Sự kiện & Bình luận

Chiến thắng của V. Putin và tầm ảnh hưởng…

Chính trị xã hội
14:11 | 20/03/2018
Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin đã tái đắc cử tổng thống với chiến thắng được đoán trước trong ngày 18/3/2018 và ông sẽ tiếp tục chèo lái con thuyền nước Nga tới năm 2024. Theo hãng tin Reuters, chiến thắng sẽ tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng chính trị rộng lớn của ông Putin với nước Nga vẫn muốn trở lại thời hoàng kim Xô Viết. Ông Putin đã cam kết sẽ dùng nhiệm kỳ mới để củng cố sức mạnh phòng thủ của Nga trước phương Tây và nâng cao mức sống người dân.
aa

Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin đã tái đắc cử tổng thống với chiến thắng được đoán trước trong ngày 18/3/2018 và ông sẽ tiếp tục chèo lái con thuyền nước Nga tới năm 2024. Theo hãng tin Reuters, chiến thắng sẽ tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng chính trị rộng lớn của ông Putin với nước Nga vẫn muốn trở lại thời hoàng kim Xô Viết. Ông Putin đã cam kết sẽ dùng nhiệm kỳ mới để củng cố sức mạnh phòng thủ của Nga trước phương Tây và nâng cao mức sống người dân.

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng gần Quảng trường Đỏ, ông Putin tuyên bố, ông hiểu việc mình đắc cử chính là thông điệp của người dân ủng hộ việc ông đã làm được trong những tình huống gian nan. "Việc duy trì sự đoàn kết này là điều rất quan trọng. Chúng ta sẽ nghĩ về tương lai của Tổ quốc vĩ đại". Mặc dù thừa nhận một chặng đường khó khăn của nước Nga đang ở phía trước, song tổng thống Putin tin tưởng nước Nga cũng có cơ hội để "tạo sự đột phá". Theo những kết quả kiểm phiếu sơ bộ khi hơn 70% số phiếu đã được kiểm, tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin đạt được 75,9% số phiếu bầu. Đài BBC ước tính trong đợt bầu cử này, số phiếu ông Putin giành được cao hơn nhiều so với năm 2012, khi đó ông đạt 64% số phiếu bầu. Đối thủ cạnh tranh gần nhất với ông, ứng cử viên đảng Cộng sản Pavel Grudinin, chỉ nhận được 13% số phiếu bầu, ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc Vladimir Zhirinovsky nhận được khoảng 6% số phiếu bầu. Số lượng cử tri đi bỏ phiếu được kiểm soát rất chặt. Những thông tin ban đầu cho thấy lượng người đi bỏ phiếu trong đợt bầu cử tổng thống Nga vượt quá 60%.

Ông Putin đã cam kết sẽ dùng nhiệm kỳ mới để củng cố sức mạnh phòng thủ của Nga trước phương Tây và nâng cao mức sống người dân

Thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa

Ủy ban bầu cử trung ương Nga thừa nhận có một số trường hợp vi phạm, song khẳng định kết quả bầu cử hợp pháp. Với những người trung thành cùng ông Putin, kết quả bầu cử là minh chứng rõ ràng cho thấy lập trường cứng rắn của ông với phương Tây là điều đúng đắn. "Tôi nghĩ rằng cả Mỹ và Anh đều hiểu là họ đã không thể gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử của chúng tôi", thượng nghị sĩ Igor Morozov phát biểu trên đài truyền hình quốc gia. Thủ lĩnh đảng đối lập Navalny dự kiến sẽ kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình chống ông Putin, yêu cầu tổ chức lại cuộc bầu cử mà ông cáo buộc không tự do và không công bằng. Những yêu cầu này dường như không gây được tiếng vang trong cơn lốc kiểm phiếu ngày càng chứng tỏ thế thượng phong của đương kim tổng thống. Hiến pháp Nga quy định chức vụ tổng thống chỉ được giữ tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp. Đó là lý do ông Putin rời cương vị năm 2008 sau khi tại nhiệm 2 nhiệm kỳ 4 năm liên tục. Kể từ năm 2012, nhiệm kỳ tổng thống Nga được mở rộng thêm từ 4 lên 6 năm. Sau khi tái đắc cử, các nhà báo hỏi liệu ông có còn tiếp tục tranh cử một nhiệm kỳ khác nữa không, ông Putin cười phá lên rồi nói: "Chuyện quý vị hỏi thật khá là buồn cười. Quý vị nghĩ là tôi sẽ ngồi đây cho tới lúc 100 tuổi sao? Không!". Những nhân vật trong điện Kremlin cho biết ông Putin vẫn chưa chọn được một gương mặt kế nhiệm rõ ràng nào. Tất cả những cái tên được dư luận xì xào chỉ là sản phẩm của tin đồn.

