe như sét đánh. “Vậy là sao bác sĩ, vậy là chồng tôi không cứu được ư?”. “Tôi thật lấy làm tiếc, nhưng anh ấy đã chết não. Tai nạn quá mạnh”.
Vân chao đảo ngã khụy xuống và không còn biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy, cô thấy xung quanh một màu trắng toát. Lạnh. Cơn lạnh đột nhiên ập đến khiến người Vân co rúm lại. Vân thấy Bình đang đứng ở phía giếng nước đầu làng giơ tay vẫy vẫy. Cô cố chạy thật nhanh về phía đó, nhưng càng chạy, khoảng cách càng xa vời vợi. Vân gọi thất thanh. Âm thanh va đập vào thành giếng vọng lại tiếng âm âm u u như ở một miền hoang vắng. Cô y tá bước vội vào phòng đưa Vân chai nước: “Chị uống ngụm nước cho tỉnh người”. “Tôi đang ở đâu, anh Bình đâu?”. “Chị vẫn đang ở bệnh viện, chồng chị ở ngoài kia. Chị có thể ra thăm anh ấy nếu chị thấy ổn nhé!”.
Vân dò dẫm từng bước sang phòng đặc biệt. Bình vẫn nằm đó. Chiếc máy thở và máy đo điện tim vẫn kêu đều đều. Cô y tá nói rằng sẽ hỗ trợ máy thở về đến tận nhà để anh ấy ra đi trong vòng tay gia đình. Thế nhưng nhà ở đâu? Cả hai vợ chồng làm mấy chục năm nay gom góp được ít vốn thì đã về xây nhà cho ông bà ở quê. Đường từ đây về quê hơn một ngàn cây số, làm sao đưa chồng cô về được đến nhà. Cô không tin Bình không bao giờ tỉnh lại nữa. Cô cần Bình, con cô cần cha, ông bà nội cần con trai về thăm mỗi dịp tết đến xuân về. Làm sao Bình có thể bỏ mặc tất cả mà ra đi như vậy được.
Hai mươi năm trước như mới đây thôi. Bình dắt Vân vào Sông Mây lập nghiệp khi hai đứa vừa học xong trung học. Mọi sinh hoạt đều phải vận hành theo guồng công nghiệp mà ban đầu Vân hơi choáng. Đó là “chạy”. Ban đầu mới vào, nghe tiếng chuông kêu “reng”, thấy tất cả thả phịch cái giày đang cầm trên tay xuống chuyền rồi cắm đầu chạy. Vân chẳng biết có chuyện gì xảy ra. Đang luống cuống đứng nhìn thì cô bạn bên cạnh bảo: “Chạy nhanh mà ăn cơm!”. Ơ kìa, ăn cơm thì đến giờ đi ăn, sao phải chạy. Tuy nhiên, thấy mọi người chạy hết, Bình cũng kéo Vân chạy theo. Vừa ra khỏi xưởng, đập ngay vào mắt Vân là cảnh cả ngàn công nhân đua nhau chạy về phía căng tin cách đó hơn năm trăm mét. Người từ các xưởng ùa về càng lúc càng đông như đàn kiến tha mồi về tổ, làm nghẽn cả khoảng sân rộng. Vân choáng trước cảnh tượng chen chúc mà từ trước đến nay chưa từng thấy. Mồ hôi đầm đìa trên những tấm lưng mặc áo đồng phục màu xanh. Mùi keo dán giày ám vào từng bộ quần áo của công nhân xưởng quét keo, ép đế, hòa lẫn với mùi mồ hôi xộc lên làm Vân đau váng đầu.
Ở quê, những ngày cày ruộng, mồ hôi cũng đầm đìa như thế, nhưng nó được quyện với hương đồng gió nội nên phảng phất mùi thơm ngai ngái mà Vân thinh thích. Thế nhưng, khi mồ hôi quyện với mùi keo dán giày ở nhiệt độ cao đã làm cho người mới như Vân không thể chịu được. Cô cố lánh xa những anh chàng xưởng ép đế. Nhưng làm sao lánh nổi khi tất cả hòa lẫn với nhau một màu đồng phục da trời. Lấy được phần cơm xong thì lác đác vài người đã xỉa răng, đứng dậy đi về xưởng nghỉ ngơi. Thời gian cả ăn trưa cả nghỉ chỉ gói gọn trong một tiếng đồng hồ, khiến cho những chiếc đũa cũng phải vội vàng hết công suất. Lúc đó Vân nghĩ, ăn như vậy rồi thể nào bao tử nó cũng báo động cho xem. Thế nhưng, chính cô cũng phải “lùa” suất cơm nhanh nhất có thể, để có thời gian về xưởng chợp mắt một chút trước khi vào ca. Cho đôi chân có thời gian phục hồi sau buổi sáng phải đứng suốt bên máy.
