Sáng tác

Phù sa mặn. Truyện ngắn của Tạ Thị Thanh Hải

Tạ Thị Thanh Hải
Truyện 11:30 | 02/07/2025
Baovannghe.vn- Thấy tôi định rẽ xuống dốc đê, em Thương ngồi sau giật gấu áo: “Không, anh phải đi lên ngã tư phía trên.” Tôi gượng cười xa xót.
aa

Lẽ nào sau những bầm dập xác xơ, tôi hóa thành kẻ lạc lõng ngay trên quê hương của mình, lạc lõng với chính những người mình từng yêu thương nhất. Cuộc đời có những ngã rẽ nở hoa hạnh phúc, lại có ngã rẽ khiến người ta mất phương hướng bơ vơ giữa xuôi ngược bon chen.

Thấy tôi định rẽ xuống dốc đê, em Thương ngồi sau giật gấu áo: “Không, anh phải đi lên ngã tư phía trên.” Tôi gượng cười xa xót. Lẽ nào sau những bầm dập xác xơ, tôi hóa thành kẻ lạc lõng ngay trên quê hương của mình, lạc lõng với chính những người mình từng yêu thương nhất. Cuộc đời có những ngã rẽ nở hoa hạnh phúc, lại có ngã rẽ khiến người ta mất phương hướng bơ vơ giữa xuôi ngược bon chen.

Phù sa mặn. Truyện ngắn của Tạ Thị Thanh Hải
Minh họa Đào Quốc Huy

Tôi đã cố quên những mảng kí ức xám xịt nặng nề từng dày vò mình trong bốn bức tường ngột ngạt của nhà giam, bong tróc theo những tháng ngày vật vã mưu sinh ở nơi đất khách quê người. Bao nhiêu năm nay, tôi không lai vãng về quê nên chẳng thể biết quê mình đã thay đổi như thế nào. Có sự sống được hình thành từ mất mát, có những thứ hồi sinh ngay trong vũng lầy tuyệt vọng. Chỉ có mái tóc đã chớm bạc của tôi là chẳng thể đen trở lại.

Bao nhiêu nổi chìm trái ngang bỗng nhiên hiện về trong tâm trí tôi như những cảnh phim, rõ ràng chân thực đến nhức buốt…

Tôi hít một hơi thật sâu như thể lấy can đảm nhìn lại chính mình trong kí ức, phóng tầm mắt ra xa để thấy sông Hồng mùa nước xuống dịu dàng như mái tóc của người thiếu phụ miên mải đợi chờ. Phù sa theo dòng chảy từ thượng nguồn về bồi đắp mỡ màu bờ bãi. Lòng sông ôm ấp những khát vọng mưu sinh của người dân quê nhưng cũng ẩn chứa bao nhiêu toan tính đào khoét tận diệt. Tiềm thức tôi lại nhoi nhói hiện lên những hình ảnh đau đến nghẹt thở: chiếc sà lan hút cát như vết sẹo trồi lên trên mặt sông, ngôi mộ của cha bị đào bới ngổn ngang và nhất là hình ảnh của Sa với mái tóc xổ tung, áo xống tơi tả, ánh mắt thất thần man dại. Tôi bỗng thấy ngực mình thắt lại tựa hồ như giây phút sinh tử hôm nào. Sống hoặc chết? Tự vệ hay buông xuôi? Tôi đã cố hết sức bình sinh giáng một đòn hiểm vào khuôn mặt bặm trợn gớm ghiếc ấy. Hắn đổ gục xuống như một cây chuối bị bão quật ngang. Máu túa ra, rỏ tong tỏng xuống bãi cát. Cát hút nhanh những giọt máu oan nghiệt ấy. Nước sông làm tan loãng những dấu vết hận thù. Nhưng bản án mười năm vì tội ngộ sát đã ghim vào cuộc đời tôi những cay đắng phũ phàng.

