Tôi đã đi qua “nó’ nhiều lần, hàng ngày, khi ra hiệu mua bánh mỳ, lúc tha thẩn hóng gió phía bờ sông. Nó đứng lặng lẽ ở đấy. Thân gỗ lớn nhưng cành (không hiểu sao hơi ngắn, chẳng thân thiết gì nên tôi cũng không để công tìm hiểu). Nhìn kỹ, lá có hình tim ở cuống. Mùa này, giữa hè, bắt đầu ra hoa, cuống hoa rất dài thõng xuống neo hàng mấy chục bông đỏ tươi. Hàng trăm hàng ngàn cuống hoa đong đưa nở hàng vạn bông hoa nhỏ “hồng hồng tuyết tuyết”. Người quê tôi gọi là cây Mưng, có trong từ điển tiếng Việt. Người thành phố văn minh hơn gọi là Lộc vừng nhưng không thấy trong tự điển. Thôi thì, gọi sao cũng được. Từ khi thành phố đổi sắc thay da, tầng tầng biệt thự mọc lên, cùng với hàng trăm bạn cổ thụ khác, nó được bứng từ một bờ ao bờ hói nào đó cho lên xe chở về đây, được phun hóa chất ra rễ, nếu vượt qua được cuộc đại phẫu về thân xác và thời tiết thì được nhập khẩu thành phố. Nếu không, thì, người ta lại moi lên kéo ra vứt ở một bãi rác nào đó...
Nhiệm vụ của nó là đứng ở gần cổng, cạnh đường. Mùa xuân ra lộc tim tím. Lộc ra càng dày thì chủ nhà càng mừng, tin rằng năm đó “tiền vô như nước sông Đà”. Giữa hè thì ra hoa, những cuống hoa dài mang hàng chục hàng trăm bông hoa thõng xuống... lẽ ra là vươn tới gần mặt nước, nơi có hơi ẩm, có ngọn gió nhẹ và sóng gợn lăn tăn, có con chim bói cá đậu mơ màng như ngủ gật. Lẽ ra là như vậy. Nhưng, đó là ngày trước, ngày nó ra đời chừng hơn bốn trăm năm trước, khi lần lượt các vị vua, các anh hùng dân tộc trên bước đường mở đất đưa dân Nam tiến. Dân đào đất đắp làng, hình thành nên ao nên mương nên hói. Dân trồng nhiều cây để giữ bờ nhưng chỉ có loại cây thân gỗ ưa nước này là sống tốt lớn tốt và ra hoa, loài hoa dại, lặng lẽ mà hào phóng chưa một lần lỡ hẹn mỗi độ hè về. Cây đứng khiêm tốn nghiêng nghiêng cạnh bờ đầm, rễ theo mạch nước cắm sâu vào bờ, thân gỗ dẻo, chưa có một trận bão nào trong lịch sử làm đổ gãy được Mưng.
Hàng trăm năm, bao lớp người ra đời, ra đi, quay về vẫn gặp Mưng. Gặp mùa xuân thì Mưng chào đón bằng muôn ngàn lộc biếc. Gặp mùa hè thì Mưng đong đưa chùm hoa dài với hàng trăm bông đỏ thắm nho nhỏ. Và điều này mới quan trọng: Có ai đó về muộn cũng đừng vội thất vọng, hãy ra bờ ao, bờ đầm mà xem. Mãn mùa, hoa đã tàn rụng nhưng vẫn chờ người: Một thảm hoa trải kín trên mặt nước sóng sánh, sóng sánh cả mươi mười lăm ngày nữa. Chỉ duy nhất Mưng mới có hai đời hoa như vậy, thủy chung tận hiến vô tư, đủ cho người gắn với đất với nước của làng.
