Thấy tôi hay sưu tầm gốm sứ, có người mách hãy đến phòng tranh và gốm Chăm của họa sĩ Chế Kim Trung, ở Ninh Thuận. Tranh trên gốm của chị là một kiểu dáng mới lạ về màu sắc và nâng cấp loại hàng gốm Bầu Trúc lên hàng mỹ thuật có một không hai ở nước ta. Ngỡ đường xa cách trở, vậy mà có lần tôi đã đáp một chuyến tầu về Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm…
Họa sĩ Chế Kim Trung |
Nước mắt Chăm nhỏ xuống đất vàng
Khi gặp họa sĩ Chế Kim Trung tôi mới hay, chị đến với hội họa không dễ dàng chút nào, với niềm say mê như bị trời đầy vậy. Nhìn hàng trăm tác phẩm trên những bình, đĩa, tranh gốm mới hay sức làm việc của chị thật “vô thường”. Đúng với nghĩa đó là sự vận động uyển chuyển của sắc mầu, đường nét không cái nào giống cái nào. Gõ lên mỗi chiếc bình là một âm thanh vang lên với giai điệu mới. Bởi mỗi chiếc bình được chăm chút từ bàn tay nhỏ bé và kiên nhẫn của cô gái Chăm này. Chị kể đã bao ngày trở về với làng gốm Bầu Trúc và làng dệt Mỹ Nghiệp để học nghề làm gốm và dệt vải thổ cẩm. Tuy rằng đó cũng là công việc của một giáo viên, hàng ngày chị phải lên lớp giảng dậy học sinh về mỹ thuật và những đặc trưng của vẻ đẹp Chăm, nhưng Chế Kim Trung luôn ấp ủ những hoài bão sáng tạo mỹ thuật trên gốm, trên thổ cẩm. Và, còn đi xa hơn nữa, Chế Kim Trung đã vẽ trên gốm và đưa được những hình tượng về đời sống Chăm vào thổ cẩm. Bởi chị chính là một nữ họa sĩ trẻ tài năng đầu tiên của người Chăm, với nhiều thành tích đáng trân trọng. Nhưng có lẽ với gốm, Chế Kim Trung dành tâm huyết để làm mới gốm Bầu Trúc, sau hàng trăm năm đã ổn định. Do vậy mỗi tác phẩm trên gốm của Chế Kim Trung có độ du dương của sắc màu, trên nền đất đỏ xứ sông Quao, bên làng Bầu Trúc. Khi xem hình ảnh vũ nữ Apsara được phác thảo trên bình gốm, tôi bỗng nhớ đến câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên viết về xứ sở Chăm rằng: “Cả trời đất đêm nay tràn ánh sáng. Bên Chiêm nương ta say uống nguồn mơ” (Ánh sáng). Vẻ đẹp kỳ ảo ấy đã hiện về trên gốm mà họa sĩ Chế Kim Trung đã làm bật lên giấc mơ của thi sĩ xúc động bên cô gái xinh đẹp người Chăm. Nhìn hình ảnh tháp Chăm nổi trên vòm cong của chiếc lu đỏ, tôi như được sống trong nét huyền bí của những lễ hội Chăm, cùng tiếng kèn Saranai lảnh lói. Đó là một phần sáng tạo từ hàng chục tác phẩm hội họa về Lễ hội của Chế Kinh Trung. Chị nổi tiếng về sắc màu lễ hội, với nhiều đề tài khác nhau, trong văn hóa Chăm ở xứ Ninh Thuận. Đó chính là Tháp Chàm đầy ảo mộng và hoan ca cho một thời kỳ huy hoàng của lịch sử đất nước Chăm, cách đây ngàn năm.
Thế rồi từ gốm, tôi được chị mời chiêm ngưỡng những bức tranh về lễ hội, một nguồn cảm xúc mãnh liệt được vận dụng trong sáng tạo gốm mỹ thuật, mang tên gốm Chế Kim Trung. Hầu hết những lễ hội quan trọng nhất của người Chăm được chị thể hiện với sự cởi mở về ánh sáng, màu nóng, rạo rực sức sống. Tôi như bị mê hoặc với những vũ điệu trong “Sắc màu Lễ hội Ka Tê Chăm (1,9mX8m), hoặc “Lễ hội cầu mưa”, hay “Lễ hội đầu năm” và “Tục lễ Rija-Pra-ung”…Kể cả những lễ hội sinh hoạt trong đời sống Chăm như “Lễ cắt tóc”, “Tục cưới Chăm” hay mới nhất như “Diễn xướng nhạc cụ Chăm”(Giải thưởng - 2016)…Có lẽ những nét phóng khoáng bay bổng của vũ điệu Chăm tràn lên mặt gốm, qua nhiều góc cạnh dị biệt, với cảm xúc dịu dàng mơ mộng của nữ họa sĩ. Phải nói hàng trăm tác phẩm lễ hội đã làm nên kho tàng và sự nghiệp hội họa của Chế Kim Trung. Đó là kết quả hơn hai mươi năm học tập và sáng tạo của chị. Đặc biệt khi bảo về luận án thạc sĩ Mỹ thuật ở Thái Lan (3/2013), họa sĩ Chế Kim Trung cũng thể hiện hết sức xuất sắc qua 50 tác phẩm. Đó là bộ tranh liên hoàn miêu tả tới 80 lễ hội, với đề tài lớn: “Sắc màu lễ hội Chăm”. Chị là người đầu tiên trình bày được văn hóa Chăm đến với cộng đồng thế giới thông qua hội họa. Chính vì thế, nhiều tác phẩm về lễ hội của Chế Kim Trung, được trao hàng chục giải thưởng cao của Hội Mỹ thuật Việt Nam và khu vực. Tính từ giải thưởng đầu tiên năm 2003 đến năm 2016, họa sĩ Chế Kim Trung có tới 22 giải thưởng, trung bình mỗi năm một giải. Có nhiều năm được nhận hai giải thưởng liền. Đó là một kỷ lục hiếm có của một nữ họa sĩ người Chăm.