Con đê ngoằn ngoèo như một con trăn khổng lồ lúc nào cũng khiến người ta có cảm giác chênh vênh hoang hoải. Chênh vênh như thằng trai đôi mươi bất lực nuốt nghẹn đắng cay khi để tuột mất mối tình đầu. Chênh vênh như cái buổi chiều cuối cùng trước khi ra đầu thú, ngồi bên vệ đê, nhìn thảm cỏ dưới chân đan cài nhau mỏng manh mà bền chặt để rồi thấy cay đắng trước sự rời rạc của tình người, những con người kết giao với nhau bằng quyền lợi, và cũng vì quyền lợi mà giẫm đạp nhau để ngoi lên. Chênh vênh khi ngồi trong chiếc xe bịt bùng kín bưng đi trên cung đường đã quen cả từng cái ổ gà khấp khểnh, tiếng lách cách của chiếc còng số 8 rung lên khe khẽ mà nghe keo két đến rợn người. Qua ô cửa lờ nhờ sáng, kẻ tội đồ chỉ mường tượng ra những vồng cải vàng ươm run lên trong gió. Nhắm mắt lại, thấy sống mũi nhằm nhặm cay khi nhớ về ánh mắt thăm thẳm vời vợi của rung động đầu tiên. Và ngay cả lúc này, cảm giác chênh vênh vẫn như muốn nhấn chìm tôi trong mớ kí ức hỗn độn xám ngắt.

*

Thanh niên sức dài vai rộng nung nấu khát vọng đổi đời, cố gắng thoát khỏi cảnh cấy cày lam lũ. Học xong cao đẳng cơ điện thủy lợi, tôi nhờ thầy chủ nhiệm hướng dẫn làm hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động. Buổi chiều xuống tỉnh nộp hồ sơ, trên chiếc xe Cub cà tàng mượn được của chú Nhân hàng xóm, tôi và Sa đi lòng vòng qua những con đường rợp bóng cây của thị xã yên bình. Sa khe khẽ áp mặt vào lưng tôi. Thi thoảng tôi vòng tay ra sau lần tìm bàn tay Sa bóp nhẹ, run run. “Hồi đi ba năm rồi trở về sẽ mở cho Sa một cửa hàng may hoành tráng nhất thị trấn, còn tiền, Hồi sẽ mua một cái xe máy để đi làm công ty.” Tôi hào hứng nói về tương lai ấy. Sa thẹn thùng hứa hẹn đợi chờ. Mắt em cười, trong veo.

Nhưng tôi chưa kịp đi phỏng vấn thì gia đình gặp biến cố. Cha tôi bị đột quỵ, đưa lên bệnh viện cấp cứu mới phát hiện có một khối u ở não. Mẹ bảo tôi phải bán mảnh đất sau nhà để trang trải vào những đợt điều trị dài ngày của cha. Nhưng rồi tiền tiêu nhanh hơn đốt mà hy vọng thì ngày một mong manh. Mẹ tôi bao năm nay vẫn thập thễnh bởi chứng viêm khớp mãn tính, từ ngày cha tôi trở bệnh, bà bỗng hóa lẩn thẩn đờ đẫn, lặng lẽ ra vào như một cái bóng. Em Thương đang tuổi ăn tuổi lớn. Tôi định lên Hà Nội kiếm việc thì anh Hậu, anh em cùng chi họ Vũ, đến nhà tôi bảo: “Hồi lên tàu cát làm với anh, hơi vất vả chút nhưng được ở gần nhà mà vẫn có tiền lo thuốc thang cho ông bà già.” Tôi nói chắc nịch: “Miễn là có thu nhập ổn định thì việc gì em cũng làm được.”

Anh Hậu ra về, tôi đạp xe qua nhà Sa. Hai đứa lang thang ra bãi bồi ven sông. Những vồng cải vàng rực như gom trọn sắc nắng của cả mùa đông. Sa mân mê mấy cánh hoa mỏng manh, giọng dè dặt như hụt hơi: “Hồi nên cẩn thận...” Tôi gạt đi để trấn an người yêu nhưng chợt khựng lại. Bố Sa thiệt mạng khi đi đánh cá trên khúc sông này năm Sa mới lên sáu. Mẹ Sa nuôi con gái được hai năm thì đi bước nữa, theo chồng vào Nam sinh sống. Sa ở lại với bà nội. Bà nội mất, Sa về ở với chú thím. Học xong cấp ba, Sa chẳng dám thi đại học mà xin đi học nghề may trên thị trấn rồi đi làm thợ phụ cho một tiệm may áo dài. Mấy năm nay em vẫn âm thầm đợi tôi, giấu tôi chuyện bị bà thím chì chiết bởi đã khước từ mấy đám con nhà tử tế mà thím giới thiệu. Như con chim chết hụt sợ cành cong, Sa lấy nước mắt ra ngăn tôi: “Hồi có bằng cấp, có tay nghề hẳn hoi, không lên Hà Nội làm công nhân thì xuống chợ huyện xin vào các xưởng cơ khí cũng được.” Xưởng cơ khí mà Sa bảo ấy là mấy cái lò rèn trễ nải ế khách, đám cày cuốc dằm liềm lóc xóc cũ hoen. Gia cảnh ngặt nghèo, tất cả chỉ trông đợi vào sức trai của tôi. Tôi cố an ủi Sa rằng đó chỉ là giải pháp tình thế, đợi cha phục hồi và em gái học hết cấp ba, tôi sẽ tìm công việc khác. Sa gạt nước mắt. Những lời hứa hẹn của tôi bỗng chốc sượng sùng.

