Dực dắt nắm bèo tây kín vành mũ nan rồi đội sùm sụp lên đầu, đoạn khom khom người lao theo chiều gió trên bờ ruộng lúa đã lút đầu người ngả bông hoe hoe vàng.... Cậu bò sát tới chú cò bợ đang chân co chân thẳng đứng ngủ gật. Dực chưa kịp túm lấy cẳng cò, cò đã giật mình đạp “phạch” rướn cổ vỗ cánh bay vụt lên... còn làm rơi cục phân trắng xóa lên đầu Dực rồi liệng một vòng bay vút...
Ấy là cái thời còn trẻ con, hàng ngày ông Dực thường lân la rình mò lũ chim chóc trong làng, ngoài đồng rộc... - có thể coi đó là một thú vui mê mẩn của ông. Nhờ thế mà ông nắm rất vững tập tính của từng loại chim. Chỉ riêng chuyện làm tổ, này nhé, chào mào thì thường làm tổ ở các bụi tre, lùm nhãn, còn sáo sậu, sáo đen thì tít trên ngọn cây cao. Các chú chim sâu lích rích bé tí xíu chọn những cành bưởi cành cam cuộn tròn chiếc lá to như bàn tay trẻ con rồi dùng mỏ thay kim, dùi lỗ khâu kín. Chim gáy cũng ưa “đong đưa” trên ngọn tre, tổ làm sơ sài “gió đánh cành tre gió đập cành tre” lắm khi làm rơi cả ổ trứng. Các chú sẻ nâu suốt ngày tha thẩn dưới sân, bên hiên nhà lại chọn mái ngói tạo ra chốn “định cư” kín đáo.
Ngày bé, ông Dực còn tẩn mẩn dò tìm xem loài chim bói cá thường hay ở đâu. Thì ra bói cá làm tổ trong hang đất như hang chuột. Riêng giống vạc, giống giang “giang sơn” ở ngoài cánh đồng, thì chịu, chả biết chúng làm tổ nơi nào. Mùa đông mới thấy chúng mò về kiếm tôm tép như đứa trẻ con lùi lũi đi mò bắt cua. Chim bồ nông dễ chừng to bằng con ngỗng, mỏ dài đến 15 cm, đến tháng 9, tháng 10 nước về ngập đồng chúng nổi bập bềnh trên mặt nước như cái phao, một chốc lại chổng phao câu, rúc cái mỏ dài đến tận bùn mò thức ăn.
Chỉ giống chim cuốc biệt tăm đến mùa hè mới ló mặt, không phải làm tổ ở bụi tre đâu nhé, mà cuốc bẻ gẫy cái cây cỏ, cây lúa rồi khum vào làm tổ, hễ thoáng thấy bóng người là lủi, không bao giờ bay cao. Đích thị họ hàng nhà “lủi”. Tu hú từ đâu đến, cũng chả ai biết, cũng chả ai hỏi chỉ mùa vải mới kéo về. Chùm vải đỏ mọng, còn tu hú thì màu đen tuyền, đuôi dài thượt. Dân gian còn gọi mùa vải là mùa tu hú vì chim tu hú báo tin mùa vải chín rộ. Hồi ấy trẻ con thường nghêu ngao hát “Tu hú là chú bồ các. Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu bồ nông...”. Nghe vô lý. Chứ thực ra bồ các, bồ nông là giống chim gì, chả ai nhìn thấy bao giờ.
Trẻ con thì kháo nhau: Bữa nay chèo bẻo đánh quạ lông bay tơi tả xuống đất. Một lần ông Dực được tận mắt chèo bẻo đánh quạ thật. Quạ bay ngang, chèo bẻo vút lên cao rồi bổ nhào như phi cơ phản lực, chỉ thấy loang loáng cái đuôi đen hình rẻ quạt. Giống quạ chuyên ăn trộm phân lợn và rình bắt gà con từ trên cao, bữa ấy được phen hú vía.
Mùa xuân đến, từng đàn én bay cánh cụp, cánh xòe dập dìu khắp đồng nội.
Ông Dực bảo: Bây giờ ở quê ông họa hoằn chỉ còn đàn chim sẻ và thưa thớt tiếng chào mào, chèo bẻo. Các bờ tre bao quanh làng bị chặt hạ, cò không nơi làm tổ, chỉ còn dăm bẩy con bước thấp, bước cao trên bờ ruộng, dưới rãnh cày... từ đâu về.
Đồng làng liền thửa, rộng thênh thang, phẳng tắp. Mấy chiếc máy cày sơn màu đỏ chót, thân lấm bùn chạy “vè vè” trên đồng, lũ sáo đen líu ríu theo sau cả đàn.
Ông Dực, nheo mắt nhìn theo, lòng hân hoan, nửa vui, nửa buồn, khấp khởi như người bước hụt...
Nguồn Văn nghệ số 16/2018