Lần chạy nữa trong ngày là lúc 10 giờ sáng và 2 giờ chiều. Chạy đi vệ sinh. Hồi đầu chưa quen nếp, Vân đã phải nín nhịn đến tái mặt. Cô nghe nhiều chị em kể, lúc mang thai, có người đã phải mặc bỉm để không phải nín. Vân chưa trải qua cảnh đó, nhưng thú thật, việc nhịn đi vệ sinh là một việc khó chịu nhất trên đời mà Vân phải trải qua. Hôm sau kinh nghiệm hơn, Vân tranh thủ sau giờ ăn trưa đi thẳng vào nhà vệ sinh, chẳng phải tranh giành, chẳng phải chờ đợi để chậm chuyền bị cán bộ trưởng mắng. Còn buổi sáng, cô uống thật ít nước, hoặc nhịn hẳn. Lâu dần thành nếp quen, cô chẳng thể đi vệ sinh ngoài hai khung giờ trên, kể cả khi chủ nhật ở nhà thoải mái. Còn việc chạy thì đến bây giờ đã thành thói quen khó bỏ. Vân ít khi đi bình thường, hễ đặt chân xuống đất là cô đi như chạy.
Vân sùi sụt lau nước mắt khi nhớ về những ngày tháng con nhỏ, Bình phải tranh thủ làm thêm để kiếm đồng trang trải cuộc sống. Vân đi làm mà bụng dạ lại để hết ở đứa con đang bệnh. Có những lúc cái Hạnh bệnh quá, chỗ trông trẻ không nhận, Vân lại phải gửi vội con cho hàng xóm để đi xin giấy nghỉ bệnh. Với người bình thường thì đau ốm mới đến bệnh viện, thế nhưng với chị em công nhân thì những cái cớ đến bệnh viện khám bệnh lại khiến người nghe cười ra nước mắt. Từ việc con ốm, người nhà đau, đến việc nhà có công chuyện hoặc cần đi đâu đó v.v... tất cả đều phải tranh thủ đi khám... cho ra bệnh để được nghỉ chế độ bảo hiểm. Bởi nếu xin nghỉ không phép sẽ bị cắt tất cả tiền chuyên cần, tiền thưởng, các chế độ liên quan v.v... Khoản đó một tháng ít thì triệu bạc, nhiều thì vài triệu, chưa kể bị cộng dồn cuối năm trừ vào tiền thưởng tết. Nên nhiều chị em cứ lên khai đau bụng dữ dội, đau ngực, đau đầu, đau đủ thứ, nhưng khi bác sĩ cho đi chụp chiếu thì bảo không có tiền, nhờ bác sĩ kê toa về uống và cho nghỉ ở nhà mấy ngày dưỡng sức. Cầm được giấy nghỉ bệnh trên tay, hầu như chẳng ai ghé tiệm mua thuốc, mà phi thẳng một mạch về nhà để chăm con ốm, hoặc làm những công việc theo kế hoạch. Việc này Lớp trưởng biết, Tổ trưởng biết, Chuyền trưởng biết, thậm chí Hiệp lý cũng biết, nhưng ai cũng hiểu hoàn cảnh công nhân nên bỏ qua cho nhau. Bởi vì theo quy định, một năm có 12 ngày phép, công ty bắt buộc nghỉ mỗi tháng một ngày chứ không cho nghỉ dồn, vì nghỉ dồn sẽ gián đoạn băng chuyền, sẽ phải bổ sung người khác. Thế nên, nhiều chị em đã phổ biến những “chiêu” lách luật “hợp lý” như thế này.
Thế mà bây giờ Bình lại bất ngờ bị tai nạn. Vân không thể hình dung cuộc sống của mấy mẹ con sẽ ra sao khi không có Bình. Đang chao đảo với những suy nghĩ thì dòng chữ chạy trên màn hình tivi ngoài sảnh chờ đập vào mắt, khiến Vân như bừng tỉnh. Đúng rồi, Bình cần phải sống. Phải sống bằng một cách khác. Vân chạy nhanh ra cửa, vào thẳng phòng bác sĩ: “Tôi cần cứu sống chồng tôi, thưa bác sĩ”. “Thật chia sẻ với chị, chúng tôi đã hết cách”. “Còn cách. Tôi tình nguyện hiến tạng chồng tôi để cứu người, để một phần cơ thể của anh ấy còn sống có ích”.