Tôi theo ông anh họ lên chiếc sà lan hút cát ám khói đậu giữa lòng sông như một con bọ dừa khổng lồ. Anh bảo công việc chính của tôi là vận hành đầu máy. Nhưng thi thoảng tôi vẫn phải cùng anh lao ra mép sà lan hì hục kéo những chiếc vòi rồng tuột khỏi vị trí do áp lực hút, ghim chặt lại đúng luồng. Nắng tràn trề. Hơi nước bốc lên lành lạnh. Luồng cát chảy vào khoang sùng sục. Quần áo tóc tai lúc nào cũng ướt đẫm, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt mằn mặn. Hơn một tháng tôi lênh đênh theo sà lan đi dọc xuống hạ lưu, đợi phù sa thượng nguồn đổ về cho luồng cát hồi lại. Anh Hậu vỗ vai: “Tiền lương tháng đầu tiên của chú em đây, giữ lại một ít dẫn bạn gái xuống thị xã chơi, còn lại mang về đưa cho mẹ. Sáng thứ hai lại lên tàu nhé!” Tôi về nhà ngồi thụp xuống mâm cơm có bát canh dưa chua nấu cá mương ăn liền năm sáu bát. Mẹ nhìn hai cánh tay và khuôn mặt đen cháy của tôi, sụt sùi, than vãn. Cha tôi nằm trên giường thở nặng nhọc, cặp mắt trũng sâu u ám. Em Thương ngồi bên bậu cửa tỉ mẩn khâu lại chiếc áo đã rách toạc vai. Tôi đưa cho mẹ những đồng tiền công đầu tiên, mắt mẹ rưng rưng.

Buổi tối, tôi đi xe đạp sang nhà Sa. Tôi dừng lại trước cổng, thấy hai chiếc Simson đỏ chót dựng ở sân, có tiếng cười nói xôn xao quanh chiếc bàn nước đặt dưới gốc cây hồng xiêm bên hiên. Sa ngồi quay lưng ra, mái tóc mới gội buông đầy lưng. Tôi chẳng dám đánh tiếng, mấy lần toan đưa tay mở cổng, lại bần thần buông thõng, một chút hoang mang lo lắng, phập phồng mong ngóng cứ lớn dần hóa thành nỗi tự ái vô cớ. Tôi nén lòng chờ đợi mặc cho muỗi vo ve xung quanh. Mãi sau tôi mới bấm lách tách ba tiếng chuông xe, ám hiệu riêng của tôi và Sa. Bấm đến lần thứ tư thì Sa mới đứng dậy, lững thững đi qua khoảnh sân, vừa khuất sau rặng dong riềng thì Sa chạy ào ra ngõ. Hai đứa lên xe, gồng chân đạp như bay. Qua dốc đê, Sa bảo tôi dừng lại bên gốc cây gạo mọc đơn độc bên vệ đường dẫn xuống bến sông. Tôi thở dốc, vụng về chộp lấy hai bàn tay Sa lắc mạnh: “Sa đợi Hồi nhé! Sa phải tỏ thái độ rõ ràng, đừng tiếp chuyện mấy thằng trai trên thị trấn nữa. Sa cứ nhu mì thế, thím lại ép…” Rồi tôi lấy hết can đảm ôm choàng lấy Sa. Em vùi mặt vào ngực tôi thút thít khóc, nước mắt em thấm vào ngực áo tôi, âm ấm. Tôi siết chặt em hơn, rồi cúi xuống gương mặt rời rợi ánh trăng của Sa bối rối đặt lên môi em nụ hôn bỏng rẫy. Sa khẽ nghiêng đầu né tránh. Tôi sượng sùng ngẩng lên, tay vuốt mái tóc đen dày còn ẩm đượm mùi bồ kết của Sa, nén những hơi thở dồn dập trong lồng ngực. Chúng tôi cứ im lặng bên nhau như thế, như thể mọi lời nói bỗng hóa thừa thãi. Tôi nhìn về phía thị trấn, một vùng sáng lấp lánh, nhòe nhoẹt hư ảo, quấn riết se lòng.