Tuổi thơ tôi có những tháng hè chăn trâu, tụ tập chơi quanh quẩn, leo trèo hái hoa Mưng đem so hoa đứa nào cuống dài hơn. Trèo hái, chơi các trò ngay trên các cành Mưng to nhỏ mà không lo bị gãy. Đây là loài cây thân gỗ dẻo dai bậc nhất. Đủ các trò, cho đến khi trưởng thành đi xa. Đi xa, kí ức về những cây Mưng cổ thụ của tuổi thơ không sâu đậm như bao sự kiện khác. Phải chăng vì cây hiền lành quá, cam chịu và “ít lời” quá. Cho đến mươi năm gần đây, mỗi lần đi ngang cây mưng già vị quan chức bứng về trồng bên vệ đường, trái tim tôi dường như động cựa. Không phải vì mùa hoa nở đẹp, không vì những lồng chim quý treo trên cành, mà, chỉ thương khi mỗi khi hàng vạn cánh hoa rụng xuống không có mặt nước đón nhận sống tiếp đời hoa để tận hiến tận dâng. Những bánh xe vô tình, những gót giày vô cảm lăn qua, dẫm lên đè nát cánh hoa nhòe nhoẹt như máu. Hoa nở trên cây thì ngơ ngác, hoa rơi xuống đời là biến dạng. Một ngày, ngang qua, tôi bỗng xót xa dừng lại, không nhặt hoa mà cứ thẫn thờ nơi gốc Mưng cổ thụ. Rồi, một linh tính gì đó gợi về, một hạt bụi trong ký ức xa xăm động cựa. Tôi thấy dường như “cụ” Mưng này... quen quen. Đây. Ngang thân đoạn này có “những u những nận” do lũ trẻ chúng tôi đặt chân trèo lên. Đây, ngang thân này sần sùi vết sẹo do trâu tìm tới cọ sườn gãi ngứa... Nếu là “bạn tôi” ngày xưa thì, năm mươi năm rồi mà chẳng già thêm nhiều lắm. Chỉ có thần thái hình như không tươi tắn như năm xưa, mỗi bận hè sang tận hưởng những cơn gió Nam ào ạt thổi về... Tôi tự cười một mình như thằng ngẩn ngơ. Nếu kể lại cảm xúc này với ai chắc họ sẽ bảo thần kinh mình có vấn đề. Thôi, còn bao nhiêu việc phải lo. Lo con xin việc (mua việc), lo cháu vào lớp một trường nào, lo hội này họp nọ, triển khai nghị quyết, kế hoạch, lo mất điện mất nước, lo cá chết trên biển, lo cả cái căn hộ mình tích góp cả đời mua, đang ở bỗng ngân hàng đến mới biết không còn là của mình nữa, lo...
Nếu như đám giỗ cụ thân sinh tôi không vào dịp cuối hè để tôi bỗng thèm muốn được nhìn đời hoa tàn của Mưng dập dềnh chờ người quê về muộn trên mặt ao, nếu tôi không tình cờ tha thẩn ra đầu xóm hứng gió trong một chiều nắng nhạt... thì con tim khốn khổ của tôi không bị một đòn đau đến thế. Lối cỏ không còn bởi bê tông hóa của nông thôn mới nhưng đường ra ao làng thì xa một trăm năm vẫn không quên được. Nó đây. Mà hình như không phải. Không còn mặt nước mà chỉ có rác là rác, bao bóng là bao bóng, lông vịt lông gà và dập dềnh. Nhưng tôi không lo nổi việc bao đồng, hộ khẩu tôi ở thành phố, hàng tháng đóng tiền rác có người lo dọn dẹp. Điều tôi quan tâm quanh bờ ao này là chỉ có một và tôi không thể phí thời gian. Lấy khăn che mũi, tôi xăm xăm... Phải là nó đứng ở đây, nghiêng nghiêng, lá che một góc bờ ao, ngọn cây có con chim bói cá ngủ gật, gốc cây xù xì rất dễ trèo lên và rất tiện cho trâu cọ lưng gãi ngứa. Nhưng nó đâu? Cụ mưng năm trăm tuổi của tôi! Chẳng lẽ tôi cất tiếng gọi. Mà gọi thì ai nghe cơ chứ: Chỗ Cụ đứng năm xưa bây giờ hiển hiện một lỗ hổng trống hoác vết tích của đào bới, của vết bánh xe cẩu chuyển đi. Và, những đụn rác đã dần dần lấp kín... Cụ Mưng lên đường về với đại gia thành phố, đổi cho làng tôi một khoản kinh phí để triển khai một đợt họp hành gì đấy, tôi không có quyền can thiệp. Nhưng, từ nay, ra bờ sông hóng gió hay tới hiệu mua bánh mỳ, chắc tôi phải đi con đường khác, vòng xa hơn nhưng tránh gặp một “bạn cũ” đang hàng ngày ngơ ngác xứ người.
Cây Mưng (Lộc Vừng). Ảnh Internet |