Vị bác sĩ trẻ thoáng chút ngạc nhiên trước quyết định đột ngột của Vân. Anh hỏi đi hỏi lại rằng chị có bình tĩnh không, đã hỏi ý kiến gia đình chưa. Vân khẳng định chắc như đinh đóng cột về quyết định táo bạo đó. Điều này đúng là việc làm vượt quá mọi suy nghĩ và tâm linh của Vân bấy lâu nay. Quan niệm ở quê, chết phải toàn thây. Có anh kia bị cụt mất một chân do tai nạn, gia đình lấy cái chân cắt bỏ đó về chôn trong nghĩa địa của gia tộc để sau này người ấy chết sẽ chôn cái chân theo cùng. Vậy mà giờ Vân dám hiến tạng chồng, coi như là cắt bỏ những bộ phận quan trọng còn sống của chồng để hiến tặng người khác. Những bộ phận đó sẽ tách rời cơ thể anh mãi mãi. Như vậy là chết không toàn thây, gia đình sẽ bị xui xẻo. Trước đây, Vân mới chỉ nghe nói về việc ghép tạng, cô cũng đọc báo, xem tivi. Thế nhưng bây giờ rơi vào đúng hoàn cảnh mà cô phải lựa chọn. Một việc là tình nghĩa với chồng, với tổ tiên dòng tộc; một việc là tình yêu đối với nhân loại. Nói với bác sĩ ý định hiến tạng nhưng Vân vẫn day dứt mãi, hay là mình rút lại lời đề nghị, bởi chồng cô cũng đang nằm đấy và cô cũng chưa ký vào bất kỳ giấy tờ ràng buộc nào. Nhưng cô lại nghĩ, Bình là một người tốt, anh lúc nào cũng giúp đỡ người yếu thế hơn. Phải chăng anh đang muốn được hiến những bộ phận còn sự sống cho người khác, thông qua ý định vừa chạy qua trong đầu cô.
Cuộc gọi điện về nhà báo tin chẳng lành của Vân bị gián đoạn vì bố mẹ chồng không chịu đựng nổi cú sốc mất con. Phải mấy tiếng sau, bố chồng gọi cho Vân bảo rằng phải cấp tốc đưa Bình về quê an táng. Lúc này Vân mới mạnh dạn nói ý định hiến tạng của Bình cho y học. Như dự đoán trước, ông bà giãy nảy lên: “Sao con lại làm thế, sao con lại khiến chồng chết không toàn thây. Con làm vậy ảnh hưởng đến đời con, đời cháu sau này nữa. Con biết không? Bố không nói nhiều. Con đưa thằng Bình nguyên vẹn về đây cho bố”. “Bố ơi, nếu hiến tạng thì anh Bình vẫn sống tiếp đó bố, sống trên cơ thể một người khác”. “Bố không cho phép. Con phải mang thằng Bình nguyên vẹn về cho bố! Thằng Bình là đích tôn, là tộc trưởng. Không thể! Không thể được!”. Nói xong, ông cụ cúp máy làm Vân chưng hửng, đắn đo. Đúng thật, trong tâm nguyện của cô, cô cũng mong chồng được chết nguyên vẹn. Thế nhưng, không biết ý chí ở đâu đã nói với cô rằng, con người chết đi, linh hồn sẽ rời xa thể xác, lúc đó thể xác sẽ mục rữa và không còn giá trị nữa. Nếu được hiến những bộ phận cơ thể để cứu người thì coi như con người đó còn sống mãi trên cõi đời ở một dạng thức khác và cô cũng có thể may mắn gặp những người nhận tạng của chồng cô bằng xương bằng thịt đó một ngày không xa.
Nhà nội đã cử anh con bác đến đưa Bình về quê an táng. Vân vẫn không chịu ký giấy ra viện. Không phải cô chờ đợi một phép màu. Mà ngay cả chính bản thân cô cũng đang lưỡng lự. Không biết cô làm vậy có đúng ý của chồng không? Mỗi khi đã quyết định là không thể thay đổi. Đôi lúc, cô lại muốn bố mẹ chồng đồng ý, đôi lúc cô lại muốn ông bà từ chối để có thể mang chồng về nguyên vẹn. Bao nhiêu đêm chờ đợi tin từ gia đình là bấy nhiêu đêm Vân đắn đo, lưỡng lự. Suy nghĩ mãi, cô quyết tâm nhờ em gái chồng thuyết phục bố mẹ cho phép cô hiến tạng chồng. Bởi Vân nghĩ, những bộ phận trên cơ thể anh còn sống, nó cần được tiếp tục sống có ích. Bố chồng cũng từng là bộ đội, ông đã chứng kiến những người lính hi sinh không toàn thây, có những người đến bây giờ vẫn chưa tìm được mộ. Vậy Bình chết đi, nhưng những bộ phận cơ thể của anh vẫn được người khác nuôi dưỡng, vẫn hiện diện trên cõi đời thì đó là một đặc ân đáng được trân trọng. Chính những lời gan ruột và hợp lý, hợp tình của Vân đã chạm được vào trái tim của bố chồng, khiến ông đồng ý hiến tạng con mình cho y học, dù trước đó ông đã thẳng thừng từ chối. Bởi thật lòng, ông vẫn hi vọng một ngày nào đó sẽ được gặp những người nhận tạng, để thấy con trai ông còn hiển hiện trên cõi đời.