Công việc suôn sẻ được mấy tháng thì bỗng dưng một chiếc tàu hút cát có công suất mã lực lớn gấp đôi chiếc sà lan của anh Hậu từ phía thượng nguồn lừ đừ tiến đến đậu giữa sông. Trên tàu lố nhố mấy gã đầu trọc xăm trổ bặm trợn. Hồn cốt của câu “đất có thổ công, sông có hà bá” bỗng nhiên bay vởn vơ theo đụn khói xám ngoét của chiếc tàu cỡ lớn ấy. Anh Hậu bậm bịch gầm gừ: “Đấy là tàu của thằng Trấn sẹo. Nó đặt mấy tàu ở Thượng rồi mà chắc nghe ngóng thấy vùng bãi này cát đẹp nên xuống tranh giành với mình đấy. Chúng nó có bảo kê. Còn mình thì thân cô thế cô…”

Anh Hậu kể: “Trấn sẹo là một tay anh chị khét tiếng trên mạn ngược, từng vào tù vì tội vận chuyển hàng cấm. Hắn vừa ra tù năm ngoái, mua lại ba chiếc tàu hút cát, gom đám đàn em loi nhoi quần thảo dọc triền sông.” Thi thoảng tàu của hắn và của anh Hậu cùng vào bến đổ cát. Nhìn vóc dáng bè bè như gấu với bộ mặt tím bầm gớm ghiếc của Trấn sẹo, không hiểu sao tôi thấy coi thường hơn là sợ. Anh Hậu thì lại gật đầu, điệu cười giả lả cầu hòa đến tội nghiệp. Lát sau, khi hai chiếc tàu đã tách về hai phía, tôi hậm hực: “Anh sợ bọn ấy đến thế kia à?” Anh tu bình nước, súc miệng òng ọc rồi nhổ oạc xuống sông: “Có khi mình phải bắt tay nhân nhượng với chúng nó đợi thời cơ vậy.”

Tôi âm thầm chờ đợi thời cơ mà anh nói là gì nhưng tôi biết rõ tàu của chúng tôi đang bị đẩy dần về phía hạ nguồn. Luồng cát cứ loãng dần và tanh ngòm mùi bùn. Những đụn cát trên bãi cứ xám ngoét, chảy xệ ra, cánh xe tải chê ỏng chê eo. Anh Hậu gằn gộc: “Bọn chó nó ép người quá đáng thế này là âm mưu muốn thâu tóm cả vùng này đấy. Mạn trên giờ chẳng có chỗ nào là bờ xôi ruộng mật cả. Mình càng nhân nhượng nó lại càng lấn tới. Cứ đà này, không khéo…” Anh Hậu bỏ lửng câu nói. Hai tháng nay anh chưa trả lương nhân công, chỉ tạm ứng cho tôi số tiền bằng một phần tư tháng lương đầu tiên để mẹ tôi đưa cha đi bệnh viện thực hiện đợt truyền hóa chất tiếp theo. Anh vỗ vai tôi: “Chú mày cứ yên tâm, anh không để chú phải chịu thiệt đâu. Nhưng có lẽ anh em mình phải tìm phương án khác. Anh định thay toàn bộ giàn hút, đầu tư sáu vòi rồng công suất lớn gấp đôi, hút được sâu hơn. Mình sẽ tỏ rõ được uy lực, nhưng cái khó là tiền…”

Tôi về bàn với mẹ bán nốt khoảnh vườn hương hỏa trước nhà để góp vốn cùng anh Hậu. Đâm lao thì phải theo lao. Anh em một giọt máu đào, chung lưng đấu cật, chắc chẳng đi đâu mà thiệt. Chẳng đi làm ăn xa được thì đành bám lấy khúc sông này kiếm kế sinh nhai, hy vọng công việc sẽ khởi sắc hơn. Mẹ tôi ngồi lặng bên thúng khâu, chẳng ra đồng tình cũng không ra phản đối. Chỉ có tiếng cha rên khe khẽ ở giường bên khiến tôi cồn lên quyết tâm. Có gan làm giàu, không quyết chí mạo hiểm thì đến bao giờ mới mở mày mở mặt được. Tôi đinh ninh nhủ thầm, rồi khi nào làm ăn khấm khá, nhất định con sẽ chuộc lại cả mảnh đất sau nhà nữa cho cha mẹ yên tâm. Mẹ tôi thở dài chống gối đứng dậy lấy rá đong gạo nấu cơm, chiếc bơ sắt khua vào chum gạo gần cạn đáy lách cách khô khốc khiến lòng tôi bầm lại.