Với sự sáng tạo phát triển, từ nền mỹ thuật truyền thống, tranh trên gốm của Chế Kim Trung có những nét độc đáo, tạo nên dòng gốm Chăm mới. Đó là những đêm vuốt nặn đất và xoay tròn quanh bàn gốm đến chóng mặt. Đất và cát của Bầu Trúc đã được chị nâng niu và yêu thương như phần máu thịt của đời mình. Mỗi tác phẩm gốm làn những cung đàn huyền diệu cất lên từ con nước và sự nóng bỏng của sa mạc cát trên mảnh đất thân thương bao đời nay. Đó là quê hương của Chế Kim Trung, của Lễ hội Ka Tê, nơi thờ những anh hùng dân tộc như Po Klong Garai, Pô Rôme… Đó chính là nguồn cảm xúc sâu nặng đối với Chế Kim Trung. Chị đã vẽ như để tỏ bày lòng ngưỡng mộ và chân thành, đúng như nhà thơ Inrasara người Chăm đã viết: “Sống là nghĩa tạ ơn-ơn ngãi đầy tràn. Nằm ngoài chân trời đếm đo, được mất. Tạ ơn làm cho ta lớn lên”. Vậy nên mỗi khi cầm cây cọ trên tay, Chế Kim Trung đã “Quỳ gối trước mặt trời thức giấc mỗi sớm mai” (thơ Inrasara). Khi đó sắc mầu được bay lên từ đôi cánh tưởng vượt qua những triền cát vàng mênh mang nắng gió…
Nhưng có điều bất ngờ, sau sự nghiệp hội họa, Chế Kim Trung còn là một cô giáo giỏi và đóng góp những hoạt động xã hội tích cực. Đặc biệt chị đã được giải xuất sắc trong cuộc thi hội họa với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013. Đó là tác phẩm “Làng Chăm làm theo lời Bác” trong những tác phẩm vẽ về Bác Hồ như: “Làng Chăm ơn Bác”, “Miền nam trong trái tim Bác”…Còn nữa, ngoài những bằng khen của tỉnh Ninh Thuận, họa sĩ Chế Kim Trung còn được Bằng khen của Thủ tướng, trong giai đoạn 10 năm, với thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc từ 2004 đến 2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (Quyết định trao ngày 1-4-2015).
Nhà truyền giáo văn hóa Chăm
Mới đây, đầu năm 2017, tôi có dịp gặp họa sĩ Chế Kim Trung tại Hà Nội, trong kỳ Đại Hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam toàn quốc lần thứ XII (diễn ra từ 7 đến 8-3-2017). Chị đã trúng vào Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ (2017-2022). Chị hồ hởi với niềm vui, vì có những thành công trong sự nghiệp hội họa, đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tình thần của đồng bào Chăm và các dân tộc trong tỉnh Ninh Thuận. Nhưng chị vẫn đau đáu với tâm trạng làm sao đào tạo và xây dựng được một đội ngũ họa sĩ trẻ người Chăm. Mỗi lớp học chị dạy, bằng những tác phẩm hội họa cũng những sáng tạo dòng gốm Chăm mới, chị trở thành nhà truyền giáo hết sức nỗ lực cho lớp trẻ về cội nguồn văn hóa Chăm. Muốn sáng tạo và phát triển phải bắt đầu từ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Trong tà áo Chăm vàng, óng ánh sắc màu của cát, nắng và gió Phan Rang, họa sĩ Chế Kim Trung thể hiện mình trong mẫu thiết kế thời trang được sáng tạo trên nền tảng Chăm cổ. Văn hóa dân tộc đã ngự trị trong trái tim người họa sĩ tài hoa này. Chị hẹn tôi lần tới vào Ninh Thuận chị sẽ dạy tôi cách xoay người trên bàn gốm tại làng Bầu Trúc. Khi đó nữ họa sĩ lại quỳ trước thánh Po Klong Garai, để tạ ơn rồi chấm lên chiếc bình đất một sắc vàng, bắt đầu cho hình ảnh một cánh chim bay trên sa mạc, cùng dải lụa hồng bay trong nắng. Còn tôi khi đó chắc sẽ được trao một cốc rượu nho, ngọt mềm môi và say sưa hát với người họa sĩ, về sắc mầu đang bừng lên trên mái tháp Chàm, một xứ sở Chăm huyền bí ngàn năm.
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2017