Lo công chuyện của chồng xong, Vân mạnh mẽ quay lại công ty làm việc để có tiền lo cho hai đứa nhỏ ăn học. Thế nhưng mỗi ngày đi làm đều là những ngày buồn của cô. Cô nhìn đâu cũng ra dáng Bình đang đứng đợi. Đó là ngày hai đứa dắt nhau rời quê hương vào miền Nam đất hứa như bao thanh niên trong làng. Làng cô nghèo, quanh năm làm ăn không đủ “cống nạp” cho một trận lũ. Mà năm nào chẳng có lũ. Sau tám sáu, đất nước đổi mới, làng cô vơi một phần đi theo diện xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Đến đầu chín mươi, nhóm cũ về dắt díu thêm một góc làng đi tự phát khắp Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Rồi cuối chín mươi là đến lượt lứa thanh niên như Bình và Vân kéo nhau đi vào Nam làm công nhân sau khi đất nước hết cấm vận và các công ty nước ngoài đầu tư vào nhiều tỉnh Đông Nam bộ mến khách này. Những đồng tiền được gửi từ miền Nam về làm những người nông dân trong làng vui như có con đi Liên Xô ngày trước. Tết đến, từng đoàn người nô nức về quê, mang theo nào bánh kẹo, trái cây khiến cho những người dân chưa bao giờ bước chân ra khỏi lũy tre làng hết sức ngưỡng mộ. Thế rồi dắt díu nhau đi. Làng chỉ còn lại những cụ già và những đứa trẻ con được gửi từ miền Nam về, ông bà chăm giúp để bố mẹ đi làm kinh tế. Xưởng của Vân, đồng hương cũng chiếm hết một phần ba nhân sự. Ban đầu cô làm cùng xưởng vô phom với Bình, sau đó anh được cất nhắc lên quản lý bộ phận đánh mòn. Ở xưởng này cực và độc hại hơn, nhưng bù lại tiền lương lại cao hơn chỗ cũ. Vân nhớ những tháng mới vào, có lần hai đứa đi làm về trong túi chỉ còn mấy ngàn đồng, vậy mà Bình cũng ga lăng mua hẳn cho cô ly nước mía năm trăm đồng chỉ vì hồi sáng cô bảo nhớ quê, nhớ mùa chặt mía kẹo che.
***
Chị Thảo lại đến. Chẳng biết chị đã đến phòng trọ của Vân mấy lần từ sau ngày Bình mất. Lần đầu tiên là ngày chuẩn bị đưa Bình về quê an táng, chị mang theo một bọc tiền lẻ to đùng. Chị bảo anh em công nhân góp lại giúp đỡ. Hàng tháng, Vân cũng thường góp như vậy khi nhà anh chị em nào trong công ty có chuyện chẳng lành. Mỗi người chỉ bỏ vài ngàn, cao lắm thì mười ngàn, vậy mà tiền góp đôi khi lên đến hơn trăm triệu đồng. Chị Thảo bảo, đó là tấm lòng đáng trân trọng, lá lành đùm lá rách, là truyền thống của công ty từ khi chị làm đến nay. Mỗi người nhịn một nửa bữa ăn sáng, hoặc vài ngàn trà đá là đôi khi giúp được một mảnh đời vượt qua hoàn cảnh éo le. Tính chị Thảo hiền, lại hay lo lắng nên anh em công nhân quý chị lắm. Còn Vân, cô coi chị Thảo như ân nhân, như người bạn tâm tình từ sau khi Bình mất. Hôm hay chị Thảo đến, cầm theo một xấp giấy tờ, thấy chị nhắn trước là có chuyện cần trao đổi với Vân.