Nhưng tôi chưa kịp lĩnh những đồng lương mới từ sau vụ góp vốn đầu tư với anh Hậu thì cha tôi qua đời sau một cơn đau dữ dội. Ngày đưa cha ra đồng, trời mưa tầm tã. Con đường dẫn xuống nghĩa trang nhân dân trầy trượt lầy lội, bùn ngập lên quá mắt cá. Tôi khóc như mưa. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là “khóc như cha chết”. Cả cuộc đời cha tôi rám lưng xuội mặt trên vùng đất bãi bồi này để tôi được ăn học bằng người, vậy mà tôi chưa làm nên trò trống gì đã bán đi cả mảnh đất hương hỏa. Mấy tờ giấy mua bán đất vẫn nằm bẹp trong hộc tủ. Ước mơ đổi đời vẫn như những luồng khói xám ngắt phơ phất giữa sông.

Nhà Sa có một ruộng dong riềng ở cuối bãi, thi thoảng Sa mang ra gửi ở quán nước bà Ban cạnh bến sông khi thì can nước mưa, lúc thì bó mía đã chặt bằng tăm tắp để tôi mang lên tàu lúc giải lao ăn cho đỡ khát. Một lần, Sa mang cho tôi một túi lưới đựng chừng mươi quả bưởi mới trẩy ở vườn nhà, tôi thích cái giống bưởi hoàng chua dìu dịu ấy. Chiều nhá nhem, Sa cố nán đợi đến lúc chiếc tàu của chúng tôi vào bờ đổ cát. Thoáng thấy bóng Sa, tôi nhảy phóc từ mũi tàu xuống. Phù sa mềm, những bước chân tôi sụt lún trong cát. Vừa gặp tôi, Sa đã sụt sịt, nói đứt quãng: “Tay Trấn sẹo… hôm qua gặp chú Sa... Nó bảo sẽ ép tàu anh Hậu bằng được. Hay là … Hồi lên bờ đi. Mình cùng xuống thị xã làm công nhân.”

Tôi cắn chặt môi. Những giọt nước mắt của Sa khiến ruột gan tôi như xát muối. Thanh niên sức dài vai rộng nhưng tôi chưa thể là chỗ dựa được cho ai mà chỉ là nỗi lo lắng thường trực trong những dự cảm xa xót của người yêu. Sa đưa túi bưởi cho tôi rồi thất thểu quay về. Tôi đứng như trời trồng, đôi tay rám nắng xịu xuống. Những quả bưởi tròn vo lăn lóc trên triền cát lấm láp. Tôi thấy gáy mình nóng ran, có cảm giác một đôi mắt gớm ghiếc từ trên chiếc tàu to đùng đang quét những tia nhìn sắc lẻm theo bóng Sa nhấp nhô trên vạt dong riềng xanh ngắt.

Cuộc thương lượng đầu tiên không có kết quả.

Cuộc thứ hai càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn.

Chỉ vì tôi tiếc đứt ruột số tiền bán mảnh vườn hương hỏa đã góp vốn cùng anh Hậu. Suốt thời gian qua, tôi luôn day dứt nghĩ rằng cha đã ra đi đau đớn vì sự mạo hiểm ấy của mình.

Anh Hậu đưa cho tôi ít tiền tạm ứng và bảo: “Thời thế đảo điên, cá lớn nuốt cá bé, mình không đủ lực thì đành chấp nhận. Coi như anh em mình góp vốn đầu quân cho nó. Chứ giờ mình mà cố cứng, có khi nó dìm thẳng tay. Nếu chú mày không thuận thì có thể không lên tàu nữa, số tiền đã góp coi như cho anh vay, anh sẽ trả dần…” Kiểu nói nước đôi ấy của anh khiến tôi cay đắng, thấy thương mình và thương cho cả sự bất lực của anh.

Trấn sẹo muốn gặp tôi vào đầu tuần ở chòi canh cuối bãi bồi. Tôi từ chối thẳng thừng. Hắn ta cười khẩy: “Quá tam ba bận. Chú mày cứ suy nghĩ cho thật kĩ kẻo rồi lại ân hận.”