Các chính sách đối ngoại nói chung, chính sách ứng phó phương Tây nói riêng được cho là yếu tố quan trọng góp phần giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin chiếm được cảm tình của cử tri và chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 18/3. Chiến thắng áp đảo của ông Putin là điều có thể dự đoán được khi các kết quả khảo sát trước thềm bầu cử cho thấy tỷ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo Nga dao động quanh mức 80%.

Báo New York Times ngày 18/3 đăng tải một bài bình luận giải thích những lý do có thể khiến ông Putin luôn chiếm được cảm tình của cử tri Nga - điều giúp ông dễ dàng vượt qua các đối thủ khác trong cuộc bầu cử. New York Times cho rằng, ông Putin đã thành công khi gây dựng niềm tự hào trong mỗi người dân Nga. Kết quả khảo sát hồi tháng 12/2017 của Levada - một trung tâm khảo sát độc lập - cho thấy, 72% người Nga nghĩ rằng Nga là “một quốc gia hùng mạnh”. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với 31% vào tháng 3/1999 trước khi ông Putin làm tổng thống. Truyền hình quốc gia Nga cũng thường xuyên “nhắc nhở” người xem về những thành tựu đối ngoại mà họ có thể tự hào như chiến dịch quân sự của Nga ở Syria hay việc Nga đồng ý cho sáp nhập Crimea. Một yếu tố khác mà New York Times cho rằng góp phần không nhỏ giúp ông Putin chiếm được cảm tình của người Nga đó là cách mà ông ứng phó với phương Tây. Nhiều năm liên tiếp, ông được Forbes bình chọn là “nhân vật quyền lực nhất thế giới”. Một số người nửa đùa nửa thật rằng, ông Putin thậm chí có thể quyết định ai được ngồi ở Phòng Bầu Dục (bên trong Nhà Trắng của Mỹ). Trước những cáo buộc của phương Tây nhằm vào Tổng thống Putin và chính quyền của ông, nhiều cử tri Nga vẫn cảm thấy nhà lãnh đạo của họ là một người quyền lực. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây thay vì khiến Nga lùi bước thì đã vô tình là cơ hội cho nền kinh tế Nga bởi chúng khuyến khích ngành sản xuất trong nước.

Skripal - Phép thử với phương Tây

Một câu hỏi có ý nghĩa lâu dài được đặt ra lúc này là liệu sau khi đã tái đắc cử, những phát biểu của ông Putin với phương Tây có dịu bớt phần nào? Trong bài phát biểu hàng năm trước đó, ông Putin được cho là đã sử dụng ngôn ngữ khá căng thẳng khi nói về các loại vũ khí hạt nhân mới của Nga. Ông cho biết chúng có thể tấn công tới gần như bất cứ vị trí nào trên thế giới và vượt qua được lá chắn tên lửa do Mỹ sản xuất. Sau hàng loạt xung đột với phương Tây về vấn đề Syria, Ukraine, những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và các cuộc tấn công mạng cùng nghi án đâu độc cựu điệp viên Nga tại Anh cùng con gái ông này, mối quan hệ giữa Matxcơva và phương Tây đang ở điểm rất thấp trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Cũng trong ngày 18/3 đắc cử, ông Putin nói sẽ thật ngớ ngẩn khi ai đó cho rằng Matxcơva đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông này tại Anh. Ông tuyên bố Matxcơva sẽ hợp tác với London điều tra vụ việc. Vụ cựu điệp viên Nga Serguei Skripal bị đầu độc tại Anh Quốc bắt đầu mang tầm vóc một cuộc đối đầu Đông-Tây như thời còn Liên Xô cũ. Các nước đồng minh Tây phương đồng thanh lên án Matxcơva trong khi Washington ban hành thêm biện pháp trừng phạt Nga vì can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016. Ngày 15/3/2018, khi đi thăm Salisbury, thành phố nhỏ ở phía nam Anh Quốc, nơi mà 11 ngày trước, xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Serguei Skripal và cô con gái Youlia, thủ tướng Anh Theresa May ca ngợi điều mà bà gọi là “tinh thần đoàn kết” của các đồng minh chống lại nước Nga của Putin: vụ đầu độc xảy ra tại Anh Quốc nhưng cũng có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào và do vậy, chúng ta đoàn kết với nhau để chống lại.