Con bé Hạnh lăng xăng bật quạt, rót nước mời khách. “Chị muốn nói với em một chuyện”. Chị Thảo vừa nắm tay Vân an ủi vừa nhẹ nói: “Với công sức đóng góp của anh Bình cho công ty hơn mười lăm năm và với việc nghĩa hiến tạng cứu người của vợ chồng em, Ban Giám đốc đã đồng ý mua cho mẹ con em một lô đất ở cách công ty bốn cây số. Tiền xây nhà chị đã xin được một suất của Liên đoàn lao động tỉnh dành cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Thêm vào nữa, chị có kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ ba mẹ con những vật dụng cần thiết trong nhà. Nếu em đồng ý thì ký vào những giấy tờ này, tuần sau trên về khảo sát và sẽ xây nhà cho mẹ con em trước tết”. Vân nắm chặt bàn tay chị Thảo: “Ôi, lẽ nào em đang nằm mơ hả chị. Những gì chị làm cho gia đình em thời gian qua đã quá nhiều rồi. Em còn chưa biết cảm ơn chị ra sao. Em đâu thể tham lam cứ nhận cho mình mãi. Ngoài kia còn nhiều mảnh đời... ”. Chị Thảo an ủi: “Em đừng suy nghĩ nhiều. Chị làm với lương tâm và trách nhiệm của chị. Em xứng đáng có được những điều đó”.
Vân hồi hộp suốt đêm không ngủ được. Bên cạnh, hai đứa nhỏ tranh nhau hỏi mẹ về ngôi nhà mơ ước mà bác Thảo vừa hứa xây. Vậy là từ nay mẹ con cô không phải ở trọ chật chội, không phải cắt một phần lương để trả tiền phòng. Vân ơn chị Thảo quá. Mà trong công ty Vân, nhiều người cũng ơn chị Thảo. Chị ở nhà cấp bốn, đi xe số tuềnh toàng, vậy mà hễ công nhân nào có hoàn cảnh khó khăn là chị đề xuất cấp trên hỗ trợ cho bằng được. Nếu khó quá, chị đi vận động mạnh thường quân giúp đỡ. Nếu không có chị Thảo và hai đứa nhỏ tíu tít bên cạnh, chắc Vân đã về quê.
Buổi sáng mát lành của một ngày mùa mưa, Vân đến công ty với một tinh thần phấn khởi đến lạ. Cô thấy công nhân đang hối hả xuống xưởng, hối hả qua cổng kiểm soát mà lòng rạo rực như những ngày mới đặt chân đến vùng đất hứa, nơi mà Vân và Bình đã nguyện đem hết tuổi thanh xuân của mình cống hiến, coi là quê hương thứ hai của mình. Cô phải đứng dậy để bước tiếp. Cô phải thay Bình bước tiếp. Bước chân Vân háo hức xuống xưởng. Tiếng máy va đập, tiếng quạt quay rè rè, tiếng những bước chân chạy vội đổi chuyền, tiếng nói cười rôm rả... Tất cả những âm thanh thân thuộc đó khiến Vân bừng tỉnh, háo hức và rộn ràng đến lạ. Cô đã thuộc về nơi này, tâm hồn cô đã gắn chặt với nơi này. Chị Thảo nhìn theo Vân đầy mãn nguyện. Hơn ba mươi năm gắn bó với công nhân là chừng ấy năm chị vun đắp cho những hoàn cảnh éo le, những mảnh đời bất hạnh của những đôi tay đang mang lại những giá trị tinh hoa cho đất nước. Chị bỗng xao lòng. Ngày mai, chị nhận quyết định nghỉ hưu.
Vân ngoái lại nhìn bóng chị Thảo đang vẫy tay chào Vân từ cửa sổ phòng làm việc. Ngôi nhà chị Thảo hứa xây đang dần hoàn thiện. Nơi đó sẽ là mái ấm cho mẹ con cô ở miền đất hứa. Vân vẫn tin rằng, ở trên cao kia, Bình đang dõi theo từng bước chân của mẹ con cô, bằng đôi mắt khác, bằng một trái tim khác, trái tim của ấm áp tình người. Cô sẽ cố gắng làm việc thật tốt để nuôi các con khôn lớn, để trả nghĩa cho chị Thảo, cho công ty, cho mảnh đất Sông Mây nhiều nghĩa tình mà cả một đời cô ơn nặng. Mai này, thằng Minh, cái Hạnh lớn lên, cô sẽ cho chúng đi học nghề kỹ thuật bậc cao. Chúng sẽ thay cha viết tiếp những ước mơ còn dang dở nơi miền đất hứa. Mắt cô ánh lên niềm vui rộn ràng.
Nguồn Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 74 (Tháng 4 năm 2024)