Tôi không thể đang tâm dâng mảnh đất hương hỏa tổ tiên cho kẻ bất nhân ấy sinh lời. Sa gặp tôi van vỉ: “Hồi cứ gặp hắn một lần nữa nói rõ ràng. Chứ cứ thế này lại ảnh hưởng đến anh Hậu. Dù sao anh ấy cũng từng giúp Hồi trong lúc khốn khó.” Tôi nghiến răng trèo trẹo, hai thái dương giật lên căng nhức.

Ngày giỗ đầu của cha tôi, mẹ lọm cọm dậy từ sáng sớm để đồ xôi, luộc thịt thắp hương. Trời mưa lâm thâm, bậc hiên rêu trơn khiến mẹ trượt ngã, gáy đập vào mép thềm. Tôi nhận được tin lúc trời còn mờ tối, tàu vừa vào bến cát. Tôi chạy như bay về nhà, hối hả đưa mẹ xuống bệnh viện tỉnh. Quá trưa, Thương xuống thay tôi trông mẹ. Tôi trở về nhà, lụi mụi sắp mâm cơm đạm bạc lên ban thờ. Nhìn ánh mắt u ám của cha trên tấm di ảnh mờ nhòa khói hương, tôi bật khóc ồ ồ.

Chiều chạng vạng, tôi mang nhang đèn và đồ lễ ra mộ cha. Gió hun hút, mây sà thấp xuống cánh đồng bãi bồi. Những ngôi mộ im lìm hiu hắt co lại vì rét. Mắt tôi chợt hoa lên. Gì thế này? Ngôi mộ của cha tôi bị cày xới ngổn ngang. Không phải là những vết húc đất của trâu bò mà là những nhát cuốc sắc lẹm.

Tôi gầm lên, cổ họng tưởng như bật máu. Cơn đau như vỡ ra trong lồng ngực.

Tôi chợt nhớ ra hôm nay là ngày gã Trấn sẹo hẹn gặp tôi. Hắn đã nhẫn tâm ép tôi đến mức này ư? Tôi phải gặp hắn. Ngay bây giờ. Bàn tay tôi nắm chặt những sợi gân căng cứng tưởng như muốn đứt ra.

Hoàng hôn buông nhanh như vết mực loang, cánh đồng dong riềng bạt ngàn sậm lại một màu rợn ngợp.

Cái chòi canh nằm bung biêng phơ phất cuối bãi.

Có tiếng ú ớ cất lên thê thiết, bất lực lẫn trong tiếng gió véo vút.

Mắt tôi lại như muốn bật ra khỏi con ngươi khi nhìn thấy thân hình mảnh mai của Sa bị trói vào chân cột, áo xống tả tơi, tóc tai rũ rượi, ánh mắt vằn lên man dại.

Tôi cởi trói cho Sa, ôm choàng em vào lòng, răng cắn chặt môi không thể cất lên lời xin lỗi muộn màng. Sa vùng chạy khỏi vòng tay tôi, những bước chân xiêu vẹo ngả nghiêng dúi dụi xuống vạt cải đang rũ tàn.

Chỉ trong một ngày mà sao bao nhiêu đau đớn giáng hết xuống đầu tôi thế này.

Tôi lao ra bến cát tìm Trấn sẹo. Bọn đàn em của hắn vẫn hì hụi với những vòi hút trên tàu. Chỉ có hắn ngắc ngư bên đống cát cao ngất.

Và cuộc vật lộn sinh tử diễn ra sau đụn cát xám xịt. Thân hình bè bè như con gấu của tên gian manh đổ gục như cây chuối gặp luồng gió dữ. Máu của kẻ bất nhân rỏ xuống. Cát thấm lấy những hận thù. Nước sông hòa tan cơn cuồng nộ.

Tôi bỏ chạy lên đê, bắt đại một chiếc xe tải xin đi nhờ xuống bệnh viện tỉnh. Tôi quỳ rạp xuống lạy mẹ ngay trong phòng cấp cứu. Mẹ nhăn nhó rên rỉ khe khẽ. Em Thương run rẩy khóc không thành tiếng.

Chiều hôm sau, tôi ra đầu thú.

Thanh xuân của tôi khép lại với bản án mười năm vì tội ngộ sát.

Những chiếc tàu đã bị lực lượng chức năng bắt giữ vì khai thác cát trái phép. Khúc sông không còn những vết sẹo khổng lồ nữa.