Trước đó, thủ tướng Anh thông báo trục xuất 23 nhân viên ngoại giao Nga và cho biết hoàng gia Anh cũng như thành viên chính phủ tẩy chay Cúp bóng đá do Nga tổ chức vào tháng 6/2018. Lần lượt, Luân Đôn, Berlin, Paris và Washington đều ra thông cáo chung, khẳng định Nga có trách nhiệm trong vụ mưu sát này vì không có cách giải thích hợp lý nào khác. Các nước phương Tây đòi Nga phải cung cấp thông tin về chương trình “Novitchok” mà theo Vil Mirzaianov, một nhà hóa học Nga hiện nay đang tị nạn tại Mỹ, đã chế tạo nhiều chất độc lợi hại trong thập niên 1980, cuối thời Liên Xô cũ. Phía Nga thì cho đây là những cáo buộc vô căn cứ. Hãng Interfax, trích lời thứ trưởng Ngoại Hiao Serguei Riabkov: không hề có chương trình “Novitchok” dù là dưới thời Liên Xô hay hiện nay. Nhưng không có lửa làm sao có khói? Theo AFP, bầu không khí xung khắc Đông-Tây còn tăng thêm một nấc khi Washington, ngày 15/3/2018, thông báo một loạt biện pháp mới trừng phạt nước Nga để trả đũa chuyện Nga can thiệp vào bầu cử năm 2016 và nhiều vụ tin tặc. Tổng cộng 19 cá nhân và 5 tổ chức, trong đó có cơ quan phản gián FSB, hậu thân của KGB và GRU, quân báo thời Liên Xô. Tình hình cho thấy, Matxcơva không khoanh tay ngồi yên. Tổng thống Putin triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Ngoại trưởng Serguei Lavrov nói đến biện pháp “trục xuất” các nhà ngoại giao Anh. Sau đó, Matxcơva thông báo đang chuẩn bị trả đũa Hoa Kỳ. Sự kiện Anh Quốc ngưng mọi tiếp xúc song phương với Nga, trục xuất 23 nhà ngoại giao, con số lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh, thông báo đầu tư 48 triệu bảng Anh để phòng ngừa chiến tranh vi trùng, cộng với hậu thuẫn của các nước đồng minh phải chăng là màn đầu của chiến tranh lạnh? Vẫn theo AFP, nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu so sánh với tính nghiêm trọng của vụ đầu độc, phản ứng của Luân Đôn xem ra khá nhẹ nhàng, tuy chưa biết trong tương lai sẽ cứng rắn đến đâu nếu Nga tiếp tục “giả mù ra mưa”. Về phần Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, tuy sát cánh với thành viên Anh Quốc, cánh tay vũ trang của phương Tây cũng khá ôn hòa. Tổng thư ký Jens Stoltenberg kêu gọi Nga “hợp tác” làm sáng tỏ vụ mưu sát cựu điệp viên nhưng cùng lúc tuyên bố “NATO không muốn chiến tranh lạnh” xảy ra.

Cho đến thời điểm đắc cử, tổng thống Nga Putin giữa thái độ im lặng khó hiểu. Người thì cho là chủ nhân điện Kremlin “im lặng chiến thuật” chờ qua bầu cử sẽ lên tiếng. Người thì suy đoán chính quyền trung ương “có vấn đề”. Trả lời phỏng vấn của Le Monde, cựu tỷ phú dầu hỏa Mikhail Khodorkovski, tị nạn tại Anh sau hơn 10 năm tù trong chế độ Putin lý giải: Vài năm trước, Putin có thể là kẻ chủ mưu. Nhưng bây giờ, trái với bề ngoài vững chắc, chính quyền trung ương Nga đang “rệu rã không kiểm soát được bên dưới”. Cụ thể là tại Syria, trong khi bộ tổng tham mưu quân đội Mỹ - Nga đã phối hợp hành quân thì trên bộ, lực lượng lính đánh thuê “Wagner” người Nga lại tấn công vào vị trí của lực lượng Kurdistan-Syria, đồng minh của Mỹ, nên bị oanh kích thiệt hại nặng nề. Nói cách khác, rất có thể Matxcơva thực tâm không muốn quan hệ Đông-Tây xấu đi, không muốn chiến tranh lạnh. Vấn đề là nếu điện Kremlin không kiểm soát được các cơ quan mật vụ của mình, thì liệu trường hợp này có đáng lạc quan hay không?


Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.