Tôi gặm nhấm nỗi đau của kẻ thất bại trong bốn bức tường giam lạnh ngắt. Sa đến thăm tôi, em chỉ khóc, chỉ một lần duy nhất ấy rồi rời xa tôi mãi mãi. Vì không thể chịu nổi búa rìu dư luận, em đã lên tàu vào Nam nương nhờ mẹ đẻ của mình.

Tôi thi hành án được bốn năm thì mẹ tôi qua đời sau một cơn cảm mạo. Em Thương vào thăm tôi mang theo dải khăn tang trắng nhức nhối. Tôi gục đầu xuống mép bàn tróc lở, trong óc cứ lởn vởn hình ảnh một sợi dây thòng lọng. Những giọt nước mắt nóng hổi mặn đắng thấm ướt cả vành khăn trắng. Thương nói như hụt hơi: “Em mới làm xong thủ tục đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Anh ở lại cải tạo tốt nhé!” Tôi ngẩng mặt lên, bắt gặp ánh nhìn rười rượi nửa như trách cứ, nửa như cảm thương của em, tim tôi thắt lại.

Ba năm sau, Thương trở về, xin đi làm công nhân nhà máy chế biến nông sản và lấy chồng ở xã bên. Đám cưới của em do Công đoàn nhà máy đứng ra tổ chức. Giai đoạn ấy tôi mất ngủ triền miên, mới ba mươi tuổi mà ngẫm đời mình như miếng vải tơ tướp rách nát, ý định tìm đến cái chết lúc nào cũng lởn vởn trong đầu. Anh Minh cán bộ trại giam tối nào cũng động viên tôi uống hết cốc nước có pha hai viên Seduxen. Anh luôn pha sẵn như vậy vì sợ nếu đưa cho tôi những viên thuốc nguyên thì biết đâu tôi sẽ tích trữ lại thành cả vốc rồi thực hiện ý định tiêu cực như một phạm nhân đã từng làm. Biết bao cơn mộng mị vẫn dày vò tôi nhưng những cái vỗ vai thân tình của anh Minh khiến tôi nguôi dần cảm giác rã rượi cùng kiệt.

Tôi được ân xá trước một năm. Ra tù, tôi không về quê mà lang bạt vào tận miền Tây sông nước. Ban đầu tôi có ý định đi tìm Sa để nói với cô ấy một lời xin lỗi. Nhưng rồi tôi lại thôi bởi biết mình chẳng xứng đáng với em nữa. Tôi gá nghĩa duyên mọn với một cô gái xứ dừa đã qua một đời chồng. Nhưng sống với nhau hơn ba năm mà chúng tôi chưa có được mụn con, cô ấy yếu lòng ngã vào người khác. Tôi buông xuôi, chẳng muốn ngồi lại với nhau nói một lời phải trái nữa.

Em Thương gọi điện cho tôi, giọng tha thiết: “Anh về quê cho có anh có em và còn lên ủy ban kí thỏa thuận việc di dời mộ phần của cha mẹ về khu nghĩa trang mới. Khu nghĩa trang cũ sắp giải phóng để phục vụ dự án xây cầu nối đường vành đai 4 anh ạ.”

*

Tôi về đến bến phà lúc sáng sớm. Mùa khô, dòng sông Hồng lặng lờ chảy. Sương phủ bạc bến sông. Ven sông chẳng còn lô nhô những đụn cát cao ngất như trước kia nữa. Cánh đồng bãi bồi giờ như một tấm thảm rực rỡ sắc màu với bát ngát những ruộng hoa. Con đường từ bến phà dẫn lên đê trước kia trơn trượt lầy lội giờ đã trải bê tông phẳng phiu. Những chiếc xe tải, xe máy chở hoa và cây cảnh nườm nượp lên xuống phà. Chỉ nay mai thôi những chuyến phà qua lại hai bên bờ sông sẽ chỉ còn trong tiềm thức. Một cây cầu bề thế sắp được bắc qua sông nối liền những cụm công nghiệp liên tỉnh. Dưới chân cầu, phù sa vẫn miệt mài bồi đắp mỡ màu để những vạt hoa lá tươi thắm sẽ được người dân quê tôi mang đi làm đẹp từng căn nhà, góc phố, cung đường. Quê tôi đang thay da đổi thịt từng ngày.

Tôi trở về căn nhà cũ nằm im lìm giữa khu vườn rợp bóng cây. Em Thương đã dùng số tiền dành dụm được sau mấy năm lao động bên xứ người để chuộc lại mảnh vườn trước nhà, mảnh đất hương hỏa ấy là bài học xương máu đã ghim vào tiềm thức tôi niềm cay đắng xót xa. Nỗi xúc động cứ dâng ứ lên trong mắt.

Hai anh em ra thăm mộ phần của cha mẹ. Hai ngôi mộ nằm cạnh nhau, màu sơn xám ghi bàng bạc. Thương bảo: “Khi em trở về, anh Hậu đã đến xin được tự tay xây cất hai ngôi mộ như một cách chuộc lỗi. Lúc ấy anh vẫn chưa ra…” Tôi thở hắt ra, chẳng muốn nghĩ về những ân oán oan nghiệt nữa…

Hai anh em lặng lẽ cắt gọn những cây cỏ tranh phơ phất trên mộ. Tôi run run châm lửa đốt vàng mã. Những tay lửa theo gió bứt lên khiến má tôi ran rát. Thương chợt bảo:

- Giờ anh đi đến chỗ này với em.

- Đi đâu vậy?

- Mình đến nhà chị Sa chơi. Hôm trước em gặp chị ấy ở lễ hội hoa. Em có kể về anh. Chị ấy chỉ khóc. Cuộc đời chị ấy cũng lận đận. Lấy chồng mấy năm, bao nhiêu vốn liếng dồn vào chạy chữa mãi mới sinh được mụn con gái, con được hai tuổi thì chồng mất vì tai nạn lao động, chị ấy mang con về quê, vay vốn của Hội Nông dân xã để gây dựng vườn hoa cảnh phía cuối bãi bồi anh ạ.

Tôi thẫn người. Cuộc đời Sa cũng gập ghềnh trắc trở vậy mà em vẫn quyết tâm trở về để làm lại từ đầu. Còn tôi thân trai đương xoan mà sao cứ mặc cảm tự ti nghĩ rằng đời mình đã tướp táp xác xơ, cứ tự dầm mình ngập ngụa mãi trong vùng kí ức đau thương.

Chiều loang nắng, rắc lên mặt sông những sợi tơ lấp lánh. Trên triền đê, vạt cỏ vẫn đan cài miên mải biếc xanh. Tôi mường tượng ra ánh mắt thăm thẳm vời vợi của Sa và chợt thấy lòng mình dịu lại.

Ra mắt phim mới nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2025

Ra mắt phim mới nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2025

Baovannghe.vn - Nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2025, phim điện ảnh Phá đám: Sinh nhật mẹ - một câu chuyện của Bột Creative Hub vừa chính thức công bố loạt poster, với dàn diễn viên gồm: nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội, Bé Sam, Hoàng Phi, NSƯT Hữu Châu, Huy Khánh, Ngọc Sơn.
Lai Châu có thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

Lai Châu có thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

Baovannghe.vn - Sáng 14/7, tại xã Khổng Lào, tỉnh Lai Châu đã tổ chức công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025.
Việt Nam gặt hái nhiều thành công tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á lần thứ 12

Việt Nam gặt hái nhiều thành công tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á lần thứ 12

Baovannghe.vn - Liên hoan Nghệ thuật châu Á lần thứ 12 diễn ra tại Singapore từ ngày 11 đến hết ngày 20/07/2025, với hơn 2.000 thí sinh từ 14 quốc gia khác nhau ở khu vực Châu Á – Thái Bình dương tham dự và tranh tài.
Loài hoa để nhớ, để thương

Loài hoa để nhớ, để thương

Baovannghe.vn - Một ngày đầu hạ, tôi mở vội cửa sổ lớp học để bắt đầu những tiết dạy ôn tập cho học sinh. Bất giác, nhìn thấy mấy đoá hoa bằng lăng tím ngát. Giữa cái nắng oi ả phương Nam, sắc tím của hoa bằng lăng nổi bật giữa những kẽ lá xanh, khẽ khàng rung rinh theo gió.
Bài thơ "Một giọt người" của Văn Thùy

Bài thơ "Một giọt người" của Văn Thùy

Baovannghe.vn - Bên cạnh những bài lục bát tài hoa lúng liếng giễu nhại rất đặc trưng, Văn Thùy cũng có những ngậm ngùi lắng đọng nao lòng. “Một giọt người”, thi phẩm thấm đẫm tình đời, tiêu biểu cho phía lắng đọng ấy.